Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 10–16 tháng Năm. Giáo Lý và Giao Ước 49–50: “Những Gì của Thượng Đế Đều Là Ánh Sáng”


“Ngày 10–16 tháng Năm. Giáo Lý và Giao Ước 49–50: ‘Những Gì của Thượng Đế Đều Là Ánh Sáng,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 10–16 tháng Năm. Giáo Lý và Giao Ước 49–50,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
hồ nước lúc bình minh

Ngày 10-16 tháng Năm

Giáo Lý và Giao Ước 49–50

“Những Gì của Thượng Đế Đều Là Ánh Sáng”

“Kẻ nào nhận được ánh sáng, và bền lòng nơi Thượng Đế, thì sẽ nhận được thêm ánh sáng; và ánh sáng đó càng lúc càng sáng tỏ cho đến ngày hoàn toàn” (Giáo Lý và Giao Ước 50:24). Hãy suy ngẫm làm thế nào anh chị em nhận được ánh sáng khi bền lòng nơi Thượng Đế.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Đấng Cứu Rỗi là “người chăn hiền lành” của chúng ta (Giáo Lý và Giao Ước 50:44). Ngài biết rằng đôi khi có con chiên đi lạc và vùng hoang dã thì có rất nhiều hiểm nguy. Vì vậy Ngài trìu mến dẫn dắt chúng ta đến nơi an toàn của giáo lý Ngài, tránh khỏi những nguy hiểm như “thần linh giả tạo đi khắp trái đất để lừa gạt thế gian” (Giáo Lý và Giao Ước 50:2). Việc đi theo Ngài thường có nghĩa là bỏ đi những ý kiến hoặc truyền thống sai lầm. Điều này đúng với Leman Copley và những người khác tại Ohio là những người đã chấp nhận phúc âm phục hồi nhưng vẫn giữ lại một số niềm tin không đúng. Trong Giáo Lý và Giao Ước 49, Chúa tuyên phán những lẽ thật để sửa chỉnh những điều Leman đã tin trước đây về các chủ đề như hôn nhân và Sự Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Và khi những người Ohio cải đạo “chấp nhận các thần linh mà [họ] không thể hiểu nổi,” Chúa đã dạy họ cách phân biệt những biểu hiện đúng của Thánh Linh (Giáo Lý và Giao Ước 50:15). Đấng Chăn Hiền Lành rất kiên nhẫn; Ngài biết rõ Các Thánh Hữu thời kỳ đầu này—cũng như tất cả chúng ta—giống như “những con trẻ … phải tấn tới trong ân điển và trong sự hiểu biết lẽ thật” (Giáo Lý và Giao Ước 50:40).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 49:5–23

Các lẽ thật phúc âm có thể giúp tôi nhận ra những điều giảng dạy sai lạc.

Trước khi gia nhập Giáo Hội, Leman Copley là một thành viên của nhóm tôn giáo được gọi là Liên Hiệp Hội Những Người Tin vào Sự Tái Lâm của Đấng Ky Tô, còn có tên là Giáo Phái Shakers (xin xem “Leman Copley and the Shakers,” Revelations in Context, trang 117–121). Sau một cuộc trò chuyện với Leman, Joseph Smith đã tìm lời giải thích từ Chúa về một số điều giảng dạy của Giáo Phái Shakers, và Chúa đã đáp ứng bằng điều mặc khải trong tiết 49.

Anh chị em có thể tìm một số những điều Giáo Phái Shakers tin tưởng được nói đến trong tiêu đề của tiết 49. Hãy cân nhắc đánh dấu hoặc ghi lại các lẽ thật trong các câu 5–23 mà sửa chỉnh những điều đó. Hãy nghĩ về những điều giảng dạy sai lạc khác hoặc các truyền thống sai lầm trên thế giới ngày nay. Các lẽ thật nào của phúc âm có thể giúp anh chị em bảo vệ bản thân trước những điều đó?

Giáo Lý và Giao Ước 49:15–17

Hôn nhân giữa người nam và người nữ là thiết yếu cho kế hoạch của Thượng Đế.

Anh chị em học được các lẽ thật nào về hôn nhân từ Giáo Lý và Giao Ước 49:15–17? Tại sao anh chị em cảm thấy hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là thiết yếu đối với kế hoạch của Cha Thiên Thượng? Anh Cả David A. Bednar đã đưa ra hai lý do: “Lý Do 1: Bản chất của các linh hồn nam và nữ bổ sung và hoàn thiện cho nhau, và do đó những người đàn ông và phụ nữ được dự định cùng nhau tiến triển đến sự tôn cao. … Lý Do 2: Qua kế hoạch thiêng liêng, cần có cả người nam lẫn người nữ để mang con cái xuống trần thế và tạo ra môi trường tốt nhất để nuôi dạy và chăm sóc con cái” (“Marriage Is Essential to His Eternal Plan,”Ensign, tháng Sáu năm 2006, trang 83–84).

Xin xem thêm Sáng Thế Ký 2:20–24; 1 Cô Rinh Tô 11:11; “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 145.

