Lớp Giáo Lý
3 Nê Phi 11:12–17: “Hãy Tiến Lại gần Ta”


“3 Nê Phi 11:12–17: ‘Hãy Tiến Lại gần Ta’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“3 Nê Phi 11:12–17”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

3 Nê Phi 11:12–17

“Hãy Tiến Lại gần Ta”

Chúa Giê Su Ky Tô cho một người phụ nữ Nê Phi thấy những vết thương trên hai bàn tay của Ngài

Sau khi được giới thiệu là Vị Nam Tử Yêu Dấu của Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô đã mời gọi dân chúng đích thân chứng thực rằng Ngài đã bị giết chết vì những tội lỗi của thế gian. Từng người một, họ đến bên Ngài và rờ tay vào vết thương bên hông Ngài và những dấu đinh đóng ở tay và chân Ngài. Bài học này có thể giúp em có được hoặc củng cố chứng ngôn của mình rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu thống khổ và chết cho em.

Hãy giúp học viên hình dung những điều các em đọc. Khi học viên có hình ảnh trực quan về các sự kiện và ý tưởng trong thánh thư, thì các em có thể ghi nhớ những điều đó nhiều hơn. Ngoài việc sử dụng video, tranh ảnh và các phương tiện truyền thông khác, hãy cân nhắc mời học viên hình dung các sự kiện quan trọng và việc có mặt ở đó có thể sẽ như thế nào. Điều này có thể mời Đức Thánh Linh vào việc học của các em và giúp học viên cảm nhận được lẽ thật và tầm quan trọng của những điều các em đang học.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên đọc 3 Nê Phi 11:12–17 và tưởng tượng các em sẽ cảm thấy như thế nào nếu có sự giao tiếp cá nhân này với Chúa Giê Su Ky Tô.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của em

Hãy suy nghĩ xem lời mời sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson áp dụng như thế nào cho em.

31:24

Tôi khẩn nài các em hãy chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của mình. Hãy nỗ lực cho chứng ngôn đó. Hãy sở hữu chứng ngôn đó. Hãy chăm sóc cho chứng ngôn đó. Hãy nuôi dưỡng chứng ngôn đó để nó sẽ phát triển. Hãy áp dụng chứng ngôn đó bằng lẽ thật. Đừng làm chứng ngôn đó mất đi tính thiêng liêng với những triết lý sai lầm của những người không tin và rồi tự hỏi tại sao chứng ngôn của các em lại suy yếu. (Russell M. Nelson, “Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” [buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho những người thành niên trẻ tuổi, ngày 15 tháng Năm năm 2022], ChurchofJesusChrist.org)

  • Em nghĩ tại sao điều quan trọng là mỗi người phải “chịu trách nhiệm” đối với chứng ngôn của mình?

Một trong những lẽ thật quan trọng nhất mà chúng ta có thể có chứng ngôn là Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế và là Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Hãy suy ngẫm lý do tại sao mọi người cần biết điều này về Ngài. Em có thể nghiên cứu Giăng 14:6Mô Si A 3:17 để giúp em thấy được một số lý do này.

Hãy chia sẻ những điều sau đây để giúp học viên đánh giá những cảm nghĩ và chứng ngôn của các em về Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy trưng ra những câu hỏi sau đây và cho học viên thời gian để ghi lại câu trả lời của các em vào nhật ký ghi chép việc học tập.

  • Em có cảm thấy rằng mình có chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế và Đấng Cứu Rỗi của thế gian không?

  • Điều gì đã góp phần vào cảm nhận của em về Đấng Cứu Rỗi?

Hôm nay em sẽ học về sự giao tiếp thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô với dân Nê Phi. Khi em nghiên cứu, hãy suy nghĩ về những điều em có thể làm để có được hoặc củng cố chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi dân Nê Phi cảm nhận vết thương của Ngài

Nếu cần, hãy mời học viên xem lại những điều các em đã học trước đó bằng cách yêu cầu các em tóm tắt các sự kiện trong 3 Nê Phi 11:1–11.

