Lớp Giáo Lý
3 Nê Phi 11:1–11: “Ta Là Giê Su Ky Tô”


“3 Nê Phi 11:1–11: ‘Ta Là Giê Su Ky Tô’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“3 Nê Phi 11:1–11”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

3 Nê Phi 11:1–11

“Ta Là Giê Su Ky Tô”

Chúa Giê Su Ky Tô từ trời giáng xuống tại đền thờ Phong Phú

Trong khi dân Nê Phi quy tụ quanh đền thờ để nói về những điềm triệu về cái chết của Chúa Giê Su Ky Tô, thì Đấng Cứu Rỗi “đã giáng xuống đứng giữa họ” (3 Nê Phi 11:8). Ngài đã dạy họ về sứ mệnh của Ngài và tất cả những điều Ngài đã làm cho họ. Bài học này có thể giúp em gia tăng tình yêu thương và lòng biết ơn dành cho Chúa Giê Su Ky Tô vì con người của Ngài và những điều Ngài đã làm cho em.

Quý trọng tất cả các học viên. Khi những học viên có xuất thân và lai lịch khác nhau cảm thấy được yêu thương và chấp nhận, thì các em sẽ có nhiều khả năng chia sẻ những quan điểm và kinh nghiệm của mình trong lớp học. Hãy phấn đấu để tạo ra cho học viên một cảm giác được thuộc về. Hãy tìm những cách thức để bày tỏ tình yêu thương chân thành giống như Đấng Ky Tô cho tất cả học viên, đặc biệt là những em có thể đang gặp khó khăn.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên tìm một câu thánh thư hoặc một lời phát biểu từ một vị lãnh đạo Giáo hội mà giúp các em hiểu thêm về những điều Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho các em.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Bài học này tập trung vào các sự kiện và những lời giảng dạy được ghi lại trong 3 Nê Phi 11:1–11. Một bài học khác sẽ tập trung vào những kinh nghiệm của dân chúng với Đấng Cứu Rỗi như được ghi lại trong 3 Nê Phi 11:12–17. Nếu anh chị em không có thời gian để dạy riêng cả hai bài học, thì hãy cân nhắc tham khảo bài học “3 Nê Phi 11:12–17” để biết những ý tưởng mà anh chị em có thể kết hợp vào bài học này.

Trông đợi

Hãy cân nhắc chia sẻ một kinh nghiệm từ thời thơ ấu hoặc niên thiếu của anh chị em khi anh chị em rất mong đợi một điều gì đó. Ví dụ như một sự kiện văn hóa hoặc thể thao quan trọng hoặc điều gì đó anh chị em rất háo hức nhận được. Hãy giúp học viên cảm nhận được cảm giác của anh chị em trong khoảng thời gian dẫn đến thời khắc đó và cảm giác khi cuối cùng đón nhận thời khắc đó. Sau đó, anh chị em có thể mời học viên chia sẻ ngắn gọn với các học viên khác trong lớp về những lần các em đã mong chờ điều gì đó.

Trong Sách Mặc Môn, chúng ta biết rằng sự kiện mà dân Nê Phi mong đợi trong nhiều thế hệ là sự hiện đến của Vị Nam Tử của Thượng Đế trên thế gian. Từ khi mà Lê Hi và Sa Ri A đưa con cái của họ vào vùng hoang dã bên ngoài Giê Ru Sa Lem, họ đã biết rằng trong 600 năm nữa, Thượng Đế sẽ gửi Vị Nam Tử của Ngài đến với tư cách là “Đấng Cứu Rỗi của thế gian” (1 Nê Phi 10:4).

Sau khi chia sẻ câu tiếp theo, hãy cân nhắc mời một vài học viên luân phiên nhau đọc to các câu thánh thư được liệt kê trong ngoặc đơn.

Họ cũng hiểu rằng một ngày nào đó Chúa Giê Su Ky Tô sẽ đến giữa dân Nê Phi trong vùng đất hứa (xin xem 1 Nê Phi 12:6; 2 Nê Phi 26:1; An Ma 45:9–10). Trong 3 Nê Phi 11, chúng ta có thể đọc về sự xuất hiện đã được chờ đợi từ lâu này.

Không phải tất cả mọi người Nê Phi và La Man đều có sự hiểu biết đúng về Chúa Giê Su Ky Tô. Tương tự như vậy, ngày nay mọi người cũng có những quan niệm sai lầm về Chúa Giê Su Ky Tô, và một số người thậm chí còn phủ nhận sự tồn tại của Ngài. Một số người tin rằng Chúa Giê Su là một lãnh đạo vĩ đại nhưng không chấp nhận Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế.

  • Em nghĩ tại sao là quan trọng cho chúng ta để có sự hiểu biết đúng về việc Chúa Giê Su Ky Tô là ai?

  • Điều gì có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn Chúa Giê Su Ky Tô là ai và những điều Ngài đã làm cho chúng ta?

Khi Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng dân Nê Phi, thì cả Ngài và Cha Thiên Thượng đều đưa ra những tuyên bố quan trọng về việc Ngài là ai. Trong khi nghiên cứu ngày hôm nay, em hãy chú ý đến những điều Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô muốn em biết về Đấng Cứu Rỗi là ai và những điều Ngài đã làm cho em.

