Lớp Giáo Lý
Hê La Man 11–12: Chu Kỳ của Tính Kiêu Căng


“Hê La Man 11–12: Chu Kỳ của Tính Kiêu Căng”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Hê La Man 11–12”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Hê La Man 11–12

Chu Kỳ của Tính Kiêu Căng

em thiếu niên khiêm nhường tìm kiếm Thượng Đế

Một trong những khuôn mẫu xuyên suốt Sách Mặc Môn là con người có xu hướng quên Thượng Đế và trở nên kiêu căng khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp đối với họ. Trái lại, con người có khuynh hướng khiêm nhường hạ mình và tìm đến Thượng Đế khi mọi sự trở nên khó khăn. Em có nhận thấy khuôn mẫu này trong xã hội hay trong cuộc sống của mình chưa? Bài học này có thể giúp em cảm thấy có ước muốn lớn hơn để gia tăng sự khiêm nhường trước Thượng Đế.

Hãy giúp học viên học từ các khuôn mẫu trong thánh thư. Có những khuôn mẫu xuyên suốt thánh thư về các thái độ và hành vi, các chủ đề giáo lý và ngôn ngữ thánh thư. Bằng cách nhấn mạnh vào các khuôn mẫu này, anh chị em có thể giúp học viên nhận ra giáo lý và các nguyên tắc quan trọng. Hãy khuyến khích các em áp dụng những điều các em học được với sự trợ giúp của các khuôn mẫu này.

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Các khuôn mẫu

Hãy xem những con số sau đây. Trong 30 giây, hãy tìm càng nhiều số càng tốt theo thứ tự, bắt đầu bằng “1”.

Sinh hoạt sau đây nhằm để minh họa cho giá trị của việc xác định các khuôn mẫu. Hãy trưng ra hình ảnh hoặc viết các số lên trên bảng, theo khuôn mẫu được giải thích dưới đây.

trường số từ 1 đến 50
  • Em có thể tìm được bao nhiêu con số trong 30 giây? Em có nhận thấy một khuôn mẫu của vị trí các con số không?

Nếu học viên nhận thấy một khuôn mẫu, thì hãy mời các em chia sẻ khuôn mẫu đó. Nếu học viên không nhận thấy khuôn mẫu được mô tả trong đoạn sau, thì hãy dạy cho các em. Hãy chỉ ra một vài số đầu tiên theo thứ tự làm ví dụ.

Có một khuôn mẫu cho các con số trên bảng biểu. Nếu em vạch một đường dọc và đường ngang ở giữa bảng biểu để tạo bốn góc phần tư bằng nhau, thì em sẽ thấy rằng các số tuân theo một khuôn mẫu xuôi chiều kim đồng hồ, như mũi tên hiển thị. Ví dụ: “1” ở góc phần tư trên cùng bên trái, “2” ở góc trên cùng bên phải, v.v.

trường số từ 1 đến 50 với khuôn mẫu được cho thấy

Hãy dành thêm 30 giây để thực hiện lại thử thách và xem sự khác biệt khi em đi theo khuôn mẫu.

Anh chị em có thể muốn mời học viên chia sẻ xem các em có cải thiện không và cải thiện bao nhiêu.

  • Giá trị của việc xác định các khuôn mẫu như thế này là gì?

Việc có thể xác định các khuôn mẫu là một kỹ năng có thể nâng cao khả năng học tập thánh thư của em. Điều này có thể giúp em áp dụng tốt hơn những điều trong thánh thư vào cuộc sống của mình.

Trong bài học hôm nay, em sẽ tìm hiểu về một khuôn mẫu thường được gọi là chu kỳ của tính kiêu căng. Khi em nghiên cứu, hãy suy nghĩ về mẫu mực đó có thể xảy ra trong cuộc sống của chính em như thế nào và những gì em có thể làm để tránh tính kiêu căng và gia tăng tính khiêm nhường.

Chu kỳ của tính kiêu căng

Em có thể nhớ rằng tiên tri Nê Phi rất siêng năng và chỉ tìm cách làm theo ý muốn của Chúa. Kết quả là, Chúa đã ban cho ông quyền năng lớn lao và hứa rằng “mọi việc cũng sẽ được thực hiện theo như lời nói của [ông]” (Hê La Man 10:5). Các sự kiện xảy ra sau khi Nê Phi được ban cho quyền năng này có thể giúp chúng ta thấy một ví dụ về chu kỳ của tính kiêu căng giữa dân Nê Phi.

Cân nhắc trưng ra sơ đồ sau đây và mời học viên vẽ một điều gì đó tương tự trong nhật ký ghi chép việc học tập của các em.

sơ đồ chu kỳ của tính kiêu căng

Cân nhắc chia học viên thành các nhóm bốn người. Hãy yêu cầu mỗi học viên hoàn thành sinh hoạt sau đây cho một trong các giai đoạn của chu kỳ của tính kiêu căng. Sau đó, học viên có thể chia sẻ những phát hiện của các em với các thành viên trong nhóm và đánh dấu thánh thư của mình cho từng giai đoạn trong chu kỳ của tính kiêu căng. Các nhóm cũng có thể thảo luận về câu hỏi tiếp theo.

Hãy đọc các đoạn thánh thư trong sơ đồ, bắt đầu với Hê La Man 10:13–15. Hãy tìm kiếm những từ hoặc cụm từ mô tả giai đoạn trong chu kỳ của tính kiêu căng mà dân chúng đang rơi vào lúc đó. Cân nhắc đánh dấu những từ và cụm từ đó và viết tên của giai đoạn vào lề thánh thư bên cạnh các câu tương ứng.