Đấng Ky Tô hiện đến cùng dân Nê Phi tại đền thờ Phong Phú

Hãy nhớ lại rằng trong khi một nhóm dân Nê Phi đang quy tụ ở xứ Phong Phú, thì Chúa Phục Sinh đã từ trời giáng xuống. Ngài tuyên bố rằng Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô và rằng Ngài đã tôn vinh Đức Chúa Cha bằng cách gánh lấy những tội lỗi của thế gian (xin xem 3 Nê Phi 11:1–11). Đám đông ấy có khoảng chừng 2.500 người, gồm cả đàn ông, đàn bà và trẻ con (xin xem 3 Nê Phi 17:25).

Hãy đọc 3 Nê Phi 11:12–15, tìm kiếm lời mời gọi đầu tiên của Chúa Phục Sinh dành cho dân chúng.

16:44

Khi em nghiên cứu, hãy cố gắng hình dung mình là một phần của đám đông ấy. Hãy hình dung các sự kiện hoặc nội dung từ thánh thư mà có thể mời Đức Thánh Linh vào việc nghiên cứu của em. Hãy ghi lại bất kỳ ý nghĩ hoặc cảm nghĩ nào em có được trong khi học, suy ngẫm và hình dung.

Hãy cho học viên thời gian thích hợp để nghiên cứu, hình dung và ghi lại những suy nghĩ của các em. Những câu hỏi như sau có thể giúp học viên hình dung ra các sự kiện đó:

  • Khi em nghĩ về bản thân mình tại đền thờ ở xứ Phong Phú, thì em hình dung như thế nào về khung cảnh xung quanh khi nghe tiếng Chúa Giê Su Ky Tô phán: “Hãy tiến lại gần ta”? (3 Nê Phi 11:14).

  • Em hình dung thấy biểu cảm nào trên gương mặt của Đấng Cứu Rỗi khi em xem các vết đinh trên tay và chân của Ngài?

một người đang chạm vào hai bàn tay của Đấng Cứu Rỗi
  • Em nghĩ dân chúng đã cảm thấy như thế nào khi họ nhìn thấy Đấng Cứu Rỗi và giao tiếp với Ngài “từng người một”? (3 Nê Phi 11:15).

  • Em đã chọn hình dung những phần nào của câu chuyện này? Em đã có những suy nghĩ và cảm nhận nào khi làm như vậy?

  • Các câu thánh thư này dạy cho em điều gì về ước muốn của Đấng Cứu Rỗi dành cho mỗi người chúng ta?

Sau đây là một nguyên tắc mà chúng ta có thể học được từ câu chuyện thiêng liêng này: Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi tôi nhận một chứng ngôn cá nhân rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Hãy cân nhắc ghi lại nguyên tắc này trong thánh thư hoặc trong nhật ký ghi chép việc học tập.

Nói về lời mời gọi cá nhân và giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi giữa dân Nê Phi, Giám Trợ Gérald Caussé thuộc Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa đã dạy:

Sự kiện uy nghi này là sự kiện điển hình của Sách Mặc Môn. Toàn bộ “tin mừng” của phúc âm chứa đựng trong hình ảnh này về Đấng Cứu Rỗi, đang trìu mến dang “cánh tay thương xót” của Ngài [An Ma 5:33] để mời gọi mỗi người hãy đến cùng Ngài và tiếp nhận các phước lành của Sự Chuộc Tội của Ngài. …

… Cũng giống như Chúa Giê Su đã mời từng môn đồ người Nê Phi một rờ vào các vết thương của Ngài, Ngài đã hy sinh vì mỗi chúng ta, riêng mỗi cá nhân, như thể anh chị em hoặc tôi là người duy nhất trên thế gian. Ngài đưa ra lời mời cho riêng mỗi người chúng ta hãy đến cùng Ngài và trông cậy vào các phước lành tuyệt diệu của Sự Chuộc Tội của Ngài. (Gerald Causse, “Một Nhân Chứng Sống về Đấng Ky Tô Hằng Sống”, Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 39–40)

Hãy mời nhiều học viên trả lời câu hỏi sau đây. Học viên cũng có thể chia sẻ những điều đã giúp các em có được một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô. Cũng hãy cân nhắc chia sẻ điều đã giúp anh chị em nhận được một chứng ngôn.

