Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 5–11 tháng Bảy. Giáo Lý và Giao Ước 76: “Phần Thưởng của Họ Sẽ Vĩ Đại và Vinh Quang của Họ Sẽ Vĩnh Cửu”


“Ngày 5–11 tháng Bảy. Giáo Lý và Giao Ước 76: ‘Phần Thưởng của Họ Sẽ Vĩ Đại và Vinh Quang của Họ Sẽ Vĩnh Cửu,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 5–11 tháng Bảy. Giáo Lý và Giao Ước 76,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
thiên hà trong vũ trụ

Refuge (Nơi Ẩn Náu), tranh do Shaelynn Abel họa

Ngày 5–11 tháng Bảy

Giáo Lý và Giao Ước 76

“Phần Thưởng của Họ Sẽ Vĩ Đại và Vinh Quang của Họ Sẽ Vĩnh Cửu”

Trong tiết 76, Chúa bày tỏ rằng Ngài muốn tiết lộ lẽ thật cho chúng ta xiết bao (xin xem các câu 7–10). Hãy đọc thánh thư với đức tin rằng Ngài có thể và sẽ tiết lộ cho anh chị em “những điều của Thượng Đế” (câu 12) mà anh chị em cần phải biết. Rồi ghi lại những sự hiểu biết sâu sắc mà anh chị em nhận được “trong khi [anh chị em] còn ở trong Thánh Linh” (các câu 28, 80, 113).

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

“Điều gì sẽ xảy ra cho tôi sau khi chết?” Gần như mọi tôn giáo trên thế giới đều giải đáp câu hỏi này bằng cách này hay cách khác. Trong hàng thế kỷ, nhiều truyền thống Ky Tô Giáo, dựa vào những lời dạy trong Kinh Thánh, đã giảng dạy về thiên đàng và địa ngục, về nơi cực lạc cho người ngay chính và nơi sầu khổ cho kẻ ác. Nhưng liệu toàn thể gia đình nhân loại có thể nào thật sự được chia ra rạch ròi giữa tốt và xấu không? Và từ thiên đàng thật ra có nghĩa là gì? Vào tháng Hai năm 1832, Joseph Smith và Sidney Rigdon đã băn khoăn liệu còn có điều gì nữa để biết về đề tài này không (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76, phần tiêu đề tiết).

Chắc chắn là có. Trong khi suy ngẫm về những điều này, Chúa “sờ vào mắt hiểu biết của [họ] và chúng được mở ra” (câu 19). Joseph và Sidney đã nhận được một sự mặc khải đầy kinh ngạc, vô cùng lớn lao, đầy tính khai sáng, đến nỗi Các Thánh Hữu đơn giản gọi đó là “Khải Tượng.” Khải tượng này đã mở ra sự giao tiếp cởi mở với thiên thượng và cho con cái của Thượng Đế được mở rộng sự hiểu biết về thời vĩnh cửu. Khải tượng này tiết lộ rằng thiên đàng cao, rộng, và có nhiều hơn những gì hầu hết mọi người từng nghĩ trước đây. Thượng Đế nhân từ hơn và công bình hơn là chúng ta có thể hiểu. Và con cái của Thượng Đế có một vận mệnh vĩnh cửu vinh quang hơn điều chúng ta có thể tưởng tượng.

Xin xem Saints, 1:147–150; “The Vision,” Revelations in Context, trang 148–154.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 76

Sự Cứu Rỗi đến qua Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế.

Khi Wilford Woodruff đọc khải tượng được mô tả trong tiết 76, ông đã nói rằng: “Tôi cảm thấy yêu mến Chúa hơn bao giờ hết so với trước đây trong cuộc đời tôi” (xin xem “Voices of the Restoration” ở cuối đại cương này). Có thể anh chị em có những cảm nghĩ tương tự trong khi đọc điều mặc khải này. Sau tất cả, không có phước lành đầy vinh quang nào mà được mô tả trong tiết 76 có thể xảy ra được nếu không có Đấng Cứu Rỗi. Có lẽ anh chị em có thể nhận ra mỗi câu thánh thư trong tiết 76 mà nói đến Chúa Giê Su Ky Tô. Những câu thánh thư này dạy cho anh chị em điều gì về Ngài và vai trò của Ngài trong kế hoạch của Thượng Đế? Những câu này ảnh hưởng như thế nào đến cách mà anh chị em cảm nhận về Ngài? Trong khi đọc và suy ngẫm, anh chị em có thể nhận được các ấn tượng về cách mà anh chị em có thể “nhận được chứng ngôn về Chúa Giê Su” và trở nên “quả cảm” hơn trong chứng ngôn đó (các câu 51, 79).

