Lớp Giáo Lý
An Ma 36: “Cha Không Còn Nhớ Đến Những Sự Đau Đớn Nữa”


“An Ma 36: ‘Cha Không Còn Nhớ Đến Những Sự Đau Đớn Nữa’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“An Ma 36”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

An Ma 36

“Cha Không Còn Nhớ Đến Những Sự Đau Đớn Nữa”

em thiếu nữ vui tươi

Việc chia sẻ những kinh nghiệm thuộc linh dịu dàng với những người chúng ta yêu thương có thể là một nguồn sức mạnh cho họ và cho chúng ta. Khi nói chuyện với con trai Hê La Man của mình, An Ma đã kể lại trải nghiệm của ông khi nhìn thấy một thiên sứ, cảm nhận được sự dày vò của tội lỗi và tìm thấy sự giải thoát nhờ Chúa Giê Su Ky Tô. Bài học này nhằm giúp em tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô trong đức tin và cảm nhận niềm vui về sự giải thoát của Ngài.

Kỹ năng học tập—đánh dấu các đoạn. Việc đánh dấu các câu thánh thư có thể giúp học viên tạo ra những kết nối có ý nghĩa và ghi nhớ những gì các em học được. Các em có thể gạch chân, tô bóng hoặc ghi lại các từ hoặc cụm từ then chốt. Các phiên bản điện tử của thánh thư có các công cụ hữu ích để đánh dấu thánh thư.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên chuẩn bị trước khi đến lớp để chia sẻ ví dụ về một người đã tìm thấy sự bình an nơi Đấng Ky Tô sau khi chịu đau khổ trong một thời gian. Điều gì đã giúp người này tìm thấy sự bình an?

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Những sự đối lập

Để bắt đầu bài học này, hãy giúp học viên suy ngẫm về sự thay đổi thuộc linh và điều mà đã tạo điều kiện cho sự thay đổi đó. Một cách để thực hiện điều này là viết các từ sau đây lên trên bảng và yêu cầu học viên viết từ trái nghĩa với mỗi từ đó.

  • Sự đau đớn →

  • Sự hối tiếc →

  • Nỗi buồn →

Hãy suy ngẫm khi em có thể đã phạm lỗi và trải qua một cảm giác được viết ở bên trái. Cảm giác đó đã bao giờ trở thành những cảm giác em đã liệt kê ở bên phải chưa? Điều gì đã xảy ra để làm cho sự chuyển đổi đó khả thi?

Sau khi thảo luận những điều ở trên, anh chị em có thể chỉ ra rằng khi có những cảm giác tiêu cực do tội lỗi, chỉ có Chúa mới có thể giúp chúng ta biến đổi những cảm giác đó thành những cảm giác đối lập tích cực.

Hãy cho học viên cơ hội im lặng suy ngẫm về cách Chúa đã giúp các em thay đổi khi các em phạm tội. Trưng ra bản tự đánh giá sau đây và yêu cầu học viên ghi lại vào nhật ký ghi chép việc học tập bất kỳ ấn tượng nào mà các em có trong khi suy ngẫm. Đó có thể là những câu hỏi, cảm nhận hoặc sự thúc giục để hành động.

Hãy suy nghĩ xem các câu sau đây đúng với em như thế nào:

  • Khi tôi phạm lỗi, tôi biết cách tìm đến Chúa để nhận được sự tha thứ, bình an và hy vọng.

  • Tôi tin rằng với sự giúp đỡ của Chúa, tôi có thể thay đổi.

  • Tôi thường tìm đến Chúa để cầu xin sự giúp đỡ này.

Hôm nay, em sẽ nghiên cứu xem cảm giác đau đớn sâu sắc của An Ma Con đối với tội lỗi của mình đã được chuyển sang cảm giác vui mừng và bình an như thế nào khi ông kêu cầu lên Đấng Cứu Rỗi. Khi nghiên cứu, hãy tìm hiểu cách em có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để vượt qua tội lỗi và những ảnh hưởng của nó, đồng thời trải qua niềm vui nhờ Chúa Giê Su Ky Tô.

Sự thay đổi mạnh mẽ của An Ma

Sau khi chối bỏ phúc âm đã được giảng dạy cho mình, dân Giô Ram gia nhập với dân La Man để kích động họ tức giận chống lại dân Nê Phi. Sau đó, dân Giô Ram và dân La Man tấn công dân Nê Phi, gây ra một cuộc đại chiến. Nhiều người dân Nê Phi cũng “đã bắt đầu trở nên chai đá” chống lại lời của Thượng Đế (An Ma 35:15). Để đối phó với sự sa sút về mặt thuộc linh của dân Nê Phi, An Ma đã tập hợp các con trai của mình lại để “trao cho mỗi người một nhiệm vụ riêng biệt, có liên quan tới những điều thuộc về sự ngay chính” (An Ma 35:16). Đầu tiên, ông nói chuyện với con trai Hê La Man và kể lại kinh nghiệm cải đạo của ông.

Trưng ra hình ảnh sau đây. Mời học viên làm việc với một người bạn cùng cặp để trả lời câu hỏi tiếp theo.

Một lựa chọn khác là viết những từ tương tự như sau lên trên bảng: An Ma, con trai của Mô Si A, hủy hoại giáo hội, thiên sứ, ba ngày. Sau đó, yêu cầu các cặp kể lại câu chuyện bằng cách sử dụng từng từ hoặc cụm từ này.

sự cải đạo của An Ma Con
  • Em nhớ điều gì về An Ma Con và những điều được mô tả trong bức tranh này?

Hãy đọc An Ma 36:6–11 và tìm kiếm các chi tiết mà em có thể đã bỏ lỡ.

