Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 26 tháng Tư–ngày 2 tháng Năm. Giáo Lý và Giao Ước 45: “Những Lời Đã Hứa … Sẽ Được Ứng Nghiệm”


“Ngày 26 tháng Tư–ngày 2 tháng Năm. Giáo Lý và Giao Ước 45: ‘Những Lời Đã Hứa … Sẽ Được Ứng Nghiệm,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 26 tháng Tư–ngày 2 tháng Năm. Giáo Lý và Giao Ước 45,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
giới trẻ ở bên ngoài đền thờ

Ngày 26 tháng Tư– ngày 2 tháng Năm

Giáo Lý và Giao Ước 45

“Những Lời Đã Hứa … Sẽ Được Ứng Nghiệm”

Chủ Tịch Rusell M. Nelson đã dạy: “Viết xuống những ý nghĩ đến trong tâm trí anh chị em. Ghi lại các cảm giác của mình và hành động theo những điều mà anh chị em được thúc giục” (“Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 95).

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Chúng ta đang sống trong thời kỳ nguy hiểm, và điều đó có thể gây bất an. Ngay cả các môn đồ của Chúa Giê Su, khi nghe Ngài tiên tri về những hoạn nạn mà sẽ xảy ra trong thời chúng ta, đã trở nên “bối rối” (Giáo Lý và Giao Ước 45:34). Các Thánh Hữu thời kỳ đầu tại Kirtland, Ohio, cũng đã bối rối bởi những thời kỳ nguy hiểm mà họ phải trải qua. Ngoài ra, còn có “nhiều điều bịa đặt … và những câu chuyện điên rồ” nhằm làm suy yếu sứ điệp phúc âm (Giáo Lý và Giao Ước 45, phần tiêu đề tiết). Nhưng, vào thời ấy cũng như bây giờ, câu trả lời của Chúa là “chớ bối rối” (câu 35). Đúng vậy, dù có sự tà ác, nhưng cũng có minh chứng rằng Thượng Đế đang gấp rút làm công việc của Ngài. Đúng vậy, có những hiểm họa đã được dự báo là sẽ đến trước Ngày Tái Lâm, và chúng ta cần phải nhận biết chúng. Nhưng những hiểm họa này không chỉ để cảnh báo về mối nguy hiểm; mà chúng còn là những dấu hiệu cho thấy những lời hứa của Thượng Đế sắp được ứng nghiệm. Có lẽ đây là lý do tại sao Giáo Lý và Giao Ước 45—một điều mặc khải mô tả chi tiết nhiều dấu hiệu này—đã được đón nhận “với niềm vui của Các Thánh Hữu” (phần tiêu đề tiết).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 45:1–5

Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Biện Hộ của chúng ta với Đức Chúa Cha.

Có bao giờ anh chị em cảm thấy không đủ tư cách hoặc không xứng đáng trước Thượng Đế không? Anh chị em có thể được vững tâm trở lại khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 45:1–5. Những từ như “biện hộ” và “bênh vực” gợi cho anh chị em điều gì? Làm thế nào Đấng Cứu Rỗi biện hộ, hay bênh vực cho trường hợp của anh chị em? Điều đó có ý nghĩa gì đối với anh chị em khi biết rằng Đấng Ky Tô là Đấng Biện Hộ của mình?

Câu phát biểu sau đây từ Chủ Tịch Joseph Fielding Smith có thể giúp anh chị em suy ngẫm những câu thánh thư này: “Chúa Giê Su là Đấng biện hộ của chúng ta, bênh vực cho chúng ta với tư cách là Đấng Trung Gian của chúng ta qua giáo vụ của Ngài và còn lao nhọc để giải hòa chúng ta, làm cho chúng ta hòa hợp với Thượng Đế” (trong Conference Report, tháng Mười năm 1953, trang 58).

Xin xem thêm 2 Nê Phi 2:8–9; Mô Si A 15:7–9; Mô Rô Ni 7:27–28; Giáo Lý và Giao Ước 29:5; 62:1.

Giáo Lý và Giao Ước 45:9–10

Phúc âm là cờ lệnh cho các quốc gia.

Vào thời xưa, cờ lệnh là một lá cờ được đem ra chiến trường. Nó được dùng để tập hợp, đoàn kết những người lính và giúp họ biết được nơi nào để tập trung lại và điều mà họ phải làm. Từ này trong tiếng Anh cũng còn có nghĩa là làm gương hoặc tiêu chuẩn đo lường cho những vật khác. Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 45:9–10, anh chị em hãy suy ngẫm xem các giao ước phúc âm đã trở thành một cờ lệnh hoặc một tiêu chuẩn đối với anh chị em như thế nào. Cuộc sống của anh chị em sẽ khác biệt ra sao nếu không có những giao ước này?

Xin xem thêm Ê Sai 5:26; 11:10–12; Giáo Lý và Giao Ước 115:5–6.

Giáo Lý và Giao Ước 45:11–75

Những lời hứa của Chúa sẽ được ứng nghiệm.

Chiến tranh, sự bất công, và cảnh tiêu điều sẽ đến trước Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Nhưng, Chúa phán rằng: “chớ bối rối, vì khi nào tất cả những điều này xảy ra, thì các ngươi có thể biết rằng những lời đã hứa với các ngươi sẽ được ứng nghiệm” (Giáo Lý và Giao Ước 45:35).

