Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 15–21 tháng Tư: “Ngài Đã Tác Động Tôi Làm Theo Ý Muốn của Ngài.” Ê Nót–Lời Mặc Môn


“Ngày 15–21 tháng Tư: ‘Ngài Đã Tác Động Tôi Làm Theo Ý Muốn của Ngài.’ Ê Nót–Lời Mặc Môn,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2024)

“Ngày 15–21 tháng Tư. Ê Nót–Lời Mặc Môn,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2024)

Ê Nót khi còn bé cùng với cha Gia Cốp của ông, và mẹ

Jacob and Enos (Gia Cốp và Ê Nót), tranh do Scott Snow họa

Ngày 15–21 tháng Tư: “Ngài Đã Tác Động Tôi Làm Theo Ý Muốn của Ngài”

Ê Nót–Lời Mặc Môn

Mặc dù Ê Nót đi vào rừng săn thú để thỏa mãn cơn đói của cơ thể, nhưng cuối cùng ông lại ở đó cả ngày lẫn đêm vì “tâm hồn [ông] tràn đầy sự khao khát.” Sự khao khát này đã dẫn Ê Nót đến việc “cất cao lời van xin để cho những lời của [ông] thấu đến các tầng trời.” Ông mô tả kinh nghiệm này là một sự phấn đấu trước mặt Thượng Đế (xin xem Ê Nót 1:2–4). Qua Ê Nót, chúng ta biết được rằng lời cầu nguyện là một nỗ lực chân thành để đến gần Thượng Đế và tìm cách biết được ý muốn của Ngài. Khi cầu nguyện với ý định này, giống như Ê Nót đã làm, anh chị em có nhiều khả năng khám phá ra rằng Thượng Đế lắng nghe anh chị em và thật sự quan tâm đến anh chị em, những người thân yêu của anh chị em, và kể cả kẻ thù của anh chị em (xin xem Ê Nót 1:4–17). Khi anh chị em biết ý muốn của Ngài, anh chị em có thể làm theo ý muốn của Ngài tốt hơn. Giống như Mặc Môn, anh chị em có thể “không hiểu hết mọi sự vật; nhưng Chúa hiểu hết mọi điều … ; vậy nên, Ngài đã tác động [anh chị em] làm theo ý muốn của Ngài” (Lời Mặc Môn 1:7).

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

Ê Nót 1:1–17

Thượng Đế sẽ lắng nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của tôi.

Những kinh nghiệm của anh chị em với lời cầu nguyện có thể ít kịch tính hơn kinh nghiệm của Ê Nót, nhưng chúng không nhất thiết phải kém ý nghĩa hơn. Sau đây là một số câu hỏi để suy ngẫm khi anh chị em học Ê Nót 1:1–17:

  • Từ ngữ nào mô tả những nỗ lực của Ê Nót khi ông cầu nguyện?

  • Những lời cầu nguyện của Ê Nót đã thay đổi như thế nào từ các câu 4 đến 11?

  • Tôi học được điều gì từ Ê Nót mà có thể giúp tôi cải thiện những lời cầu nguyện của mình?

Chia sẻ các câu hỏi thảo luận. Nếu anh chị em đang giảng dạy người khác, hãy cân nhắc việc đặt những câu hỏi mà anh chị em muốn thảo luận ở một nơi nổi bật để mọi người có thể nhìn thấy những câu hỏi đó. Điều này giúp mọi người suy ngẫm về những câu hỏi đó và đưa ra nhiều câu trả lời được soi dẫn hơn.

hình biểu tượng lớp giáo lý

Ê Nót 1:1–4

Chúa có thể giúp tôi có ảnh hưởng tốt đến gia đình tôi.

Có lẽ có một người nào đó trong gia đình mà anh chị em mong muốn mình có thể giúp người ấy đến cùng Đấng Ky Tô, nhưng anh chị em tự hỏi liệu những nỗ lực của mình có tạo ra sự khác biệt nào không. Anh chị em có thể học được điều gì từ Ê Nót 1:1–4 về ảnh hưởng của Gia Cốp đối với con trai Ê Nót của ông? Ví dụ, cụm từ “sự dưỡng dục cùng sự khuyên răn của Chúa” có ý nghĩa gì đối với anh chị em? Làm thế nào anh chị em có thể mời gọi ảnh hưởng của Ngài vào trong nhà mình?

