Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 12–18 tháng Tư. Giáo Lý và Giao Ước 37–40: “Nếu Các Ngươi Không Hiệp Làm Một Thì Các Ngươi Không Phải Là Của Ta”


“Ngày 12–18 tháng Tư. Giáo Lý và Giao Ước 37–40: ‘Nếu Các Ngươi Không Hiệp Làm Một Thì Các Ngươi Không Phải Là Của Ta,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 12–18 tháng Tư. Giáo Lý và Giao Ước 37–40,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
Các Thánh Hữu chuẩn bị chuyển đi

Saints Move to Kirtland (Các Thánh Hữu Chuyển đến Kirtland), tranh do Sam Lawlor vẽ

Ngày 12–18 tháng Tư

Giáo Lý và Giao Ước 37–40

“Nếu Các Ngươi Không Hiệp Làm Một Thì Các Ngươi Không Phải Là Của Ta”

Việc ghi lại các ấn tượng trong khi học là một cách giúp anh chị em có thể vâng theo lời khuyên của Thượng Đế để “tích lũy sự khôn ngoan” (Giáo Lý và Giao Ước 38:30).

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Đối với Các Thánh Hữu thời kỳ đầu, Giáo Hội không chỉ là một nơi để nghe thuyết giảng vào ngày Chủ Nhật. Qua những điều mặc khải của Ngài ban cho Joseph Smith, Chúa đã mô tả Giáo Hội bằng những từ như chính nghĩa (một nghĩa khác của từ cause, dịch là “lý do” trong câu 32), vương quốc, Si Ôn và, từ công việc vốn xuất hiện khá thường xuyên. Đó có lẽ là một phần của điều đã thu hút nhiều tín hữu thuở đầu đến với Giáo Hội. Họ yêu thích giáo lý phục hồi của Giáo Hội, và hơn nữa họ còn mong muốn có thể cống hiến đời mình cho một điều gì đó. Tuy vậy, lệnh truyền của Chúa vào năm 1830 cho Các Thánh Hữu quy tụ tại Ohio lại không dễ dàng cho một số người tuân theo. Đối với những người như Phebe Carter, điều đó có nghĩa là rời khỏi căn nhà ấm cúng đi đến những miền biên giới xa lạ (xin xem “Các Tiếng Nói của Thời Kỳ Phục Hồi” ở cuối đại cương này). Ngày nay chúng ta có thể thấy rõ ràng những gì mà Các Thánh Hữu đó chỉ có thể nhìn bằng con mắt của đức tin: Chúa có những phước lành lớn lao đang chờ họ tại Ohio.

Sự cần thiết để quy tụ đến Ohio đã qua lâu rồi, nhưng Các Thánh Hữu ngày nay vẫn hợp nhất khắp nơi cho cùng một chính nghĩa, cùng một công việc: “đem lại Si Ôn” (Giáo Lý và Giao Ước 39:13). Giống với Các Thánh Hữu thuở ban đầu đó, chúng ta từ bỏ “những nỗi lo lắng trần tục” (Giáo Lý và Giao Ước 40:2) bởi vì chúng ta tin cậy lời hứa của Chúa: “Ngươi sẽ nhận được … một phước lành lớn lao mà ngươi chưa từng bao giờ biết đến” (Giáo Lý và Giao Ước 39:10).

Xin xem thêm Các Thánh Hữu, 1:109–111.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 37:1

Joseph Smith đang phiên dịch điều gì vào năm 1830?

Trong câu này, Chúa đang nói đến Joseph Smith thực hiện công việc duyệt Kinh Thánh đầy soi dẫn mà được ám chỉ là “phiên dịch.” Khi Joseph nhận được điều mặc khải được ghi lại trong tiết 37, ông đã hoàn tất một vài chương thuộc sách Sáng Thế Ký và chỉ vừa học về Hê Nóc và thành phố Si Ôn của ông ấy (xin xem Sáng Thế Ký 5:18–24; Môi Se 7). Một số nguyên tắc Chúa đã dạy Hê Nóc tương tự với những điều Ngài đã mặc khải trong tiết 38.

Hình Ảnh
Joseph Smith và Sidney Rigdon

Joseph Smith làm việc với Sidney Rigdon thực hiện bản duyệt đầy soi dẫn của Kinh Thánh. Phần minh họa do Annie Henrie Nader thực hiện

Giáo Lý và Giao Ước 38

Thượng Đế quy tụ chúng ta để ban phước cho chúng ta.

Chúa đã kết thúc lệnh truyền của Ngài là phải quy tụ đến Ohio bằng cách nói: “Này, đây là sự thông sáng” (Giáo Lý và Giao Ước 37:4). Nhưng không phải ai cũng thấy được sự thông sáng đó ngay lập tức. Trong tiết 38, Chúa đã mặc khải sự thông sáng của Ngài một cách chi tiết hơn. Anh chị em học được điều gì từ các câu 11–33 về các phước lành của sự quy tụ? Các tín hữu Giáo Hội không còn được truyền lệnh phải quy tụ theo cách di chuyển đến một địa điểm; vậy chúng ta phải quy tụ theo những cách nào ngày nay? Những phước lành này áp dụng như thế nào cho chúng ta? (xin xem Russell M. Nelson, “Sự Quy Tụ Dân Y Sơ Ra Ên Đã Bị Phân Tán,” Liahona, tháng Mười Một năm 2006, trang 79–81).

