Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 1–7 tháng Ba. Giáo Lý và Giao Ước 20–22: “Sự Ra Đời của Giáo Hội của Đấng Ky Tô”


“Ngày 1–7 tháng Ba. Giáo Lý và Giao Ước 20–22: ‘Sự Ra Đời của Giáo Hội của Đấng Ky Tô,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 1–7 tháng Ba. Giáo Lý và Giao Ước 20–22,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
Nhà của Peter Whitmer

Peter Whitmer Home (Nhà của Peter Whitmer), tranh do Al Rounds vẽ

Ngày 1–7 tháng Ba

Giáo Lý và Giao Ước 20–22

“Sự Ra Đời của Giáo Hội của Đấng Ky Tô”

Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 20–22, hãy sẵn lòng tiếp nhận những ấn tượng từ Đức Thánh Linh. Cân nhắc ghi chép lại những điều đó để anh chị em có thể tham khảo sau.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Công việc phiên dịch Sách Mặc Môn của Tiên Tri Joseph Smith giờ đây đã hoàn tất. Nhưng công việc của Sự Phục Hồi chỉ vừa mới bắt đầu. Rõ ràng từ những sự mặc khải đầu tiên ngoài việc phục hồi giáo lý và thẩm quyền chức tư tế, Chúa muốn phục hồi một tổ chức chính thức—Giáo Hội của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 10:53; 18:5). Vì vậy vào ngày 6 tháng Tư, năm 1830, hơn 40 người tin đã tụ họp đông đúc trong ngôi nhà gỗ của gia đình Whitmer tại Fayette, New York, để chứng kiến sự tổ chức Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Mặc dù vậy, một số người thắc mắc tại sao một tổ chức Giáo Hội lại cần thiết? Câu trả lời có thể được tìm thấy, ít nhất một phần, trong những điều mặc khải liên quan đến buổi họp đầu tiên đó của Giáo Hội vào năm 1830. Do đó, các phước lành được mô tả sẽ không thể có được nếu Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô không được “tổ chức và thiết lập một cách đúng đắn” trong những ngày sau (Giáo Lý và Giao Ước 20:1).

Xin xem thêm Các Thánh Hữu, 1:84–86, và “Build Up My Church,” Revelations in Context, trang 29–32.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 20:1–36

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được thành lập dựa trên giáo lý chân chính.

Tiết 20 được giới thiệu là “điều mặc khải về cách tổ chức và quản trị Giáo Hội” (tiêu đề tiết). Nhưng trước khi vạch ra các chính sách của Giáo Hội, các chức phẩm chức tư tế, và quy trình thực hiện các giáo lễ, điều mặc khải này bắt đầu bằng việc giảng dạy các giáo lý cơ bản. Trong khi đọc 36 câu đầu tiên của điều mặc khải này, anh chị em hãy tự hỏi lý do tại sao lại như vậy. Anh chị em cũng có thể liệt kê các lẽ thật phúc âm mình tìm thấy. Sau đây là một số ví dụ:

Tại sao những lẽ thật này là quan trọng phải được nhấn mạnh khi Giáo Hội đang được thiết lập?

Giáo Lý và Giao Ước 20:37, 75–79

Các giáo lễ thiêng liêng là một phần thiết yếu trong Giáo Hội phục hồi.

Khi Giáo Hội được thành lập, Chúa đã dạy Các Thánh Hữu của Ngài về các giáo lễ thiêng liêng, kể cả phép báp têm và lễ Tiệc Thánh. Trong khi anh chị em đọc những lời chỉ dẫn “về thể thức làm phép báp têm” trong câu 37, hãy nghĩ về lễ báp têm của chính mình. Anh chị em đã có bất kỳ cảm nghĩ nào được mô tả trong câu này không? Anh chị em có những cảm nghĩ đó trong lúc này không? Hãy suy ngẫm điều anh chị em có thể làm để mạnh mẽ giữ được “quyết tâm phục vụ [Chúa Giê Su Ky Tô] cho đến cùng.”

Trong khi đọc về Tiệc Thánh trong Giáo Lý và Giao Ước 20:75–79, anh chị em hãy cố gắng đọc những lời cầu nguyện thiêng liêng này từ quan điểm của một người lắng nghe lần đầu. Anh chị em nhận được những hiểu biết sâu sắc nào về Tiệc Thánh? về bản thân mình? Những hiểu biết sâu sắc này có thể ảnh hưởng đến cách anh chị em chuẩn bị tham dự Tiệc Thánh tuần này như thế nào?

Hình Ảnh
thầy trợ tế chuyền Tiệc Thánh

Tiệc Thánh là một giáo lễ thiêng liêng.

Giáo Lý và Giao Ước 20:38–60

Sự phục vụ với chức tư tế ban phước các tín hữu Giáo Hội và gia đình họ.