Giáo Lý và Giao Ước 76:39–44, 50–112

Thượng Đế mong muốn cứu rỗi “tất cả những công trình do tay Ngài tạo ra.”

Một số người, kể cả một vài tín hữu Giáo Hội thời kỳ đầu, phản đối khải tượng trong tiết 76 bởi vì khải tượng đó dạy rằng hầu như mỗi người sẽ được cứu và nhận được một đẳng cấp vinh quang nào đó. Những sự phản đối của họ có lẽ đến, một phần nào, từ việc hiểu sai Thượng Đế và mối quan hệ của Ngài với chúng ta. Khi đọc điều mặc khải này, anh chị em học được điều gì về đặc tính của Thượng Đế và kế hoạch Ngài dành cho con cái Ngài?

Hãy xem xét sự khác biệt giữa việc được cứu (khỏi cái chết thể chất và cái chết thuộc linh; xin xem các câu 39, 43–44) và việc được tôn cao (sống với Thượng Đế và trở nên giống như Ngài; xin xem các câu 50–70).

Xin xem thêm Giăng 3:16–17; Giáo Lý và Giao Ước 132:20–25.

Giáo Lý và Giao Ước 76:50–70, 92–95

Cha Thiên Thượng của tôi muốn tôi nhận được cuộc sống vĩnh cửu trong Vương Quốc Thượng Thiên.

Anh chị em có từng thắc mắc—hoặc lo nghĩ—về việc liệu mình có hội đủ điều kiện để vào vương quốc thượng thiên hay không? Khi đọc lời mô tả về những người nhận được vinh quang này (xin xem các câu 50–70, 92–95), thay vì chỉ tìm kiếm một danh sách những điều anh chị em phải làm, thì hãy tìm điều Thượng Đế đã làm—và đang làm—để giúp anh chị em trở nên giống như Ngài. Việc đọc khải tượng theo cách này có ảnh hưởng đến cách mà anh chị em cảm nhận về những nỗ lực cá nhân của mình không?

Anh chị em cũng có thể nghĩ đây là phước lành lớn lao biết bao khi được biết các chi tiết này về vương quốc thượng thiên. Khải tượng này về vinh quang thượng thiên ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em nhìn nhận và mong muốn sống cuộc sống hằng ngày của mình?

Xin xem thêm Môi Se 1:39; Joy D. Jones, “Giá Trị quá Mức Đo Lường,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 13–15; J. Devn Cornish, “Tôi Có Là Người Đủ Tốt để Vào Được Thượng Thiên Giới Không?Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 32–34.

Hình Ảnh
căn phòng trong ngôi nhà thuộc thế kỷ mười chín

Joseph Smith đã thấy khải tượng về các đẳng cấp vinh quang trong căn phòng này.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 76:22–24, 50–52, 78–79, 81–82.Chúng ta học được điều gì từ những câu thánh thư này về tầm quan trọng của chứng ngôn của chúng ta? Chứng ngôn của chúng ta đóng vai trò gì trong số mệnh vĩnh cửu của mình? Có lẽ là điều hữu ích để tìm kiếm định nghĩa của từ quả cảm để thảo luận cách trở nên “quả cảm trong việc làm chứng về Chúa Giê Su” (câu 79). Anh chị em cũng có thể hát một bài về việc làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô.

Giáo Lý và Giao Ước 76:24.Gia đình của anh chị em có thể lưu ý thấy những mối liên kết giữa các lẽ thật trong tiết 76 và những lẽ thật được dạy trong bài hát “Tôi Là Con Đức Chúa Cha” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 58); một trong những lẽ thật này được tìm thấy trong Giáo Lý và Giao Ước 76:24. Thế giới sẽ khác ra sao nếu mọi người đều hiểu rằng tất cả chúng ta đều là con cái của Thượng Đế? Lẽ thật này ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta đối xử với người khác? Có lẽ việc nhìn vào các bức ảnh của những người con trai và con gái khác nhau của Thượng Đế trên thế gian có thể giúp gia đình anh chị em suy ngẫm câu hỏi này. (Xin xem thêm “Video Presentation: I Am a Child of God,” ChurchofJesusChrist.org.)

Cân nhắc cùng nhau hát bài “Tôi Là Con Đức Chúa Cha” và tìm những sự liên quan khác đến các nguyên tắc trong tiết 76 (xin xem, ví dụ, các câu 12, 62, 96).

