Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 19–25 tháng Tư. Giáo Lý và Giao Ước 41–44: “Luật Pháp của Ta để Quản Trị Giáo Hội của Ta”


“Ngày 19–25 tháng Tư. Giáo Lý và Giao Ước 41–44: ‘Luật Pháp của Ta để Quản Trị Giáo Hội của Ta,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 19–25 tháng Tư. Giáo Lý và Giao Ước 41–44,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô

Ngày 19–25 tháng Tư

Giáo Lý và Giao Ước 41–44

“Luật Pháp của Ta để Quản Trị Giáo Hội của Ta”

Chúa đã hứa rằng: “Nếu các ngươi cầu xin thì các ngươi sẽ nhận được điều mặc khải này đến điều mặc khải khác, sự hiểu biết này đến sự hiểu biết nọ” (Giáo Lý và Giao Ước 42:61). Anh chị em có thể đặt ra những câu hỏi nào để nhận được điều mặc khải mình cần có?

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Sự phát triển nhanh chóng của Giáo Hội vào năm 1830 và 1831—đặc biệt là việc những người mới cải đạo đổ xô về Kirtland, Ohio—thật rất hào hứng và đầy tính khích lệ đối với Các Thánh Hữu. Nhưng nó cũng cho thấy một số thử thách. Làm thế nào anh chị em hợp nhất được con số những tín đồ đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt khi họ mang theo giáo lý và lối thực hành từ tôn giáo trước đây của họ? Ví dụ, khi Joseph Smith đến Kirtland vào đầu tháng Hai năm 1831, ông thấy các tín hữu mới đang chia sẻ tài sản chung trong một nỗ lực chân thành để làm theo Các Ky Tô Hữu trong Kinh Tân Ước (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 4:32–37). Chúa đưa ra những sự sửa chỉnh quan trọng và làm sáng tỏ đề tài này với các đề tài khác, phần lớn qua điều mặc khải được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 42, mà Ngài gọi là “luật pháp của ta để quản trị giáo hội của ta” (câu 59). Trong điều mặc khải này, chúng ta biết được các lẽ thật nền tảng trong việc thiết lập Giáo Hội của Chúa trong những ngày sau, kể cả một lời hứa quan trọng được nêu rõ rằng luôn luôn có thêm điều cần phải học hỏi: “Nếu các ngươi cầu xin thì các ngươi sẽ nhận được điều mặc khải này đến điều mặc khải khác, sự hiểu biết này đến sự hiểu biết nọ” (Giáo Lý và Giao Ước 42:61).

Xin xem thêm Các Thánh Hữu, 1:114–119.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 41

“Kẻ nào nhận luật pháp của ta và làm theo nó, thì kẻ ấy là môn đồ của ta.”

Đầu năm 1831, Các Thánh Hữu đã bắt đầu quy tụ tại Ohio, háo hức tiếp nhận luật pháp mà Thượng Đế hứa là sẽ mặc khải ở đó (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 38:32). Nhưng trước hết, Chúa dạy về cách mà các môn đồ Ngài nên chuẩn bị để tiếp nhận luật pháp Ngài. Anh chị em tìm được nguyên tắc gì trong các câu 1–5 mà có thể đã giúp Các Thánh Hữu tiếp nhận luật pháp của Thượng Đế? Làm thế nào những nguyên tắc này có thể giúp anh chị em nhận được sự chỉ dẫn từ Ngài?

Giáo Lý và Giao Ước 42

Các luật pháp của Thượng Đế quản trị Giáo Hội Ngài và có thể quản trị cuộc sống chúng ta.

Các Thánh Hữu thời đó xem điều mặc khải được tìm thấy trong Giáo Lý và Giao Ước 42:1–72 là một trong những điều quan trọng nhất mà Vị Tiên Tri từng nhận được. Đó là một trong những điều mặc khải đầu tiên được xuất bản, xuất hiện trong hai tờ báo ở Ohio, và được gọi đơn giản là “luật pháp.” Nhiều nguyên tắc trong tiết này đã được Chúa mặc khải trước đó. Trong khi tiết này không gồm vào mọi lệnh truyền mà Chúa muốn Các Thánh Hữu của Ngài tuân theo, thì vẫn là điều đáng để suy ngẫm lý do tại sao các nguyên tắc này lại quan trọng phải được lặp lại cho Giáo Hội mới được phục hồi.

Có thể hữu ích nếu anh chị em đọc tiết 42 theo các phân đoạn nhỏ hơn như sau và nhận ra những nguyên tắc được dạy trong mỗi phân đoạn. Trong khi làm vậy, hãy xem xét cách mà luật pháp này hướng dẫn Giáo Hội cũng có thể hướng dẫn cuộc sống cá nhân của anh chị em.

Các câu 4–9, 11–17, 56–58 

Các câu 18–29 

Các câu 30–31 

Các câu 40–42 

Các câu 43–52 

Xin xem thêm 3 Nê Phi 15:9.

Giáo Lý và Giao Ước 42:30–42

Các Thánh Hữu “dâng hiến những tài sản của [họ]” để hỗ trợ người nghèo như thế nào?

