“Ngày 3–9 tháng Năm. Giáo Lý và Giao Ước 46–48: ‘Các Ngươi Hãy Thực Tâm Tìm Kiếm Các Ân Tứ Tốt Đẹp Nhất,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)
“Ngày 3–9 tháng Năm. Giáo Lý và Giao Ước 46–48,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021
Ngày 3–9 tháng Năm
Giáo Lý và Giao Ước 46–48
“Các Ngươi Hãy Thực Tâm Tìm Kiếm Các Ân Tứ Tốt Đẹp Nhất”
Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 46–48, hãy ghi xuống bất kỳ ấn tượng nào mà anh chị em nhận được. Rồi anh chị em có thể hỏi, giống như Anh Cả Richard G. Scott đã đề nghị: “Tôi cần biết thêm điều gì nữa không?” (“Để Nhận Được Sự Hướng Dẫn Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 8).
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Khi Parley P. Pratt, Oliver Cowdery, Ziba Peterson, và Peter Whitmer Jr. rời Kirtland và đi đến các khu vực khác để truyền giáo, họ để lại hơn một trăm người cải đạo vô cùng nhiệt thành nhưng thiếu kinh nghiệm hoặc sự chỉ dẫn. Không có sách hướng dẫn nào cả, không có các buổi họp huấn luyện cho giới lãnh đạo, không có các buổi phát sóng đại hội trung ương—thật ra, ngay cả Sách Mặc Môn cũng chẳng có đủ cho mọi người. Phần lớn những tín đồ mới này đã được thu hút đến phúc âm phục hồi bởi lời hứa về những biểu hiện kỳ diệu của Thánh Linh, đặc biệt là những dạng biểu hiện mà họ đã biết được khi học Kinh Tân Ước (ví dụ như trong 1 Cô Rinh Tô 12:1–11). Không lâu sau đó, một vài cách thờ phượng lạ thường—kể cả ngã lăn xuống đất hoặc uốn éo như một con rắn—đã được giới thiệu trong các buổi họp Giáo Hội của họ. Nhiều người cảm thấy khó mà phân biệt được đâu mới là biểu hiện của Thánh Linh. Trông thấy sự lộn xộn này, Joseph Smith đã cầu xin được giúp đỡ. Câu trả lời của Chúa vẫn còn nguyên giá trị ngày nay, khi người ta thường chối bỏ hoặc phớt lờ những sự việc của Thánh Linh. Chúa đã mặc khải rằng các biểu hiện thuộc linh là có thật và Ngài giải thích rõ các biểu hiện đó là gì—các ân tứ từ Cha Thiên Thượng nhân từ, “được ban cho vì lợi ích của những người yêu mến [Ngài] và tuân giữ tất cả các giáo lệnh của [Ngài]” (Giáo Lý và Giao Ước 46:9).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Tất cả những người thực tâm tìm kiếm đều được chào đón đến thờ phượng trong Giáo Hội của Chúa.
Các buổi họp của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô nên là một trong những sự quy tụ tự do nhất và đầy soi dẫn nhất trên thế giới. Chúa khuyên dạy chúng ta như thế nào trong Giáo Lý và Giao Ước 46:1–6 để đón chào những người tham gia các buổi họp của chúng ta? Bạn bè và những người lân cận trong khu vực của anh chị em có cảm thấy được chào đón tại các buổi lễ thờ phượng ở tiểu giáo khu của anh chị em không? Anh chị em đang làm gì để giúp các buổi họp Giáo Hội trở thành nơi mà mọi người muốn quay trở lại? Hãy suy ngẫm xem các nỗ lực để làm theo Đức Thánh Linh của anh chị em trong các buổi họp Giáo Hội có thể ảnh hưởng đến kinh nghiệm của anh chị em như thế nào.
Xin xem thêm 3 Nê Phi 18:22–23; Mô Rô Ni 6:5–9; “Chào Mừng,” video, ComeUntoChrist.org.
Thượng Đế đã ban cho các ân tứ thuộc linh để ban phước con cái Ngài.
Các Thánh Hữu thời kỳ đầu đã tin vào các ân tứ thuộc linh nhưng cần được hướng dẫn một chút về mục đích của các ân tứ đó. Trong khi học về các ân tứ của Thánh Linh trong Giáo Lý và Giao Ước 46:7–33, anh chị em hãy suy ngẫm lý do tại sao lại là điều quan trọng để “luôn luôn nhớ đến mục đích mà các ân tứ đó được ban cho” (câu 8). Hãy cân nhắc cách mà các câu thánh thư này áp dụng cho câu phát biểu từ Anh Cả Robert D. Hales: “Những ân tứ này được ban cho những ai trung thành với Đấng Ky Tô. Chúng sẽ giúp chúng ta biết và giảng dạy các lẽ thật của phúc âm. Chúng sẽ giúp chúng ta ban phước cho người khác. Chúng sẽ hướng dẫn chúng ta trở về với Cha Thiên Thượng” (“Gifts of the Spirit,” Ensign, tháng Hai năm 2002, trang 16). Anh chị em học được điều gì khác từ những câu này về những biểu hiện thuộc linh? Làm thế nào những lẽ thật này giúp anh chị em “khỏi bị lừa gạt”? (câu 8).