Khi anh chị em nghĩ về gia đình mình, hãy suy ngẫm về những câu hỏi và nguồn tài liệu sau đây:

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf chia sẻ lời khuyên hữu ích cho gia đình trong “Lời Khen Ngợi Những Người Bảo Vệ Gìn Giữ” (Liahona, tháng Năm 2016, trang 77–80). Sứ điệp của ông soi dẫn cho anh chị em làm gì để củng cố gia đình mình? (đặc biệt xin xem phần có tựa đề “Gìn Giữ Bảo Vệ Gia Đình Chúng Ta”).

Ê Nót 1:1–18

Tôi có thể nhận được sự tha thứ khi tôi thực hành đức tin nơi Đấng Ky Tô.

Đôi khi anh chị em có thể tự hỏi liệu tội lỗi của mình có được tha thứ không, ngay cả sau khi anh chị em đã hối cải những tội lỗi đó. Anh chị em đạt được những hiểu biết sâu sắc nào từ kinh nghiệm của Ê Nót trong Ê Nót 1:1–8? Bằng cách nào Ê Nót đã cho thấy đức tin của ông nơi Chúa Giê Su Ky Tô trước và sau khi ông nhận được sự tha thứ?

Gia Rôm–Ôm Ni

Khi tôi cố gắng tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, Thượng Đế sẽ ban phước cho tôi.

Cả hai sách Gia Rôm và Ôm Ni đều mô tả mối quan hệ giữa sự ngay chính và sự thịnh vượng. Anh chị em học được điều gì từ Gia Rôm 1:7–12; Ôm Ni 1:5–7, 12–18? Các định nghĩa của thế gian về sự thịnh vượng khác với định nghĩa của Chúa như thế nào? Làm thế nào Chúa giúp dân của Ngài được thịnh vượng? (xin xem An Ma 37:13; 48:15–16).

Ôm Ni 1:25–26

“Hãy đến cùng Đấng Ky Tô, là Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên.”

Lời mời gọi “Hãy đến cùng Đấng Ky Tô” thường xuất hiện trong Sách Mặc Môn. Thật ra, một trong những mục đích chính của sách là đưa ra lời mời này cho tất cả mọi người. Khi đọc Ôm Ni 1:25–26, anh chị em tìm thấy những từ hoặc cụm từ nào mô tả cách để đến cùng Đấng Ky Tô? Anh chị em sẽ làm gì để đến cùng Ngài trọn vẹn hơn?

Mặc Môn biên soạn các bảng khắc bằng vàng

Mormon Compiling the Plates (Mặc Môn Biên Soạn Các Bảng Khắc), tranh do Jorge Cocco họa

Lời Mặc Môn 1:1–8

Thượng Đế sẽ làm việc qua tôi khi tôi tuân theo sự hướng dẫn của Ngài.

Một lý do mà Chúa đã soi dẫn Mặc Môn để đưa các bảng khắc nhỏ của Nê Phi vào trong Sách Mặc Môn là vì Thượng Đế đã biết rằng 116 trang đầu tiên được phiên dịch sẽ bị mất (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 10; Thánh Hữu, tập 1, chương 5). Tại sao anh chị em biết ơn rằng Mặc Môn đã tuân theo lời chỉ dẫn của Chúa để đưa vào những bài viết này (bao gồm từ 1 Nê Phi đến Ôm Ni)? Mặc Môn đã đưa ra những lý do nào để đưa các trang này vào? (xin xem Lời Mặc Môn 1:3–7). Có khi nào anh chị em đã thấy Thượng Đế làm việc qua anh chị em hoặc những người khác không?

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm trong tháng này của tạp chí LiahonaCổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

Ê Nót 1:1–5

Tôi có thể thưa chuyện với Cha Thiên Thượng qua lời cầu nguyện.