  • Tại sao có thể là hữu ích cho chúng ta để biết đến khuôn mẫu này?

Hãy nghĩ xem em nhìn thấy bản thân mình ở đâu trong khuôn mẫu này. Khi tiếp tục nghiên cứu, hãy suy ngẫm về cách em có thể gia tăng sự khiêm nhường và lòng trông cậy nơi Chúa.

Học hỏi từ chu kỳ của tính kiêu căng

Thay vì tóm tắt các câu sau đây, anh chị em có thể mời một vài học viên tình nguyện đọc to các câu đó cho cả lớp nghe.

Sau khi Chúa cất đi nạn đói, thì dân chúng được thịnh vượng. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài năm, dân chúng lại trở nên kiêu căng và trải qua chiến tranh và cảnh thống khổ (xin xem Hê La Man 11:21–33). Họ được khích lệ để nhớ đến Thượng Đế nhưng nhanh chóng sa ngã vào tính kiêu căng và sự tà ác một lần nữa (xin xem Hê La Man 11:34–38).

Em có thể đã nhận thấy từ việc nghiên cứu Sách Mặc Môn của mình rằng có những trường hợp khi tiên tri Mặc Môn tạm dừng lời kể của ông về một số câu chuyện nhất định để nêu ra những bài học mà chúng ta có thể học được. Ông thường sử dụng các cụm từ như “do đó chúng ta thấy” hoặc “do đó mà chúng ta có thể thấy được”.

Viết cụm từ Và do đó chúng ta có thể thấy được … lên trên bảng. Mời nhiều học viên chia sẻ câu trả lời của các em cho câu hỏi sau.

  • Dựa trên điều em đã nghiên cứu về dân Nê Phi trong Hê La Man 11, em sẽ hoàn tất câu này như thế nào: “Và do đó chúng ta có thể thấy được …”?

Hãy đọc Hê La Man 12:1–6, tìm kiếm một số kết luận mà Mặc Môn đưa ra sau khi chia sẻ câu chuyện này.

  • Em nghĩ tại sao những người thịnh vượng đôi khi lại quên Chúa?

  • Một người có thể tránh được hoặc bỏ qua những phần kiêu căng và nỗi đau khổ của chu kỳ của tính kiêu căng bằng cách nào (ô số 1 và 2)?

Một phần của cuộc thảo luận về câu hỏi trước đó là anh chị em có thể mời học viên đọc An Ma 62:48–51 và chú ý cách mà một nhóm người Nê Phi có thể tránh được tính kiêu căng và những hậu quả của nó.

Hãy viết lẽ thật sau đây lên trên bảng. Anh chị em cũng có thể cân nhắc vẽ mũi tên trên sơ đồ chu kỳ của tính kiêu căng đi từ ô số 4 trở lại ô số 3.

Một lẽ thật có thể giúp chúng ta luôn ở trong những phần tốt đẹp hơn của chu kỳ này là nếu chúng ta chọn nhớ đến Chúa, khiêm nhường hạ mình và hối cải, thì chúng ta có thể tránh được tính kiêu căng và những hậu quả của nó.

Mời học viên suy nghĩ về một số câu trả lời cho câu hỏi sau đây. Anh chị em có thể cung cấp cho nhiều học viên một bút đánh dấu và mời các em viết một câu trả lời lên trên bảng. Hoặc học viên có thể lập một bản liệt kê trong nhật ký ghi chép việc học tập, sau đó chia sẻ câu trả lời của các em.

Cũng có thể là hữu ích khi chia sẻ một số hoặc tất cả các lời phát biểu trong phần “Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin Tham Khảo” như một phần của cuộc thảo luận này.

  • Chúng ta có thể làm gì để giúp bản thân nhớ đến Chúa và tránh tính kiêu căng?

Tự đánh giá bản thân

Hãy suy nghĩ xem những lẽ thật mà em đã học hôm nay liên quan như thế nào đến em. Việc tự đánh giá sau đây có thể giúp ích cho điều này. Hãy đánh giá nỗ lực của em trong các khía cạnh sau theo thang điểm từ 1 đến 5, với 1 là “không bao giờ” và 5 là “luôn luôn”.

Anh chị em có thể trưng ra các câu hỏi và cho học viên thời gian yên tĩnh để suy ngẫm và đánh giá bản thân về từng câu hỏi trong nhật ký ghi chép việc học tập của các em. Cũng có thể là có lợi ích cho học viên khi tự mình đưa ra bộ câu hỏi dùng để đánh giá bản thân về tính kiêu căng. Không nên yêu cầu học viên chia sẻ những câu trả lời của các em.

  1. Em có cảm thấy và bày tỏ lòng biết ơn dành cho Thượng Đế và những người khác không?

  2. Em có dành thời gian cho Thượng Đế mỗi ngày không?

  3. Em có cảm thấy các thành công của mình là kết quả của những nỗ lực của riêng mình không?

  4. Em có tìm kiếm sự giúp đỡ và hướng dẫn của Thượng Đế trong cuộc sống của mình không?

  5. Em có đối xử với người khác bằng sự tử tế và tôn trọng không?

  6. Em có chỉ trích người khác hoặc đưa ra những phán xét phi lý đối với họ không?