Lớp Giáo Lý
3 Nê Phi 18:1–14: “Tưởng Nhớ tới Ta”


“3 Nê Phi 18:1–14: ‘Tưởng Nhớ tới Ta’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“3 Nê Phi 18:1–14”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

3 Nê Phi 18:1–14

“Tưởng Nhớ tới Ta”

chén nước Tiệc Thánh và mẩu bánh mì

Chúng ta thường xuyên có cơ hội dự phần Tiệc Thánh. Trong 3 Nê Phi 18, Chúa Giê Su đã dạy làm thế nào mà Tiệc Thánh có thể ban phước cho cuộc sống của chúng ta và hướng dẫn cách thực hiện giáo lễ này. Bài học này có thể giúp học viên có những kinh nghiệm có ý nghĩa khi tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi khi các em dự phần Tiệc Thánh.

Giúp học viên nhận thấy sự liên quan với các lẽ thật phúc âm. Một số học viên có thể gặp khó khăn để nhận thấy phúc âm liên quan như thế nào đến cuộc sống hằng ngày của các em. Hãy thành tâm tìm những cách thức giúp học viên cảm thấy rằng những điều các em đang học là có ý nghĩa và hữu ích cho hoàn cảnh, các câu hỏi và nhu cầu cá nhân của các em.

Học viên chuẩn bị: Hãy mời học viên suy ngẫm xem những kinh nghiệm Tiệc Thánh của các em có ý nghĩa như thế nào. Hãy khuyến khích học viên suy ngẫm về những điều các em có thể làm để cải thiện những kinh nghiệm đó.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Một mối quan hệ bền chặt

Ý tưởng sau đây có thể giúp học viên suy nghĩ về những điều cần để xây dựng nên các mối quan hệ bền chặt. Quá trình này có thể giúp học viên suy ngẫm về mối quan hệ của các em với Đấng Cứu Rỗi và khám phá những cách để đến gần Ngài hơn. Một cách để thực hiện điều này là qua Tiệc Thánh.

Hãy nghĩ về một số người mà em cảm thấy thực sự gần gũi và có mối quan hệ bền chặt.

  • Các em hoặc họ đã làm gì để củng cố những mối quan hệ đó?

Bây giờ, hãy suy nghĩ về việc em cảm thấy gần gũi ra sao với Đấng Cứu Rỗi.

  • Em nghĩ điều gì có thể giúp mình củng cố mối quan hệ với Đấng Cứu Rỗi?

Trong khi học hôm nay, hãy mời Đức Thánh Linh dạy cho em cách đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn và củng cố mối quan hệ của em với Ngài.

Chúa Giê Su Ky Tô thiết lập Tiệc Thánh

Đấng Cứu Rỗi tràn đầy lòng trắc ẩn đối với dân chúng khi Ngài nhận thấy họ mong muốn Ngài ở nán lại với họ lâu hơn (xin xem 3 Nê Phi 17:1–6). Sau khi ban phước cho trẻ nhỏ, người bệnh và người bị đau đớn, Đấng Cứu Rỗi đã cung ứng một cách thức để dân chúng luôn có được Thánh Linh của Ngài ở cùng họ.

Hãy đọc 3 Nê Phi 18:1–11, và tìm kiếm điều Đấng Cứu Rỗi đã làm.

Anh chị em có thể cân nhắc cho một nhóm học viên đọc 3 Nê Phi 18:1–7 và một nhóm khác đọc 3 Nê Phi 18:8–11. Hãy mời học viên suy nghĩ về những câu hỏi các em có về ý nghĩa của những câu các em đọc hoặc về giáo lễ Tiệc Thánh.

Hãy cân nhắc cho học viên xem video “Jesus Christ Introduces the Sacrament to the People”, có sẵn trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ phút 0:12 đến 6:12 sau khi học viên đọc các câu thánh thư hoặc khi các em dò theo. Những câu hỏi sau đây có thể giúp ích cho cuộc thảo luận sau khi xem video: Các em ấn tượng với điều gì? Các em nghĩ dân chúng đã cảm thấy như thế nào khi họ dùng Tiệc Thánh? Tại sao? Các em nghĩ kinh nghiệm của mình sẽ khác ra sao nếu Đấng Cứu Rỗi đang ban Tiệc Thánh cho mình?

10:50
  • Em đã khám phá ra điều gì về Tiệc Thánh từ những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi?

  • Đấng Cứu Rỗi hứa điều gì trong những lời cầu nguyện của Tiệc Thánh nếu chúng ta luôn tưởng nhớ tới Ngài?

