Lớp Giáo Lý
3 Nê Phi 23: Siêng Năng Tra Cứu Thánh Thư


“3 Nê Phi 23: Siêng Năng Tra Cứu Thánh Thư”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“3 Nê Phi 23”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

3 Nê Phi 23

Siêng Năng Tra Cứu Thánh Thư

Đấng Ky Tô và những người ở châu Mỹ đang xem các bảng khắc bằng vàng

Em đang học tập thánh thư riêng cá nhân như thế nào? Việc này tạo ra sự khác biệt nào trong cuộc sống của em? Trong 3 Nê Phi 23, Chúa Giê Su đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc gìn giữ và nghiên cứu thánh thư và những lời của các vị tiên tri. Bài học này nhằm giúp em nghiên cứu những lời của Chúa một cách siêng năng hơn.

Giúp học viên phát triển các kỹ năng học tập.Để giúp học viên thành công hơn trong việc học tập thánh thư, hãy hỗ trợ các em phát triển nhiều kỹ năng khác nhau để học thánh thư. Những kỹ năng này nên nhằm giúp học viên mời Thánh Linh vào việc học tập của mình, hiểu thánh thư hơn, đồng thời khám phá và áp dụng giáo lý và các nguyên tắc phúc âm.

Học viên chuẩn bị: Hãy mời học viên dành thời gian nghiên cứu thánh thư trước khi học bài này, đặc biệt chú ý đến những điều các em làm mà giúp cho việc học tập của mình có ý nghĩa hơn. Hãy khuyến khích các em đánh giá giá trị và chất lượng việc nghiên cứu của mình và tác động của nó, nếu có, đối với cuộc sống của các em.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Việc học tập thánh thư cá nhân của em

Trước buổi học, hãy cân nhắc giấu các đồ vật khác nhau trong phòng. Hãy viết từ “tìm kiếm” lên trên bảng. Hãy cho học viên biết các em sẽ tìm kiếm những gì và mời các em tìm ra chúng càng nhiều càng tốt.

  • Tìm kiếm có nghĩa là gì?

  • Việc tìm kiếm có gì thú vị hoặc hấp dẫn?

  • Điều gì có thể khiến chúng ta khó khăn hoặc nản lòng khi tìm kiếm?

Lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi

Hãy đọc 3 Nê Phi 23:1–5 và tìm ra những điều mà Đấng Cứu Rỗi đã truyền lệnh cho chúng ta phải tìm kiếm và lý do.

Hãy mời học viên chia sẻ những điều các em đã tìm được.

Trong các chương trước, Đấng Cứu Rỗi đã trích dẫn phần lớn lời của Ê Sai để giúp đỡ và ban phước cho dân Nê Phi. (Xin xem 3 Nê Phi 16:18–20; 20:32, 34–45; 21:8; 22:1–17.)

  • Chúa đã đưa ra những lý do nào để chúng ta tìm hiểu những lời của Ê Sai? (xin xem 3 Nê Phi 23:1–3).

    Anh chị em có thể muốn dành thời gian trong lớp học để thảo luận về giá trị của những lời dạy của Ê Sai. Ví dụ, anh chị em có thể yêu cầu học viên chia sẻ cảm nghĩ của các em về những lời của Ê Sai. Các em có thể đọc và suy ngẫm về những câu trong Ê Sai và suy ngẫm tại sao những câu đó lại có giá trị để nghiên cứu. Các ví dụ có thể bao gồm Ê Sai 7:14; 9:6–7; 41:10; 49:13–16; 53:1–5; 55:1–3; 61:1–3.

  • Theo 3 Nê Phi 23:5, tại sao chúng ta nên lắng nghe những lời của Chúa và những lời của các vị tiên tri?

Hãy lắng nghe kỹ những câu trả lời của học viên và cân nhắc viết những câu trả lời đó lên trên bảng.

Một trong những nguyên tắc quan trọng mà chúng ta học được trong bài học này là Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh cho chúng ta phải chú ý đến những lời của Ngài và siêng năng tìm kiếm những lời của các vị tiên tri.

  • Em nghĩ siêng năng tra cứu thánh thư có nghĩa là gì?

Hãy dành ra một chút thời gian để suy ngẫm về việc học thánh thư của em. Điều này có thể bao gồm việc học tập riêng cá nhân và chung với gia đình cũng như học tập ở nhà thờ và lớp giáo lý. Em có cảm thấy mình siêng năng tra cứu thánh thư không? Tại sao có hoặc tại sao không?

  • Một số lý do nào có thể khiến việc siêng năng tra cứu thánh thư trở nên khó khăn?

