Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 26 tháng Tư–ngày 2 tháng Năm. Giáo Lý và Giao Ước 45: “Những Lời Đã Hứa … Sẽ Được Ứng Nghiệm”


“Ngày 26 tháng Tư–ngày 2 tháng Năm. Giáo Lý và Giao Ước 45: ‘Những Lời Đã Hứa … Sẽ Được Ứng Nghiệm,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 26 tháng Tư–ngày 2 tháng Năm. Giáo Lý và Giao Ước 45,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2021

Hình Ảnh
giới trẻ ở bên ngoài đền thờ

Ngày 26 tháng Tư–ngày 2 tháng Năm

Giáo Lý và Giao Ước 45

“Những Lời Đã Hứa … Sẽ Được Ứng Nghiệm”

Là giảng viên, sự chuẩn bị quan trọng nhất của anh chị em là về phần thuộc linh. Bắt đầu bằng việc nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 45 và cầu xin sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Đại cương này cung cấp những ý kiến hữu ích cho anh chị em. Anh chị em có thể tìm thêm ý kiến trong đại cương cho tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình hoặc trong tạp chí Liahona.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Hỏi các em xem chúng có muốn chia sẻ một điều gì đó mà chúng đã học được từ thánh thư trong tuần này không. Chọn một em để chia sẻ, và yêu cầu các em khác giơ tay lên nếu chúng đã học được một điều gì đó tương tự.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Giáo Lý và Giao Ước 45:32

Tôi có thể “đứng vững tại những nơi thánh thiện.”

Trong Giáo Lý và Giao Ước 45:32, Chúa đã dạy rằng các môn đồ của Ngài sẽ tìm thấy sự an toàn trong những ngày sau cùng bằng cách đứng vững tại những nơi thánh thiện—là những nơi đặc biệt đối với Chúa. Làm cách nào anh chị em có thể giúp các em nhận ra những nơi thánh thiện trong cuộc sống của chúng?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Đặt những bức hình của một ngôi nhà, một nhà thờ, và một đền thờ ở nhiều chỗ khác nhau trong phòng. Đưa ra các manh mối để miêu tả những nơi này và mời các em đến đứng gần bức hình mà anh chị em đang miêu tả. Đọc dòng thứ nhất từ Giáo Lý và Giao Ước 45:32. Làm chứng rằng chúng ta được ban phước khi dành thời gian ở trong những nơi thánh thiện như ngôi nhà của mình, nhà thờ, và đền thờ. Yêu cầu các em thảo luận về những cảm nhận của chúng khi ở trong những nơi thánh thiện như vậy.

  • Mời các em hoàn thành trang sinh hoạt của tuần này. Giúp các em viết “Tôi có thể giúp cho ngôi nhà của mình trở thành một nơi thánh thiện” và “Giáo Lý và Giao Ước 45:32” lên tranh vẽ của chúng. Các em có thể làm gì để giúp cho ngôi nhà của chúng trở thành một nơi thánh thiện?

  • Để giúp các em suy nghĩ về ý nghĩa của việc “không bị lay chuyển”, hãy yêu cầu chúng đứng yên mà không di chuyển trong một phút. Đọc dòng thứ nhất từ Giáo Lý và Giao Ước 45:32. Giúp các em hiểu rằng việc “đứng vững tại những nơi thánh thiện, và … không bị lay chuyển” có nghĩa là luôn luôn chọn điều đúng, bất kể điều gì đang xảy ra. Mời các em “không bị lay chuyển” khỏi các suy nghĩ và hành động ngay chính.

Giáo Lý và Giao Ước 45:44–45

Chúa Giê Su Ky Tô sẽ tái lâm.

Khi các Thánh Hữu ở Kirtland, Ohio lắng nghe lời mặc khải được tìm thấy trong Giáo Lý và Giao Ước 45, mà nói đến những ngày sau cùng và Sự Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi, họ đã tiếp nhận lời mặc khải ấy với niềm hân hoan. Cân nhắc về cách mà anh chị em sẽ giúp các em chuẩn bị một cách hân hoan cho Ngày Tái Lâm.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Giúp các em nghĩ về cảm nhận của chúng khi biết rằng một người nào đó đặc biệt đang đến thăm chúng, chẳng hạn như một người ông, bà, hoặc một người bạn. Các em sẽ chuẩn bị cho cuộc thăm viếng ấy như thế nào? Cho thấy một bức hình của Đấng Cứu Rỗi, và đọc một phần hoặc toàn bộ Giáo Lý và Giao Ước 45:44–45. Nói cho các em biết cảm nhận của anh chị em về việc Đấng Cứu Rỗi sẽ trở lại, và hãy để các em chia sẻ những cảm nhận của chúng.

  • Cho thấy bức tranh về Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi (xin xem đại cương của tuần này trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình), và yêu cầu các em chia sẻ cảm nhận của chúng khi thấy bức tranh. Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẽ trở lại.

  • Cùng hát một bài hát về Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Sử dụng bài hát để thảo luận những cách mà chúng ta có thể chuẩn bị trước khi Chúa Giê Su trở lại, chẳng hạn như việc làm theo ý muốn của Thượng Đế và để ánh sáng của chúng ta tỏa chiếu cho những người khác.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Giáo Lý và Giao Ước 45:3–5

Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Biện Hộ của chúng ta với Đức Chúa Cha.

