“Ngày 5–11 tháng Tư. Giáo Lý và Giao Ước 30–36: ‘Ngươi Được Kêu Gọi để Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)
“Ngày 5–11 tháng Tư. Giáo Lý và Giao Ước 30–36,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021
Ngày 5–11 tháng Tư
Giáo Lý và Giao Ước 30–36
“Ngươi Được Kêu Gọi để Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta”
Trong thánh thư, chúng ta có thể tìm được những sự hiểu biết sâu sắc cho các hoàn cảnh riêng của chúng ta. Hãy hỏi xin Chúa giúp anh chị em tìm một sứ điệp dành cho anh chị em trong Giáo Lý và Giao Ước 30–36.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Parley P. Pratt đã trở thành một tín hữu của Giáo Hội trong khoảng một tháng khi ông được kêu gọi đi “vào vùng hoang dã” để thuyết giảng phúc âm (Giáo Lý và Giao Ước 32:2). Thomas B. Marsh là tín hữu trong một khoảng thời gian còn ngắn hơn thế khi được phán bảo: “Đã đến lúc ngươi phải đi truyền giáo” (Giáo Lý và Giao Ước 31:3). Tương tự, Orson Pratt, Edward Partridge, và nhiều người khác cũng vừa mới chịu phép báp têm khi được kêu gọi đi truyền giáo. Có lẽ vào thời điểm này, điều đó phải là như vậy—vào mùa thu năm 1830, không có ai là tín hữu của Giáo Hội được hơn sáu tháng. Nhưng cũng có một bài học trong mẫu mực này dành cho chúng ta ngày nay: nếu anh chị em đã biết đủ để chấp nhận phúc âm phục hồi bởi phép báp têm, thì anh chị em đã biết đủ để chia sẻ nó với người khác. Dĩ nhiên chúng ta luôn luôn muốn gia tăng sự hiểu biết của mình về phúc âm, nhưng Thượng Đế chưa bao giờ ngần ngại kêu gọi “những kẻ ít học” đi thuyết giảng phúc âm của Ngài (Giáo Lý và Giao Ước 35:13). Thật ra, Ngài mời tất cả chúng ta: “Mở miệng rao truyền phúc âm của Ta” (Giáo Lý và Giao Ước 30:5). Và chúng ta làm việc đó tốt nhất không phải qua sự khôn ngoan và kinh nghiệm của riêng mình mà “bằng quyền năng của Thánh Linh” (Giáo Lý và Giao Ước 35:13).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Tôi được kêu gọi để thuyết giảng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.
Dù cho anh chị em có được kêu gọi chính thức với tư cách là một người truyền giáo hay không, thì Chúa muốn anh chị em chia sẻ phúc âm của Ngài, và nhiều lời Ngài phán cùng những người truyền giáo đầu tiên của gian kỳ này cũng dành cho anh chị em. Trong khi học Giáo Lý và Giao Ước 30–36, hãy ghi lại điều anh chị em học được từ sự kêu gọi thuyết giảng phúc âm. Anh chị em có thể lập một bản liệt kê những điều Chúa đòi hỏi nơi những người truyền giáo của Ngài (để có ví dụ, xin xem Giáo Lý và Giao Ước 30:8) và một bản khác liệt kê những điều Chúa hứa với họ (để có ví dụ, xin xem Giáo Lý và Giao Ước 30:11).
Làm thế nào những câu này có thể khuyến khích một ai đó anh chị em quen biết mà đang phục vụ hoặc chuẩn bị đi truyền giáo giảng đạo hoặc truyền giáo phục vụ cho Giáo Hội? Anh chị em tìm thấy điều gì soi dẫn cho anh chị em để chia sẻ phúc âm?
Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 35:13–15; Russell M. Nelson và Wendy W. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” (buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho giới trẻ, ngày 3 tháng Sáu, năm 2018), HopeofIsrael.ChurchofJesusChrist.org; Silvia H. Allred, “Vậy, Hãy Đi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 10–12.
Giáo Lý và Giao Ước 31:1–2, 5–6, 9, 13
Chúa có thể giúp tôi trong các mối quan hệ với gia đình tôi.
