Lớp Giáo Lý
3 Nê Phi 27, Phần 2: Được Thánh Hóa nhờ Chúa Giê Su Ky Tô


“3 Nê Phi 27, Phần 2: Được Thánh Hóa nhờ Chúa Giê Su Ky Tô”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“3 Nê Phi 27, Phần 2”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

3 Nê Phi 27, Phần 2

Được Thánh Hóa nhờ Chúa Giê Su Ky Tô

đứa trẻ hạnh phúc khi chịu phép báp têm

Có những lúc nào mà em muốn được trong sạch hơn về mặt thuộc linh không? Khi Chúa Giê Su Ky Tô dạy cho các môn đồ của Ngài ở châu Mỹ thời xưa, Ngài giải thích các phước lành quan trọng mà có sẵn cho những người tuân theo phúc âm của Ngài, bao gồm cả sự thánh hóa qua Đức Thánh Linh. Bài học này có thể giúp em hiểu cách nhận được quyền năng thánh hóa của Đấng Cứu Rỗi khi em nỗ lực sống theo phúc âm của Ngài.

Giúp học viên cảm thấy cảm giác được thuộc về. Lớp giáo lý phải là một môi trường nơi học viên được an toàn và được ủng hộ và những đóng góp của các em được quý trọng. Hãy thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm của anh chị em đối với học viên khi anh chị em tương tác với các em. Hãy khuyến khích các học viên trong lớp lắng nghe nhau và coi trọng quan điểm của bạn bè mình.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên đọc ba đoạn đầu tiên về “Đức Thánh Linh” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Hãy mời các em chuẩn bị trước khi đến lớp để chia sẻ xem các em nghĩ rằng Đức Thánh Linh có thể giúp các em trở nên được thánh hóa, hoặc giống như Đấng Cứu Rỗi hơn bằng cách nào.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Dơ bẩn

Để giúp học viên chuẩn bị nghiên cứu về nhu cầu được tẩy sạch khỏi những tội lỗi của mình, hãy cân nhắc chia sẻ câu chuyện sau đây.

Anh Cả Allen D. Haynie thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã chia sẻ câu chuyện sau đây từ thời thơ ấu của mình.

10:25

Khi tôi chín tuổi, bà ngoại tóc bạc trắng, cao 1 mét rưỡi của tôi đến nhà chúng tôi ở một vài tuần. Một buổi trưa nọ, trong khi bà đang ở đó, thì hai người anh trai của tôi và tôi quyết định đi đào một cái hố trong một cánh đồng ở bên kia đường của nhà chúng tôi. Tôi không biết lý do tại sao chúng tôi đã làm điều đó; đôi khi bọn con trai thích đi đào hố. Người chúng tôi có hơi bẩn một chút nhưng điều đó sẽ không làm cho chúng tôi gặp quá nhiều rắc rối. Mấy đứa con trai khác trong xóm thấy việc đào hố thật là thú vị và bắt đầu tham gia. Rồi tất cả chúng tôi lại càng bẩn hơn. Vì đất cứng, nên chúng tôi kéo cái vòi tưới nước của khu vườn đến và xịt một ít nước vào đáy hố để cho đất được mềm. Người chúng tôi vấy đầy bùn trong khi đào, nhưng cái hố thì đã được đào sâu hơn.

Một người nào đó trong nhóm quyết định là chúng tôi nên biến cái hố thành một cái hồ bơi, vậy nên chúng tôi đổ đầy nước vào hố. Vì là nhỏ tuổi nhất và muốn được chấp nhận cho chơi với nhóm nên tôi đã bị thuyết phục để nhảy vào cái hố và thử bơi. Bấy giờ thì tôi đã rất là bẩn. Lúc bắt đầu, tôi đã không dự định là người tôi sẽ dính đầy bùn, nhưng cuối cùng thì người tôi đã dính đầy bùn.

Khi trời bắt đầu lạnh, tôi chạy qua đường, định bước vào nhà. Bà ngoại gặp tôi ở cửa trước và không cho tôi vào. Bà nói với tôi rằng nếu bà cho tôi vào, thì tôi sẽ lê bùn vào nhà mà bà mới vừa lau sạch. Vì vậy, tôi đã làm điều mà bất cứ đứa trẻ chín tuổi nào cũng sẽ làm trong hoàn cảnh đó và chạy tới cửa sau, nhưng bà đã nhanh chân hơn tôi nghĩ. Tôi nổi giận, dậm chân, và đòi được vào nhà, nhưng cánh cửa vẫn đóng chặt.