  • Em nghĩ tại sao những lời của thiên sứ có ảnh hưởng mạnh mẽ như vậy đối với An Ma?

  • Ngoài việc nhìn thấy một thiên sứ, điều gì có thể khiến một người nhận ra rằng anh ấy hoặc cô ấy cần phải thay đổi?

Anh chị em có thể muốn giúp học viên hiểu được giá trị của việc đánh dấu thánh thư và khuyến khích các em luyện tập kỹ năng này trong bài học. Nếu có tùy chọn này thì hãy cân nhắc trưng ra một phiên bản thánh thư điện tử hoặc một quyển thánh thư giấy và trình bày những cách đánh dấu các đoạn thánh thư.

Đối với sinh hoạt sau đây, hãy cân nhắc mời học viên đánh dấu các từ và cụm từ theo nhiều cách khác nhau. Cân nhắc thực hiện cùng với cả lớp bộ câu đầu tiên để làm mẫu sinh hoạt này cho các em. Sau đó, học viên có thể tự thực hiện việc đánh dấu với các bộ câu thứ hai và thứ ba. Sau khi hoàn thành, các em có thể chia sẻ với người bạn cùng nhóm hoặc với cả lớp những điều các em đã tìm thấy và cách đánh dấu phần đó.

Hãy đọc phần mô tả của An Ma trong các bộ câu sau đây về những điều ông đã trải qua và cảm nhận trong ba ngày nằm bất động. Cân nhắc đánh dấu những điều được gợi ý.

  • An Ma 36:12–16: những từ hoặc cụm từ mô tả cảm nhận của An Ma về tội lỗi của ông

  • An Ma 36:17–18: những từ hoặc cụm từ chỉ ra những điều An Ma đã nhớ và đã làm mà dẫn đến sự thay đổi của ông

  • An Ma 36:19–21: những từ hoặc cụm từ mô tả việc An Ma cảm nhận điều gì đó trái ngược hoặc tương phản với những gì ông đã trải qua ban đầu

Tạo cơ hội cho học viên chia sẻ những điều các em đã nhận thấy hoặc học được khi nghiên cứu câu 12–21. Nếu cần thiết, hãy cân nhắc đặt ra một câu hỏi như “Em đã nhận thấy điều gì qua việc so sánh những cảm xúc của An Ma trước và sau khi ông thay đổi?” Anh chị em cũng có thể đặt ra một số câu hỏi sau đây.

  • Điều gì gây ấn tượng cho em về nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi của An Ma?

  • Chúng ta có thể học được những lẽ thật nào từ kinh nghiệm của ông?

Một lẽ thật mà chúng ta có thể học được là Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng giải cứu chúng ta khỏi nỗi đau đớn đến từ tội lỗi và làm cho chúng ta đầy dẫy niềm vui.

  • An Ma đã mời gọi quyền năng giải cứu của Đấng Cứu Rỗi bằng cách nào?

Những lời phát biểu sau đây có thể giúp học viên hiểu thêm về lẽ thật được in đậm. Anh chị em cũng có thể mời học viên nghiên cứu câu 24–26 và tìm kiếm những cách thức An Ma đã thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Chủ Tịch Boyd K. Packer (1924–2015) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích:

Các anh chị em không cần phải biết hết tất cả trước khi quyền năng của Sự Chuộc Tội có tác động đến các anh chị em. Hãy có đức tin nơi Đấng Ky Tô; quyền năng này bắt đầu hoạt động ngay cái ngày các anh chị em cầu xin! (Boyd K. Packer, “Washed Clean”, Ensign, tháng Năm năm 1997, trang 10)

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Khi thành thật thú nhận các tội lỗi của mình, phục hồi lại những gì có thể phục hồi cho người bị xúc phạm và từ bỏ tội lỗi bằng cách tuân giữ các giáo lệnh, thì chúng ta đang ở trong tiến trình tiếp nhận sự tha thứ. Với thời gian, chúng ta sẽ cảm thấy nỗi thống khổ buồn phiền của mình lắng xuống, [được] “cất bỏ tội lỗi khỏi trái tim của chúng ta” và [được] mang đến “sự yên ổn trong lương tâm”. (Neil L. Andersen, “Hối Cải … Để Ta Có Thể Chữa Lành cho Các Ngươi”, Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 42)

  • Em đã có thêm những hiểu biết sâu sắc nào từ những lời phát biểu này?

Có thể là hữu ích khi chỉ ra rằng sự giúp đỡ từ Chúa Giê Su Ky Tô có thể bắt đầu ngay từ lúc chúng ta cầu xin nhưng quá trình hối cải và cảm thấy được tha thứ có thể diễn ra dần dần.

Cân nhắc cho học viên thảo luận theo nhóm nhỏ hoặc theo cặp về cách các em sẽ phản ứng trong các tình huống sau đây.

Em sẽ nói gì với một bạn thiếu niên mà:

  • Cảm thấy hối tiếc và đau đớn khủng khiếp vì những tội lỗi của mình.

  • Cảm thấy các tội lỗi của mình không phải là tồi tệ và sẽ tự mình giải quyết chúng theo thời gian mà không cần hối cải.

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về hoàn cảnh của riêng em và bài học hôm nay có thể áp dụng như thế nào cho cuộc sống của em. Suy ngẫm một điều em có thể làm hôm nay để tìm đến Đấng Cứu Rỗi và mời gọi quyền năng giải cứu của Ngài vào cuộc sống của em.

Hãy cân nhắc chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về việc anh chị em đã được ban phước như thế nào nhờ quyền năng chữa lành của Đấng Cứu Rỗi và sự tin cậy của anh chị em vào mong muốn của Ngài để mang lại sự bình an và niềm vui trong cuộc sống của học viên.