Lớp Giáo Lý
3 Nê Phi 27, Phần 1: “Được Xây Dựng trên Phúc Âm của Ta”


“3 Nê Phi 27, Phần 1: ‘Được Xây Dựng trên Phúc Âm của Ta’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“3 Nê Phi 27, Phần 1”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

3 Nê Phi 27, Phần 1

“Được Xây Dựng trên Phúc Âm của Ta”

em thiếu niên đang nói chuyện trong lễ Tiệc Thánh

Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi có một số đặc điểm nào quan trọng nhất? Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy cho các môn đồ người Nê Phi của Ngài rằng Giáo Hội của Ngài nên được gọi theo danh của Ngài và được xây dựng trên phúc âm của Ngài. Bài học này có thể giúp em hiểu phúc âm của Đấng Cứu Rỗi là gì và tầm quan trọng của tên Giáo Hội.

Chuẩn bị bản thân để trở thành một công cụ của Đức Thánh Linh.Chúa đã dạy: “nếu các ngươi không nhận được Thánh Linh thì các ngươi chớ giảng dạy” (Giáo Lý và Giao Ước 42:14). Khi anh chị em cố gắng noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi về sự vâng lời và sống theo phúc âm với tất cả tấm lòng của mình thì Thánh Linh sẽ giúp anh chị em giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Học viên chuẩn bị: Có thể mời học viên đọc 3 Nê Phi 27:1–10 và khám phá những điều mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy cho các môn đồ người Nê Phi của Ngài về Giáo Hội của Ngài.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Em sẽ trả lời như thế nào?

Hãy chia sẻ tình huống sau đây với học viên. Anh chị em cũng có thể mời hai học viên sẵn lòng diễn lại tình huống đó.

Một ngày nọ, trong khi chia sẻ những điều họ đã làm vào cuối tuần, Naomi đã đề cập với bạn Marco của mình rằng cô đã tham dự nhà thờ vào Chủ Nhật.

Marco hỏi: “Bạn là người Mặc Môn, phải không?”

Naomi nói: “Đôi khi mọi người gọi chúng mình như vậy, nhưng chúng mình thích được gọi là các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô hơn”.

Marco trả lời: “Tên đó nghe dài quá. Tại sao bạn không nói ngắn gọn thôi, rằng bạn thuộc về giáo hội Mặc Môn? Bộ không phải mấy bạn sử dụng Sách Mặc Môn hay sao?”

Có thể mời học viên thảo luận câu hỏi sau đây với một người bạn cùng cặp hoặc một nhóm nhỏ.

  • Naomi có thể trả lời câu hỏi của Marco bằng một số cách nào?

Hôm nay, em sẽ nghiên cứu một số lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi cho các môn đồ người Nê Phi của Ngài được ghi lại trong 3 Nê Phi 27. Trong khi em nghiên cứu, hãy tìm kiếm những lẽ thật mà Chúa Giê Su đã dạy về Giáo Hội của Ngài mà có thể giúp em khi gặp những tình huống như em vừa đọc.

Tên của Giáo Hội

Ngay sau khi Đấng Ky Tô hiện đến cùng dân Nê Phi, mười hai môn đồ người Nê Phi của Ngài tụ họp lại cùng nhịn ăn và cầu nguyện. Họ muốn biết tên của Giáo Hội nên là gì. Khi họ đang cầu nguyện, Đấng Cứu Rỗi hiện đến và bắt đầu dạy họ (xin xem 3 Nê Phi 27:1–3).

Hãy đọc 3 Nê Phi 27:4–7, và tìm kiếm những điều mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy cho các môn đồ của Ngài về tên của Giáo Hội của Ngài.

  • Đấng Cứu Rỗi đã phán Giáo Hội của Ngài nên được gọi là gì?

Hãy cân nhắc viết lẽ thật sau đây lên trên bảng và chừa chỗ trống ở cuối, để trong phần sau của bài học, anh chị em có thể viết thêm vào lẽ thật đó.

Một lẽ thật chúng ta học được từ những câu này là Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô phải được gọi bằng danh của Ngài.

  • Ngài đã đưa ra các lý do nào để đặt tên cho Giáo Hội theo danh Ngài?

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã chia sẻ những lý do giải thích tại sao việc chúng ta phải sử dụng tên đúng của Giáo Hội là quan trọng:

2:3

Không thể thay đổi tên của Giáo Hội được. Khi Đấng Cứu Rỗi nói rõ tên của Giáo Hội của Ngài phải là gì và thậm chí còn bắt đầu lời phán của Ngài với câu: “Vì giáo hội của ta sẽ được gọi như vậy”, Ngài rất nghiêm túc khi phán như vậy. Và nếu chúng ta cho phép biệt danh được sử dụng hoặc chấp nhận hay thậm chí còn tự quảng bá các biệt danh đó, thì Ngài bị xúc phạm.

