“2 Nê Phi 32:1–7: ‘Các Người Phải Tiến Tới’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)
“2 Nê Phi 32:1–7”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn
2 Nê Phi 32:1–7
“Hãy Nuôi Dưỡng Những Lời Nói của Đấng Ky Tô”
Hãy tưởng tượng ra một bữa tiệc ăn mừng với rất nhiều món ăn ngon. Em thấy mình đang thưởng thức bữa tiệc này như thế nào? Sau khi dạy cho người dân của mình về việc noi theo Chúa Giê Su Ky Tô trên con đường giao ước, Nê Phi cảm thấy rằng họ vẫn không biết chắc là phải làm gì sau phép báp têm. Ông đã đáp lại bằng cách khuyến khích dân ông “nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô” và đảm bảo với họ rằng những lời của Đấng Cứu Rỗi sẽ chỉ dẫn cho họ tiến bước (2 Nê Phi 32:3). Bài học này nhằm giúp em nuôi dưỡng những lời nói của Chúa Giê Su Ky Tô. (Lưu ý từ ‘nuôi dưỡng’ được dịch từ Tiếng Anh ‘feast’, cũng có nghĩa là ‘ăn tiệc’).
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Đến giờ ăn rồi!
Hãy nhìn vào những hình ảnh sau đây và suy ngẫm về sự tương đồng và khác biệt giữa việc ăn nhẹ, ăn một bữa ăn hoặc ăn tiệc trong một dịp đặc biệt.
-
Em đã nghĩ ra được một số điểm tương đồng và khác biệt nào?
-
Nếu chúng ta so sánh việc nghiên cứu những lời của Đấng Ky Tô với ba cách ăn uống này, mỗi cách có thể tượng trưng cho điều gì?
Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mong muốn ban phước cho em với sự hướng dẫn, chỉ dẫn, giúp đỡ và an ủi. Hãy nghĩ về lần gần đây nhất em đã nghiên cứu những lời của Đấng Cứu Rỗi. Em muốn mô tả kinh nghiệm này là ăn nhẹ, ăn bình thường hay ăn tiệc? Còn trong tuần hoặc tháng vừa qua thì sao? Khi em tiếp tục học, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh để biết rằng làm thế nào mà việc nghiên cứu những lời nói của Đấng Ky Tô là một phước lành trong cuộc sống của em. Đồng thời, hãy tìm kiếm sự soi dẫn để giúp em biết cách cải thiện nỗ lực của mình để nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô.
Những lời nói của Chúa Giê Su Ky Tô
Hãy nhớ lại rằng Nê Phi đã dạy dân ông về “con đường chật và hẹp dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu” và những phẩm chất để bắt đầu cuộc hành trình đó (xin xem 2 Nê Phi 31:17–18). Nê Phi nhận thấy rằng dân ông tự hỏi phải làm gì sau khi nhận được giáo lễ báp têm và cách để tiếp tục đi trên con đường giao ước.
Đọc 2 Nê Phi 32:1–3 và tìm kiếm lời khuyên bảo của Nê Phi về việc nghiên cứu những lời nói của Đấng Ky Tô. Trong khi đọc, hãy suy nghĩ về những mối bận tâm, câu hỏi và nhu cầu của chính em và những lời giảng dạy của Nê Phi có thể mang lại lợi ích như thế nào cho em. Có thể là hữu ích để biết rằng cụm từ “nói được ngôn ngữ của các thiên thần” (2 Nê Phi 32:2) “đơn giản có nghĩa là [để] … nói bằng quyền năng của Đức Thánh Linh” (Boyd K. Packer, “The Gift of the Holy Ghost: What Every Member Should Know”, Ensign, tháng Tám năm 2006, trang 50).
-
Em đã khám phá ra điều gì?
Một lẽ thật mà em có thể đã khám phá ra từ 2 Nê Phi 32:3 là khi chúng ta nuôi dưỡng những lời của Chúa Giê Su Ky Tô, những lời đó sẽ cho chúng ta biết tất cả những điều chúng ta cần phải làm. Cân nhắc đánh dấu lẽ thật này trong thánh thư của em.