Trong khi đọc phần còn lại của tiết này, hãy tìm các đoạn thánh thư mà có thể đã giúp Các Thánh Hữu đạt được đức tin cần có để tuân theo giáo lệnh của Thượng Đế là phải quy tụ tại Ohio. Cũng hãy nghĩ về các lệnh truyền Ngài đã ban cho anh chị em và đức tin mà anh chị em cần có để vâng theo. Các câu hỏi sau đây có thể hướng dẫn việc học tập của anh chị em:

  • Anh chị em tìm thấy điều gì trong các câu 1–4 mà cho anh chị em sự tin tưởng vào Chúa và các lệnh truyền của Ngài?

  • Làm thế nào câu 39 giúp anh chị em vâng theo các giáo lệnh của Thượng Đế ngay cả khi chúng đòi hỏi sự hy sinh?

Anh chị em tìm thấy điều gì khác?

Giáo Lý và Giao Ước 38:11–13, 22–32, 41–42

Nếu tôi đã chuẩn bị rồi thì tôi sẽ không cần phải sợ hãi.

Các Thánh Hữu đã đối mặt với nhiều sự chống đối rồi, và Chúa biết nhiều sự chống đối hơn nữa sẽ đến (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 38:11–13, 28–29). Để giúp họ không sợ hãi, Ngài đã mặc khải một nguyên tắc quý giá: “Nếu các ngươi đã chuẩn bị rồi thì các ngươi sẽ không sợ hãi” (Giáo Lý và Giao Ước 38:30). Hãy dành ra một phút suy ngẫm về các thử thách anh chị em đang đối mặt. Rồi trong khi học tiết 38, hãy lắng nghe những sự thúc giục từ Thánh Linh về các cách mà anh chị em có thể chuẩn bị cho những thử thách để không còn phải sợ hãi.

Xin xem thêm Ronald A. Rasband, “Chớ Bối Rối,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 18–21.

Giáo Lý và Giao Ước 39–40

Những nỗi lo lắng trần tục không được làm tôi xao lãng việc tuân giữ lời của Thượng Đế.

Hãy đọc các tiết 3940, kể cả bối cảnh lịch sử trong phần tiêu đề tiết, và suy ngẫm về cách mà kinh nghiệm của James Covel có thể áp dụng cho anh chị em. Ví dụ, nghĩ về những lần khi “lòng của [anh chị em] … đã ngay thẳng trước mặt [Thượng Đế]” (Giáo Lý và Giao Ước 40:1). Anh chị em đã được ban phước như thế nào nhờ sự thành tín của mình? Cũng hãy nghĩ về “những lo lắng trần tục” nào mà anh chị em phải đối mặt (Giáo Lý và Giao Ước 39:9; 40:2). Anh chị em tìm thấy điều gì trong các tiết này giúp soi dẫn cho mình vâng lời một cách kiên định hơn?

Xin xem thêm Ma Thi Ơ 13:3–23.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 37:3.Để giúp gia đình mình hiểu được sự hy sinh của Các Thánh Hữu để quy tụ đến Ohio, anh chị em có thể xem bản đồ kèm với đại cương này.

Giáo Lý và Giao Ước 38:22.Làm thế nào chúng ta có thể làm cho Chúa Giê Su Ky Tô trở thành “Đấng ban hành luật pháp” cho gia đình mình? Làm thế nào việc tuân theo luật pháp của Ngài giúp chúng ta trở thành “dân tự do”?

Giáo Lý và Giao Ước 38:24–27.Để dạy con cái ý nghĩa của việc “hiệp làm một,” anh chị em có thể giúp chúng đếm số lượng các thành viên trong nhà và nói về lý do tại sao từng người lại quan trọng đối với gia đình anh chị em. Nhấn mạnh rằng chúng ta cùng nhau là một gia đình. Anh chị em có thể giúp con cái mình vẽ lớn con số 1 lên trên một tấm áp phích và trang trí nó với các tên và hình vẽ hoặc tranh ảnh của từng thành viên trong gia đình. Anh chị em cũng có thể viết trên lên tấm áp phích những điều sẽ làm để gia đình mình đoàn kết hơn. Anh chị em cũng có thể đọc Môi Se 7:18.

Giáo Lý và Giao Ước 38:29–30.Anh chị em có thể thảo luận các kinh nghiệm cá nhân hoặc của gia đình gần đây mà đòi hỏi sự chuẩn bị. Sự chuẩn bị của anh chị em ảnh hưởng như thế nào đến kinh nghiệm đó? Chúa muốn chúng ta chuẩn bị cho điều gì? Làm thế nào việc chuẩn bị trước có thể giúp chúng ta không sợ hãi? Chúng ta có thể làm gì để chuẩn bị?

