Lớp Giáo Lý
3 Nê Phi 11:18–41: Chúa Giê Su Ky Tô Tuyên Phán Giáo Lý của Ngài


“3 Nê Phi 11:18–41: Chúa Giê Su Ky Tô Tuyên Phán Giáo Lý của Ngài”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“3 Nê Phi 11:18–41”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

3 Nê Phi 11:18–41

Chúa Giê Su Ky Tô Tuyên Phán Giáo Lý của Ngài

Đấng Ky Tô đang giảng dạy ở Châu Mỹ

Có bao giờ em nghĩ về những lẽ thật mà những người truyền giáo chia sẻ với những người mà họ đang giảng dạy không? Một trong những sứ điệp quan trọng nhất của họ liên quan đến điều chúng ta phải làm để nhận được các phước lành của cuộc sống vĩnh cửu. Sứ điệp này đôi khi được gọi là giáo lý của Đấng Ky Tô (xin xem 2 Nê Phi 31:21). Đấng Cứu Rỗi đã dạy giáo lý này cho dân Nê Phi ngay sau khi hiện đến cùng họ tại đền thờ. Bài học này có thể giúp em hiểu rõ hơn và giải thích được giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô.

Hãy khuyến khích học viên chuẩn bị để học hỏi. Khi học viên chuẩn bị bản thân để học hỏi, là các em đang chuẩn bị tấm lòng của mình để đón nhận Đức Thánh Linh. Học viên có thể chuẩn bị cho bài học bằng cách đọc một đoạn thánh thư, suy ngẫm một câu hỏi hoặc suy nghĩ về một kinh nghiệm để chia sẻ. Hãy mời học viên chuẩn bị, sau đó tạo cơ hội cho học viên nhận thấy sự chuẩn bị của các em ảnh hưởng như thế nào đến việc học tập của các em.

Học viên chuẩn bị: Hãy mời học viên tìm hiểu về giáo lý của Đấng Ky Tô trước khi đến lớp. Các em có thể nghiên cứu những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 11:31–41 hoặc tìm kiếm “giáo lý của Đấng Ky Tô” trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm hoặc trên trang ChurchofJesusChrist.org.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Các sinh hoạt nghiên cứu trong bài học này chủ yếu tập trung vào giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô được dạy trong 3 Nê Phi 11:31–41. Nếu cần, hãy sử dụng phần “Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung” để giúp học viên hiểu những lời giảng dạy khác của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 11 về sự tranh chấp và cũng như cách đúng để làm phép báp têm cho một người nào đó.

Trở thành người đi theo Chúa Giê Su Ky Tô

Hãy cân nhắc mời một vài học viên diễn tình huống sau đây trước lớp. Để tạo cơ hội cho nhiều học viên chia sẻ hơn, hãy cân nhắc chia các em thành các nhóm nhỏ và mời các em thay phiên chia sẻ câu trả lời của mình.

Hãy tưởng tượng rằng em có một người bạn trở nên quan tâm đến Giáo Hội. Người bạn này nói với em rằng bạn ấy có cảm giác tốt về những điều bạn ấy đã học và trải nghiệm cho đến nay. Bạn ấy muốn biết bạn ấy nên làm gì tiếp theo để tuân theo Đấng Cứu Rỗi một cách trọn vẹn hơn.

  • Em có thể mời người bạn này làm gì? Tại sao?

“Đây là giáo lý của ta”

Ngay sau khi Đấng Cứu Rỗi phục sinh hiện đến cùng dân Nê Phi ở xứ Phong Phú, Ngài đã dạy cho họ giáo lý của Ngài. Giáo lý này, đôi khi được gọi là “giáo lý của Đấng Ky Tô” (2 Nê Phi 31:21), giúp chúng ta hiểu cách chúng ta có thể noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và nhận được các phước lành của cuộc sống vĩnh cửu. Hôm nay, em sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn giáo lý của Đấng Ky Tô và giải thích giáo lý đó bằng lời riêng của mình.

Hãy thông báo cho học viên rằng các em sẽ có cơ hội chuẩn bị và dạy một bài học về giáo lý của Đấng Ky Tô cho một nhóm nhỏ các bạn cùng lớp. Hãy trưng ra những chỉ dẫn sau để học viên có thể tham khảo trong khi chuẩn bị cho bài học.

  1. Hãy nghiên cứu những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi về giáo lý của Ngài trong 3 Nê Phi 11:31–41.

  2. Nếu muốn, hãy nghiên cứu những lời giảng dạy khác về giáo lý hoặc phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, chẳng hạn như 2 Nê Phi 31:17–21 hoặc 3 Nê Phi 27:19–22. Em cũng có thể tìm kiếm “giáo lý của Đấng Ky Tô” trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm hoặc trên trang ChurchofJesusChrist.org.

  3. Hãy chuẩn bị một bài học dài từ ba đến năm phút về giáo lý của Đấng Ky Tô. Sử dụng mẫu được cung cấp dưới đây để giúp em chuẩn bị cho đề cương bài học của mình. Em có thể tưởng tượng rằng em là một người truyền giáo đang chuẩn bị bài học này cho người nào đó mà em sẽ giảng dạy. Hoặc em có thể suy nghĩ về người mà em biết và chuẩn bị như thể em sẽ chia sẻ bài học này với họ.

biểu tượng tài liệu phát tay Hãy phát cho học viên các mẫu đề cương bài học. Cho các em đủ thời gian để chuẩn bị cho bài học của mình.