Hãy suy ngẫm anh chị em có các ân tứ thuộc linh nào—và cách anh chị em có thể sử dụng chúng “vì lợi ích của con cái Thượng Đế” (câu 26). Nếu anh chị em có một phước lành tộc trưởng, thì phước lành đó có thể giúp anh chị em nhận ra những ân tứ được ban cho mình.
Xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Ân Tứ Thuộc Linh, Các,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org.
Chúa muốn Giáo Hội Ngài gìn giữ lịch sử.
Sự kêu gọi của John Whitmer để lưu giữ lịch sử của Giáo Hội đã tiếp tục truyền thống lâu đời của những người lưu giữ biên sử trong dân của Thượng Đế (xin xem 2 Nê Phi 29:11–12; Môi Se 6:5; Áp Ra Ham 1:28, 31). Thật ra, chức vụ Sử Gia và Người Biên Chép của Giáo Hội vẫn còn tồn tại ngày nay. Anh chị em nghĩ tại sao việc lưu giữ lịch sử lại vô cùng quan trọng đối với Chúa? Hãy suy ngẫm điều này trong khi anh chị em đọc những chỉ thị của Ngài dành cho John Whitmer về sự chỉ định này trong tiết 47. Cũng hãy xem xét các kinh nghiệm cá nhân nào mà anh chị em cần phải ghi lại. Ví dụ, Chúa đã dạy anh chị em điều gì mà anh chị em muốn bảo tồn?
Trong khi suy ngẫm những câu hỏi này, hãy xem xét câu phát biểu sâu sắc sau đây từ Anh Cả Marlin K. Jensen thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, đã phục vụ với tư cách là Sử Gia và Người Biên Chép của Giáo Hội từ năm 2005 đến năm 2012:
“Chúng tôi lưu giữ hồ sơ để giúp chúng ta ghi nhớ. … Chúng tôi mong muốn giúp các tín hữu Giáo Hội ghi nhớ những điều lớn lao Thượng Đế đã làm cho con cái của Ngài. … Những bài học từ quá khứ giúp chúng ta đối phó với hiện tại và cho chúng ta hy vọng vào tương lai” (“There Shall Be a Record Kept among You,” Ensign, tháng Mười Hai năm 2007, trang 28, 33).
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Giáo Lý và Giao Ước 46:2–6.Cả gia đình chúng ta có thể làm gì để đảm bảo rằng những người khác cảm thấy được chào đón tại các buổi họp của Giáo Hội mình? (xin xem thêm 3 Nê Phi 18:22–23). Bức tranh đi kèm với đại cương này có thể được đưa vào cuộc thảo luận này.
-
Giáo Lý và Giao Ước 46:7–26.Chúng ta thấy được các ân tứ thuộc linh nào của nhau? Các ân tứ đó ban phước cho gia đình chúng ta như thế nào?
-
Giáo Lý và Giao Ước 47.Làm thế nào anh chị em có thể khuyến khích gia đình mình lưu giữ lịch sử cá nhân của họ trong tuần? Anh chị em có thể chia sẻ một vài phần từ nhật ký cá nhân của mình hoặc chia sẻ một câu chuyện về một ông bà tổ tiên. Một số gia đình dành ra ít phút mỗi tuần cho tất cả mọi người viết vào nhật ký riêng của họ. Anh chị em có thể đưa ra một số gợi ý cho việc viết nhật ký, như là “Có điều gì đã xảy ra trong tuần này mà mọi người muốn cháu chắt mình biết được?” hoặc “Mọi người thấy được Chúa có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của mình tuần này?” Các trẻ nhỏ có thể vẽ tranh về kinh nghiệm của chúng, hoặc anh chị em có thể quay video lại khi chúng kể câu chuyện của mình. Những phước lành nào đến từ việc lưu giữ một “lịch sử đều đặn”? (câu 1).
-
Giáo Lý và Giao Ước 48.Các Thánh Hữu tại Ohio đã được truyền lệnh phải chia sẻ đất đai của họ với những người đang chuyển tới Ohio từ phía đông Hoa Kỳ. Chúng ta có thể chia sẻ cái gì để đáp ứng nhu cầu của những người khác?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài hát đề nghị: “Ta Đã Làm Điều Chi Tốt?” (Hymns, số 223).