  • Chúng ta có thể có được chứng ngôn của riêng mình rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của thế gian bằng một số cách thức nào?

Nếu cần, hãy chia sẻ một câu chuyện từ thánh thư hoặc một bài phát biểu tại đại hội trung ương mà minh họa cách các cá nhân đã đạt được chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi. Những ví dụ trong thánh thư có thể bao gồm người phụ nữ Sa Ma Ri bên giếng nước (Giăng 4:1–29), cha của Vua La Mô Ni (An Ma 22:1–18), hoặc An Ma Con (An Ma 36:5–23).

“Hô Sa Na!”

Dân Nê Phi đã được ảnh hưởng sâu sắc bởi những sự giao tiếp cá nhân của họ với Đấng Cứu Rỗi.

Hãy đọc 3 Nê Phi 11:16–17, và tìm hiểu xem đám đông ấy đã phản ứng như thế nào sau kinh nghiệm của họ với Chúa Phục Sinh.

Có thể là hữu ích khi biết rằng hô sa na là một từ trong tiếng Hê Bơ Rơ có nghĩa là “cứu ngay” hoặc “xin cứu chúng tôi”. Từ này được sử dụng trong khắp thánh thư như một biểu hiện của sự ngợi khen và khẩn cầu và đã trở thành lời ca tụng Đấng Mê Si trong tất cả mọi thời đại (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Hô Sa Na,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org).

Những điều sau đây sẽ giúp em dành thời gian để bày tỏ cảm nghĩ của mình về Đấng Cứu Rỗi hoặc nghiên cứu về những người khác mà đã chia sẻ các chứng ngôn của họ về Ngài.

Những sinh hoạt sau đây nhằm giúp học viên bày tỏ chứng ngôn của riêng các em về Chúa Giê Su Ky Tô hoặc học hỏi từ chứng ngôn của những người khác. Hãy trưng ra các tùy chọn để học viên có thể tham khảo trong sinh hoạt này. Hãy thoải mái điều chỉnh các lựa chọn để đáp ứng tốt hơn những nhu cầu của học viên.

  1. Chia sẻ chứng ngôn cá nhân của em về Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách viết một lá thư cho một người mà em cảm thấy có thể sẽ được lợi ích nhờ chứng ngôn đó.

  2. Chọn một câu trong thánh thư hoặc một bài thánh ca mà mô tả những cảm nghĩ của em về Chúa Giê Su Ky Tô là ai và những điều Ngài đã làm cho em. Hãy viết một lời giải thích vắn tắt về lý do tại sao câu hoặc bài thánh ca này có ý nghĩa đối với em.

  3. Viết một bài thơ hoặc lời bài hát mô tả những cảm nghĩ của em về Chúa Giê Su Ky Tô.

  4. Nghiên cứu chứng ngôn của một người khác về Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tóm tắt những điều em đã học và câu chuyện đó khiến em cảm thấy như thế nào. Các ví dụ có thể bao gồm An Ma 26:1–16, 35–37 hoặc “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ” (ChurchofJesusChrist.org).

Hãy mời một vài học viên nào sẵn lòng để chia sẻ những điều các em đã làm cho sinh hoạt trước đó. Hãy cảm ơn các em vì đã sẵn lòng tham gia. Làm chứng về những lẽ thật mà anh chị em đã thảo luận và khuyến khích học viên tiếp tục nỗ lực để có được hoặc củng cố chứng ngôn của các em về Chúa Giê Su Ky Tô.