Làm cách nào mà anh chị em có thể giúp các em củng cố đức tin của chúng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Biện Hộ cho chúng? Làm cách nào mà anh chị em đã tự mình biết được điều này?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Viết một vài từ và cụm từ được tìm thấy trong Giáo Lý và Giao Ước 45:3–5 lên những tờ giấy rời. Cho các em một phút để nghiên cứu những câu này trong thánh thư của chúng, và sau đó mời các em đóng thánh thư lại và xếp những từ trên những tờ giấy theo thứ tự mà chúng xuất hiện trong câu. Theo những câu này, Đấng Cứu Rỗi nói điều gì để bênh vực cho lý lẽ của chúng ta trước Cha Thiên Thượng?

  • Giúp các em định nghĩa từ biện hộ, có thể bằng cách tra cứu trong từ điển. Đấng Cứu Rỗi đã làm gì để Ngài có thể trở thành Đấng Biện Hộ cho chúng ta? Chia sẻ cảm nhận của anh chị em về những gì Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho chúng ta, và hãy để các em chia sẻ cảm nhận của chúng.

Giáo Lý và Giao Ước 45:9

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là ánh sáng cho thế gian.

Giúp các em mà anh chị em giảng dạy nghĩ về những cách mà phúc âm chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Cho thấy các bức hình của một ngọn đèn và một lá cờ, hoặc vẽ những vật này lên trên bảng. Mời các em đọc Giáo Lý và Giao Ước 45:9 và nghĩ về những cách mà phúc âm cũng giống như một ngọn đèn, một cờ hiệu (hay là lá cờ), và một sứ giả. Anh chị em có thể giải thích rằng trong thời xưa, một cờ hiệu là một biểu ngữ hay là cờ được mang ra trận chiến. Nó giúp cho những binh lính biết nơi để quy tụ và việc họ phải làm.

    Hình Ảnh
    Lãnh Binh Mô Rô Ni cầm Cờ Biểu Hiệu Nền Tự Do

    Title of Liberty (Lá Cờ Tự Do), tranh do Larry Conrad Winborg họa

  • Giúp các em học thuộc lòng tất cả hoặc một phần của câu 9 bằng cách viết câu đó lên bảng và mỗi lần xóa đi vài từ.

Giáo Lý và Giao Ước 45:37–38

Chúa Giê Su Ky Tô sẽ tái lâm.

Các em có thể sợ hãi khi đọc về những cuộc chiến tranh, sự tà ác, và sự hủy diệt được tiên tri là sẽ xảy ra trước Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Làm cách nào anh chị em có thể giúp các em háo hức mong đợi với niềm hân hoan cho ngày đã được hứa này?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hỏi các em xem làm thế nào chúng biết được khi một mùa mới sắp đến. Các em sẽ tìm kiếm những dấu hiệu nào? Giải thích rằng cũng giống như có những dấu hiệu khi một mùa mới sắp đến, thì cũng có những điềm triệu về Ngày Tái Lâm. Cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 45:37–38. Chúa Giê Su đã phán những điềm triệu về Ngày Tái Lâm của Ngài sẽ như thế nào? Để giúp các em khám phá ra những điềm triệu mà chúng ta nên tìm kiếm, hãy chỉ định mỗi em (hoặc mỗi nhóm gồm nhiều em) đọc một vài câu trong Giáo Lý và Giao Ước 45 mà miêu tả những điềm triệu này. Ví dụ, các em có thể đọc các câu 26–27, 31–33, 40–42. Để cho các em chia sẻ những điều chúng tìm được. Điềm triệu nào trong số những điềm triệu này đang được ứng nghiệm ngày nay?

  • Trên những tờ giấy rời, hãy viết một số lời hứa về các sự kiện tương lai mà anh chị em tìm được trong lúc nghiên cứu tiết 45. Một số ví dụ của những lời hứa này có thể được tìm thấy trong các câu 44–45, 51–52, 55, 58–59, 66–71. Liệt kê lên trên bảng những câu chứa đựng các lời hứa. Đưa cho các em những tờ giấy, và bảo chúng sử dụng thánh thư của chúng để ghép những câu trên bảng sao cho phù hợp với các lời hứa. Thảo luận về ý nghĩa của các lời hứa này, và mời các em chia sẻ xem các lời hứa nào giúp chúng cảm thấy phấn khởi về Sự Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Mời các em suy nghĩ về một điều chúng đã học trong lớp mà chúng có thể chia sẻ với gia đình của mình. Yêu cầu một vài em chia sẻ với cả lớp về điều mà chúng muốn chia sẻ ở nhà.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Giúp các em nhận ra Thánh Linh. Khi anh chị em giảng dạy các em, hãy nói cho các em biết khi anh chị em cảm nhận được Đức Thánh Linh. Nói về cách để anh chị em nhận ra sự hiện diện của Ngài. Ví dụ, anh chị em có thể cảm thấy bình an hoặc hân hoan trong lúc hát một bài hát về Đấng Cứu Rỗi. Việc xác định những cảm giác này sẽ giúp các em chú ý khi chúng đang cảm nhận được Thánh Linh.

In