  • Làm thế nào anh chị em có thể giúp các bé làm cho những lời cầu nguyện của chúng có ý nghĩa hơn? Hãy cân nhắc việc cho chúng xem một bức hình Ê Nót đang cầu nguyện; cho chúng mô tả điều chúng thấy. Sau đó, chúng có thể nhắm mắt lại và tưởng tượng rằng mình đang trực tiếp thưa chuyện với Cha Thiên Thượng. Chúng sẽ muốn nói điều gì? Ngài có thể muốn nói gì với chúng?

  • Khi anh chị em đọc to Ê Nót 1:1-5, các bé ở độ tuổi nhỏ hơn có thể đóng giả làm Ê Nót bằng cách diễn tả việc săn bắn, quỳ xuống cầu nguyện, và vân vân. Các bé ở độ tuổi lớn hơn có thể lắng nghe một từ hoặc cụm từ mô tả những lời cầu nguyện của Ê Nót. Những lời này cho chúng ta biết điều gì về những lời cầu nguyện của Ê Nót? Chia sẻ một kinh nghiệm khi tâm hồn anh chị em “tràn đầy sự khao khát” và anh chị em “kêu cầu” Chúa (Ê Nót 1:4).

gia đình đang cầu nguyện

Là con cái của Thượng Đế, chúng ta có thể cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng.

Ê Nót 1:2–16

Cha Thiên Thượng lắng nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của tôi.

  • Làm thế nào anh chị em có thể giúp các bé hiểu rằng Cha Thiên Thượng sẽ nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng? Cân nhắc việc mời chúng liệt kê một số điều mà chúng thường cầu nguyện. Sau đó, anh chị em có thể giúp chúng tìm kiếm điều Ê Nót đã cầu nguyện trong Ê Nót 1:2, 9, 13–14, và 16 (xin xem thêm “Chương 11: Ê Nót,” Những Câu Chuyện trong Sách Mặc Môn, trang 30–31).

    Kết quả của những lời cầu nguyện của Ê Nót là gì? (xin xem các câu 6, 9, 11).

    Chúng ta học được điều gì từ kinh nghiệm của Ê Nót về cách cải thiện những lời cầu nguyện của mình?

  • Cùng nhau hát một bài hát về sự cầu nguyện, chẳng hạn như “Ta Có Nhớ Nguyện Cầu” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 48). Có lẽ các bé có thể giơ tay lên mỗi lần chúng nghe từ “nguyện cầu” hoặc “khấn cầu” hoặc một từ khác được lặp đi lặp lại. Kể cho các bé về một số cách mà Cha Thiên Thượng đã đáp ứng những lời cầu nguyện của anh chị em.

Lời Mặc Môn 1:3–8

Tôi có thể ban phước cho người khác khi tôi nghe theo Đức Thánh Linh.

  • Mặc Môn tuân theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để đưa các bảng khắc nhỏ của Nê Phi vào trong Sách Mặc Môn. Mọi điều mà chúng ta có để học trong Sách Mặc Môn cho đến thời điểm hiện tại trong năm nay là nhờ Mặc Môn đã chọn để lắng nghe Thánh Linh. Làm thế nào anh chị em có thể giúp các bé học cách lắng nghe Thánh Linh? Mời chúng thay phiên nhau đọc các câu từ Lời Mặc Môn 1:3–8. Anh chị em có thể nói về điều chúng học được từ mỗi câu thánh thư. Sau đó, các bé có thể:

    • Chia sẻ điều chúng đã học được từ những câu chuyện trong Sách Mặc Môn trong năm nay (hình ảnh từ tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta có thể giúp chúng ghi nhớ).

    • Cùng nhau hát một bài hát về Đức Thánh Linh.

    • Nói về những kinh nghiệm khi chúng được Thánh Linh hướng dẫn để làm một điều gì đó mà đã ban phước cho người khác.

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm trong tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Ê Nót cầu nguyện

Enos Praying (Ê Nót Cầu Nguyện), tranh do Robert T. Barrett họa