Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 10 tháng Mười. Làm Thế Nào Tôi Có Thể Trở Nên Cải Đạo Một Cách Trọn Vẹn Hơn theo Chúa? Giáo Lý và Giao Ước 111–114


“Ngày 10 tháng Mười. Làm Thế Nào Tôi Có Thể Trở Nên Cải Đạo Một Cách Trọn Vẹn Hơn theo Chúa? Giáo Lý và Giao Ước 111–114,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 10 tháng Mười. Làm Thế Nào Tôi Có Thể Trở Nên Cải Đạo Một Cách Trọn Vẹn Hơn theo Chúa?” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý năm 2021

Hình Ảnh
các thiếu nữ đang mỉm cười

Ngày 10 tháng Mười

Làm Thế Nào Tôi Có Thể Trở Nên Cải Đạo Một Cách Trọn Vẹn Hơn theo Chúa?

Giáo Lý và Giao Ước 111–114

Hình Ảnh
biểu tượng cùng nhau hội ý

Cùng Nhau Hội Ý

Được hướng dẫn bởi một thành viên trong chủ tịch đoàn nhóm túc số hoặc lớp học; khoảng 10–20 phút

Vào đầu buổi họp, hãy cùng nhau lặp lại Chủ Đề của Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn hoặc Chủ Đề của Hội Thiếu Nữ. Sau đó, bên cạnh việc hội ý về các công việc cụ thể của nhóm túc số hoặc lớp học, các em có thể muốn thảo luận về những ấn tượng và chủ đề từ đại hội trung ương. Các câu hỏi sau đây có thể giúp ích.

  • Các chủ đề hoặc sứ điệp nào nổi bật đối với chúng ta?

  • Chúng ta cảm thấy được thúc giục để làm điều gì nhờ vào những điều chúng ta đã học hoặc cảm nhận được?

  • Chúng ta cần làm gì với tư cách là một nhóm túc số hoặc lớp học để hành động theo lời khuyên dạy mà chúng ta đã lắng nghe trong đại hội trung ương?

Vào cuối buổi học, hãy làm những điều sau đây khi thích hợp:

  • Làm chứng về các nguyên tắc đã được giảng dạy.

  • Nhắc cho các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học nhớ về những kế hoạch và lời mời được đưa ra trong buổi họp.

Hình Ảnh
biểu tượng giảng dạy giáo lý

Giảng Dạy Giáo Lý

Được hướng dẫn bởi một em giới trẻ hoặc một người lãnh đạo thành niên; khoảng 25–35 phút

Tự Chuẩn Bị về Phần Thuộc Linh

Để trở nên cải đạo trọn vẹn hơn theo Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta phải tin cậy nơi Ngài và tuân theo những lệnh truyền của Ngài—ngay cả khi những khó khăn thử thách sự cải đạo của chúng ta. Vào năm 1837, một số tín hữu của Giáo Hội, kể cả một số thành viên thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã mất đi chứng ngôn của họ và chống lại Tiên Tri Joseph Smith. Thomas B. Marsh là Chủ Tịch của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ vào lúc đó. Khi cùng đọc Giáo Lý và Giao Ước 112 trong tuần này, anh chị em và gia đình của mình có thể đã chú ý đến lời khuyên dạy của Chúa để giúp Thomas B. Marsh củng cố sự cải đạo của ông (xin đặc biệt xem các câu 10–26). Lời khuyên này dạy anh chị em điều gì về việc trở nên cải đạo hơn theo Đấng Cứu Rỗi?

Làm thế nào anh chị em có thể giúp các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học nhận được lời hứa của Đấng Cứu Rỗi rằng “họ sẽ được cải hóa, và ta sẽ chữa lành cho họ”? (Giáo Lý và Giao Ước 112:13). Anh chị em có thể chia sẻ những kinh nghiệm nào? Khi anh chị em suy ngẫm về những câu hỏi này, hãy nghĩ đến việc ôn lại sứ điệp của Chủ Tịch Bonnie H. Cordon “Tin Cậy nơi Chúa và Chớ Nương Cậy nơi Sự Hiểu Biết của Mình” (Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 6–9) và mục “Sự Cải Đạo” trong tài liệu Trung Thành với Đức Tin ([năm 2004], trang 16–19).

Hình Ảnh
em thiếu niên đang đọc thánh thư

Thánh Thư là một nguồn sức mạnh lớn lao khi chúng ta cố gắng trở nên cải đạo một cách trọn vẹn hơn.

