“Ngày 8 tháng Tám. Tôi Có Thể Tham Gia vào Việc Quy Tụ Y Sơ Ra Ên Bằng Cách Nào? Giáo Lý và Giao Ước 85–87,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý năm 2021 (năm 2020)
“Ngày 8 tháng Tám. Tôi Có Thể Tham Gia vào Việc Quy Tụ Y Sơ Ra Ên Bằng Cách Nào?” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý năm 2021
Ngày 8 tháng Tám
Tôi Có Thể Tham Gia vào Việc Quy Tụ Y Sơ Ra Ên Bằng Cách Nào?
Cùng Nhau Hội Ý
Được hướng dẫn bởi một thành viên trong chủ tịch đoàn nhóm túc số hoặc lớp học; khoảng 10–20 phút
Vào đầu buổi họp, hãy cùng nhau lặp lại Chủ Đề của Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn hoặc Chủ Đề của Hội Thiếu Nữ. Sau đó hãy hướng dẫn một cuộc thảo luận về những điều như sau, và hoạch định cách để thực hiện điều mà các em thảo luận (các em có thể quyết định những điều nào cần thảo luận trong lúc họp chủ tịch đoàn):
-
Nhóm túc số hoặc lớp học của chúng ta. Gần đây chúng ta đã có những sinh hoạt nào? Những sinh hoạt đó có thành công không? Phần nào đã thực hiện tốt, và làm thế nào chúng ta có thể cải thiện các sinh hoạt đó?
-
Bổn phận hoặc trách nhiệm của chúng ta. Ai cần chúng ta phục vụ? Chúng ta có thể giúp đỡ họ như thế nào?
-
Cuộc sống của chúng ta. Chúng ta đang cố gắng thực hiện những mục tiêu cá nhân nào? Chúng ta có thể chia sẻ những kinh nghiệm nào? Chúng ta đã nhận được những phước lành nào?
Vào cuối buổi học, hãy làm những điều sau đây khi thích hợp:
-
Làm chứng về các nguyên tắc đã được giảng dạy.
-
Nhắc cho các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học nhớ về những kế hoạch và lời mời được đưa ra trong buổi họp.
Giảng Dạy Giáo Lý
Được hướng dẫn bởi một em giới trẻ hoặc một người lãnh đạo thành niên; khoảng 25–35 phút
Tự Chuẩn Bị về Phần Thuộc Linh
Các em trong nhóm túc số hoặc lớp học của anh chị em có thể đã biết một điều gì đó về các trách nhiệm của họ để làm công việc truyền giáo, công việc đền thờ và lịch sử gia đình. Nhưng nếu anh chị em trò chuyện với họ về việc quy tụ Y Sơ Ra Ên, họ có thể không biết anh chị em đang nói về điều gì. Làm thế nào anh chị em có thể giúp họ hiểu rằng việc chia sẻ phúc âm, nghiên cứu lịch sử gia đình của họ, và thực hiện các giáo lễ trong đền thờ là một phần của một công việc lớn lao hơn nhằm quy tụ Y Sơ Ra Ên để chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi?
Những người mà anh chị em dạy có thể đã nghiên cứu câu chuyện ngụ ngôn về lúa mì và cỏ lùng trong Giáo Lý và Giao Ước 86, mà giảng dạy về sự quy tụ Y Sơ Ra Ên trong những ngày sau cùng. Khi anh chị em đọc tiết này, hãy cố gắng tưởng tượng những người trong nhóm túc số hoặc lớp học của anh chị em là những người làm công trên cánh đồng của Chúa. Làm cách nào anh chị em sẽ giúp họ cảm nhận được niềm vui khi tham gia vào công việc vĩ đại này? Để tìm hiểu thêm về đề tài này, hãy nghiên cứu sứ điệp của Chủ Tịch Russell M. Nelson và Chị Wendy W. Nelson “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” ([buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018], phần bổ sung cho tạp chí New Era và Ensign, ChurchofJesusChrist.org).
Cùng Nhau Học Tập
Anh chị em có thể bắt đầu bằng việc đặt ra cho các thành viên trong lớp học những câu hỏi như sau: Điều gì làm các em đặc biệt chú ý khi các em đọc Giáo Lý và Giao Ước 86 ở nhà? Các em đã học được điều gì về công việc quy tụ con cái của Thượng Đế vào những ngày sau cùng? Chúng ta đang làm gì để tham gia vào công việc này? Dưới đây là những ý kiến bổ sung nhằm truyền cảm hứng cho nhóm túc số hoặc lớp học của anh chị em để tham gia vào việc quy tụ Y Sơ Ra Ên.
