Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 17–23 tháng Năm. Giáo Lý và Giao Ước 51–57: “Một Quản Gia Trung Thành, Công Bình, và Khôn Ngoan”


“Ngày 17–23 tháng Năm. Giáo Lý và Giao Ước 51–57: ‘Một Quản Gia Trung Thành, Công Bình, và Khôn Ngoan,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 17–23 tháng Năm. Giáo Lý và Giao Ước 51–57,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
người nông dân với con bò

First Furrow (Luống Đất Đầu Tiên), tranh do James Taylor Harwood họa

Ngày 17–23 tháng Năm

Giáo Lý và Giao Ước 51–57

“Một Quản Gia Trung Thành, Công Bình, và Khôn Ngoan”

Việc học thánh thư sẽ giúp anh chị em nhận ra tiếng nói của Chúa, vì thánh thư được Ngài ban cho qua Thánh Linh Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:34–36).

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Đối với các tín hữu Giáo Hội vào những năm 1830, việc quy tụ Các Thánh Hữu và xây dựng thành phố Si Ôn là những công việc về phần thuộc linh cũng như thế tục, với nhiều vấn đề thực tế cần giải quyết: Phải có ai đó mua và phân chia đất đai để cho Các Thánh Hữu có thể định cư. Phải có ai đó in ấn sách và các ấn phẩm khác. Và phải có ai đó mở một cửa tiệm để cung cấp hàng hóa cho những người sống tại Si Ôn. Trong các điều mặc khải được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 51–57, Chúa đã chỉ định và hướng dẫn người dân xử lý các công việc này, và Ngài xác định Independence, Missouri làm “vị trí trung tâm” của Si Ôn (Giáo Lý và Giao Ước 57:3).

Nhưng trong khi các kỹ năng trong những việc như mua đất, in ấn, và quản lý cửa tiệm là hữu ích đối với công việc xây dựng Si Ôn về mặt thế tục, thì những điều mặc khải này cũng dạy rằng Chúa muốn Các Thánh Hữu của Ngài trở nên xứng đáng về mặt thuộc linh để được gọi là dân tộc Si Ôn. Ngài kêu gọi mỗi người chúng ta hãy là “một quản gia trung thành, công bình, và khôn ngoan,” có tâm hồn thống hối, “đứng vững” trong những trách nhiệm đã được chỉ định cho chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 51:19; 52:15; 54:2). Nếu chúng ta có thể làm điều đó—bất kể các kỹ năng thế tục của mình—thì Chúa có thể sử dụng chúng ta để xây dựng Si Ôn, và Ngài “sẽ đẩy nhanh việc xây cất thành phố đó vào đúng lúc của nó” (Giáo Lý và Giao Ước 52:43).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 51

Chúa muốn tôi là một quản gia trung thành, công bình, và khôn ngoan.

Nếu anh chị em là một tín hữu của Giáo Hội vào năm 1831, thì anh chị em có thể được mời sống theo luật dâng hiến bằng cách ký chấp thuận giao tài sản của mình cho Giáo Hội qua vị giám trợ. Rồi trong đa số trường hợp, ông ấy sẽ đưa lại cho anh chị em thứ mà anh chị em đã đóng góp, đôi khi với phần thặng dư. Nhưng tài sản đó không chỉ là vật sở hữu của anh chị em nữa—mà còn thuộc vào trách nhiệm quản lý của anh chị em.

Ngày nay những thủ tục đã khác biệt, nhưng các nguyên tắc của sự dâng hiến và quản lý vẫn còn quan trọng đối với công việc của Chúa. Hãy xem xét những lời này từ Anh Cả Quentin L. Cook: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ nguy hiểm vì có nhiều người tin rằng chúng ta không chịu trách nhiệm đối với Thượng Đế và không có trách nhiệm cá nhân hay không phải quản lý cho bản thân mình hoặc những người khác. Nhiều người trên thế gian tập trung vào việc [tự thỏa mãn mong muốn của] bản thân … [và] không tin rằng họ là người chăm sóc cho anh em mình. Tuy nhiên, trong Giáo Hội, chúng ta tin rằng cương vị quản lý này là một sự tin cậy thiêng liêng” (“Cương Vị Quản Lý—Một Sự Tin Cậy Thiêng Liêng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 91).

Trong khi đọc tiết 51, anh chị em hãy nghĩ xem Thượng Đế đã tin cậy giao phó điều gì cho mình. Những từ “quản gia” (câu 19) và “dâng hiến” (câu 5) có ý nghĩa gì, và những từ này ngụ ý điều gì về các kỳ vọng của Thượng Đế ở anh chị em? Anh chị em tìm thấy các nguyên tắc nào trong tiết 51 và trong những lời của Anh Cả Cook mà dạy cho anh chị em về ý nghĩa của việc làm một quản gia? (xin đặc biệt xem các câu 9, 15–20).

Xin xem thêm Ma Thi Ơ 25:14–30.

Giáo Lý và Giao Ước 52:14–19

Thượng Đế đã ban cho một mẫu mực để tránh sự lừa gạt.