Cùng Nhau Học Tập

Các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học có biết ý nghĩa của việc trở nên cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô không? Họ có biết cách để trở nên cải đạo một cách trọn vẹn hơn không? Mời các em suy ngẫm các câu hỏi này trong khi ôn lại Giáo Lý và Giao Ước 112:10-26. Làm thế nào chúng ta có thể vẫn luôn được cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô ngay cả trong những hoàn cảnh đầy thử thách? Anh chị em có thể sử dụng ít nhất một trong các sinh hoạt sau đây để giúp nhóm túc số hoặc lớp học của mình củng cố sự cải đạo của họ nơi Đấng Cứu Rỗi.

  • An Ma 32:27–43 có thể giúp những người mà anh chị em dạy hiểu cách để củng cố đức tin của họ và trở nên cải đạo trọn vẹn hơn theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Có lẽ anh chị em có thể chia các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học ra thành nhiều nhóm và yêu cầu mỗi nhóm đọc các câu thánh thư sau và thảo luận điều mà các câu đó dạy về đức tin và sự cải đạo. Yêu cầu mỗi nhóm chia sẻ những điều họ đã học được. Anh chị em có thể khuyến khích thảo luận bằng cách đặt những câu hỏi như sau: Tại sao hình ảnh một hạt giống phát triển thành một cái cây là một cách miêu tả chính xác về sự cải đạo? “Trắc nghiệm lời nói [của Thượng Đế]” có nghĩa là gì? (câu 27). “Nuôi dưỡng cây” có nghĩa là gì? (câu 41). Làm thế nào chúng ta có thể biết rằng hạt giống của sự cải đạo đã “nở ra, nảy mầm, và bắt đầu mọc” bên trong chúng ta? (câu 30). Dành thời gian để các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học suy ngẫm điều họ cần làm để nuôi dưỡng sự cải đạo của chính họ theo Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Có nhiều thế lực trên thế gian chống lại sự cải đạo của chúng ta theo Chúa Giê Su Ky Tô. Việc đọc Hê La Man 5:12 có thể dạy các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học về cách để tiếp tục mạnh mẽ bất chấp sự phản đối. Việc “xây dựng nền tảng của mình” trên đá của Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là gì? Anh chị em có thể chỉ định cho mỗi em một phần trong sứ điệp của Anh Cả Quentin L. Cook “Những Nền Tảng của Đức Tin” (Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 127–131) và yêu cầu họ tìm kiếm những ví dụ và lời khuyên dạy mà giúp họ xây dựng nền tảng của mình trên Đấng Cứu Rỗi.

  • Anh chị em có thể nghĩ ra một cách sáng tạo để trình bày nguyên tắc được giảng dạy bởi Chủ Tịch Bonnie H. Cordon trong sứ điệp của chị “Tin Cậy nơi Chúa và Chớ Nương Cậy nơi Sự Hiểu Biết của Mình” không? Ví dụ, anh chị em có thể chia nhóm túc số hoặc lớp học của mình ra thành nhiều nhóm và thách mỗi nhóm xây được một công trình cao nhất trên một bề mặt nghiêng bằng cách sử dụng các khối hoặc những đồ vật khác. Sau đó hãy thảo luận xem điều này liên quan đến sứ điệp của Chủ Tịch Cordon như thế nào. Sau đó nhóm túc số hoặc lớp học có thể tìm trong sứ điệp những đề nghị về cách để giữ cho Chúa Giê Su Ky Tô làm trọng tâm cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể chia sẻ những kinh nghiệm nào về những lúc mà chúng ta nương cậy vào sự hiểu biết của chính mình hoặc khi chúng ta tin cậy nơi Đấng Cứu Rỗi?

Hành Động theo Đức Tin

Khuyến khích các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học suy ngẫm và ghi lại những điều họ sẽ làm để hành động theo các ấn tượng mà họ đã nhận được hôm nay. Bài học hôm nay có liên quan như thế nào đến những mục tiêu cá nhân mà họ đã đặt ra? Nếu muốn, các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học có thể chia sẻ ý kiến của họ.

Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ

Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi

Đấng Cứu Rỗi phán: “Đạo lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến” (Giăng 7:16). Ngài giảng dạy giáo lý mà Ngài đã học được từ Cha Ngài. Làm thế nào anh chị em có thể chắc chắn rằng mình đang giảng dạy giáo lý chân chính? (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi [năm 2016], trang 20–21.)

In