-
Hỏi các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học xem họ nghĩ về điều gì khi nghe cụm từ “sự quy tụ Y Sơ Ra Ên.” Nếu các em cần giúp đỡ, hãy đề nghị họ đọc định nghĩa sau đây từ Chủ Tịch Russell M. Nelson: “Sự quy tụ Y Sơ Ra Ên cuối cùng có nghĩa là mang phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đến cho con cái của Thượng Đế ở cả hai bên bức màn che, là những người không lập các giao ước quan trọng với Thượng Đế cũng như không nhận được các giáo lễ thiết yếu của họ. Mỗi người con của Cha Thiên Thượng đều xứng đáng có cơ hội để chọn noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, chấp nhận và tiếp nhận phúc âm của Ngài với tất cả các phước lành của phúc âm đó” (“Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên,” trang 11–12). Định nghĩa này ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta nghĩ về bổn phận quan trọng này?
-
Để giúp các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học hiểu cách mà câu chuyện ngụ ngôn về lúa mì và cỏ lùng áp dụng cho họ, anh chị em có thể viết lên trên bảng những cụm từ trong Giáo Lý và Giao Ước 86. Các cụm từ này có thể miêu tả những biểu tượng trong câu chuyện ngụ ngôn—chẳng hạn như “người gieo hạt giống”, “cỏ lùng làm tắc nghẽn lúa mì”, “cây lúa đang nhô lên,” và “gặt lúa mì” (các câu 2–4, 7). Các cụm từ này cũng có thể miêu tả lời giải thích về những biểu tượng này—chẳng hạn như “Các Sứ Đồ,” “Sự Bội Giáo,” “Sự Phục Hồi,” và “công việc truyền giáo.” Sau đó các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học có thể làm việc cùng nhau để ôn lại tiết 86 và nối các biểu tượng với ý nghĩa tương xứng của chúng. (Họ cũng có thể đọc Ma Thi Ơ 13:36–43.) Chúng ta học được điều gì từ câu chuyện ngụ ngôn này về công việc quy tụ Y Sơ Ra Ên? Chúng ta có thể làm gì để trở thành “ánh sáng” và “kẻ cứu rỗi” cho con cái của Thượng Đế? (Giáo Lý và Giao Ước 86:11).
-
Các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học có lẽ vẫn nhớ rằng trong sứ điệp “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” của ông, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã mời họ làm những việc cụ thể để chuẩn bị giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên (xin xem các trang 14–17). Hỏi các em xem họ nhớ được những lời mời gọi nào, và cùng ôn lại những lời mời gọi đó nếu cần. Những việc làm này có thể giúp chúng ta trở nên hiệu quả hơn trong việc quy tụ Y Sơ Ra Ên như thế nào? Chúng ta có thể làm gì để tự nhắc nhở mình về những lời mời này và giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành chúng? Khuyến khích các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học suy nghĩ một cách sáng tạo và chia sẻ ý kiến của họ.
-
Các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học có thể đọc phần giới thiệu và hai phần đầu tiên trong sứ điệp của Anh Cả Quentin L. Cook “Tình Yêu Thương Lớn Lao dành cho Con Cái của Cha Chúng Ta” (Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 76–79), cùng tìm kiếm lý do tại sao tình yêu thương là vô cùng quan trọng trong những nỗ lực thực hiện công việc truyền giáo, đền thờ, và lịch sử gia đình. Yêu cầu các em chia sẻ điều mà họ học được về cách mà tình yêu thương có thể tạo ra sự khác biệt khi chúng ta cố gắng chia sẻ phúc âm với những người ở cả hai bên bức màn che. Cho các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học thời gian để viết xuống một điều gì đó mà họ muốn làm nhờ vào buổi thảo luận hôm nay. Để giúp các em nghĩ ra ý tưởng, anh chị em có thể đề nghị họ nghĩ về những người họ biết. Thượng Đế sẽ tìm đến những người này như thế nào? Chúng ta có thể giúp đỡ như thế nào?
Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ
-
Russell M. Nelson, “Sự Quy Tụ Dân Y Sơ Ra Ên Đã Bị Phân Tán,” Liahona, tháng Mười Một năm 2006, trang 79–82