“Ngày 12–18 tháng Tư. Giáo Lý và Giao Ước 37–40: ‘Nếu Các Ngươi Không Hiệp Làm Một Thì Các Ngươi Không Phải Là Của Ta,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)
“Ngày 12–18 tháng Tư. Giáo Lý và Giao Ước 37-40,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2021
Ngày 12–18 tháng Tư
Giáo Lý và Giao Ước 37–40
“Nếu Các Ngươi Không Hiệp Làm Một Thì Các Ngươi Không Phải Là Của Ta”
Thượng Đế biết các trẻ em trong lớp của anh chị em cần phải học điều gì. Hãy để Ngài dẫn dắt anh chị em khi anh chị em lựa chọn các nguyên tắc và sinh hoạt để giúp anh chị em giảng dạy.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Chuyền quanh lớp một quyển thánh thư. Khi mỗi em cầm quyển thánh thư, hãy để em ấy chia sẻ một điều em ấy nhớ từ bài học tuần trước hoặc từ việc đọc thánh thư ở nhà tuần này.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi
Tôi có thể yêu thương người khác.
Chúa muốn các Thánh Hữu quy tụ lại với nhau ở Ohio và yêu thương lẫn nhau trong sự bình đẳng. Làm thế nào anh chị em có thể giúp các em cảm nhận được sự đoàn kết và tình yêu thương với người khác?
Những Sinh Hoạt Khả Thi
-
Sử dụng trang sinh hoạt của tuần này để cho các em thấy rằng khi Giáo Hội mới thành lập, Chúa đã phán bảo các tín hữu phải cùng nhau dời đến Ohio (xin xem bản đồ trong đề cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta— Dành Cho Các Cá Nhân và Gia Đình). Thượng Đế muốn họ phải học cách yêu thương và hoà thuận với nhau. Hỏi các em để có thêm ý kiến về cách chúng bày tỏ tình yêu thương lẫn nhau.
-
Đọc Giáo Lý và Giao Ước 38:25 cho các em nghe, và nói với chúng bằng lời riêng của anh chị em ý nghĩa của việc quý mến anh em mình như chính mình (xin xem thêm Ma Thi Ơ 7:12). Giúp các em lặp lại câu thánh thư, thay thế từ “anh em mình” bằng tên của mỗi em.
-
Hát một bài hát về việc yêu thương và bao gồm mọi người. Khi hát, hãy để các em cầm những bức hình của trẻ em đến từ những nơi khác nhau trên thế giới.
-
Giúp các em đóng diễn một tình huống mà trong đó một em mới vừa gia nhập lớp Thiếu Nhi của chúng. Làm cách nào chúng ta có thể giúp bạn ấy cảm thấy được chào đón? Các em có thể vui thích việc đóng diễn này với những con rối ngón tay hoặc những hình nhân giấy.
Nếu có chuẩn bị trước, tôi không cần phải sợ hãi.
Một cách mà Cha Thiên Thượng giúp chúng ta không phải sợ hãi là bằng việc giảng dạy để chúng ta được chuẩn bị.
Những Sinh Hoạt Khả Thi
-
Hãy lặp lại vài lần cụm từ “nếu các ngươi đã chuẩn bị rồi thì các ngươi sẽ không sợ hãi” (câu 30). Sau một vài lần, hãy bỏ đi một từ, và để cho các em nói từ bị thiếu. Hãy kể cho các em về một lần mà anh chị em đã chuẩn bị để làm một việc gì đó và sự chuẩn bị này giúp anh chị em khỏi bị sợ hãi.
-
Giúp các em nghĩ xem Cha Thiên Thượng muốn chúng chuẩn bị cho những điều gì, như chịu phép báp têm hoặc đi đền thờ. Hãy sử dụng hình ảnh hoặc đồ vật để cho các em thêm ý tưởng. Nói về những cách thức mà các em có thể chuẩn bị, và để chúng vẽ tranh về những điều chúng đang chuẩn bị hoặc tham gia vào những việc chúng nghĩ tới.
Tôi nhận được ân tứ Đức Thánh Linh khi được làm lễ xác nhận.
Các em trong lớp của anh chị em cần phải hiểu điều gì về việc tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh? Những lời giảng dạy của Chúa cho James Covel về giáo lễ này có thể giúp trả lời câu hỏi này.
Những Sinh Hoạt Khả Thi
-
Cho thấy một bức hình của một ai đó đang được làm phép báp têm và một ai đó đang được làm lễ xác nhận (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 104, 105). Đọc Giáo Lý và Giao Ước 39:23, và yêu cầu các em chỉ ra bức hình đúng khi chúng nghe anh chị đọc về lễ báp têm hoặc lễ xác nhận.
