Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 8–14 tháng Tư: “Chúa Lao Nhọc với Chúng Ta.” Gia Cốp 5–7


“Ngày 8–14 tháng Tư: ‘Chúa Lao Nhọc với Chúng Ta.’ Gia Cốp 5–7,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2024)

“Ngày 8–14 tháng Tư: Gia Cốp 5–7,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2024)

Hình Ảnh
những người đàn ông đang làm việc trong vườn cây ô liu

Allegory of the Olive Tree (Truyện Ngụ Ngôn về Cây Ô Liu), tranh do Brad Teare họa

Gia Cốp 8–14: Chúa Lao Nhọc với Chúng Ta

Gia Cốp 5–7

Có rất nhiều người chưa từng nghe đến phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu anh chị em từng cảm thấy bị quá sức bởi trọng trách lớn lao phải mang họ vào Giáo Hội của Chúa, thì những điều mà Gia Cốp đã nói về cây ô liu trong Gia Cốp 5 có một lời nhắc nhở trấn an rằng: vườn ô liu thuộc về Chúa. Ngài đã ban cho mỗi chúng ta một khu vực nhỏ để hỗ trợ trong công việc Ngài—gia đình, bè bạn, và những người khác mà chúng ta ảnh hưởng đến. Và đôi khi người đầu tiên chúng ta phải giúp mang về là chính bản thân chúng ta. Nhưng chúng ta không bao giờ đơn độc trong công việc này, vì Chúa vườn lao nhọc cùng với các tôi tớ của Ngài (xin xem Gia Cốp 5:72). Thượng Đế biết và yêu thương con cái của Ngài, và Ngài sẽ chuẩn bị một cách thức cho mỗi người họ nghe đến phúc âm của Ngài, kể cả những người đã chối bỏ Ngài trong quá khứ (xin xem Gia Cốp 4:15–18). Và rồi, khi công việc kết thúc, tất cả những ai đã “làm việc một cách cần mẫn [cùng Ngài] … sẽ có được sự vui mừng với [Ngài] vì những trái cây trong vườn của [Ngài]” (Gia Cốp 5:75).

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

Gia Cốp 5

Chúa Giê Su Ky Tô là Chúa vườn.

Gia Cốp 5 là một câu chuyện mang ý nghĩa tượng trưng. Câu chuyện mô tả cây cối, trái cây và người làm vườn, nhưng thực chất là nói về những sự tương tác của Thượng Đế với dân Ngài xuyên suốt lịch sử. Vì vậy, khi anh chị em đọc câu chuyện chính này, hãy nghĩ về một số điều trong câu chuyện có thể tượng trưng cho điều gì.

Ví dụ, nếu vườn nho tượng trưng cho thế gian, và cây ô liu lành tượng trưng cho Y Sơ Ra Ên (hoặc những người đã lập giao ước với Thượng Đế, xin xem Gia Cốp 5:3), thì các cây ô liu dại có thể tượng trưng cho điều gì? Trái tốt và trái xấu tượng trưng cho điều gì? Anh chị em thấy có những biểu tượng nào khác?

Mặc dù Gia Cốp 5 dạy về các quốc gia và nhiều thế kỷ trong lịch sử thế giới, nhưng chương đó cũng nói về các anh chị em và cuộc sống của các anh chị em. Anh chị em tìm thấy sứ điệp nào cho chính mình trong Gia Cốp 5?

Có lẽ quan trọng nhất, Gia Cốp 5 nói về Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tìm kiếm Ngài trong khi anh chị em đọc. Ví dụ, anh chị em học được điều gì về Ngài trong các câu 40–41, 46–47?

Để có thêm những hiểu biết sâu sắc về Gia Cốp 5, xin xem biểu đồ ở cuối đề cương này.

Hình Ảnh
hình biểu tượng lớp giáo lý

Gia Cốp 5:61–75

Chúa mời gọi tôi lao nhọc cùng với Ngài trong vườn nho của Ngài.

“Những tôi tớ khác” (Gia Cốp 5:70) là những người được kêu gọi vào vườn nho của Chúa có cả những người như anh chị em. Anh chị em tìm thấy những lẽ thật nào trong Gia Cốp 5, đặc biệt trong các câu 61–6270–75, về việc lao nhọc trong vườn nho của Chúa? Anh chị em đã học được điều gì về Ngài bằng cách giúp đỡ công việc của Ngài?

Khi anh chị em đọc về “lần chót” Chúa làm việc trong vườn cây của Ngài, điều gì soi dẫn anh chị em để phục vụ Chúa “với hết sức lực của mình”? (Gia Cốp 5:71). Anh chị em có thể nghĩ về một kinh nghiệm cá nhân mà trong đó anh chị em cảm thấy niềm vui trong khi phục vụ Chúa vườn—ví dụ, qua việc chia sẻ phúc âm, phục vụ trong đền thờ, hoặc củng cố những người khác. Anh chị em cũng có thể khám phá các ví dụ mà Anh Cả Gary E. Stevenson đã chia sẻ trong sứ điệp của ông “Đơn Giản và Đẹp Đẽ” (Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 47–50).