Em có thể cân nhắc đánh dấu nguyên tắc trong 3 Nê Phi 18:7, 11 rằng khi dự phần Tiệc Thánh và luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi, chúng ta sẽ có được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta.

Khi Chúa Giê Su Ky Tô đề cập đến việc chúng ta có Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta, thì Ngài đang đề cập đến ân tứ của Đức Thánh Linh.

  • Chúng ta có thể luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống hằng ngày của mình bằng một số cách thức nào? Làm thế nào mà việc luôn tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta có được Đức Thánh Linh ở cùng với chúng ta?

  • Việc có được Đức Thánh Linh ở cùng với em có thể ban phước cho cuộc sống của em ngay bây giờ như thế nào?

Kinh nghiệm của chúng ta với Tiệc Thánh

Hãy cân nhắc viết các mục khảo sát này lên trên bảng hoặc trên các tờ giấy riêng biệt. Học viên có thể trả lời khảo sát trong nhật ký ghi chép việc học tập; các câu trả lời của các em sẽ không được chia sẻ.

Hãy suy ngẫm xem mối quan hệ của em với Đấng Cứu Rỗi có thể được củng cố như thế nào nếu em có thêm những kinh nghiệm có ý nghĩa khi dự phần Tiệc Thánh. Hãy trả lời từng câu bằng “luôn luôn”, “đôi khi”, “hiếm khi” hoặc “không bao giờ”.

  1. Tôi dành thời gian trước khi đi nhà thờ để chuẩn bị cho lễ Tiệc Thánh.

  2. Trong lễ Tiệc Thánh, tôi cố gắng tưởng nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô.

  3. Kinh nghiệm của tôi với lễ Tiệc Thánh ảnh hưởng đến cách tôi hành động trong tuần.

Sinh hoạt sau đây có thể giúp giới trẻ tạo ra những cách thức có ý nghĩa để tưởng nhớ đến Đấng Ky Tô trong lễ Tiệc Thánh. Hãy cân nhắc tạo bảng biểu này lên trên bảng và mời học viên viết câu trả lời. Một số học viên có thể đã có ý tưởng về những điều giúp các em tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi. Hãy yêu cầu học viên chia sẻ những điều các em đã làm để giúp phát triển các ý tưởng.

Học viên cũng có thể hoàn thành một bảng biểu có tính cá nhân hơn trong nhật ký ghi chép việc học tập. Sau đó, các em có thể chụp ảnh các bảng biểu của mình như một lời nhắc nhở khi lần tới dự phần Tiệc Thánh.

Một kinh nghiệm Tiệc Thánh có ý nghĩa hơn

  • Tôi muốn tưởng nhớ tới điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô?

    Hãy suy ngẫm những điều sau đây:

    • Những điều mà Ngài đã phải chịu đựng

    • Những điều Ngài đã làm cho tôi hoặc những người khác mà tôi biết

  • Tôi có thể chuẩn bị cho lễ Tiệc Thánh như thế nào?

  • Tôi có thể làm gì trong lễ Tiệc Thánh để tưởng nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô?

Những lời hứa khi dự phần Tiệc Thánh

Hãy đọc 3 Nê Phi 18:12–14, và tìm kiếm những điều Đấng Cứu Rỗi đã hứa với những người tưởng nhớ tới Ngài và dự phần Tiệc Thánh.

  • Em nghĩ việc xây đắp trên đá của Đấng Cứu Rỗi có nghĩa là gì?

    Nếu học viên cần sự giúp đỡ để hiểu ý nghĩa của việc được xây đắp trên đá của Đấng Cứu Rỗi, thì anh chị em có thể giải thích rằng điều đó có nghĩa là chúng ta lập và tuân giữ các giao ước với Ngài, tìm cách noi theo tấm gương của Ngài, và kết quả là vui hưởng những phước lành của lòng thương xót và sức mạnh của Ngài.

  • Việc dự phần Tiệc Thánh có thể giúp chúng ta xây đắp trên đá của Đấng Cứu Rỗi như thế nào?

  • Em có thể làm điều gì để làm cho việc dự phần Tiệc Thánh có ý nghĩa hơn mỗi tuần?

Hãy làm chứng về cách mà lễ Tiệc Thánh có thể giúp chúng ta xây đắp cuộc sống của mình trên đá của Đấng Cứu Rỗi. Hãy cân nhắc chia sẻ điều gì đó em làm để làm cho lễ Tiệc Thánh có ý nghĩa đối với mình. Mời học viên suy ngẫm và chia sẻ những phước lành các em có thể nhận được nếu các em tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi trong khi chuẩn bị và dự phần Tiệc Thánh.