    Khi học viên chia sẻ, hãy cân nhắc viết những câu trả lời của các em ở một bên bảng. Nếu phù hợp, anh chị em có thể đề cập đến sinh hoạt tìm kiếm ở đầu bài học. Để nghĩ về những khó khăn có thể xảy ra, học viên có thể so sánh việc tìm kiếm thánh thư với việc tìm kiếm các đồ vật trong sinh hoạt.

    Một câu trả lời có thể là: khó để dành ra thời gian tra cứu thánh thư khi chúng ta không cảm thấy là mình sẽ tìm được điều gì đó quan trọng. Hoặc việc đó có thể khó hiểu hoặc nhàm chán. Một trong những cách tốt nhất để vượt qua nhiều khó khăn này là biết cách tìm ra những sự hiểu biết sâu sắc hoặc lẽ thật mà có thể giúp chúng ta trong cuộc sống.

  • Bất chấp những khó khăn này, em đã làm hoặc có thể làm một số điều gì để có một kinh nghiệm học tập thánh thư có ý nghĩa?

Khi học viên trả lời, hãy lập một bản liệt kê ở bên kia bảng. Nếu hữu ích, hãy thêm bất kỳ ví dụ nào sau đây.

Sau đây là một số ví dụ:

  • Cầu nguyện trước khi học.

  • Đánh dấu các từ và cụm từ quan trọng, đặc biệt là những từ giúp em biết rõ hơn về Đấng Cứu Rỗi.

  • Tra cứu những từ hoặc cụm từ khó hiểu.

  • Tạm dừng và tóm tắt những điều em đã đọc được.

  • Sử dụng phần tham khảo chéo để hiểu rõ hơn về một đề tài hoặc giáo lý.

Đấng Ky Tô đang nói chuyện với dân Nê Phi về các biên sử

Để luyện tập hai trong số các kỹ năng này, hãy đọc 3 Nê Phi 23:6–14 và làm những điều sau đây:

  • Tóm tắt bằng lời của riêng em những điều đã đọc được.

  • Đánh dấu bất kỳ từ hoặc cụm từ nào giúp em hiểu rõ hơn về Đấng Cứu Rỗi.

    Hãy mời học viên chia sẻ những điều các em đã tìm được. Để thực hiện điều này, các em có thể làm việc theo cặp, một học viên tóm tắt các câu và học viên kia chỉ ra các từ hoặc cụm từ mà giúp các em hiểu về Đấng Cứu Rỗi.

    Nếu học viên gặp khó khăn trong việc tóm tắt những điều các em đã đọc được, thì anh chị em có thể giải thích rằng Đấng Cứu Rỗi đã yêu cầu xem biên sử của dân Nê Phi. Ngài chỉ ra rằng lời tiên tri của Sa Mu Ên về việc các thánh hữu phục sinh xuất hiện trước nhiều người (xin xem Hê La Man 14:25) đã được ứng nghiệm, nhưng sự ứng nghiệm này không được ghi lại trong biên sử. Đấng Cứu Rỗi đã truyền lệnh cho dân Nê Phi phải ghi lại sự việc này.

  • Những từ nào cho thấy rõ rằng Đấng Cứu Rỗi quan tâm đến những điều được ghi lại trong thánh thư?

  • Việc biết điều này về Đấng Cứu Rỗi có thể ảnh hưởng như thế nào đến việc em nghiên cứu thánh thư?

Luyện tập nghiên cứu thánh thư hiệu quả

Hãy dành ra một vài phút để tập tra cứu thánh thư một cách siêng năng. Em có thể chọn nghiên cứu một chương hoặc tìm kiếm các câu về một đề tài mà em muốn biết thêm. Hãy sử dụng ít nhất một kỹ năng thánh thư mà em đã nghĩ đến hoặc đã khám phá ra trong bản liệt kê ở trên.

Hãy cho các học viên đủ thời gian để đọc và suy ngẫm. Mời học viên chia sẻ điều các em đã nghiên cứu mà có ý nghĩa đối với các em và những kỹ năng các em đã sử dụng. Những câu hỏi sau đây nhằm giúp ích cho cuộc thảo luận.

  • Em đã sử dụng phương pháp học tập nào? Tại sao điều này có thể giúp em nghiên cứu một cách siêng năng hơn?

  • Em đã học được điều gì về Đấng Cứu Rỗi mà trước đây em chưa hiểu?

  • Em có thể triển khai những kỹ năng nào trong số những kỹ năng này vào việc học tập thánh thư sắp tới của mình? Em sẽ làm điều đó bằng cách nào?

Trong tuần tới, hãy suy ngẫm về những điều em đã học được ngày hôm nay. Hãy chọn một cách em có thể cố gắng tra cứu thánh thư một cách siêng năng hơn. Hãy suy ngẫm xem điều này có thể giúp ích như thế nào cho em trong cuộc sống.