Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 8–14 tháng Ba. Giáo Lý và Giao Ước 23–26: “Củng Cố Giáo Hội”


“Ngày 8–14 tháng Ba. Giáo Lý và Giao Ước 23–26: ‘Củng Cố Giáo Hội,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 8–14 tháng Ba. Giáo Lý và Giao Ước 23–26,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
Emma Smith

Ngày 8–14 tháng Ba

Giáo Lý và Giao Ước 23–26

“Củng Cố Giáo Hội”

Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 23–26, hãy ghi chú những ấn tượng mà anh chị em nhận được từ Đức Thánh Linh. Làm thế nào anh chị em có thể áp dụng lời khuyên dạy trong những điều mặc khải này để củng cố vai trò môn đồ của chính anh chị em và cũng như Giáo Hội?

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Sau khi Giáo Hội được tổ chức, Các Thánh Hữu đối mặt với một thử thách mới—để rao truyền phúc âm và củng cố những người đã đồng lòng với Giáo Hội, trong khi mọi sự ngược đãi lại tiếp tục gia tăng. Emma Smith đã chứng kiến sự chống đối ngay từ đầu. Vào tháng Sáu năm 1830, Emma và các thành viên thuộc gia đình Knight ước muốn chịu phép báp têm. Nhưng những kẻ thù của Giáo Hội đã cố gắng phá rối sự kiện đáng lẽ đã trở thành một kinh nghiệm thiêng liêng này. Đầu tiên, chúng phá hủy cái đập ngăn nước đã được xây lên để cung cấp lượng nước đủ sâu cho các lễ báp têm. Thậm chí sau khi con đập được sửa chữa, những kẻ ngược đãi đã tụ tập buông lời đe dọa và nhiếc móc những người chịu phép báp têm. Rồi, ngay khi Joseph vừa định xác nhận các tín hữu mới, ông bị bắt giữ vì làm đảo lộn cộng đồng do thuyết giảng về Sách Mặc Môn. Mọi việc dường như là một sự bắt đầu không có hy vọng cho Giáo Hội mới được phục hồi của Chúa. Nhưng ở giữa những sự đảo lộn bất ổn này, Chúa đã cung ứng những lời khuyên nhủ và khuyến khích đầy quý giá, tượng trưng cho “tiếng nói của [Ngài] ngỏ cùng mọi người” (Giáo Lý và Giao Ước 25:16).

Xin xem thêm Các Thánh Hữu, 1:89–90, 94–97.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 23–26

Tôi có thể giúp củng cố Giáo Hội của Chúa.

Ngày nay, gần 200 năm sau khi Giáo Hội phục hồi được thiết lập, sự cần thiết “để củng cố giáo hội” vẫn tiếp tục (Giáo Lý và Giao Ước 23:3–5). Và công việc này không chỉ dành cho Joseph Smith, Oliver Cowdery, hay những vị lãnh đạo Giáo Hội hiện tại của chúng ta—mà còn dành cho tất cả chúng ta. Trong khi anh chị em học Giáo Lý và Giao Ước 23–26, hãy suy ngẫm lời khuyên bảo mà Chúa đã ban cho các tín hữu Giáo Hội thuở đầu để giúp họ củng cố Giáo Hội. Anh chị em cảm thấy Chúa muốn mình làm gì để tham gia vào nỗ lực này?

Giáo Lý và Giao Ước 24

Đấng Cứu Rỗi có thể đem tôi “ra khỏi cảnh khó khăn.”

Việc lãnh đạo Giáo Hội trong suốt thời gian bị ngược đãi dữ dội hẳn phải là một gánh nặng đối với Joseph Smith. Hãy tìm những lời khích lệ của Chúa dành cho ông trong Giáo Lý và Giao Ước 24.

Những đoạn thánh thư sau gợi ý cho anh chị em điều gì về cách Đấng Cứu Rỗi có thể đem anh chị em ra khỏi cảnh khó khăn của mình?

Giáo Lý và Giao Ước 24:1–3 

Giáo Lý và Giao Ước 24:8 

Giáo Lý và Giao Ước 121:7–8 

Ê Sai 40:28–31 

Mô Si A 24:14–15 

Chúa Giê Su Ky Tô đã đem anh chị em ra khỏi cảnh khó khăn như thế nào? Anh chị em có thể làm gì để tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài trong lúc khó khăn?

Hình Ảnh
Chúa Giê Su chữa lành dân chúng

He Healed Many of Diverse Diseases (Ngài Chữa Lành Nhiều Người Bệnh), tranh do J. Kirk Richards họa

Giáo Lý và Giao Ước 25

Emma Smith là “một phụ nữ chọn lọc.”