Giáo Lý và Giao Ước 40.Cụm từ “những nỗi lo lắng trần tục” (câu 2) có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Có bất kỳ nỗi lo lắng trần tục nào đang ngăn cản chúng ta nhận được lời của Thượng Đế “một cách vui sướng”? Chúng ta sẽ khắc phục những nỗi lo lắng này bằng cách nào?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Lòng Nhân Nên Khởi Từ Tôi,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi trang 63.

Hình Ảnh
biểu tượng các tiếng nói của thời kỳ phục hồi

Các Tiếng Nói của Thời Kỳ Phục Hồi

Sự quy tụ đến Ohio

Hình Ảnh
Các tòa nhà Kirtland

Kirtland Village (Làng Kirtland), tranh do Al Rounds họa

Hình Ảnh
Phebe Carter Woodruff

Trong số nhiều Thánh Hữu đã quy tụ đến Ohio vào khoảng năm 1830 có Phebe Carter. Bà gia nhập vào Giáo Hội tại miền đông bắc Hoa Kỳ lúc khoảng 24, 26 tuổi, mặc dù cha mẹ bà thì không. Sau đó bà đã viết về quyết định đi đến Ohio để hiệp một với Các Thánh Hữu:

“Bạn bè tôi rất kinh ngạc trước quyết định này, và tôi cũng vậy, nhưng có một điều gì đó bên trong thôi thúc tôi phải đi. Sự đau buồn của mẹ vì tôi rời khỏi nhà gần như còn hơn cả những gì tôi có thể chịu được; và nếu không phải vì thánh linh trong lòng thì có lẽ cuối cùng tôi sẽ chùn bước mà ở lại. Mẹ đã nói rằng bà thà thấy tôi được chôn cất còn hơn là một mình bỏ nhà ra đi vào thế giới tàn nhẫn này.

“Bà đã khẩn khoản xúc động rằng: ‘[Phebe], liệu con sẽ quay trở về với mẹ nếu con biết rằng đạo Mặc Môn là sai trái không?’

“Tôi trả lời: ‘Vâng, mẹ ơi, con sẽ về.’ … Câu trả lời của tôi làm dịu đi sự lo lắng của bà; nhưng việc chia xa làm cho chúng tôi rất đỗi buồn phiền. Khi đến lúc tôi phải khởi hành thì tôi không dám tin bản thân mình có thể nói lời từ biệt; vì vậy tôi đã viết lời chào tạm biệt từng người, để chúng trên bàn, chạy xuống cầu thang rồi nhảy lên chiếc xe ngựa. Vậy là tôi đã để lại phía sau căn nhà yêu dấu của tuổi thơ tôi để gắn kết cuộc đời tôi với các thánh hữu của Thượng Đế.”1

Trong một thông điệp từ biệt, Phebe đã viết:

“Cha Mẹ Thân Thương—giờ đây con sắp rời mái nhà của cha mẹ trong một khoảng thời gian … con không biết là bao lâu—nhưng con luôn giữ những cảm nghĩ biết ơn cho tình thương mà con đã nhận được từ thuở bé thơ đến lúc này đây—có điều Thượng Đế dường như truyền lệnh cho con phải rời xa chốn thân quen này. Chúng ta hãy giao phó mọi điều vào bàn tay của Thượng Đế và biết ơn vì chúng ta đã được cho phép để sống cùng nhau thật lâu trong những hoàn cảnh thuận lợi của mình, tin cậy rằng mọi việc sẽ vì lợi ích của chúng ta nếu biết yêu thương Thượng Đế trước nhất. Chúng ta hãy nhận ra rằng mình có thể cầu nguyện lên Đấng Thượng Đế duy nhất mà sẽ nghe những lời nguyện cầu chân thành của mọi tạo vật của Ngài và ban cho chúng ta điều tốt đẹp nhất. …

“Mẹ ơi, con tin rằng đây là ý muốn của Thượng Đế dành cho con để đi về phía tây và con đã được thuyết phục phải làm như vậy trong một thời gian dài. Con đường đã được chuẩn bị rồi … ; con tin rằng chính Thánh Linh của Chúa đã thực hiện việc này mà đủ cho tất cả mọi điều. Ôi mẹ ơi, xin đừng lo lắng cho đứa con này; Chúa sẽ an ủi con. Con tin rằng Chúa sẽ chăm sóc con và ban cho con điều tốt đẹp nhất. … Con đi bởi vì Đấng Thầy đã gọi—Ngài đã tỏ cho con thấy rõ bổn phận của mình.”2

Ghi Chú

  1. Trong Edward W. Tullidge, The Women of Mormondom (năm 1877), trang 412.

  2. Thư Phebe Carter gửi cho cha mẹ bà, không đề ngày tháng, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Thành Phố Salt Lake; dấu câu đã được hiện đại hóa. Phebe gia nhập vào Giáo Hội năm 1834, chuyển đến Ohio khoảng năm 1835, và kết hôn với Wilford Woodruff trong năm 1837.

In