“Ngày 8–14 tháng Ba. Giáo Lý và Giao Ước 23–26: ‘Củng Cố Giáo Hội,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)
“Ngày 8–14 tháng Ba. Giáo Lý và Giao Ước 23–26,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2021
Ngày 8–14 tháng Ba
Giáo Lý và Giao Ước 23–26
“Củng Cố Giáo Hội”
Khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy, hãy xem xét các ý tưởng sinh hoạt trong cả hai mục “Trẻ Em Nhỏ Tuổi” và “Trẻ Em Lớn Tuổi”.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Cho thấy một bức tranh của Emma Smith (xin xem đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình). Mời các em chia sẻ những điều mà các em biết về bà, bao gồm những điều các em có thể đã biết khi học từ Giáo Lý và Giao Ước 25 trong tuần lễ vừa qua. “Chương 13: Joseph và Emma” (Những Câu Chuyện Giáo Lý và Giao Ước, trang 51–55) có thể giúp ích.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi
Giáo Lý và Giao Ước 23:6; 26:1
Thượng Đế muốn tôi cầu nguyện và học từ thánh thư mỗi ngày.
Chúa đã khuyên dạy những vị lãnh đạo thời kỳ đầu và những người bạn của Giáo Hội phải cầu nguyện (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 23:6) và học thánh thư (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 26:1). Làm cách nào anh chị em có thể giúp các em làm cho sự cầu nguyện và thánh thư trở thành một phần trong cuộc sống của chúng?
Những Sinh Hoạt Khả Thi
-
Đọc cho các em nghe từ Giáo Lý và Giao Ước 23:6, bắt đầu từ đoạn “ngươi phải cầu nguyện.” Hãy giúp các em nhận ra những phương thức và địa điểm khác nhau mà Chúa phán rằng chúng ta nên cầu nguyện. Mời các em vẽ tranh về bản thân chúng cầu nguyện ở một trong những nơi đó.
-
Nếu cần, hãy giải thích cho các em cách cầu nguyện. Một bài hát về sự cầu nguyện có thể giúp ích.
-
Đọc cho các em nghe: “Phải dành hết thì giờ của mình vào việc học hỏi thánh thư” (Giáo Lý và Giao Ước 26:1). Kể cho các em nghe lý do vì sao anh chị em học hỏi thánh thư. Hãy giúp các em nghĩ về những cách mà chúng có thể học thánh thư, thậm chí khi chúng chưa biết đọc.
-
Cùng nhau hát một bài hát về việc cầu nguyện và học hỏi thánh thư. Giúp các em khám phá các phước lành được hứa trong bài hát này. Kể cho các em nghe về những cảm nhận thuộc linh anh chị em đã có khi cầu nguyện và đọc thánh thư.
Chúa Giê Su yêu mến “bài ca của con tim”
Chúa đã phán rằng âm nhạc thiêng liêng “làm vừa lòng ta.” Hãy giúp các em thấy rằng việc ca hát không chỉ là một sinh hoạt vui nhộn mà còn là một cách để thờ phượng Ngài.
Những Sinh Hoạt Khả Thi
-
Mời mỗi em chia sẻ bài thánh ca hoặc bài hát trong Giáo Hội mà em ấy ưa thích, và cùng hát một vài bài trong số đó. Đọc cho các em nghe Giáo Lý và Giao Ước 25:12 và mời các em tưởng tượng xem Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su cảm thấy như thế nào khi Hai Ngài nghe chúng ta hát những bài hát này.
-
Dạy cho các em một bài hát về việc ca hát. Mời các em hát bài hát đó với gia đình chúng trong tuần này.
Tôi có thể chuẩn bị để lập các giao ước thiêng liêng.
Các trẻ em mà anh chị em giảng dạy đang chuẩn bị để lập giao ước đầu tiên của chúng với Cha Thiên Thượng khi chúng chịu phép báp têm. Làm thế nào anh chị em có thể giúp các em thấy được các giao ước này là quý báu đến dường nào?
Những Sinh Hoạt Khả Thi
-
Đọc cho các em nghe Giáo Lý và Giao ước 25:13 . Hãy giải thích rằng cụm từ “trung tín tuân giữ” trong câu này có nghĩa là bám chặt lấy một điều gì đó. Để giúp các em hiểu, hãy chuyền xung quanh lớp học một vật gì đó cứng, như một viên đá (hoặc thậm chí là một thanh sắt), và mời các em giữ vật đó chặt hết mức có thể. Giải thích rằng việc trung tín tuân giữ các giao ước của chúng ta có nghĩa là bám chặt vào (hoặc giữ lấy) các lời hứa mà chúng ta lập với Cha Thiên Thượng và không bao giờ từ bỏ (hoặc không bao giờ bỏ cuộc).
-
Sử dụng trang sinh hoạt của tuần này để giảng dạy các em về những lúc chúng ta lập giao ước với Cha Thiên Thượng. Đọc Giáo Lý và Giao Ước 25:15, và giải thích rằng “mão triều thiên của sự ngay chính” tượng trưng cho các phước lành của việc được trở về sống với Thượng Đế, Vị Vua Thiên Thượng của chúng ta.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi
Giáo Lý và Giao Ước 23:3–7; 25:7
Chúa Giê Su muốn tôi củng cố những người xung quanh.