Khi Emma Hale kết hôn với Joseph Smith, có vẻ như bà đã biết rằng mình sẽ phải hy sinh nhiều. Bà đã đi ngược lại những ước nguyện của cha mình và đánh đổi một cuộc sống khá an nhàn với một cuộc sống đầy bấp bênh. Bà hẳn đã tự hỏi Chúa kỳ vọng điều gì ở bà trong công việc của Sự Phục Hồi. Hãy tìm những câu trả lời của Chúa trong Giáo Lý và Giao Ước 25. Xin lưu ý những lời của Chúa trong câu 16—anh chị em có tìm được bất cứ điều gì trong tiết này mà anh chị em cảm nhận được đó là “tiếng nói của [Ngài] ngỏ cùng [mình]” không?

Xin xem thêm Joy D. Jones, “Một Sự Kêu Gọi Đặc Biệt Cao Quý,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 15–18.

Giáo Lý và Giao Ước 26:2

Sự ưng thuận chung là gì?

Khi các tín hữu nhận được sự kêu gọi hoặc các lễ sắc phong chức tư tế trong Giáo Hội, chúng ta có cơ hội để chính thức tán trợ họ bằng cách giơ tay lên như một cách bày tỏ sự ủng hộ. Nguyên tắc cho thấy sự ủng hộ và đồng thuận công khai được gọi là sự ưng thuận chung. Như Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã dạy: “Thủ tục tán trợ không chỉ là việc giơ tay mang tính nghi thức. Đó là một cam kết để xác nhận, ủng hộ, và phụ giúp những người đã được chọn lựa” (“This Work Is Concerned with People,” Ensign, tháng Năm năm 1995, trang 51).

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 23:6.Tại sao Chúa muốn chúng ta cầu nguyện “trong gia đình, giữa bạn bè, và khắp mọi nơi”? Bài hát “Love Is Spoken Here” (Children’s Songbook, trang 190)—hoặc một bài hát khác về sự cầu nguyện—dạy chúng ta điều gì về quyền năng của lời cầu nguyện?

Xin xem thêm 2 Nê Phi 32:8–9; 3 Nê Phi 18:18–23.

Giáo Lý và Giao Ước 24:8.Liệu có hữu ích cho gia đình anh chị em để nói về ý nghĩa của sự “kiên nhẫn trong những nỗi thống khổ” không? Nếu anh chị em có con nhỏ, việc thử nghiệm lại điều mà Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã mô tả trong bài “Tiếp Tục Kiên Nhẫn” có thể sẽ rất vui (Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 56; xin xem thêm video trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org). Giáo Lý và Giao Ước 24:8 dạy cho chúng ta điều gì về sự kiên nhẫn? Bằng cách nào Chúa giúp chúng ta kiên nhẫn trong những nỗi thống khổ của mình?

Giáo Lý và Giao Ước 25:11–12.Có lẽ anh chị em có thể hát bài thánh ca hoặc bài hát yêu thích của từng người trong gia đình và nói về lý do tại sao đó là “bài ca của con tim” của người đó. Những bài hát này giống “lời nguyện cầu dâng lên [Thượng Đế]” như thế nào?

Giáo Lý và Giao Ước 26:2.Có thể hữu ích để tìm “Ưng Thuận Chung” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy sự ủng hộ của mình dành cho các vị lãnh đạo của chúng ta?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Hình Ảnh
biểu tượng các tiếng nói của thời kỳ phục hồi

Các Tiếng Nói của Thời Kỳ Phục Hồi

Emma Hale Smith

Những lời Chúa phán cùng Emma Smith được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 25 tiết lộ điều Ngài cảm thấy về bà và những gì mà bà có thể giúp đóng góp trong công việc của Ngài. Nhưng Emma là người như thế nào? Chúng ta biết gì về tính cách, các mối quan hệ, và các ưu điểm của bà? Một cách để biết về “người phụ nữ chọn lọc” này (Giáo Lý và Giao Ước 25:3) là đọc lời của những người quen biết bà.

Hình Ảnh
Emma Smith

Emma Smith, tranh do Lee Greene Richards họa

Joseph Smith Jr. (Con), chồng bà

Hình Ảnh
Joseph Smith

“Thật là một niềm hân hoan không sao tả xiết và niềm vui mừng mãnh liệt căng phồng trong lòng tôi trong đêm đó khi tôi nắm lấy tay của Emma yêu quý của tôi—nàng là vợ tôi, chính là người vợ từ thời thanh niên của tôi, và là người yêu của lòng tôi. Có nhiều ý nghĩ hiện ra trong tâm trí khi tôi suy ngẫm trong một giây lát về nhiều sự kiện mà chúng tôi đã được kêu gọi để trải qua. Những sự mệt mỏi và lao nhọc, những nỗi buồn phiền và đau khổ, và cả những niềm vui và sự an ủi mà thỉnh thoảng rải rác trên lối đi của chúng tôi và đã ban phước cho cuộc sống của chúng tôi. Ôi, tâm trí tôi đầy ý nghĩ lẫn lộn trong giây lát, [nhưng nàng vẫn ở đây], dù cho bất kỳ thử thách nào đến với chúng tôi, nàng Emma dũng cảm, vững vàng và không nao núng, không hề thay đổi, đầy trìu mến.”1