Các gia đình trong những năm 1830 chật vật với nhiều vấn đề tương tự với những gì mà các gia đình ngày nay phải đối mặt. Chúa đã ban cho Thomas B. Marsh lời hướng dẫn và những lời hứa nào về gia đình ông? Những lời Ngài có thể giúp anh chị em trong các mối quan hệ với gia đình mình như thế nào?
Để có thêm thông tin về Thomas B. Marsh, xin xem Các Thánh Hữu, 1:79–80, 119–120.
Công việc truyền giáo cho dân La Man có phải là một thất bại không?
Khi Oliver Cowdery, Peter Whitmer Jr., Parley P. Pratt, và Ziba Peterson khởi hành đi thuyết giảng cho Các Thổ Dân Da Đỏ Mỹ Châu ở phía tây bang Missouri, họ tin rằng họ đang làm ứng nghiệm những lời tiên tri trong Sách Mặc Môn về việc dân La Man tiếp nhận phúc âm vào những ngày sau (xin xem, ví dụ, 1 Nê Phi 13:34–41; Ê Nót 1:11–18). Tuy vậy, vào cuối công việc truyền giáo của mình, mặc dù có những tiếp xúc tích cực với một vài nhóm thổ dân, nhưng họ đã không báp têm được một người Da Đỏ Mỹ Châu nào cả. Mặc dù vậy, họ đã làm phép báp têm cho hơn một trăm người gần Kirtland, Ohio, là nơi họ đã ngừng chân dọc con đường đi tới Missouri. Giữa những người cải đạo đó là các vị lãnh đạo Giáo Hội tương lai có nhiều ảnh hưởng, kể cả Sidney Rigdon, và Kirtland sau này trở thành một nơi quy tụ quan trọng của Giáo Hội. Kinh nghiệm này dạy anh chị em điều gì về cách Chúa hoàn thành công việc của Ngài?
Nếu tôi xây đắp cuộc đời mình trên phúc âm của Đấng Cứu Rỗi, tôi sẽ không đổ ngã.
Giáo Lý và Giao Ước 33 nói đến Northrop Sweet và Ezra Thayer, hai người mới cải đạo. Northrop rời bỏ Giáo Hội không lâu sau khi điều mặc khải này được ban ra. Ezra phục vụ một cách trung tín trong một khoảng thời gian, nhưng cuối cùng cũng sa ngã. Đây có thể là một cơ hội tốt để đánh giá xem anh chị em được xây dựng “trên đá” (câu 13) của phúc âm một cách vững vàng như thế nào. Những lẽ thật nào trong các câu này có thể giúp anh chị em tiếp tục trung thành với Đấng Cứu Rỗi?
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Giáo Lý và Giao Ước 30:2.Gia đình chúng ta đang tập trung ở mức độ nào vào những điều của Thượng Đế thay vì “những điều của thế gian”?
-
Giáo Lý và Giao Ước 31.Trong khi đọc các lời hứa của Chúa ban cho Thomas B. Marsh về gia đình ông, anh chị em có thể trò chuyện về những phước lành đã đến với gia đình mình nhờ công việc truyền giáo. Anh chị em cũng có thể hát một bài thánh ca có liên quan, như là “Con Sẽ Đi Đến Nơi Nào Ngài Sai Con” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 46). Gia đình anh chị em đã được phước như thế nào nhờ chia sẻ phúc âm với người khác?
-
Giáo Lý và Giao Ước 33:7–10.Chúa đã sử dụng những hình ảnh nào trong các câu này để mô tả việc chia sẻ phúc âm? Có những hình ảnh hoặc phép ẩn dụ nào khác mà gia đình anh chị em có thể nghĩ ra? Có lẽ những hình ảnh này có thể giúp gia đình anh chị em nghĩ ra những cách thức sáng tạo để chia sẻ phúc âm. Rồi cuộc thảo luận này có thể đưa đến một kế hoạch chia sẻ phúc âm. Cân nhắc đóng diễn một số tình huống có thể xảy ra.