Người tôi ướt sũng, dính đầy bùn, lạnh cóng, và trong trí tưởng tượng trẻ thơ của mình, tôi nghĩ rằng tôi có thể chết ở sân sau nhà. Cuối cùng, tôi hỏi bà là tôi phải làm gì để được vào nhà. Trong chốc lát, tôi thấy mình đang đứng ở sân sau trong khi bà ngoại cầm vòi nước xịt vào tôi. Sau một lúc rất lâu tưởng chừng như là vô tận, bà ngoại quyết định là tôi đã sạch rồi và để cho tôi vào nhà. Trong nhà thật là ấm, và tôi đã có thể mặc vào quần áo khô ráo, sạch sẽ. (Allen D. Haynie, “Nhớ Mình Đã Đặt Lòng Tin Cậy Nơi Ai”, Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 121)

  • Em có thể đưa ra những sự so sánh thuộc linh nào giữa câu chuyện của Anh Cả Haynie và cuộc sống của chúng ta?

Trong 3 Nê Phi 27, là một phần bài giảng của Đấng Cứu Rỗi cho các môn đồ người Nê Phi về phúc âm của Ngài, Ngài đã dạy về những hậu quả của tội lỗi và cách chúng ta có thể vượt qua những hậu quả đó và trở nên thanh sạch về mặt thuộc linh.

Hãy đọc 3 Nê Phi 27:19, và tìm kiếm những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi.

  • Câu này dạy cho em điều gì về nhu cầu cần có Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài?

Việc chia sẻ đoạn sau đây có thể giúp học viên nhận ra nhu cầu cá nhân của các em để cần có quyền năng thanh tẩy của Đấng Cứu Rỗi.

Chúa Giê Su Ky Tô có thể tẩy sạch cho em khỏi vết nhơ của tội lỗi và giúp em trở nên thánh thiện. Hãy suy ngẫm về nhu cầu của em để được tẩy sạch khỏi tội lỗi và cảm giác được thanh sạch về mặt thuộc linh có thể là như thế nào. Khi em học hôm nay, hãy tìm kiếm những lời giảng dạy có thể giúp em hiểu rõ hơn về cách em có thể tiếp cận quyền năng thánh hóa của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của mình.

Chúa Giê Su Ky Tô mô tả cách chúng ta có thể được thánh hóa qua Đức Thánh Linh

Trong 3 Nê Phi 27:20–22, Đấng Cứu Rỗi đã dạy những điều chúng ta có thể làm để nhận được quyền năng thánh hóa của Ngài và hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu. Để giúp em nghiên cứu những câu này, hãy chép bảng biểu sau đây vào nhật ký ghi chép việc học tập.

Anh chị em cũng có thể muốn chép bảng bảng biểu này lên bảng để cả lớp có thể điền vào sau khi nghiên cứu.

Các lệnh truyền

Các phước lành

Hãy đọc 3 Nê Phi 27:20–22 và hoàn thành bảng biểu dựa trên những điều em tìm thấy.

3 Nê Phi 27:20 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách riêng biệt để em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó. Trong bài học tiếp theo, em sẽ có cơ hội thực hành áp dụng giáo lý được dạy trong đoạn này vào một câu hỏi hoặc một tình huống.

  • Em sẽ tóm tắt như thế nào về những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong câu 20 thành một lời tuyên bố về lẽ thật?

Một lẽ thật mà chúng ta có thể học được là nếu chúng ta hối cải và đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách chịu phép báp têm, thì chúng ta có thể được thánh hóa qua việc thụ nhận Đức Thánh Linh và đứng không tì vết trước mặt Ngài vào ngày sau cùng.

Được thánh​hóa có nghĩa là “được sạch tội lỗi, thanh khiết, thanh sạch và thánh thiện qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Thánh Hóa”, scriptures.ChurchofJesusChrist.org).

  • Làm thế nào mà sự hối cải và phép báp têm giúp chúng ta có được sự thánh hóa nhờ Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Em có thể trả lời như thế nào khi một người thắc mắc làm thế nào những lệnh truyền này áp dụng cho họ sau khi họ đã nhận được giáo lễ báp têm?