Lucy Mack Smith, mẹ của chồng bà

Hình Ảnh
Lucy Mack Smith

“Bấy giờ con bé còn trẻ, và, vốn dĩ đầy khát vọng, tấm lòng con bé đặt trọn vào công việc của Chúa, và nó không cảm thấy hứng thú với bất kỳ điều gì ngoại trừ giáo hội và chính nghĩa của lẽ thật. Một khi đã làm bất cứ việc gì thì nó làm với cả tâm trí mình và không hề suy nghĩ ích kỷ kiểu ‘Liệu tôi có được lợi lộc hơn người khác không?’ Nếu các anh cả được gửi đi thuyết giảng, thì nó là người đầu tiên xung phong phục vụ để giúp đỡ họ có quần áo trong cuộc hành trình, bất kể chính nó có đang trải qua thử thách hay không.”2

“Tôi chưa bao giờ thấy một người phụ nữ nào trong đời tôi mà chịu đựng đủ kiểu mệt mỏi và khó khăn, từ tháng này qua tháng khác, và từ năm này qua năm khác, với lòng can đảm không chùn bước, lòng nhiệt thành, và sự kiên nhẫn là những điều con bé đã luôn thể hiện—vì tôi biết những gì nó đã chịu đựng—nó đã đối mặt với biển cả của sự không chắc chắn—nó đã vượt qua cơn bão táp của sự ngược đãi, và chống lại cơn giận dữ của loài người và quỷ dữ, mà chắc chắn sẽ áp đảo hầu hết những người phụ nữ khác.”3

Joseph Smith Sr., cha của chồng bà

Phước lành tộc trưởng của Emma, được tuyên bố bởi Joseph Smith Sr.; người đang phục vụ với tư cách là vị tộc trưởng của Giáo Hội:

“Emma, con dâu của ta, con được Chúa ban phước, vì sự thành tín và lòng chân thật của con: con sẽ được phước cùng với chồng mình, và vui mừng trong vinh quang mà sẽ đến trên nó: Tâm hồn con đã chịu khổ đau bởi sự tà ác của loài người hòng tìm cách hủy hoại chồng con, và con đã trút hết tâm hồn mình ra trong lời cầu nguyện xin sự giải thoát cho nó: hãy vui mừng, vì Chúa Thượng Đế của con đã nghe lời khẩn nguyện của con.

“Con đã phiền muộn bởi lòng dạ chai đá của những người trong gia đình cha con, và con mong mỏi sự cứu rỗi cho họ. Chúa sẽ lưu tâm đến những tiếng kêu cầu của con, và bởi những sự phán xét của Ngài mà Ngài sẽ làm cho một vài người trong bọn họ thấy được sự điên rồ của mình và hối cải các tội lỗi của họ; nhưng sẽ chỉ qua những thử thách mà họ sẽ được cứu. Con sẽ được sống lâu; phải, Chúa sẽ tha mạng con cho đến khi con đã mãn nguyện, bởi con sẽ thấy Đấng Cứu Chuộc của mình. Tấm lòng con sẽ vui mừng trong công việc vĩ đại của Chúa, và không ai có thể lấy đi niềm vui đó khỏi con.

“Con sẽ luôn luôn ghi nhớ tấm lòng hạ cố vĩ đại của Thượng Đế con khi cho phép con đi cùng con trai ta vào lúc vị thiên sứ trao biên sử của dân Nê Phi cho nó gìn giữ. Con đã chịu nhiều nỗi sầu khổ bởi Chúa đã lấy đi ba đứa con của con: trong việc này con không bị khiển trách gì, bởi Ngài biết những ước muốn thuần khiết của con để sinh ra con cái trong gia đình, để cho danh của con trai ta có thể được phước. Và giờ đây, này, cha nói với con, cũng như Chúa đang phán, rằng nếu con vẫn tin tưởng, thì con sẽ được phước trong việc này và sẽ sinh ra những đứa con khác, trong niềm vui và sự mãn nguyện của lòng con, và trong sự vui mừng của bạn bè con.

“Con sẽ được phước để thấu hiểu, và có quyền năng để chỉ dẫn cho những chị em khác. Hãy dạy gia đình con sự ngay chính, và dạy những đứa con nhỏ của mình con đường của sự sống, và các thiên sứ thánh sẽ chăm nom con: và con sẽ được cứu vào vương quốc của Thượng Đế; quả thật vậy. A Men.”4

Hình Ảnh
Emma Smith cùng con cái bà

Emma Smith cùng con cái bà. Time to Laugh (Lúc để Cười Vui), tranh do Liz Lemon Swindle họa

Hình Ảnh
Emma Smith đang viết

Emma’s Hymns (Những Bài Thánh Ca của Emma), tranh do Liz Lemon Swindle họa

In