“Ngày 29 tháng Ba–Ngày 4 tháng Tư. Lễ Phục Sinh: ‘Ta Là Đấng Đã Sống, Ta Là Đấng Đã Bị Giết Chết,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)
“Ngày 29 tháng Ba–Ngày 4 tháng Tư. Lễ Phục Sinh,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021
Ngày 29 tháng Ba–Ngày 4 tháng Tư
Lễ Phục Sinh
“Ta Là Đấng Đã Sống, Ta Là Đấng Đã Bị Giết Chết”
Trong khi chuẩn bị kỷ niệm Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi vào ngày Chủ Nhật lễ Phục Sinh, hãy suy ngẫm cách mà sự mặc khải thời hiện đại đã làm gia tăng đức tin của anh chị em rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Con Trai Độc Sinh của Thượng Đế và là Đấng Cứu Chuộc của thế gian.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Ngày 3 tháng Tư năm 1836 là ngày Chủ Nhật Phục Sinh. Sau khi giúp thực hiện lễ Tiệc Thánh cho Các Thánh Hữu đang tụ họp trong Đền Thờ Kirtland mới được cung hiến, Joseph Smith và Oliver Cowdery tìm một nơi yên tĩnh phía sau bức màn trong đền thờ và quỳ xuống cầu nguyện thầm. Và rồi, vào ngày thiêng liêng ấy khi mà Các Ky Tô Hữu khắp nơi đang tưởng niệm Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, chính Đấng Cứu Rỗi phục sinh đã xuất hiện trong đền thờ của Ngài, tuyên phán rằng: “Ta là Đấng đã sống, ta là Đấng đã bị giết chết” (Giáo Lý và Giao Ước 110:4).
Ý nghĩa của câu nói rằng Chúa Giê Su Ky Tô là “Đấng đã sống” là gì? Câu này không chỉ có nghĩa Ngài đã trỗi dậy từ nấm mồ vào ngày thứ ba và hiện ra với các môn đồ người Ga Li Lê của mình. Mà nó còn có nghĩa là Ngài đang sống ngày nay. Ngài đang phán bảo qua các vị tiên tri ngày nay. Ngài đang lãnh đạo Giáo Hội của Ngài ngày nay. Ngài đang chữa lành những tâm hồn bị tổn thương và những tấm lòng đau khổ ngày nay. Vì vậy chúng ta có thể lặp lại những lời chứng hùng hồn của Joseph Smith: “Và giờ đây, sau bao nhiêu lời làm chứng về Ngài, thì đây là lời làm chứng … chúng tôi nói về Ngài: Rằng Ngài hằng sống!” (Giáo Lý và Giao Ước 76:22). Chúng ta có thể nghe tiếng nói của Ngài trong những điều mặc khải này. Chúng ta có thể chứng kiến bàn tay Ngài trong cuộc sống của mình. Và mỗi chúng ta có thể cảm thấy được “niềm vui mà câu nói này mang đến: ‘Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc của tôi hằng sống!’” (Hymns, số 136).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Giáo Lý và Giao Ước 29:5; 38:7; 62:1; 76:11–14, 20–24; 110:1–10
Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống.
Tiên Tri Joseph Smith đã thấy Đấng Cứu Rỗi phục sinh một vài lần, và hai trong số những kinh nghiệm này được ghi lại trong sách Giáo Lý và Giao Ước. Trong khi đọc các tiết 76:11–14, 20–24; 110:1–10, điều gì gây ấn tượng với anh chị em về chứng ngôn của Joseph Smith? Tại sao chứng ngôn của ông quý báu với anh chị em?
Xuyên suốt sách Giáo Lý và Giao Ước, Đấng Cứu Rỗi đã làm chứng về sứ mệnh và thiên tính của chính Ngài. Anh chị em học được điều gì về Đấng Ky Tô hằng sống từ những lời của Ngài trong Giáo Lý và Giao Ước 29:5; 38:7; 62:1? Anh chị em có thể cân nhắc ghi lại những lời tuyên bố tương tự mà bản thân tìm được trong khi học sách Giáo Lý và Giao Ước.
Xin xem thêm Joseph Smith—Lịch Sử 1:17.
Giáo Lý và Giao Ước 29:26–27; 42:45–46; 63:49; 88:14–17, 27–31; 93:33–34
Nhờ Chúa Giê Su Ky Tô, tôi sẽ được phục sinh.
Joseph Smith đã biết cảm giác than khóc cho cái chết của những người thân yêu là như thế nào. Hai người anh em trai của ông, Alvin và Don Carlos, qua đời ở tuổi thiếu niên. Joseph và Emma đã chôn cất sáu đứa con, tất cả đều nhỏ hơn hai tuổi. Nhưng từ những điều mặc khải đã nhận được, Joseph có một quan điểm vĩnh cửu về cái chết và kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế. Hãy xem xét những lẽ thật được tiết lộ trong Giáo Lý và Giao Ước 29:26–27; 42:45–46; 63:49; 88:14–17, 27–31; 93:33–34. Những điều mặc khải này ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em nghĩ về cái chết? Chúng có thể ảnh hưởng thế nào đến cách anh chị em sống?