Khi Giáo Hội mới được tổ chức, lúc đó không có nhiều tín hữu. Chúa đã phán bảo các Thánh Hữu phải xây đắp Giáo Hội bằng cách chia sẻ phúc âm và củng cố lẫn nhau. Chúng ta cũng có thể làm những việc này ngày nay.
Những Sinh Hoạt Khả Thi
-
Yêu cầu các em tìm kiếm mọi ví dụ của từ “khuyên nhủ” trong Giáo Lý và Giao Ước 23:2–7; 25:7. Giúp các em định nghĩa từ này. Làm thế nào việc khuyên nhủ một người có thể củng cố họ? Mời các em đóng diễn mình đang “khuyên nhủ” một ai đó nhưng làm như vậy với tình yêu thương.
-
Làm thế nào chúng ta có thể làm tốt hơn trong công việc củng cố các tín hữu khác trong Giáo Hội? Để minh hoạ cho nguyên tắc này, hãy giao cho một em một công việc mà cần nhiều người giúp đỡ. Sau đó, yêu cầu các em khác giúp đỡ, và thảo luận xem công việc đó đã trở nên dễ dàng hơn đến mức nào. Chia sẻ một kinh nghiệm khi anh chị em đã được củng cố bởi sự phục vụ của một người tín hữu trong Giáo Hội.
Đấng Cứu Rỗi có thể đem tôi “ra khỏi cảnh khó khăn [của tôi].”
Joseph Smith đã trải qua nhiều thử thách, nhưng ông có thể “kiên nhẫn trong những nỗi thống khổ” bởi vì Chúa đã hứa rằng Ngài sẽ luôn ở cùng ông.
Những Sinh Hoạt Khả Thi
-
Giúp các em liệt kê lên bảng một vài nỗi thống khổ hoặc thử thách mà Joseph Smith và các Thánh Hữu thời kỳ đầu đang phải đối mặt lúc đó (xin xem “Chương 11: Thêm Nhiều Người Gia Nhập vào Giáo Hội, ” Các Câu Chuyện Giáo Lý và Giao Ước, trang 46–47, hoặc đoạn video tương ứng trên trang ChurchofJesusChrist.org). Sau đó, mời các em khám phá xem Chúa đã phán điều gì với Joseph về những nỗi thống khổ của ông trong Giáo Lý và Giao Ước 24:1, 8. Làm thế nào chúng ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta đang gặp khó khăn?
-
Để dạy các em rằng đôi khi chúng ta cần phải “kiên nhẫn trong những nỗi thống khổ [của mình].” Yêu cầu các em nghĩ về một thứ chúng thực sự rất muốn nhưng phải chờ đợi mới có được. Tại sao Chúa đôi khi đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn trong những lúc khó khăn trong cuộc sống? Làm thế nào Ngài cho chúng ta biết rằng Ngài “ở cùng [chúng ta]” trong những nỗi thống khổ của chúng ta?
Tôi có thể “trung tín tuân giữ các giao ước” mà tôi đã lập.
Ngay sau khi Emma Smith được làm phép báp têm, Chúa đã phán với bà: “Hãy trung tín tuân giữ những giao ước ngươi đã lập.” Hãy xem xét cách mà lời khuyên dạy này có thể ban phước cho các trẻ em mà anh chị em giảng dạy.
Những Sinh Hoạt Khả Thi
-
Cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 25:13, và hỏi các em về ý nghĩa của câu “trung tín tuân giữ những giao ước” mà chúng ta lập. Để minh hoạ, hãy chuyền quanh lớp những vật được cột chặt vào nhau và để cho các em cố gắng tách rời chúng ra. Tại sao cụm từ “trung tín tuân giữ” là một cụm từ hay để miêu tả cách chúng nên cảm thấy về các giao ước của mình?
-
Nếu cần, hãy ôn lại với các em về các giao ước chúng ta lập khi chịu phép báp têm (xin xem Mô Si A 18:8–10; Giáo Lý và Giao Ước 20:37). Việc “trung tín tuân giữ” các giao ước này có nghĩa là gì?
-
Hãy cùng nhau ôn lại một vài điều anh chị em và các em biết về cuộc sống của Emma Smith (in xem “Chương 13: Joseph và Emma” [Các Câu Chuyện Giáo Lý và Giao Ước, trang 51–55], hoặc đoạn video tương ứng trên trang ChurchofJesusChrist.org). Đưa cho mỗi em một hoặc hai câu trong tiết 25, và mời các em chia sẻ cách lời khuyên dạy và những chỉ định của Chúa có thể đã giúp Emma “trung tín tuân giữ những giao ước” mà bà đã lập. Làm thế nào chúng ta có thể noi theo tấm gương của bà?
Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà
Mời các em chọn một câu thánh thư yêu thích đã được thảo luận trong lớp, viết xuống câu tham khảo, và chia sẻ nó với một người trong gia đình hoặc bạn bè.