-
Giáo Lý và Giao Ước 34:10.Chọn một cụm từ trong câu 10, và mời một người trong gia đình thì thầm cụm từ đó. Những người khác cố gắng đoán ra cụm từ đó. Rồi yêu cầu một người trong nhà nói to cụm từ đó ra. Sinh hoạt này giúp chúng ta hiểu lý do tại sao Chúa truyền lệnh cho chúng ta “cất cao tiếng nói của mình” như thế nào?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài hát đề nghị: “Con Sẽ Đi Đến Nơi Nào Ngài Sai Con,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 46.
Các Tiếng Nói của Thời Kỳ Phục Hồi
Những Người Cải Đạo Đầu Tiên
Ngay cả trước khi Giáo Hội được tổ chức, Chúa đã tuyên phán: “Cánh đồng đã trắng xóa để gặt” (Giáo Lý và Giao Ước 4:4). Lời phát biểu này đã được chứng tỏ là đúng trong các tháng sau đó, khi nhiều người tìm kiếm lẽ thật được dẫn dắt bởi Thánh Linh của Thượng Đế tìm đến Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.
Nhiều người trong số những người cải đạo thuở ban đầu này là những công cụ trong việc đặt nền móng của Sự Phục Hồi, và các câu chuyện cải đạo của họ rất quý báu đối với chúng ta ngày nay. Đức tin họ đã bày tỏ là cùng một đức tin mà chúng ta cần có để trở nên cải đạo theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.
Abigail Calkins Leonard
Khi Abigail Calkins Leonard ở tầm 34, 36 tuổi; bà cảm thấy mong muốn được tha thứ các tội lỗi của mình. Thỉnh thoảng bà đọc Kinh Thánh, và người từ các nhà thờ Ky Tô Giáo đến thăm nhà bà, nhưng bà vẫn hoang mang không biết điều gì phân biệt giáo hội này với giáo hội khác. Bà kể rằng: “Một buổi sáng nọ, tôi cầm lấy cuốn Kinh Thánh và đi vào rừng, rồi quỳ gối xuống.” Bà đã khẩn thiết cầu nguyện với Chúa. Bà nói: “Ngay lập tức một khải tượng trải ra trước mắt tôi, và các giáo phái khác nhau lần lượt nối đuôi nhau xuất hiện, và một tiếng nói gọi tôi, phán rằng: ‘Những giáo phái này được dựng lên để kiếm lợi lộc.’ Rồi, tôi có thể thấy một ánh sáng vĩ đại từ trên trời, và một tiếng nói từ trên cao phán xuống: ‘Ta sẽ dựng nên một dân tộc thuộc về Ta, mà Ta sẽ vui mừng ban phước cho chúng .’” Không lâu sau đó, Abigail nghe nói về Sách Mặc Môn. Mặc dù chưa có được quyển sách, nhưng bà đã tìm kiếm để “biết được lẽ thật của quyển sách này, bằng ân tứ và quyền năng của Đức Thánh Linh,” và bà “ngay lập tức cảm nhận được sự tồn tại của nó.” Khi cuối cùng có thể đọc Sách Mặc Môn, bà đã “sẵn sàng để tiếp nhận nó.” Bà và chồng, Lyman, chịu pháp báp têm vào năm 1831.1
Thomas B. Marsh
Khi Thomas B. Marsh còn là một thanh niên trẻ, ông đã học Kinh Thánh và gia nhập vào một nhà thờ Ky Tô Giáo. Nhưng ông không thấy thỏa mãn, và cuối cùng rút ra khỏi tất cả các giáo hội. Ông kể: “Tôi đã có một chút tinh thần tiên tri, và nói với [một người lãnh đạo tôn giáo] rằng tôi mong đợi một giáo hội mới sẽ trỗi dậy, là giáo hội có được lẽ thật trong sự thanh khiết của nó.” Không bao lâu sau, Thomas có một sự thúc giục thuộc linh để rời nhà tại Boston, Massachusetts, và đi về phía tây. Sau khi dành ra ba tháng ở miền tây New York mà không tìm được điều mình đang tìm kiếm, ông bắt đầu quay trở về nhà. Trên đường đi, một người phụ nữ đã hỏi Thomas liệu ông có nghe về “Quyển Sách Bằng Vàng được một thiếu niên tên Joseph Smith tìm thấy” chưa. Bị thu hút bởi ý tưởng này, Thomas ngay lập tức lên đường đi đến Palmyra và gặp Martin Harris tại xưởng in, vừa khi 16 trang đầu tiên của Sách Mặc Môn mới ra khỏi máy in. Thomas được phép lấy một bản in của 16 trang đó, và ông đã mang chúng về nhà cho vợ mình, Elizabeth. Ông nhớ lại: “Bà rất đỗi hài lòng [với quyển sách], tin rằng nó là công việc của Thượng Đế.” Thomas và Elizabeth sau đó đã chuyển đến New York cùng con cái họ và chịu phép báp têm.2 (Để biết thêm về Thomas B. Marsh, xin xem Giáo Lý và Giao Ước 31.)