Nếu có ai đó yêu cầu anh chị em kể ra các bổn phận của một người nắm giữ chức tư tế, anh chị em sẽ nói gì? Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 20:38–60, trong đó có liệt kê các bổn phận của nhiều chức phẩm khác nhau của chức tư tế. Có bất kỳ điều gì trong các câu này thay đổi cách anh chị em nghĩ về các bổn phận chức tư tế và cách Đấng Cứu Rỗi làm công việc Ngài không? Anh chị em đã được ban phước như thế nào nhờ công việc được mô tả trong các câu này?

Để học về cách những người nữ sử dụng thẩm quyền chức tư tế trong công việc của Giáo Hội, xin xem Dallin H. Oaks, “Các Chìa Khóa và Thẩm Quyền của Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 49–52.

Giáo Lý và Giao Ước 21

Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được lãnh đạo bởi một vị tiên tri tại thế.

Anh chị em học được điều gì từ Giáo Lý và Giao Ước 21:4–9 về lời của những vị tiên tri của Chúa? Hãy xem xét những lời hứa được mô tả trong câu 6 dành cho những người nhận được lời của Chúa qua vị tiên tri của Ngài. Những lời hứa này có ý nghĩa gì đối với anh chị em?

Làm thế nào anh chị em có thể nhận được lời của vị tiên tri tại thế “chẳng khác chi lời nói ấy phát ra từ chính miệng [Thượng Đế]”? (câu 5). Lời khuyên bảo nào do vị tiên tri ngày nay đưa ra mà có thể dẫn đến các phước lành đã được hứa trong câu 6?

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 20.Chúng ta sẽ nói gì nếu một ai đó hỏi lý do tại sao chúng ta cần Giáo Hội? Chúng ta tìm thấy những câu trả lời nào trong Giáo Lý và Giao Ước 20? Xin xem thêm bài của D. Todd Christofferson, “Tại Sao Giáo Hội Là Cần Thiết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 108–111.

Giáo Lý và Giao Ước 20:69.“[Bước đi] trong sự thánh thiện trước mắt Chúa” có nghĩa là gì? Đây có thể là một sinh hoạt vui nhộn khi cho mọi người vẽ hoặc viết lên các mảnh giấy một vài điều mà có thể giúp họ bước đi trong sự thánh thiện hoặc những điều có thể làm họ xao lãng không làm như vậy. Rồi họ có thể tạo ra một con đường bằng cách sử dụng các mảnh giấy đó và cố gắng đi trên con đường ấy, chỉ được bước vào các hình vẽ mà mang họ đến với Đấng Ky Tô.

Giáo Lý và Giao Ước 20:37, 71–74.Nếu một người nào đó trong gia đình chưa được làm phép báp têm, những câu này có thể đưa đến một cuộc thảo luận về cách chuẩn bị cho phép báp têm (xin xem câu 37) và cách lễ báp têm được thực hiện (xin xem các câu 71–74). Các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ những bức hình hoặc kỷ niệm về ngày lễ báp têm của họ.

Giáo Lý và Giao Ước 20:75–79.Làm thế nào gia đình anh chị em có thể sử dụng những câu này để chuẩn bị có các kinh nghiệm đầy ý nghĩa và trang nghiêm tại lễ Tiệc Thánh? Những câu này có thể đề nghị những điều anh chị em có thể suy ngẫm trong lễ Tiệc Thánh, và mọi người trong nhà có thể tìm hoặc vẽ những điều đó. Khi thích hợp, anh chị em có thể mang những bức tranh đến buổi lễ Tiệc Thánh kế tiếp như một lời nhắc nhở về điều cần nghĩ đến trong suốt buổi lễ.

Giáo Lý và Giao Ước 21:4–7.Hãy cân nhắc mời mọi người trong gia đình tìm những từ ngữ trong câu 4–5 dạy chúng ta về việc tuân theo vị tiên tri của Chúa. Tiếp nhận lời của vị tiên tri với lòng kiên nhẫn có nghĩa là gì? tiếp nhận với đức tin có nghĩa ra sao? Chúng ta đã nhận được các phước lành đã được hứa trong câu 6 vào lúc nào?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “The Church of Jesus Christ,” Children’s Songbook, trang 77.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy của Chúng Ta

Hãy bắt chước sống theo cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi. “Quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để giảng dạy và nâng đỡ những người khác đến từ cách Ngài sống và con người của Ngài. Các anh chị em càng siêng năng cố gắng để sống giống như Chúa Giê Su Ky Tô, thì anh chị em sẽ càng có thể giảng dạy giống như Ngài” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 13).

Hình Ảnh
Oliver Cowdery sắc phong cho Joseph Smith

Oliver Cowdery Ordains Joseph Smith (Oliver Cowdery Sắc Phong cho Joseph Smith), tranh của Walter Rane

In