Lớp Giáo Lý
An Ma 7:1–13: Rằng Ngài Có Thể Giúp Đỡ Dân Ngài


“An Ma 7:1–13: Rằng Ngài Có Thể Giúp Đỡ Dân Ngài”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“An Ma 7:1–13”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

An Ma 7:1–13

Rằng Ngài Có Thể Giúp Đỡ Dân Ngài

Đấng Cứu Rỗi ban cho sự giúp đỡ

Công việc và vinh quang của Thượng Đế là “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39). Để thực hiện điều này, Ngài đã gửi Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đến để chịu thống khổ vì những tội lỗi của chúng ta và chiến thắng cái chết qua Sự Phục Sinh của Ngài. Đấng Cứu Rỗi sẵn lòng chịu đựng mọi điều cho chúng ta “để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ” (An Ma 7:12). Bài học này có thể giúp em trông cậy Đấng Cứu Rỗi và cảm nhận tình thương yêu lớn lao hơn dành cho Ngài.

Giúp học viên nhận ra ảnh hưởng của Đức Thánh Linh.Đức Thánh Linh thường truyền đạt qua những cảm nghĩ yêu thương, vui mừng và bình an (xin xem Ga La Ti 5:22–23). Ngài cũng làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Giăng 15:26). Hãy tìm kiếm các cơ hội tự nhiên để giúp học viên hiểu được mối liên quan giữa những cảm nghĩ của các em và ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Hãy nhớ rằng không phải tất cả học viên đều sẽ cảm nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh theo cùng một cách.

Học viên chuẩn bị: Hãy cân nhắc mời học viên nghiên cứu An Ma 7:11–13 và tìm trong những câu này những điều Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đựng qua Sự Chuộc Tội của Ngài và lý do Ngài phải chịu đựng những điều này.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Những điều quan trọng nhất

Anh chị em có thể tạo bản liệt kê và bảng xếp hạng sau đây cùng cả lớp, hoặc anh chị em có thể yêu cầu học viên tạo một bản liệt kê với một người bạn hoặc theo nhóm nhỏ và so sánh những câu trả lời khác nhau.

Tạo một bản liệt kê một số sự kiện mà anh chị em cho là quan trọng nhất trong lịch sử thế gian, và sau đó xếp hạng các sự kiện đó theo thứ tự từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất.

  • Điều gì làm cho một sự kiện có ý nghĩa hoặc quan trọng?

  • Tại sao việc xếp hạng các sự kiện theo thứ tự mức độ quan trọng có thể hơi khó thực hiện?

Khi An Ma nói chuyện với dân chúng ở xứ Ghê Đê Ôn, ông đã tiên tri rằng mặc dù “sẽ có nhiều sự việc xảy đến; … sẽ có một việc quan trọng” hơn hết thảy (An Ma 7:7).

Hãy đọc An Ma 7:7, tìm kiếm sự kiện quan trọng nhất này. Cân nhắc đánh dấu những điều em tìm thấy.

  • Em nghĩ tại sao sự giáng lâm của Đấng Cứu Rỗi luôn luôn là sự kiện quan trọng nhất trong mọi thời đại?

Cân nhắc mời học viên ghi lại những suy nghĩ của các em về điều sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập.

Sau khi An Ma nói chuyện với dân Gia Ra Hem La và thiết lập trật tự trong Giáo Hội ở vùng đất đó (xin xem An Ma 6), ông đã đi đến xứ Ghê Đê Ôn. An Ma 7 có những lời dạy quan trọng của An Ma dành cho dân Ghê Đê Ôn về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Trước khi em bắt đầu nghiên cứu, hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm xem Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô liên quan như thế nào đến cuộc sống của em. Em hiện đang đối mặt với hoàn cảnh nào mà cần đến sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi?

Trong khi học hôm nay, hãy tìm kiếm những lời dạy về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài mà có thể giúp em hiểu rõ hơn về những điều Ngài đã làm cho em và cách Ngài có thể giúp em.

An Ma dạy về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi

Cân nhắc mời học viên sao chép bảng biểu sau đây vào nhật ký ghi chép việc học tập. Ngoài ra, anh chị em có thể trưng ra hoặc chép bảng biểu đó lên trên bảng để cả lớp có thể cùng nhau điền vào.

Điều mà Đấng Cứu Rỗi đã chịu đựng vì tôi

Tại sao Đấng Cứu Rỗi đã chịu đựng vì tôi

An Ma 7:11–13 là một đoạn thông thạo giáo lý. Cân nhắc đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách đặc biệt để em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó. Trong bài học tiếp theo, em sẽ có cơ hội thực hành áp dụng giáo lý được dạy trong đoạn này vào một câu hỏi hoặc một tình huống.

Đọc An Ma 7:11–13, tìm kiếm những lời dạy của An Ma về những điều mà Chúa Giê Su Ky Tô phải chịu đựng hoặc mang lấy vì em như một phần Sự Chuộc Tội của Ngài. Ghi lại những điều đó ở cột đầu tiên trên bảng biểu của em. Có thể là hữu ích khi biết rằng từ những sự yếu đuối muốn nói đến những yếu đuối và khiếm khuyết mà chúng ta trải qua trong cuộc sống trần thế.