Xin xem thêm 1 Cô Rinh Tô 15; M. Russell Ballard, “Khải Tượng về Sự Cứu Chuộc Người Chết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 71–74; Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch của Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 188–190.
Giáo Lý và Giao Ước 18:10–13; 19:16–19; 45:3–5; 76:69–70
Chúa Giê Su Ky Tô đã hoàn thành một “sự chuộc tội hoàn hảo.”
Một cách để tập trung vào Đấng Cứu Rỗi vào thời gian lễ Phục Sinh là học hỏi những điều mặc khải trong Giáo Lý và Giao Ước mà dạy về sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Một số những điều này có thể được tìm thấy trong Giáo Lý và Giao Ước 18:10–13; 19:16–19; 45:3–5; 76:69–70. Có lẽ anh chị em có thể liệt kê những lẽ thật về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi mà anh chị em tìm được trong những câu này. Để cải thiện việc học của mình, anh chị em có thể bổ sung vào bản liệt kê bằng cách tìm kiếm phần tham khảo thánh thư được liệt kê trong mục “Chuộc Tội” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, scriptures.ChurchofJesusChrist.org).
Sau đây là một số câu hỏi mà có thể hướng dẫn việc học của anh chị em:
-
Tại sao Chúa Giê Su Ky Tô đã chọn chịu đựng đau đớn?
-
Tôi phải làm gì để nhận được các phước lành từ sự hy sinh của Ngài?
-
Làm thế nào tôi có thể nhận ra Sự Chuộc Tội của Ngài đang tác động đến cuộc sống của tôi?
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Đại hội trung ương.Bởi vì đại hội trung ương diễn ra trùng với Chủ Nhật Phục Sinh năm nay, anh chị em có thể xem xét cách mà các sứ điệp đại hội (kể cả phần âm nhạc) có thể củng cố chứng ngôn của gia đình anh chị em về Chúa Giê Su Ky Tô. Ví dụ, trẻ nhỏ có thể vẽ một bức tranh về Đấng Cứu Rỗi, hoặc giơ lên một bức tranh về Ngài, khi chúng nghe một sứ điệp hoặc bài hát về Chúa Giê Su Ky Tô. Những người khác trong gia đình có thể lập một bản liệt kê các lẽ thật họ nghe được về Đấng Cứu Rỗi. Sau cùng, mọi người có thể chia sẻ những bức vẽ hoặc các bản liệt kê cùng chứng ngôn của chính họ về Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Giáo Lý và Giao Ước 88:14–17; 138:17, 50.Gia đình anh chị em có thể thích suy nghĩ về một phép loại suy hoặc bài học sử dụng đồ vật để giải thích ý nghĩa của cái chết và sự phục sinh—một cách minh họa việc thể xác và linh hồn bị tách rời và rồi tái hợp, ví dụ như bàn tay và găng tay. Làm thế nào những câu thánh thư này giúp gia tăng lòng cảm kích của chúng ta dành cho điều mà Đấng Cứu Rỗi đã làm vì mình?
-
“Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ.”Để khuyến khích thảo luận về chứng ngôn của các vị tiên tri thời hiện đại về Đấng Cứu Rỗi, anh chị em có thể chỉ định mỗi thành viên trong gia đình đọc một phần trong “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ” (Liahona, tháng Năm năm 2017, mặt trong trang bìa trước) và chia sẻ điều họ học được về Chúa Giê Su Ky Tô.
-
“Tôi Biết Rằng Đấng Cứu Chuộc của Tôi Hằng Sống!”Để giúp gia đình mình nghĩ về nhiều cách thức mà Đấng Cứu Rỗi phục sinh đang ban phước cho chúng ta ngày nay, anh chị em có thể cùng nhau hát bài “Tôi Biết Rằng Đấng Cứu Chuộc Của Tôi Hằng Sống” (Hymns, số 136) và liên kết các lẽ thật trong bài hát này với những lẽ thật được dạy trong các câu thánh thư sau: Giáo Lý và Giao Ước 6:34; 45:3–5; 84:77; 98:18; 138:23. Gia đình anh chị em cũng có thể thích viết thêm lời cho bài thánh ca này để thể hiện làm thế nào họ biết rằng Đấng Cứu Chuộc của họ hằng sống.
Để xem video và các tài liệu khác về lễ Phục Sinh, xin vào trang mạng Easter.ComeUntoChrist.org.
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài hát đề nghị: “Ngài Phục Sinh,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 55.