Hãy nhớ đưa ra các lựa chọn thay thế cho những học viên mà có thể cảm thấy quá lo lắng để dạy cho người khác. Các lựa chọn bao gồm nộp một đề cương bài học hoặc làm việc với một người bạn cùng nhóm mà cảm thấy thoải mái hơn hoặc có kinh nghiệm với việc giảng dạy hơn. Có thể là hữu ích cho học viên khi anh chị em làm mẫu ngắn gọn cách chuẩn bị cho một bài học ngắn.

Kế Hoạch Bài Học về Giáo Lý của Đấng Ky Tô

Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)—“3 Nê Phi 11:18–41: Chúa Giê Su Ky Tô Tuyên Phán Giáo Lý của Ngài”

  1. Từ những điều em đã học và nghiên cứu, hãy viết tóm tắt về giáo lý của Đấng Ky Tô.

  2. Hãy liệt kê hai hoặc ba câu hỏi mà em có thể đặt ra để giúp những người mà em dạy hiểu và suy nghĩ kỹ hơn về giáo lý của Đấng Ky Tô.

  3. Hãy mô tả lý do tại sao em cảm thấy là quan trọng để làm theo những lời giảng dạy này của Đấng Cứu Rỗi. Nếu có thể, hãy bao gồm những kinh nghiệm mà em đã có để chứng minh những lời giảng dạy này đã ban phước như thế nào cho cuộc sống của em.

  4. Hãy liệt kê một hoặc hai lời mời mà em có thể đưa ra để giúp những người em dạy áp dụng những điều họ đã học được về giáo lý của Đấng Ky Tô.

  5. (Không bắt buộc) Hãy suy ngẫm về một đồ vật hoặc sinh hoạt để giúp những người mà em dạy hiểu rõ hơn về giáo lý của Đấng Ky Tô.

Sau khi học viên đã có đủ thời gian để chuẩn bị, hãy cho các em cơ hội giảng bài cho người bạn cùng cặp hoặc cho nhóm nhỏ. Hãy cẩn thận để không ép buộc những học viên mà quá lo lắng về việc dạy bài học cho người khác. Anh chị em có thể mời một vài học viên tình nguyện giảng dạy cho cả lớp.

Khi học viên đã dạy xong, có thể còn thời gian để thảo luận về những điều các em học được. Hãy cân nhắc viết lẽ thật sau đây lên trên bảng: để vào vương quốc của Thượng Đế, chúng ta phải tuân theo giáo lý của Đấng Cứu Rỗi bằng cách có đức tin nơi Ngài, hối cải, chịu phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh và kiên trì đến cùng.

Anh chị em có thể đặt ra những câu hỏi như sau trong cuộc thảo luận:

  • Em nghĩ tại sao giáo lý này là một trong những điều đầu tiên mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy cho dân Nê Phi?

  • Em cảm thấy tại sao những nguyên tắc và giáo lễ này là cần thiết để thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế?

  • Em có thể làm gì để làm cho những nguyên tắc và giáo lễ này trở thành một phần quan trọng hơn trong cuộc sống của mình?

Tự đánh giá

Nếu có thời gian sau khi học viên chia sẻ bài học của mình, thì các em có thể suy ngẫm về những cách thức để áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô vào cuộc sống của mình mỗi ngày. Hãy cân nhắc chia sẻ đánh giá sau đây và cho học viên thời gian để im lặng tự đánh giá:

Khi em kết thúc bài học, hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm cách em có thể áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô vào cuộc sống của mình mỗi ngày. Bài tự đánh giá sau đây có thể giúp em nhận ra những cách em hiện đang sống theo giáo lý của Đấng Cứu Rỗi, cũng như những cách em có thể cải thiện.

Hãy trả lời từng câu sau đây bằng một trong những câu trả lời sau: “thường xuyên”, “đôi khi” hoặc “hiếm khi”.

  1. Tôi sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách cố gắng tuân giữ các lệnh truyền và tin tưởng rằng Ngài có thể giúp tôi vượt qua những thử thách của mình.

  2. Tôi hối cải hằng ngày về những sai lầm của mình và tìm kiếm quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để giúp tôi trở nên giống như Ngài hơn.

  3. Tôi cố gắng tuân giữ các giao ước báp têm của mình và lặp lại nỗ lực đó hằng tuần bằng cách dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng.

  4. Tôi mời Đức Thánh Linh vào cuộc sống của mình qua việc thường xuyên cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng và học hỏi và tìm cách để hành động theo những sự thúc giục thuộc linh.

Hãy khuyến khích học viên xác định một khía cạnh trong giáo lý của Đấng Cứu Rỗi mà các em có thể vận dụng một cách trọn vẹn hơn vào cuộc sống của mình, sau đó lập kế hoạch để làm như vậy. Hãy làm chứng về những lẽ thật mà các em đã thảo luận. Khuyến khích học viên tìm kiếm cơ hội để chia sẻ những lời giảng dạy này với người khác.