Trong khi anh chị em học Giáo Lý và Giao Ước 45:11–75, hãy cân nhắc để tập trung không chỉ vào các sự kiện gây lo lắng đã được tiên đoán mà còn vào các phước lành mà Chúa hứa (ví dụ, các lời hứa trong các câu 54–59 về thời kỳ trị vì ngàn năm của Đấng Cứu Rỗi). Anh chị em có thể làm vậy bằng cách liệt kê hoặc bằng cách phân loại hoặc đánh dấu các câu thánh thư. Anh chị em tìm thấy điều gì giúp bản thân “[không bị] bối rối” về những ngày sau cùng?

Giáo Lý và Giao Ước 45:31–32, 56–57

“Hãy đứng vững tại những nơi thánh thiện,” và chớ để bị lay chuyển.

Một lý do Đấng Cứu Rỗi và các vị tiên tri của Ngài dạy chúng ta các điềm triệu về Ngày Tái Lâm là để giúp chúng ta chuẩn bị. Anh chị em học được điều gì từ Giáo Lý và Giao Ước 45: 31–32, 56–57 về việc chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa? Có lẽ hữu ích để xem lại câu chuyện ngụ ngôn về mười người nữ đồng trinh, trong Ma Thi Ơ 25:1–13. Đấng Cứu Rỗi đã so sánh dầu trong câu chuyện ngụ ngôn này với lẽ thật và với Đức Thánh Linh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 45:57). Anh chị em có thêm những hiểu biết sâu sắc nào khi đọc câu chuyện ngụ ngôn theo cách này?

Hình Ảnh
mười người nữ đồng trinh

Parable of the Ten Virgins (Truyện Ngụ Ngôn Mười Người Nữ Đồng Trinh), tranh do Dan Burr họa

Giáo Lý và Giao Ước 45:11–15, 66–71

Si Ôn là một nơi an toàn dành cho Các Thánh Hữu của Thượng Đế.

Các Thánh Hữu trong thời của Joseph Smith đã rất phấn khởi để xây dựng Si Ôn, Tân Giê Ru Sa Lem, như đã được mô tả trong Sách Mặc Môn (xin xem Ê The 13:2–9) và trong bản hiệu đính Kinh Thánh đầy soi dẫn của Joseph Smith (xin xem Môi Se 7:62–64). Anh chị em học được điều gì về Si Ôn—cả thành phố cổ xưa thời Hê Nóc và thành phố ngày sau—từ Giáo Lý và Giao Ước 45:11–15, 66–71?

Ngày nay lệnh truyền thiết lập Si Ôn ý nói đến việc thiết lập vương quốc của Thượng Đế ở bất cứ nơi nào chúng ta sống—ở bất cứ nơi đâu con cái của Thượng Đế quy tụ tại nơi an toàn của “giao ước vĩnh viễn” của Ngài (câu 9). Anh chị em có thể làm gì để giúp xây dựng Si Ôn ở nơi anh chị em sống?

Xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Si Ôn,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 45:3–5.Một người biện hộ làm gì cho chúng ta? Hãy nói về lý do tại sao Đấng Cứu Rỗi được gọi là Đấng Biện Hộ của chúng ta.

Giáo Lý và Giao Ước 45:9–10.Nếu gia đình anh chị em có một “cờ lệnh,” hoặc một lá cờ, để tượng trưng cho sự cam kết của mình với phúc âm, thì lá cờ đó sẽ trông như thế nào? Gia đình anh chị em có thể vui vẻ cùng nhau làm một lá cờ gia đình và thảo luận cách anh chị em có thể giúp nhau tuân theo các tiêu chuẩn phúc âm.

Giáo Lý và Giao Ước 45:32.“Những nơi thánh thiện” của chúng ta là gì? “Không bị lay chuyển” có nghĩa là gì? Chúng ta có thể làm cho nhà của mình thành một nơi thánh thiện bằng cách nào?

Giáo Lý và Giao Ước 45:39–44.Làm thế nào anh chị em có thể giúp mọi người trong gia đình hiểu ý nghĩa của việc trông đợi Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi? Có lẽ anh chị em có thể nghĩ về một sự kiện mà mình biết rằng sẽ đến và chia sẻ những cách thức anh chị em đang “trông đợi” sự kiện đó. Hoặc anh chị em có thể cùng nhau nướng một món gì đó và trông chờ các dấu hiệu cho thấy món ăn đã chín. Chúng ta đang làm gì để trông chờ Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi?

Giáo Lý và Giao Ước 45:55.Việc đọc 1 Nê Phi 22:26Khải Huyền 20:1–3 có thể giúp gia đình anh chị em hiểu “Sa Tan sẽ bị trói buộc” ra sao trong suốt Thời Kỳ Ngàn Năm. Chúng ta có thể trói buộc Sa Tan trong cuộc sống của mình bằng cách nào?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Y Sơ Ra Ên, Chúa Đang Kêu Gọi,” Hymns, số 7; xin xem “Các Ý Kiến để Cải Thiện Việc Học Thánh Thư với Gia Đình của Anh Chị Em.”

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy sử dụng những sự trợ giúp học tập. Sử dụng phần cước chú và Sách Hướng Dẫn Thánh Thư để hiểu biết sâu sắc hơn về thánh thư.

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô giáng thế

The Coming of Christ (Đấng Ky Tô Tái Lâm), tranh do Jubal Aviles Saenz họa

In