Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 22–28 tháng Tư: “Tràn Đầy Lòng Thương Yêu đối với Thượng Đế và Tất Cả Mọi Người.” Mô Si A 1–3


“Ngày 22–28 tháng Tư: ‘Tràn Đầy Lòng Thương Yêu đối với Thượng Đế và Tất Cả Mọi Người.’ Mô Si A 1–3:” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2024)

“Ngày 22–28 tháng Tư. Mô Si A 1–3,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2024 (năm 2024)

Hình Ảnh
Vua Bên Gia Min giảng dạy dân của ông

Receiving the Teachings of King Benjamin (Tiếp Nhận Những Lời Giảng Dạy của Vua Bên Gia Min), tranh do Maria Alejandra Gil họa

Ngày 22–28 tháng Tư: “Tràn Đầy Lòng Thương Yêu đối với Thượng Đế và Tất Cả Mọi Người”

Mô Si A 1–3

Khi anh chị em nghe từ vua, anh chị em có thể nghĩ về vương miện, người hầu và ngai vàng. Trong Mô Si A 1–3, anh chị em sẽ đọc về một vị vua rất khác. Thay vì sống bằng sự lao nhọc của người dân của mình, Vua Bên Gia Min “lao nhọc với chính bàn tay [của ông]” (Mô Si A 2:14). Thay vì có những người khác phục vụ cho mình, ông đã phục vụ dân của ông “với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh mà Chúa đã ban cho [ông]” (Mô Si A 2:11). Vị vua này không muốn dân của ông tôn thờ mình; thay vì vậy, ông đã dạy họ thờ phượng Vua Thiên Thượng của họ, tức là Chúa Giê Su Ky Tô. Vua Bên Gia Min hiểu rằng chính là “Chúa Vạn Năng, Đấng hằng trị vì” (Mô Si A 3:5), là Đấng đã “từ trên trời xuống” và “đi giữa loài người, … để sự cứu rỗi có thể đến được với con cái loài người nhờ có đức tin nơi danh Ngài” (Mô Si A 3:5, 9).

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

Mô Si A 1:1–7

“Tìm tòi [thánh thư] một cách cần mẫn.”

Trong các câu này, hãy lưu ý cách mà các biên sử thiêng liêng đã ban phước cho dân của Vua Bên Gia Min. Cuộc sống hiện tại của anh chị em tốt hơn ra sao nhờ anh chị em có thánh thư?

Hình Ảnh
hình biểu tượng lớp giáo lý

Mô Si A 2:10–26

Khi tôi phục vụ người khác, thì tôi cũng đang phục vụ Thượng Đế.

Anh chị em nghĩ Vua Bên Gia Min sẽ nói gì nếu anh chị em hỏi ông tại sao ông phục vụ với tất cả “năng lực, tâm trí và sức mạnh” của mình? (Mô Si A 2:11). Hãy suy ngẫm về điều này trong khi anh chị em đọc Mô Si A 2:10–26. Vua Bên Gia Min đã dạy điều gì mà soi dẫn anh chị em phục vụ người khác bằng một cách có ý nghĩa hơn? Ví dụ, việc biết rằng khi mình phục vụ người khác tức là cũng đang phục vụ Thượng Đế có ý nghĩa gì đối với anh chị em? (xin xem Mô Si A 2:17). Hãy tìm kiếm sự soi dẫn về cách anh chị em có thể phục vụ một người nào đó trong tuần này.

Ngay cả khi biết mình nên phục vụ người khác, đôi khi chúng ta cũng gặp phải thử thách. Một cách khác để nghiên cứu Mô Si A 2:10–26 là lập một bản liệt kê các lẽ thật Vua Bên Gia Min đã dạy mà có thể giúp anh chị em vượt qua những thử thách mà có thể ngăn không cho anh chị em phục vụ. Những kinh nghiệm nào đã cho anh chị em thấy rằng điều Vua Bên Gia Min đã dạy là đúng?