Hình Ảnh
cặp vợ chồng ở bên ngoài đền thờ

Hôn nhân giữa một người nam và người nữ là do Thượng Đế quy định.

Giáo Lý và Giao Ước 50

Những lời giảng dạy của Chúa có thể bảo vệ tôi khỏi những trò lừa gạt của Sa Tan.

Những người mới cải đạo tại Ohio háo hức tiếp nhận các biểu hiện thuộc linh mà đã được hứa trong thánh thư, nhưng Sa Tan cũng háo hức để lừa gạt họ. Họ tự hỏi: Khi một người nào đó la hét hoặc bất tỉnh, thì đó có phải là ảnh hưởng của Thánh Linh không?

Hãy tưởng tượng anh chị em được yêu cầu giúp những người mới cải đạo này hiểu cách để nhận ra những biểu hiện đúng của Đức Thánh Linh và tránh bị lừa gạt bởi những điều bắt chước của Sa Tan. Có những nguyên tắc nào trong Giáo Lý và Giao Ước 50 mà anh chị em có thể chia sẻ? (xin đặc biệt xem các câu 22–25, 29–34, 40–46).

Xin xem thêm 2 Ti Mô Thê 3:13–17.

Giáo Lý và Giao Ước 50:13–24

Cả giảng viên và học viên đều được gây dựng qua Thánh Linh.

Một cách giúp anh chị em học Giáo Lý và Giao Ươc 50:13–24 là vẽ một bức tranh về một giảng viên và một học viên, và cạnh mỗi người, hãy lập một danh sách các từ ngữ từ những câu thánh thư này mà dạy anh chị em điều gì đó về việc học hỏi và giảng dạy phúc âm. Có khi nào anh chị em có kinh nghiệm dạy cho mình về tầm quan trọng của Thánh Linh trong việc học hỏi và giảng dạy không? Suy ngẫm về điều anh chị em có thể làm để cải thiện những nỗ lực của anh chị em với tư cách là người học phúc âm và người dạy phúc âm.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 49:2.“Ước muốn được hiểu biết phần nào lẽ thật, nhưng không muốn hiểu hết” có nghĩa là gì? Có lẽ anh chị em có thể cho thấy một bức tranh bị che đi một phần và cho mọi người trong gia đình đoán đó là gì. Điều gì xảy ra khi chúng ta chấp nhận chỉ một phần lẽ thật? (xin xem 2 Nê Phi 28:29). Sự trọn vẹn của phúc âm là một phước lành cho chúng ta như thế nào?

Giáo Lý và Giao Ước 49:26–28.Chúng ta được phước nhờ lời hứa của Chúa “Ta sẽ đi trước mặt các ngươi và cũng sẽ đi sau các ngươi; và ta sẽ ở giữa các ngươi” như thế nào? Các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ những kinh nghiệm khi họ cảm thấy Chúa “đi trước mặt [họ]” hoặc cảm thấy rằng Ngài “ở giữa [họ].”

Giáo Lý và Giao Ước 50:23–25.Anh chị em có thể tụ họp trong một căn phòng tối để đọc Giáo Lý và Giao Ước 50:23–25 và dần dần thêm ánh sáng bằng nến hoặc mở từng cái đèn một. Anh chị em cũng có thể đọc những câu thánh thư này trong khi ngắm mặt trời mọc vào buổi sáng. Chúng ta có thể làm gì để cho ánh sáng phúc âm tiếp tục gia tăng? Khi mọi người trong gia đình học một điều gì mới về phúc âm trong suốt tuần, hãy khuyến khích họ chia sẻ điều đó với cả nhà bằng cách viết một giấy ghi chú và dán nó lên một cây đèn bàn hoặc các nguồn sáng khác trong nhà.

Giáo Lý và Giao Ước 50:40–46.Sau khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 50:40–46, anh chị em có thể cho thấy bức tranh Đấng Cứu Rỗi có trong đại cương này và đặt những câu hỏi như sau: Làm thế nào chúng ta biết Đấng Cứu Rỗi yêu thương đàn chiên? Đấng Cứu Rỗi giống người chăn chiên đối với chúng ta như thế nào? Những cụm từ nào từ thánh thư phản ánh ý kiến rằng Đấng Cứu Rỗi là một người chăn chiên và chúng ta là đàn chiên của Ngài?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Tấm Lòng Yêu Mến của Đấng Chăn Lành,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 221.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy linh động. Những giây phút giảng dạy tốt nhất, đặc biệt ở trong nhà, thường là tức thời và không dự đoán trước được: một bữa ăn gia đình có thể truyền cảm hứng cho một cuộc thảo luận về việc nuôi dưỡng lời của Thượng Đế, và một cơn mưa có thể là cơ hội làm chứng về nước sự sống. Nếu anh chị em đã sẵn sàng về phần thuộc linh, thì Chúa có thể ban “điều [anh chị em] phải nói … chính trong giờ phút đó” (Giáo Lý và Giao Ước 100:6).

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô với một con chiên con

Gentle Shepherd (Đấng Chăn Hiền Lành), tranh do Kim Yongsung họa

In