Nếu cần, hãy giúp học viên hiểu rằng vì chúng ta không hoàn hảo nên chúng ta có cơ hội để hối cải mỗi ngày. Chúng ta cũng nên liên tục cố gắng tuân giữ các giao ước báp têm của mình sau khi chịu phép báp têm. Việc dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng cho chúng ta một cơ hội mỗi tuần để tái lập các giao ước đó. Tất cả những hành động này giúp chúng ta trở nên thanh khiết hơn về mặt thuộc linh.

Những lời phát biểu của Chủ Tịch Russell M. NelsonBoyd K. Packer trong phần “Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin Tham Khảo” có thể giúp anh chị em giảng dạy những khái niệm này.

Được Thánh Hóa qua Đức Thánh Linh

Những lời của Chúa Giê Su Ky Tô trong câu 20 dạy chúng ta rằng cách Ngài giúp chúng ta được thánh hóa là qua sự thụ nhận Đức Thánh Linh.

Chủ Tịch Henry B. Eyring trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy về mối quan hệ giữa Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi và ảnh hưởng thánh hóa của Đức Thánh Linh.

Nếu đã cảm thấy ảnh hưởng của Đức Thánh Linh hôm nay thì các anh chị em có thể lấy điều đó làm bằng chứng cho thấy Sự Chuộc Tội đang tác động trong cuộc sống của các anh chị em. Vì lý do đó và nhiều lý do khác, nên sẽ là điều tốt cho anh chị em nếu anh chị em ở những nơi và làm những điều mà mời gọi những thúc giục của Đức Thánh Linh. Việc cảm nhận ảnh hưởng của Đức Thánh Linh hoạt động theo cả hai chiều: Đức Thánh Linh chỉ ngự trong một đền thờ thanh sạch, và sự tiếp nhận Đức Thánh Linh thanh tẩy chúng ta qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. (Henry B. Eyring, “Gifts of the Spirit for Hard Times”, Ensign, tháng Sáu năm 2007, trang 23)

  • Em đã nhận thấy ảnh hưởng tinh luyện của Thánh Linh trong cuộc sống của mình như thế nào?

    Khi thảo luận về câu hỏi trước, hãy cân nhắc chia sẻ những ví dụ về cách mà Đức Thánh Linh đã giúp em gia tăng sự thanh khiết thuộc linh của mình. Điều này có thể bao gồm những cách thức mà Đức Thánh Linh đã làm gia tăng mong muốn của em để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô hoặc những thúc giục mà Đức Thánh Linh đã ban cho em để tránh những hành vi khiến em xa rời Đấng Cứu Rỗi.

  • Chúng ta có thể mời sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh bằng một số cách thức nào để chúng ta có thể thường xuyên được ban phước với ảnh hưởng thánh hóa của sự đồng hành đó?

Áp dụng những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của em

Những lẽ thật mà em đã học hôm nay tuy đơn giản nhưng cần được tuân theo một cách nhất quán để em có thể trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế một cách xứng đáng. Hãy suy ngẫm về cách em sẽ áp dụng vào cuộc sống những điều em đã học và cảm nhận được. Em có thể chọn một hoặc nhiều lựa chọn trong số các lựa chọn sau đây hoặc chọn một cách khác để áp dụng những lời dạy này.

Hãy trưng ra các tùy chọn sau đây và cho học viên đủ thời gian để suy ngẫm và có thể viết một kế hoạch hành động trong nhật ký ghi chép việc học tập của các em. Sau khi các em làm xong, hãy làm chứng về các lẽ thật mà anh chị em đã thảo luận trong bài học này.

  1. Hãy suy nghĩ kỹ hơn về việc hối cải mỗi ngày và quyết tâm tuân theo Đấng Cứu Rỗi một cách trọn vẹn hơn.

  2. Hãy làm cho việc dự phần vào giáo lễ Tiệc Thánh trở nên ý nghĩa hơn trong sự thờ phượng trong ngày Chủ Nhật của em.

  3. Hãy xác định một tội lỗi hoặc điều gây xao lãng đang hạn chế sự đồng hành của em với Đức Thánh Linh. Hãy thực hiện những hành động cần thiết để loại bỏ tội lỗi hoặc điều gây xao lãng đó khỏi cuộc sống của em.

  4. Hãy bắt đầu làm điều gì đó mà sẽ cho em khả năng tiếp cận nhiều hơn với sự đồng hành của Đức Thánh Linh.