Một cái tên, hoặc trong trường hợp này, một biệt danh có giá trị gì? Khi nói đến các biệt danh của Giáo Hội, như “Giáo Hội Thánh Hữu Ngày Sau”, “Giáo Hội Mặc Môn”, hay “Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau”, thì điều quan trọng nhất trong các tên đó là không có tên của Đấng Cứu Rỗi. Việc loại bỏ tên của Chúa ra khỏi Giáo Hội của Chúa là một chiến thắng lớn cho Sa Tan. Khi loại bỏ tên của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta đang khéo léo chối bỏ tất cả những gì Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho chúng ta—ngay cả Sự Chuộc Tội của Ngài. (Russell M. Nelson, “Tên Đúng của Giáo Hội”, Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 87–88)

  • Em nhận thấy điều gì là nổi bật trong lời phát biểu của Chủ Tịch Nelson?

  • Em nghĩ những nỗ lực của chúng ta để sử dụng tên đúng của Giáo Hội có thể ảnh hưởng như thế nào đến những người không phải là tín hữu của Giáo Hội?

Là một phần của cuộc thảo luận về câu hỏi trước, hãy cân nhắc xem một hoặc nhiều video từ phần “Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin Tham Khảo” dưới tiêu đề “Điều gì có thể xảy ra khi chúng ta sử dụng tên đúng của Giáo Hội?

“Được xây dựng trên phúc âm của ta”

Ngoài việc nhấn mạnh rằng Giáo Hội của Ngài nên được gọi theo danh của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã dạy cho các môn đồ người Nê Phi của Ngài một đặc điểm thiết yếu khác trong Giáo Hội của Ngài.

Hãy đọc 3 Nê Phi 27:8–10, và tìm kiếm đặc điểm này.

  • Em có thể thêm điều gì từ những câu này vào lẽ thật được in đậm mà em đã xác định trước đó về Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi?

Hãy cân nhắc ghi thêm vào lẽ thật mà em đã viết trước đó trên bảng để nó thành một điều tương tự như sau.

Một cách chúng ta có thể tóm tắt những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi mà em đã nghiên cứu cho đến nay là Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô phải được gọi bằng danh của Ngài và được xây dựng trên phúc âm của Ngài.

  • Em nghĩ việc Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi được xây dựng trên phúc âm của Ngài có nghĩa là gì?

Có thể là hữu ích khi hiểu rằng từ phúc âm có nghĩa là “tin lành” (xin xem Bible Dictionary, “Gospels”).

Để giúp em hiểu các khía cạnh quan trọng trong phúc âm của Đấng Cứu Rỗi, hãy vẽ một hình đơn giản về một tòa nhà của giáo hội trong nhật ký ghi chép việc học tập, như hình sau đây. Hãy chắc chắn dành chỗ để viết những từ và cụm từ bên dưới nhà thờ.

Hãy vẽ hình một nhà thờ trên bảng để có thể sử dụng trong cuộc thảo luận.

hình vẽ nhà hội đơn giản

Hãy đọc 3 Nê Phi 27:13–22, tìm kiếm những điều Chúa Giê Su Ky Tô đã nói về phúc âm của Ngài. Hãy viết các từ hoặc cụm từ mà em tìm thấy trong khoảng trống bên dưới hình vẽ của em.

Hãy mời các học viên liệt kê các từ hoặc cụm từ mà các em đã nhận ra bên dưới hình vẽ nhà thờ trên bảng. Sau đó, thảo luận về những điều học viên đã học được từ việc nghiên cứu những câu này bằng cách đặt ra những câu hỏi như sau.

  • Dựa trên các câu đã học, em sẽ mô tả như thế nào về ý nghĩa của phúc âm của Đấng Cứu Rỗi?

Hãy chỉ ra những khía cạnh cụ thể về phúc âm của Đấng Cứu Rỗi được liệt kê trên bảng. Hãy giúp học viên hiểu được tầm quan trọng của những khía cạnh này bằng cách đặt ra những câu hỏi như sau: Tại sao các em nghĩ rằng khía cạnh này trong phúc âm của Đấng Cứu Rỗi có thể được coi là tin lành? Các em nghĩ tại sao việc Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi được “xây dựng trên” (hoặc tập trung vào) lời giảng dạy hoặc nguyên tắc này lại là điều quan trọng? Khía cạnh này của phúc âm của Đấng Cứu Rỗi có thể ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của các em?

Khi anh chị em kết thúc cuộc thảo luận, anh chị em có thể muốn xem lại tình huống từ đầu bài học và yêu cầu học viên tập trả lời bằng cách sử dụng những điều các em đã học được.