Như Chủ Tịch Russell M Nelson đã dạy: “Bất cứ lúc nào [anh chị em] làm bất cứ điều gì để giúp bất cứ ai–ở cả hai bên bức màn che–tiến một bước đến việc lập giao ước với Thượng Đế và tiếp nhận các giáo lễ báp têm và đền thờ cần thiết của họ, thì tức là [anh chị em] đang giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên. Chỉ đơn giản vậy thôi” (“Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” [buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018], ChurchofJesusChrist.org). Hãy cân nhắc việc bắt đầu một bản liệt kê những ý kiến về điều anh chị em có thể làm để giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên. Từ bản liệt kê của mình, anh chị em cảm thấy Chúa muốn anh chị em làm gì hôm nay trong vườn nho của Ngài? Theo câu 75, Chúa tưởng thưởng cho chúng ta vì phục vụ trong vườn nho của Ngài như thế nào?

Giảng dạy giáo lý. Hãy đảm bảo các cuộc thảo luận của anh chị em tập trung vào giáo lý nền tảng trong thánh thư. Anh chị em có thể làm điều này bằng cách cùng nhau đọc thánh thư và sau đó chia sẻ với nhau các lẽ thật anh chị em tìm thấy, cũng như những kinh nghiệm với việc sống theo các lẽ thật đó.

Gia Cốp 6:4–5

Chúa nhớ đến dân của Ngài trong tình yêu thương và lòng thương xót.

Một nghĩa của từ gắn bó là gắn vào hoặc dính vào cái gì đó một cách chắc chắn, chặt chẽ và không lung lay. Định nghĩa đó ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em hiểu Gia Cốp 6:4–5? Trong câu chuyện về cây ô liu, Chúa vườn đã dang “cánh tay thương xót” của Ngài ra như thế nào? (để có ví dụ, xin xem Gia Cốp 5:47, 51, 60–61, 71–72). Ngài đã làm điều này cho anh chị em như thế nào?

Gia Cốp 7:1–23

Tôi có thể đứng vững khi người khác thử thách đức tin của tôi nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Kinh nghiệm của dân Nê Phi với Sê Rem thường được lặp lại ngày nay: có những người đang cố gắng hủy diệt đức tin nơi Đấng Ky Tô. Gia Cốp đã trả lời như thế nào khi đức tin của ông bị tấn công? Anh chị em học được điều gì từ những câu trả lời của ông? Anh chị em có thể làm gì bây giờ để chuẩn bị cho những lúc mà đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi của mình bị thử thách?

Xin xem thêm Jeffrey R. Holland, “Cái Giá—và Phước Lành—để Làm Môn Đồ,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 6–9.

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm trong tháng này của tạp chí LiahonaCổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

Gia Cốp 5

Chúa quan tâm đến dân của Ngài.

  • Làm thế nào anh chị em có thể chia sẻ câu chuyện về cây ô liu theo cách mà các bé có thể hiểu được? Có một cách là đi bộ ra ngoài để xem một cái cây và tóm lược lại những điểm chính của câu chuyện. Chúa vườn đã làm gì cho các cây của Ngài? Làm thế nào chúng ta có thể trở nên giống như những người làm việc trong câu chuyện này và giúp người khác cảm nhận được tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi?

  • Gia Cốp chia sẻ câu chuyện về cây ô liu để mời dân của ông đến cùng Đấng Ky Tô. Câu chuyện này có thể làm điều tương tự cho các bé. Anh chị em có thể tóm lược câu chuyện này với các câu như Gia Cốp 5:3–4, 28–29, 47, và 70–72. Sau đó, anh chị em hoặc các bé có thể đọc Gia Cốp 5:11, 41,47, và 72, tìm kiếm những điều cho thấy Chúa vườn (Chúa Giê Su Ky Tô) quan tâm đến các cây đó biết bao. Đấng Cứu Rỗi làm gì để cho thấy rằng Ngài quan tâm đến chúng ta?

Gia Cốp 6:4–5

Cha Thiên Thượng yêu thương tôi và sẽ tha thứ cho tôi khi tôi hối cải.

  • Trong Gia Cốp 6:4–5 có một sứ điệp quan trọng dành cho chúng ta khi chúng ta lựa chọn sai. Có lẽ anh chị em có thể giúp các bé tìm thấy nó. Những từ nào trong các câu này cho chúng ta có hy vọng vào tình yêu thương cứu chuộc của Thượng Đế? Câu chuyện của Anh Cả Allen D. Haynie về việc bị vấy bẩn trong hố bùn trong sứ điệp “Nhớ Mình Đã Đặt Lòng Tin Cậy Nơi Ai” của ông (Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 121–122) có thể hữu ích. Câu chuyện này và Gia Cốp 6:4–5 dạy chúng ta những gì về điều mình cần phải làm để được cứu vào vương quốc của Thượng Đế?

Gia Cốp 7:1–23

Tôi có thể đứng lên bênh vực cho những điều tôi biết là đúng.

  • Làm thế nào anh chị em có thể soi dẫn cho các bé đứng lên bênh vực cho lẽ thật như Gia Cốp đã làm? Các bé có thể diễn lại cuộc trò chuyện giữa Gia Cốp và Sê Rem, sử dụng Gia Cốp 7:1–23 làm hướng dẫn. Gia Cốp đã đứng lên bênh vực cho những điều ông biết là đúng như thế nào? Hãy mời các bé chia sẻ những kinh nghiệm khi chúng đứng lên bênh vực điều đúng hoặc chia sẻ những kinh nghiệm của chính anh chị em.

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm trong tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

In