Nếu anh chị em chọn sử dụng bảng biểu trên bảng, thì hãy cân nhắc mời học viên ghi lại những điều các em đã tìm thấy từ những câu này trong bảng biểu đó. Sau đó, mời các em đọc các đoạn thánh thư sau đây và ghi lại các chi tiết bổ sung mà các em biết về sự thống khổ của Đấng Cứu Rỗi.

Đọc 2 Nê Phi 9:21; Mô Si A 3:5–8; và Giáo Lý và Giao Ước 19:16–19. Những đoạn này bao gồm các chi tiết khác về sự thống khổ của Đấng Cứu Rỗi. Thêm bất kỳ từ hoặc cụm từ nào mà em thấy quan trọng vào cột đầu tiên trong bảng biểu của mình. Cân nhắc thêm phần tham khảo chéo hoặc liên kết từ những đoạn này với An Ma 7:11–13.

  • Em đã có những suy nghĩ hoặc cảm nhận nào khi học về sự thống khổ của Đấng Cứu Rỗi?

  • Em nghĩ tại sao là quan trọng để hiểu được những điều Đấng Cứu Rỗi đã phải chịu đựng và mang lấy như là một phần của sự hy sinh chuộc tội của Ngài?

Tại sao Chúa Giê Su Ky Tô phải chịu đựng những điều này

Đọc lại An Ma 7:11–13, lần này tìm kiếm lý do tại sao Đấng Cứu Rỗi đã chịu đau khổ vì em. Tập trung vào các cụm từ bắt đầu bằng “để Ngài” hoặc “để cho” hoặc “ngõ hầu” khi em đọc. Trong cột thứ hai trên bảng biểu của mình, hãy viết những điều em tìm thấy.

  • Em đã học được điều gì về lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô chịu đựng những điều này vì em?

    Học viên có thể ghi lại câu trả lời của các em cho câu hỏi trước đó trong bảng biểu trên bảng.

  • Em sẽ tóm tắt những điều đã học trong An Ma 7:11–13 thành một lời phát biểu về lẽ thật như thế nào?

Từ An Ma 7:11–13, em có thể đã nhận ra một lẽ thật như sau: Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu thống khổ để cứu tôi khỏi tội lỗi và cái chết, đồng thời giúp tôi vượt qua những thử thách của cuộc sống trần thế.

Cân nhắc viết lẽ thật này lên trên bảng.

Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã chia sẻ một số thử thách trên cuộc sống trần thế mà Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta. Đọc lời phát biểu sau đây hoặc xem video “Được Củng Cố bởi Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô”, trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ phút 3:13 đến 4:01.

15:54

Đấng Cứu Rỗi đã trải qua và chịu đựng mọi thử thách trọn vẹn trên trần thế “theo thể cách xác thịt” để Ngài có thể “theo thể cách xác thịt” mà biết được cách “giúp đỡ [có nghĩa là cứu giúp] dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ”. Do đó, Ngài biết những nỗi khó khăn vất vả, đau lòng, cám dỗ, và đau khổ của chúng ta, vì Ngài sẵn lòng trải qua tất cả những điều đó với tính cách là một phần thiết yếu của Sự Chuộc Tội của Ngài. Và nhờ vào điều này, Sự Chuộc Tội của Ngài cho Ngài quyền năng để giúp đỡ chúng ta–cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng tất cả. (Dallin H. Oaks, “Được Củng Cố bởi Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô”, Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 61–62)

  • Lời phát biểu này giúp em hiểu hoặc cảm nhận điều gì về Đấng Cứu Rỗi?

Liên hệ điều đó với cuộc sống của em

Giúp học viên liên hệ những điều các em đã học được trong bài học này với cuộc sống của các em. Một cách để thực hiện điều này có thể là cho các em thời gian để suy ngẫm và tự mình hoàn thành những điều sau đây.

Hãy suy ngẫm một lúc về những điều Đấng Cứu Rỗi đã chịu đựng vì cá nhân em. Ví dụ, em đang hoặc đã trải qua những đau khổ, cám dỗ, yếu đuối hoặc thống khổ cụ thể nào? Cân nhắc viết những suy nghĩ của em vào bên dưới bảng biểu của mình.

Tiếp theo, hãy thành tâm suy ngẫm về cách Đấng Cứu Rỗi đã củng cố hoặc có thể củng cố em trong từng khó khăn này. Hãy cầu xin Cha Thiên Thượng soi dẫn cho em khi em viết ra những suy nghĩ và cảm nhận của mình.

Cân nhắc mời những học viên tình nguyện để chia sẻ một số hiểu biết sâu sắc mà các em đã ghi lại. Cũng có thể sử dụng những câu hỏi sau đây để hướng dẫn một cuộc thảo luận trong lớp. Trước khi đặt ra câu hỏi đầu tiên, hãy cân nhắc chia sẻ một ví dụ cá nhân từ cuộc sống của anh chị em. Khi yêu cầu học viên chia sẻ, hãy nhắc các em không chia sẻ những kinh nghiệm có thể quá riêng tư hoặc quá thiêng liêng.

  • Khi nào em cảm nhận được sức mạnh mà Chúa Giê Su Ky Tô ban cho qua Sự Chuộc Tội của Ngài?

  • Hôm nay em đã học hoặc cảm nhận được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô mà em muốn ghi nhớ?

Hãy làm chứng về những lẽ thật mà em đã thảo luận hôm nay.