Trong một bài học trước, em có thể đã bắt đầu tạo một bản liệt kê về những điều em đang học về Chúa Giê Su Ky Tô trong khi nghiên cứu sách 3 Nê Phi. Nếu em chưa bắt đầu bản liệt kê, thì hãy bắt đầu tạo một bản liệt kê trong nhật ký ghi chép việc học tập và viết thêm vào bản liệt kê đó trong bài học.

Nhiều chi tiết hơn về bản liệt kê được đề cập đến trong đoạn trước có thể được tìm thấy trong bài học “3 Nê Phi 8–10”.

Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng dân Nê Phi

Hãy đọc 3 Nê Phi 11:1–11, tìm kiếm các chi tiết về sự hiện đến của Chúa Giê Su Ky Tô trước một nhóm người đã quy tụ tại đền thờ ở xứ Phong Phú.  

16:44
  • Em thấy điều gì là nổi bật khi nghiên cứu những câu này?

  • Nếu em có mặt ở đó, em sẽ sử dụng một số từ nào để mô tả những điều em sẽ nghĩ hoặc cảm nhận? Tại sao?

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã mô tả sự hiện đến của Chúa Giê Su Ky Tô và những điều Ngài nói với dân chúng theo cách này:

Sự hiện đến và lời tuyên bố đó tạo ra tâm điểm, giây phút quan trọng bậc nhất, trong toàn bộ lịch sử của Sách Mặc Môn. …

Mọi người đã nói về Ngài, hát về Ngài, mơ về Ngài, và cầu nguyện về sự hiện đến của Ngài—nhưng trong giây phút đó Ngài thực sự xuất hiện. Đó chính là ngày quan trọng nhất! Thượng Đế là Đấng biến mọi đêm tối thành ánh sáng ban mai đã đến. (Jeffrey R. Holland, Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [năm 1997], trang 250–251)

Những lời đầu tiên của Chúa Giê Su Ky Tô phán cùng dân Nê Phi giúp chúng ta hiểu Ngài là ai và những điều Ngài đã làm cho chúng ta.

Hãy đọc lại 3 Nê Phi 11:10–11, chú ý đến những từ và cụm từ mà Chúa Giê Su Ky Tô đã sử dụng để mô tả về chính Ngài và những điều Ngài đã làm cho chúng ta. Hãy nhớ viết thêm những lẽ thật này vào bản liệt kê trong nhật ký ghi chép việc học tập của em.

3 Nê Phi 11:10–11 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách riêng biệt để em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó. Trong bài học tiếp theo, em sẽ có cơ hội thực hành áp dụng giáo lý được dạy trong đoạn này vào một câu hỏi hoặc một tình huống.

  • Em đã học được những lẽ thật gì về Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Em thấy những lẽ thật nào trong số này đặc biệt quan trọng? Tại sao?

Chúa Giê Su Ky Tô đã làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha

Một trong những lẽ thật mà chúng ta có thể học được từ những câu này là Chúa Giê Su Ky Tô đã làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha khi tự mình gánh lấy tội lỗi của thế gian.

Chúng ta có thể gia tăng sự hiểu biết của mình về lẽ thật này bằng cách xem xét kỹ hơn các cụm từ mà Chúa Giê Su Ky Tô sử dụng để mô tả những điều Ngài đã làm. Em hãy chép các cụm từ sau đây trong 3 Nê Phi 11:11 vào nhật ký ghi chép việc học tập và để dành khoảng trống để viết bên cạnh hoặc bên dưới các cụm từ đó.

Trưng ra những lời tuyên bố sau đây và bản liệt kê các phần tham khảo thánh thư lên trên bảng. Anh chị em có thể chia học viên thành các nhóm nhỏ và chỉ định cho các em nghiên cứu một vài phần tham khảo thánh thư đã được liệt kê. Các em có thể ghi lại vào nhật ký ghi chép việc học tập và thảo luận xem làm thế nào mà những câu thánh thư các em đã nghiên cứu làm gia tăng sự hiểu biết của các em về một hoặc nhiều cụm từ trong 3 Nê Phi 11:11.

  • Ta đã uống cạn chén đắng mà Đức Chúa Cha đã ban cho ta.

  • Ta đã tôn vinh Đức Chúa Cha bằng cách gánh lấy tội lỗi của thế gian.

  • Ta đã cam chịu theo ý muốn của Đức Chúa Cha trong mọi sự việc từ lúc ban đầu.

Hãy cho phép học viên thảo luận về những hiểu biết sâu sắc của các em từ sinh hoạt nghiên cứu này cho mỗi cụm từ.

Sau cuộc thảo luận này, hãy cân nhắc trưng ra những câu hỏi sau đây và mời học viên ghi lại câu trả lời của mình cho một hoặc nhiều câu hỏi khác trong nhật ký ghi chép việc học tập.

  • Em muốn nói gì với mọi người về Chúa Giê Su Ky Tô dựa trên những điều em đã cảm nhận hôm nay?

  • Em muốn làm gì trong cuộc sống của mình nhờ vào những điều em hiểu hoặc cảm nhận về Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Tại sao việc noi theo Chúa Giê Su Ky Tô trong suốt cuộc sống của em là điều đáng làm?

Hãy cân nhắc mời một vài học viên nào sẵn sàng để chia sẻ câu trả lời của các em cho những câu hỏi này. Hãy làm chứng về những lẽ thật mà em đã thảo luận về Chúa Giê Su Ky Tô hôm nay.