Một phần quan trọng của luật pháp được mặc khải trong tiết 42 nay được biết đến là luật dâng hiến và trách nhiệm quản lý. Luật pháp này đã dạy Các Thánh Hữu cách họ có thể, giống với những môn đồ của Đấng Ky Tô thời xưa, xem “mọi vật là của chung” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:44; 4 Nê Phi 1:3), và “không có người nào nghèo khó trong số họ” (Môi Se 7:18). Các Thánh Hữu đã dâng hiến của cải của họ bằng cách trao nó cho Chúa, qua vị giám trợ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 42:30–31). Vị giám trợ trả lại cho họ điều họ cần (xin xem câu 32)—thường là những gì họ đã dâng hiến và hơn thế nữa. Các tín hữu quyên góp phần thặng dư của họ để giúp người nghèo (xin xem các câu 33–34). Luật pháp này là một phước lành lớn lao đối với Các Thánh Hữu, đặc biệt là với những người đã bỏ lại mọi thứ để đến Ohio. Nhiều Thánh Hữu đã đóng góp rất rộng rãi.

Mặc dù chúng ta ngày nay thực hiện việc này theo một cách khác, Các Thánh Hữu Ngày Sau vẫn sống theo luật dâng hiến. Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 42:30–42, hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể dâng hiến điều Thượng Đế đã ban cho anh chị em để xây dựng vương quốc Ngài và ban phước cho người túng thiếu.

Xin xem thêm Linda K. Burton, “Ta Là Khách Lạ,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 13–15.

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô và Người Trai Trẻ Giàu Có

Christ and the Rich Young Ruler (Đấng Ky Tô và Người Trai Trẻ Giàu Có), tranh do Heinrich Hofmann vẽ

Giáo Lý và Giao Ước 42:61, 65–68; 43:1–16

Thượng Đế ban sự mặc khải để hướng dẫn Giáo Hội Ngài.

Hãy tưởng tượng rằng anh chị em đang có một cuộc trò chuyện với một tín hữu mới của Giáo Hội đang rất phấn khởi khi biết rằng Giáo Hội được hướng dẫn bằng sự mặc khải. Làm thế nào anh chị em có thể sử dụng Giáo Lý và Giao Ước 43:1–16 để giải thích cho người đó về mẫu mực của Chúa trong việc hướng dẫn Giáo Hội Ngài qua vị tiên tri của Ngài? Anh chị em có thể sử dụng Giáo Lý và Giao Ước 42:61, 65–68 để dạy về việc nhận sự mặc khải cá nhân như thế nào?

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 41:1–5.Một số ví dụ nào về luật pháp dân sự, và những điều luật đó mang lại lợi ích cho chúng ta như thế nào? Những luật pháp hoặc giáo lệnh của Cha Thiên Thượng ban phước chúng ta như thế nào? Các thành viên trong gia đình có thể vẽ tranh về bản thân họ đang tuân theo luật pháp của Thượng Đế.

Giáo Lý và Giao Ước 42:45, 88.Điều gì sẽ giúp gia đình anh chị em “sống với nhau trong tình thương”? (xin xem thêm Mô Si A 4:14–15). Cân nhắc viết hay nói những điều tích cực về nhau hoặc hát một bài thánh ca về tình yêu thương trong gia đình, như là “Giờ Có Mến Yêu Trong Nhà Tôi” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 44).

Giáo Lý và Giao Ước 42:61.Có lẽ anh chị em có thể đọc câu này trong khi ghép các mảnh của bức tranh lại với nhau. Hãy dùng tranh ghép hình để dạy cách Thượng Đế tiết lộ những điều huyền bí của Ngài—“điều mặc khải này đến điều mặc khải khác, sự hiểu biết này đến sự hiểu biết nọ.” Mọi người trong nhà có thể chia sẻ cách Thượng Đế đã mặc khải lẽ thật cho họ từng chút một.

Giáo Lý và Giao Ước 43:25.Có lẽ có một vật gì đó mà gia đình anh chị em có thể sử dụng để tạo tiếng động của một cơn bão tố nhằm giới thiệu một cuộc thảo luận về câu 25. Tiếng nói của Chúa như “tiếng sấm tiếng chớp” như thế nào? Hãy cùng nhau tìm trong câu này những cách Chúa kêu gọi chúng ta hối cải. Làm thế nào chúng ta có thể nhanh nhạy nhận ra tiếng nói của Chúa hơn?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Dạy Con Bước Đi Vào Lẽ Thật,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 66; xin xem “Các Ý Kiến Cải Thiện Việc Học Thánh Thư với Gia Đình của Anh Chị Em.”

Cải Thiện Việc Giảng Dạy của Chúng Ta

Nuôi dưỡng một bầu không khí yêu thương. Cách những người trong gia đình cảm nhận về nhau và đối xử với nhau có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần trong nhà của anh chị em. Hãy giúp tất cả mọi người trong gia đình làm phần vụ của họ để thiết lập một căn nhà yêu thương, tôn trọng để mọi người đều có thể cảm thấy an toàn chia sẻ kinh nghiệm, câu hỏi, và chứng ngôn. (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 15.)

Hình Ảnh
Joseph Smith đang thuyết giảng

Joseph Smith Preaching in Nauvoo (Joseph Smith Đang Thuyết Giảng tại Nauvoo), tranh do Sam Lawlor vẽ

In