Parley và Thankful Pratt
Giống như Thomas Marsh, hai vợ chồng Parley và Thankful Pratt đã đáp lại những sự thôi thúc về mặt thuộc linh để rời nông trại trù phú của họ ở Ohio với mục đích thuyết giảng phúc âm theo điều họ đã hiểu được từ Kinh Thánh. Như Parley đã nói với em trai rằng: “Thánh linh của những điều này gần đây đã ảnh hưởng tâm trí anh quá mạnh mẽ đến nỗi anh không thể nghỉ ngơi được.”3 Khi họ đến phía đông New York, Parley được thúc giục phải ở lại vùng đó trong một khoảng thời gian. Họ quyết định rằng Thankful sẽ đi tiếp mà không có ông. Parley nói với bà: “Anh có một công việc phải làm trong vùng quê này, và việc đó là gì hay sẽ kéo dài bao lâu để thực hiện, thì anh không biết; nhưng anh sẽ đến với em khi thực hiện xong công việc này.”4 Chính ở đó Parley lần đầu nghe về Sách Mặc Môn. Ông nói: “Tôi cảm thấy một niềm hứng thú lạ lùng với quyển sách.”5 Ông mua một quyển và đọc suốt đêm. Sáng ra, ông biết sách đó là chân chính, và trân quý nó “hơn tất cả mọi của cải trên thế gian.”6 Trong một vài ngày Parley chịu phép báp têm. Rồi ông quay trở về với Thankful, là người cũng được làm phép báp têm. (Để biết thêm về Parley P. Pratt, xin xem Giáo Lý và Giao Ước 32.)
Sidney và Phebe Rigdon
Trên đường từ New York đi truyền giáo tại Missouri, Parley Pratt và những người đồng lao nhọc với mình đã dừng lại ở Mentor, Ohio, tại nhà của Sidney và Phebe Rigdon—những người bạn cũ mà Parley quen biết khi ông sống tại Ohio. Sidney là một mục sư Ky Tô Giáo, và Parley từng là một thành viên thuộc giáo đoàn của ông ấy và xem ông như một người cố vấn về mặt thuộc linh của mình. Parley háo hức kể với các bạn bè mình về Sách Mặc Môn và Sự Phục Hồi của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Bản thân Sidney đã tìm kiếm một sự phục hồi của Giáo Hội chân chính mà ông đã thấy được mô tả trong Kinh Tân Ước, mặc dù vậy ban đầu ông vẫn hoài nghi về Sách Mặc Môn. Ông nói với người bạn Parley: “Nhưng tôi sẽ đọc quyển sách của anh và sẽ nỗ lực để tìm hiểu chắc chắn xem sách đó có phải là một sự mặc khải từ Thượng Đế hay không.”7 Sau hai tuần học tập và cầu nguyện, cả ông và Phebe đều được thuyết phục rằng quyển sách là chân chính. Nhưng Sidney cũng biết rằng việc gia nhập vào Giáo Hội sẽ là một sự hy sinh lớn cho gia đình ông. Ông sẽ chắc chắn mất công việc của mình với tư cách là một mục sư, cùng với địa vị xã hội của ông trong cộng đồng. Khi ông cùng Phebe thảo luận khả năng này, Phebe đã tuyên bố rằng: “Em đã nghĩ về cái giá phải trả, và … mong muốn của em là làm theo ý muốn của Thượng Đế, dù sống hay chết.”8