Với nhiều người tuyên bố nhận được các biểu hiện thuộc linh, Các Thánh Hữu thời kỳ đầu lo ngại về việc bị lừa gạt. Làm thế nào họ biết được người nào “được [Thượng Đế] chấp nhận”? (câu 15). Trong Giáo Lý và Giao Ước 52:14–19, Chúa đã ban cho một mẫu mực hữu ích. Làm thế nào anh chị em có thể áp dụng mẫu mực này để phát hiện ra các thông điệp sai lạc trên thế gian? Anh chị em cũng có thể sử dụng mẫu mực này để đánh giá bản thân mình: cân nhắc sử dụng các cụm từ trong những câu thánh thư này để viết ra các câu hỏi như “Khi tôi nói, tâm hồn tôi có thống hối không?”

Giáo Lý và Giao Ước 54

Tôi có thể hướng về Chúa khi tôi bị tổn thương vì những lựa chọn của người khác.

Là một phần của sự quy tụ đến Ohio, một nhóm Các Thánh Hữu do Newel Knight dẫn đầu đã đến từ Colesville, New York, và cần một nơi để ở. Leman Copley có một nông trại lớn gần Kirtland, và ông giao kèo cho phép Các Thánh Hữu cư ngụ trên đất của ông. Tuy nhiên, ngay sau khi họ bắt đầu cư ngụ ở đó, đức tin của Copley bị dao động; ông hủy giao kèo, và đuổi Các Thánh Hữu ra khỏi phần đất của mình (xin xem Saints, 1:125–128).

Như được ghi lại trong tiết 54, Chúa phán với Newel Knight điều mà Các Thánh Hữu nên làm trong tình cảnh của họ. Anh chị em tìm thấy gì trong điều mặc khải này mà có thể giúp anh chị em khi người khác hủy cam kết hoặc quyết định sai lầm khiến anh chị em bị ảnh hưởng?

Hình Ảnh
cánh đồng xanh

Phần nông trại tại Ohio mà Leman Copley đã hứa cho Giáo Hội.

Giáo Lý và Giao Ước 56:14–20

Những người có tấm lòng thanh khiết sẽ được phước.

Trong các câu thánh thư này, Chúa phán cả với người giàu lẫn người nghèo; có thể là điều thú vị để so sánh lời khuyên dạy của Ngài dành cho hai nhóm này. Anh chị em cảm thấy điều gì trong những câu này liên quan đến cá nhân mình? Việc tập trung vào của cải có thể “hủy hoại” linh hồn của anh chị em như thế nào? (câu 16). Đối với anh chị em, “có tấm lòng thanh khiết” (câu 18) về những của cải vật chất có nghĩa là gì?

Xin xem thêm Gia Cốp 2:17–21.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 51:9.Anh chị em có thể chơi một trò chơi mà cả gia đình yêu thích và rồi nói về việc trò chơi đó sẽ khác như thế nào nếu có ai đó gian lận. Tại sao là điều quan trọng để “xử sự một cách lương thiện” với nhau? Làm thế nào tính lương thiện giúp chúng ta “trở thành một”?

Giáo Lý và Giao Ước 52:14–19.Trong khi thảo luận mẫu mực được mô tả trong các câu thánh thư này, gia đình anh chị em có thể thích xem các khuôn mẫu mà mọi người trong nhà sử dụng—như là các mẫu để may áo quần hoặc làm thủ công. Anh chị em có thể cùng nhau làm việc để tạo một vật gì đó từ một khuôn mẫu trong khi nói về mẫu mực mà Chúa đã ban ra để tránh bị lừa gạt.

Giáo Lý và Giao Ước 53:1.Cân nhắc chia sẻ với gia đình anh chị em một kinh nghiệm khi anh chị em, giống như Sidney Gilbert, đã kêu cầu Chúa “cho biết về sự kêu gọi [của mình].”

Giáo Lý và Giao Ước 54:2; 57:6–7.“Đứng vững” (Giáo Lý và Giao Ước 54:2) trong những điều Thượng Đế đã đòi hỏi chúng ta thực hiện có nghĩa là gì? Anh chị em có thể mời những người trong gia đình đứng lên và nêu ra một điều gì đó Thượng Đế đã yêu cầu họ thực hiện.

Giáo Lý và Giao Ước 55.Chúa đã sử dụng khả năng viết và in ấn của William Phelps như thế nào? (anh chị em có thể muốn đề cập đến việc William Phelps cũng viết lời cho nhiều bài thánh ca, gồm cả “Thánh Linh của Thượng Đế,” “Giờ Đây Chúng Ta Hãy Cùng Vui Mừng,” và “Đấng Cứu Chuộc Y Sơ Ra Ên”). Có lẽ các thành viên trong gia đình có thể nói về những ân tứ và tài năng mà họ thấy được ở nhau. Các ân tứ của chúng ta đóng góp như thế nào cho công việc của Thượng Đế?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Chọn Điều Ngay,” Hymns, số 239.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy viết nhật ký học tập. Anh chị em có thể thấy hữu ích khi sử dụng một quyển sổ hoặc vở để viết xuống những ý nghĩ, ý kiến, thắc mắc, hoặc ấn tượng đến trong khi học tập.

Hình Ảnh
các tín hữu đưa hàng hóa cho Edward Partridge

Bishop Partridge Receives Consecration (Giám Trợ Partridge Nhận Của Lễ Dâng Hiến), tranh do Albin Veselka họa

In