Chủ Tịch Joy D. Jones chia sẻ một kinh nghiệm có tác động mạnh mẽ mà đã thay đổi cách nhìn của bà về việc phục vụ người khác. Hãy đọc về kinh nghiệm đó trong “Vì Ngài” (Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 50–52), và nghĩ về những cơ hội anh chị em có để phục vụ người khác. Thậm chí anh chị em có thể liệt kê một vài đoạn và suy ngẫm cách mà sứ điệp của Chủ Tịch Jones, cùng với Mô Si A 2:17, có thể ảnh hưởng đến cách anh chị em tiếp cận những cơ hội này.

Xin xem thêm Ma Thi Ơ 25:40.

Hình Ảnh
hai phụ nữ ôm lấy nhau

Khi tôi phục vụ người khác, thì tôi cũng đang phục vụ Thượng Đế.

Mô Si A 2:38–41

Hạnh phúc đến từ việc tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế.

Anh chị em sẽ mô tả hạnh phúc đến từ việc vâng lời Thượng Đế như thế nào? Có bất kỳ cụm từ nào trong Mô Si A 2:38–41 mà sẽ giúp giải thích lý do tại sao anh chị em tuân giữ các lệnh truyền của Ngài không?

Mô Si A 3:1–20

Tôi có thể trở thành một thánh hữu qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Giống như tất cả các vị tiên tri khác, Vua Bên Gia Min đã làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô để dân của ông có thể “nhận được sự xá miễn các tội lỗi của mình và sẽ được tràn đầy niềm vui lớn lao” (Mô Si A 3:13). Sau đây là một số câu hỏi để suy ngẫm khi anh chị em đọc chứng ngôn của Vua Bên Gia Min về Đấng Cứu Rỗi trong Mô Si A 3:1–20:

  • Tôi có thể học điều gì từ các câu này về Đấng Cứu Rỗi và giáo vụ của Ngài?

  • Tôi học được điều gì từ Mô Si A 3:18–19 về ý nghĩa của việc trở thành một thánh hữu?

  • Chúa Giê Su Ky Tô đã làm thế nào để giúp tôi khắc phục tội lỗi, thay đổi bản tính của mình, và trở nên giống như một thánh hữu hơn?

Mô Si A 3:5–21

“Chúa Vạn Năng … sẽ từ trên trời xuống.”

Điện năng mang đến cho anh chị em khả năng để làm gì? Cuộc sống của anh chị em sẽ khác đi như thế nào nếu không có điện năng? Những câu hỏi này có thể giúp anh chị em suy ngẫm về sức mạnh còn lớn lao hơn mà Đấng Cứu Rỗi có thể mang vào cuộc sống của anh chị em.

Vị thiên sứ hiện đến cùng Vua Bên Gia Min đã gọi Chúa Giê Su Ky Tô là “Chúa Vạn Năng,” một danh xưng có nghĩa là Ngài có mọi quyền năng. Anh chị em học được điều gì từ Mô Si A 3:5–21 về cách Đấng Cứu Rỗi sử dụng quyền năng đó? Anh chị em đã thấy quyền năng của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của mình và trong cuộc sống của những người xung quanh mình như thế nào? Quyền năng của Ngài cho phép anh chị em làm điều gì và trở thành người như thế nào? Cuộc sống của anh chị em sẽ khác đi như thế nào nếu không có điện năng?

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm trong tháng này của tạp chí LiahonaCổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

Mô Si A 2:11–18

Khi tôi phục vụ người khác, thì tôi đang phục vụ Thượng Đế.

  • Trang sinh hoạt của tuần này có hình một vương miện đơn giản mà các bé có thể làm. Có lẽ chúng muốn thay phiên nhau đứng trên một cái ghế hoặc cái bục và giả vờ làm Vua Bên Gia Min trong khi anh chị em chia sẻ một số điều Vua Bên Gia Min đã dạy cho dân của ông, được tìm thấy trong Mô Si A 2–3. Anh chị em cũng có thể chia sẻ với chúng “Chương 12: Vua Bên Gia Min” (Các Câu Chuyện trong Sách Mặc Môn, trang 32–35) để cho chúng một cái nhìn khái quát về những lời giảng dạy của Vua Bên Gia Min.