-
Cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 39:6, và cho các em thấy những hình ảnh hoặc đồ vật tượng trưng cho những cách thức mà Đức Thánh Linh ban phước cho chúng ta (bao gồm những điều được đề cập đến trong câu 6). Hãy để cho các em thay phiên nhau cầm những bức hình hoặc đồ vật, và trong khi các em đang cầm, hãy làm chứng về việc Đức Thánh Linh đã ban phước cho anh chị em trong những cách thức này như thế nào. Giúp các em nhận ra những khi chúng có thể đã cảm nhận được sự ảnh hưởng của Đức Thánh Linh.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi
Giáo Lý và Giao Ước 37; 38:31–33
Thượng Đế quy tụ chúng ta lại để ban phước cho chúng ta.
Việc quy tụ ở Ohio là một sự hy sinh lớn lao đối với nhiều Thánh Hữu đầu tiên. Ngày nay, chúng ta không được truyền lệnh để quy tụ lại tại một địa điểm, nhưng chúng ta quy tụ lại với tư cách là gia đình, tiểu giáo khu, và giáo khu.
Những Sinh Hoạt Khả Thi
-
Cho các em thấy trang sinh hoạt của tuần này hoặc bản đồ trong đề cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình. Cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 37, và giúp các em tìm trên bản đồ những nơi được đề cập đến trong điều mặc khải. Chúa đã truyền lệnh cho các Thánh Hữu phải làm gì?
-
Chọn một cụm từ hoặc một câu then chốt từ Giáo Lý và Giao Ước 38:31–33 mà anh chị em cảm thấy là miêu tả lý do vì sao Chúa muốn dân Ngài quy tụ lại cùng nhau. Rải quanh phòng những từ trong câu này, và mời các em tập hợp chúng lại, xếp chúng theo đúng thứ tự, và tìm xem câu này xuất hiện ở đâu trong các câu thánh thư. Tại sao Chúa muốn chúng ta phải quy tụ?
Thượng Đế muốn dân Ngài được đoàn kết.
Để chuẩn bị cho các Thánh Hữu quy tụ, Chúa đã phán bảo họ phải đối xử công bằng với nhau và “hiệp làm một” (câu 27). Lời giáo huấn này có thể ban phước cho trẻ em mà anh chị em giảng dạy như thế nào?
Những Sinh Hoạt Khả Thi
-
Cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 38:24–27, và mời các em viết xuống những từ trong các câu này mà chúng cảm thấy là quan trọng, bao gồm những từ được lặp đi lặp lại. Tại sao Chúa lặp đi lặp lại những từ này? Hãy để các em chia sẻ những từ chúng đã viết ra, và thảo luận xem chúng học được điều gì từ những từ đó.
-
Giúp các em nghĩ về những tình huống mà trong đó một ai đó có thể cảm thấy bị bỏ rơi, như việc là một tín hữu mới trong Giáo Hội hoặc việc dời đến một nơi ở mới hoặc trường học mới. Giáo Lý và Giao Ước 38:24–27 đề nghị điều gì về cách mà chúng ta nên đối xử với những người trong những hoàn cảnh này? Đóng diễn một số hoàn cảnh nếu có thể.
-
Chia sẻ một bài học bằng đồ vật mà minh hoạ cho cách mà các đồ vật ấy có thể được kết nối hoặc kết hợp lại để trở thành một, như các mảnh vải để may một chiếc chăn bông hoặc những nguyên liệu để làm một ổ bánh mì. Những ví dụ này giảng dạy chúng ta điều gì về việc hiệp làm một với tư cách là dân của Thượng Đế?
Tôi có thể giữ lời hứa của mình.
James Covel đã hứa vâng lời Chúa, nhưng ông đã không giữ lời hứa của mình. Việc học biết về kinh nghiệm của ông có thể giúp các em nhớ đến tầm quan trọng của việc vâng lời.
Những Sinh Hoạt Khả Thi
-
Hãy mời các em đọc tiêu đề của các tiết Giáo Lý và Giao Ước 39 và 40, và yêu cầu các em tóm lược bằng lời hoặc bằng tranh vẽ những điều chúng học được về James Covel.
-
Hãy viết lên trên bảng những câu hỏi mà sẽ giúp các em hiểu tiết 40, như James Covel đã giao ước rằng ông sẽ làm gì? Vì sao ông đã không giữ giao ước đó? Mời các em tìm các câu trả lời trong tiết 40.
-
Hãy giúp các em nhớ về những lời hứa mà chúng đã lập khi chúng được làm phép báp têm (xin xem Mô Si A 18:8–10). Hãy giúp các em liệt kê một vài nỗi sợ hãi hoặc “lo lắng trần tục” (Giáo Lý và Giao Ước 40:2) mà có thể ngăn cản một người giữ các lời hứa này. Mời các em tự viết cho chính mình một thông điệp ngắn như một lời nhắc nhở rằng việc tuân theo các lệnh truyền của Cha Thiên Thượng sẽ giúp các em vượt qua những nỗi sợ hãi hoặc lo lắng trần tục. Hãy khuyến khích các em để lời nhắc nhở này ở một nơi mà chúng có thể nhìn thấy thường xuyên.
Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà
Mời các em thảo luận cùng cha mẹ hoặc những người khác trong gia đình của chúng về cách mà họ có thể trở nên đoàn kết hơn với tư cách là một gia đình.