-
Chúng ta có thể tìm thấy những lời nói của Chúa Giê Su Ky Tô ở đâu?
-
Em nghĩ tại sao Nê Phi sử dụng từ “nuôi dưỡng” khi mô tả cách chúng ta nên nghiên cứu những lời của Đấng Cứu Rỗi (2 Nê Phi 32:3)?
Đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Takashi Wada thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi. Nếu có, hãy cân nhắc xem sứ điệp của Anh Cả Wada trên trang ChurchofJesusChrist.org từ phút 0:53 đến 1:42.
Lúc còn trẻ, tôi đã nghĩ rằng ăn tiệc chỉ là có một bữa ăn thịnh soạn với cơm, sushi và nước tương. Bây giờ tôi biết việc ăn tiệc thực sự còn có ý nghĩa nhiều hơn là thưởng thức một bữa ăn ngon. Đó là một kinh nghiệm về niềm vui, sự dinh dưỡng, ăn mừng, chia sẻ, bày tỏ tình yêu thương với gia đình và những người thân yêu, truyền đạt lời tạ ơn của chúng ta lên Thượng Đế, và xây đắp các mối quan hệ trong khi thưởng thức những món ăn phong phú, vô cùng ngon miệng. Tôi tin rằng khi nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô, chúng ta nên nghĩ về cùng một kinh nghiệm đó. Nuôi dưỡng thánh thư không chỉ là đọc thánh thư. Mà nó sẽ còn mang lại cho chúng ta niềm vui thực sự và xây đắp mối quan hệ của chúng ta với Đấng Cứu Rỗi. (Takashi Wada, “Nuôi Dưỡng Những Lời Nói của Đấng Ky Tô”, Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 38–39)
-
Em nhận thấy điều gì là nổi bật trong lời phát biểu của Anh Cả Wada?
-
Điều gì giúp em, hoặc có thể đã giúp em, không chỉ đọc những lời nói của Đấng Ky Tô mà còn nuôi dưỡng những lời nói đó?
-
Hãy nhớ lại những điều em biết về Chúa Giê Su Ky Tô, tại sao những lời nói của Ngài có thể mang lại những cảm nghĩ vui vẻ, sự nuôi dưỡng và tình thương yêu?
-
Làm thế nào mà việc nuôi dưỡng lời của Đấng Cứu Rỗi có thể mang lại sự hướng dẫn cho cuộc sống của em và cho em biết nên làm gì?
ChurchofJesusChrist.org
Việc suy ngẫm những kinh nghiệm của chính em có thể giúp em nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô.
Có nhiều phương pháp học tập có thể hữu ích để cải thiện việc nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô, bao gồm cầu xin sự soi dẫn trước khi em học, đặt ra những câu hỏi em có trước và trong khi học, định nghĩa các từ ngữ, suy ngẫm, tham khảo chéo, ghi chú, tìm kiếm những lẽ thật về Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi, và áp dụng thánh thư vào cuộc sống của riêng chúng ta (Xin xem 1 Nê Phi 19:23).
-
Em đã có những ấn tượng chung hoặc hướng dẫn cụ thể nào trong khi nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô?
Nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô
Sử dụng những điều em đã học được ngày hôm nay, hãy dành vài phút để tập nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô. Điều này có thể bao gồm học tập thánh thư hoặc những lời của các vị tiên tri. Cố gắng hoàn thành một hoặc nhiều điều sau đây trong khi em nuôi dưỡng:
-
Xây đắp mối quan hệ của em với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Thương yêu và tin cậy Hai Ngài nhiều hơn.
-
Tìm kiếm những lẽ thật mang lại niềm vui và sự nuôi dưỡng cho em.
-
Nhận hướng dẫn cho những điều em nên làm trong cuộc sống.
Hãy ghi lại một số điều em đã học được, cảm nhận và trải nghiệm trong khi nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô.