Lớp Giáo Lý
Mô Si A 3:1–17: Sự Cứu Rỗi qua Chúa Giê Su Ky Tô


“Mô Si A 3:1–17: Sự Cứu Rỗi qua Chúa Giê Su Ky Tô”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Mô Si A 3:1–17”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Mô Si A 3:1–17

Sự Cứu Rỗi qua Chúa Giê Su Ky Tô

Chúa Giê Su Ky Tô

Trong suốt lịch sử, các thiên sứ đã viếng thăm thế gian để làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và tuyên bố “tin lành vui mừng lớn lao” (Mô Si A 3:3; An Ma 13:22; Hê La Man 16:14). Vua Bên Gia Min đã nhận được một chuyến viếng thăm như vậy. Ông đã chia sẻ với dân của mình chứng ngôn của vị thiên sứ về Chúa Giê Su Ky Tô, những điều mà Đấng Cứu Rỗi sẽ trải qua, và lẽ thật rằng sự cứu rỗi chỉ đến qua danh của Đấng Ky Tô. Bài học này có thể giúp em hiểu tầm quan trọng của những điều Chúa Giê Su Ky Tô đã làm để em có thể được cứu rỗi.

Giúp học viên học cách suy ngẫm.“Suy ngẫm” có nghĩa là ngẫm nghĩ hoặc suy nghĩ sâu về một điều gì đó, và thường bao gồm cả việc cầu nguyện. Khi học viên học cách suy ngẫm trong quá trình học tập thánh thư cá nhân, Thánh Linh sẽ mặc khải lẽ thật cho các em và giúp các em biết cách để có thể trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

Học viên chuẩn bị: Anh chị em có thể mời học viên thảo luận với một người trong gia đình, bạn bè hoặc vị lãnh đạo Giáo Hội về những phước lành chỉ có thể có được nhờ Chúa Giê Su Ky Tô.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Tin lành vui mừng lớn lao

Cân nhắc trưng ra một hình ảnh của các thiên sứ đang loan báo về sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi.

  • Em có thể nghĩ về những lần thiên sứ hiện đến thế gian để làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô không?

Một ví dụ là trong Lu Ca 2:10–12. ChurchofJesusChrist.org

2:50

Một thiên sứ cũng hiện đến cùng Vua Bên Gia Min. Đọc Mô Si A 3:3–4, tìm kiếm sự tương đồng giữa những điều thiên sứ nói với những người chăn chiên và những điều thiên sứ nói với Vua Bên Gia Min.

  • Em biết điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô mà sẽ được xem là “tin lành vui mừng lớn lao”?

Trong bài giảng cho dân của ông trong Mô Si A 3:1–17, Vua Bên Gia Min đã chia sẻ một phần sứ điệp của vị thiên sứ. Sứ điệp này đề cập đến cuộc sống và sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô, cách họ có thể nhận được niềm vui và những điều Chúa Giê Su ban cho mà không ai khác có thể làm được.

Sự cứu rỗi đến chỉ nhờ một danh xưng duy nhất

Đọc Mô Si A 3:17, tìm kiếm những điều Chúa Giê Su Ky Tô ban cho.

  • Em có thể nhận ra lẽ thật nào từ câu 17?

Học viên có thể nhận ra nhiều lẽ thật khác nhau—ví dụ, sự cứu rỗi chỉ đến qua Chúa Giê Su Ky Tô. Cảm ơn học viên vì đã chia sẻ những lẽ thật mà các em đã tìm thấy, và cân nhắc viết một hoặc nhiều lẽ thật lên trên bảng.

Hãy đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, tìm kiếm xem Chúa Giê Su Ky Tô cứu chúng ta khỏi điều gì:

Chúa và Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta, qua ân tứ không kể xiết của Sự Chuộc Tội của Ngài, không chỉ giải cứu chúng ta khỏi cái chết và ban cho chúng ta, qua sự hối cải, sự tha thứ các tội lỗi của chúng ta, nhưng Ngài cũng sẵn sàng giải cứu chúng ta khỏi nỗi buồn rầu và đau đớn của tâm hồn bị tổn thương của chúng ta. (Neil L. Andersen, “Bị Tổn Thương”, Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 85)

Những câu hỏi sau đây nhằm giúp học viên cảm thấy các em cần Đấng Cứu Rỗi. Mời học viên thầm suy ngẫm về câu trả lời của mình. Tìm kiếm sự hướng dẫn từ Thánh Linh để biết những cách thức khác anh chị em có thể giúp học viên cảm nhận được chính bản thân các em cần có Chúa Giê Su Ky Tô.

Hãy nghĩ về những điều mà em cần được cứu rỗi. Có những tội lỗi mà em đang phấn đấu để khắc phục không? Em có đang trải qua những nỗi buồn hay nỗi đau nào không? Trong khi nghiên cứu Mô Si A 3, hãy tìm kiếm sự soi dẫn qua Đức Thánh Linh để giúp em biết cách mình có thể nhận được sự cứu rỗi mà Chúa Giê Su Ky Tô ban cho.

Đọc Mô Si A 3:5–10, tìm kiếm những điều Chúa Giê Su Ky Tô đã làm để em có thể được cứu rỗi. Dành thời gian để đọc từ từ và suy ngẫm. Suy ngẫm là một cách để mời Đức Thánh Linh giảng dạy cho em. Em có thể muốn viết ra những ý tưởng và suy nghĩ vào thánh thư hoặc nhật ký ghi chép việc học tập của mình.

Đảm bảo học viên có đủ thời gian để đọc và suy ngẫm thánh thư. Khi một số học viên đọc xong trước những em khác, hãy cân nhắc mời các em đó đọc lại một số câu nhất định, tra cứu cước chú hoặc dành nhiều thời gian hơn để suy ngẫm.

Sau khi đã thấy có đủ thời gian, khuyến khích học viên chia sẻ những điều đã gây ấn tượng với các em trong khi học tập. Cân nhắc sử dụng một số hoặc tất cả các câu hỏi sau. Anh chị em cũng có thể mời học viên nêu ra những thắc mắc về các câu thánh thư.

  • Em có những ấn tượng gì khi nghiên cứu những câu này?

  • Em thấy một số cụm từ nào trong những câu này nổi bật đối với mình?

  • Em đã tìm thấy điều gì khiến em hân hoan?

ChurchofJesusChrist.org

2:21

Cân nhắc chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân hoặc chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi và sự cứu rỗi mà Ngài ban cho. Mời những học viên nào sẵn sàng để lên chia sẻ những kinh nghiệm và chứng ngôn của các em.

Đọc Mô Si A 3:11–13, tìm kiếm những điều em cần làm để nhận được niềm vui và sự cứu rỗi qua Chúa Giê Su Ky Tô. Đọc chậm rãi và suy ngẫm về những câu này. Những câu hỏi sau đây có thể giúp em suy ngẫm.

Sử dụng một số câu hỏi dưới đây hoặc các câu hỏi khác mà anh chị em cảm thấy được soi dẫn để hỏi, để giúp học viên thảo luận về niềm vui có thể đến từ sự hối cải. Anh chị em cũng có thể chia sẻ lời phát biểu của Anh Cả Dale G. Renlund về niềm vui và sự hối cải trong phần “Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin Tham Khảo”.

Học viên có thể có lợi ích từ việc nhận ra nguyên tắc sau: Nếu chúng ta thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải, thì chúng ta có thể được cứu khỏi những tội lỗi của mình và hân hoan với niềm vui vô cùng lớn lao.

  • Em đã học được hoặc cảm nhận điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô khiến em có động lực để hối cải?

  • Em nghĩ tại sao sự xá miễn các tội lỗi mang lại niềm vui?

Nhớ lại những điều em cần được cứu rỗi. Hãy nghĩ về những điều em đã học được trong Mô Si A 3 và những ấn tượng em đã nhận được từ Thánh Linh. Hãy cố gắng thực hành đức tin, hối cải và tin nơi Đấng Ky Tô để em có thể nhận được sự trợ giúp của Đấng Cứu Rỗi và niềm vui đến từ việc được tha thứ.