  • Mô Si A 2:17 có thể là một câu thánh thư hay cho các bé học. Anh chị em có thể giúp chúng lặp lại mỗi lần một vài từ. Hoặc anh chị em có thể viết câu này xuống, với vài từ khóa bị thiếu, và yêu cầu các bé tìm kiếm những từ bị thiếu. Rồi anh chị em có thể nói chuyện với các bé về lý do tại sao Thượng Đế muốn chúng ta phục vụ lẫn nhau.

  • Hãy giúp các bé tìm kiếm trong Mô Si A 2:11–18 để biết những việc mà Vua Bên Gia Min đã làm để phục vụ người khác. Sau đó, các bé có thể viết lên những mảnh giấy một số cách chúng có thể phục vụ những người trong gia đình. Đặt những mảnh giấy vào một cái hộp đựng, như một cái túi hoặc lọ, để mỗi ngày các bé có thể chọn một mảnh giấy và thực hiện hành động phục vụ đó cho một người nào đó.

Sự lặp đi lặp lại luôn hữu ích đối với trẻ em. Đừng ngại lặp lại những sinh hoạt nhiều lần, đặc biệt là với các bé ở độ tuổi nhỏ hơn. Sự lặp lại sẽ giúp chúng ghi nhớ điều chúng học được.

Hình Ảnh
trẻ em đang xếp một mảnh vải

Vua Bên Gia Min giảng dạy rằng chúng ta có thể phục vụ Thượng Đế bằng cách phục vụ người khác.

Mô Si A 2:19–25

Tất cả các phước lành của tôi đều đến từ Cha Thiên Thượng.

  • Sự phục vụ của Vua Bên Gia Min cho dân của ông đã được soi dẫn bởi lòng biết ơn sâu sắc của ông đối với Thượng Đế. Làm thế nào để anh chị em khơi dậy những cảm nghĩ tương tự trong các bé? Anh chị em có thể cùng nhau đọc Mô Si A 2:21 và bắt đầu một bản liệt kê các phước lành mà Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng ta. Sau đó, có lẽ anh chị em có thể thêm vào bản liệt kê các phước lành khác mà các bé nghĩ tới.

  • Đây là một trò chơi mà anh chị em có thể chơi để giúp các bé nhận ra các phước lành của Cha Thiên Thượng. Các bé có thể chuyền tay nhau một bức hình Đấng Cứu Rỗi trong khi chúng hát hoặc lắng nghe một bài hát về lòng biết ơn. Thi thoảng hãy ngừng hát hoặc ngừng nhạc lại, và mời bất kỳ ai đang cầm bức hình nói về một phước lành khiến chúng biết ơn. Theo Mô Si A 2:22–24, làm thế nào chúng ta có thể cho thấy rằng chúng ta biết ơn về các phước lành của mình?

Mô Si A 3:5–10, 19

Chúa Giê Su Ky Tô sẽ giúp tôi trở nên giống như Ngài hơn.

  • Một thiên sứ đã nói cho Vua Bên Gia Min biết các lẽ thật quan trọng về cuộc đời và giáo vụ của Chúa Giê Su Ky Tô. Có lẽ anh chị em và các bé có thể tìm kiếm hình ảnh của một số sự kiện được đề cập trong Mô Si A 3:5–10 (xin xem, ví dụ, Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số 30, 41, 42, 57, 59). Khi anh chị em đọc Mô Si A 3:5–10, các bé có thể giơ tay lên khi chúng nghe thấy một điều gì đó trong các đoạn thánh thư mà xuất hiện trong một trong các bức hình đó.

  • Các bé có bao giờ giúp chuẩn bị thức ăn bằng cách sử dụng một công thức nấu ăn không? Anh chị em có thể nói về kinh nghiệm đó và sử dụng Mô Si A 3:19 để đưa ra một “công thức” về cách chúng ta có thể trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô. Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta trở nên giống Ngài bằng cách nào?

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm trong tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Hình Ảnh
Vua Bên Gia Min thuyết giảng cho dân của ông

King Benjamin’s Address (Bài Nói Chuyện của Vua Bên Gia Min), tranh do Jeremy Winborg họa

In