Giáo Lý và Giao Ước 76:40–41.Nếu chúng ta muốn tổng kết lại “tin lành” (câu 40), hay các tin mừng, trong những câu thánh thư này trong một tiêu đề ngắn gọn của một bài báo hoặc dòng tweet, thì chúng ta sẽ viết gì? Chúng ta tìm thấy những tin lành nào khác trong tiết 76?

Giáo Lý và Giao Ước 76:50–70.Làm thế nào anh chị em có thể giúp gia đình mình mong đợi và chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu trong vương quốc thượng thiên? Anh chị em có thể cùng nhau tìm các bức tranh, thánh thư, và những lời giảng dạy của các vị tiên tri nói về các cụm từ trong Giáo Lý và Giao Ước 76:50–70. Anh chị em có thể tìm thấy những điều này trong các tạp chí Giáo Hội, trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org, hoặc trong phần cước chú của thánh thư. Rồi anh chị em có thể tập hợp các bức hình, câu thánh thư, và những lời giảng dạy này lên một áp phích mà có thể nhắc gia đình mình về các mục tiêu vĩnh cửu.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Tôi Biết Rằng Đấng Cứu Chuộc của Tôi Hằng Sống,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 38.

Hình Ảnh
biểu tượng các tiếng nói của thời kỳ phục hồi

Các Tiếng Nói của Thời Kỳ Phục Hồi: Những Chứng Ngôn về “Khải Tượng”

Wilford Woodruff

Wilford Woodruff gia nhập Giáo Hội vào tháng Mười Hai năm 1833, gần hai năm sau khi Joseph Smith và Sidney Rigdon nhận được khải tượng được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 76. Ông đang sống ở New York lúc bấy giờ và biết về “Khải Tượng” qua những người truyền giáo đang phục vụ trong khu vực đó. Nhiều năm sau ông đã nói về những ấn tượng của mình về khải tượng này:

“Tôi đã được giảng dạy từ thuở ấu thơ rằng chỉ có một Thiên Đàng và một Ngục Giới, và được cho biết chỉ có một sự trừng phạt cho mọi kẻ tà ác và một vinh quang cho những người ngay chính. …

“… Khi đọc khải tượng đó … , nó khai mở tâm trí tôi và cho tôi niềm vui sướng lớn lao, dường như đối với tôi Đấng Thượng Đế mà đã tiết lộ nguyên tắc đó cho loài người là một Đấng thông sáng, công bình và chân thật, có những thuộc tính tốt đẹp nhất lẫn sự khôn ngoan và hiểu biết, tôi cảm thấy Ngài luôn trước sau như một, vừa yêu thương, nhân từ, và vừa công bằng, công minh, và tôi cảm thấy yêu mến Chúa hơn bao giờ hết so với trước đây trong cuộc đời tôi.”1

“‘Khải Tượng’ là một điều mặc khải mà mang đến thêm ánh sáng, lẽ thật và nguyên tắc hơn bất cứ điều mặc khải nào được ghi trong bất cứ sách nào khác chúng ta từng đọc. Khải tượng đó làm cho chúng ta hiểu rõ về tình trạng hiện tại của mình, chúng ta từ đâu đến, tại sao chúng ta ở đây, và chúng ta sẽ đi đâu. Bất cứ người nào cũng đều có thể biết qua điều mặc khải đó rằng phần vụ và tình trạng của mình sẽ là gì.”2

“Trước khi tôi gặp Joseph tôi đã nói là tôi không quan tâm ông bao nhiêu tuổi, hay ông còn trẻ thế nào; tôi không quan tâm ông trông ra sao—dù tóc ông dài hay ngắn; người mà đã nhận được và giảng dạy điều mặc khải đó là một vị tiên tri của Thượng Đế. Tôi đã tự mình biết được điều đó.”3

Phebe Crosby Peck

Khi Phebe Peck nghe Joseph và Sidney dạy về “Khải Tượng,” bà đang sống tại Missouri và một mình nuôi dạy năm đứa con. Bà đã rất ấn tượng và được soi dẫn bởi khải tượng đó đến nỗi viết lá thư sau để chia sẻ điều bà biết được với các thân quyến của mình:

“Chúa đang tiết lộ những điều kín nhiệm huyền bí của Vương Quốc thiên thượng cho con cái của Ngài. … Joseph Smith và Sidney Rigdon đã đến thăm chúng con vào mùa xuân vừa rồi, và chúng con đã có nhiều buổi gặp gỡ đầy hân hoan trong khi họ ở đây, và chúng con đã có nhiều điều kín nhiệm được tỏ bày ra trước mắt mình, mà những điều đó đã cho con niềm an ủi lớn lao. Chúng ta có thể thấy được tấm lòng hạ cố của Thượng Đế trong việc chuẩn bị các gian nhà bình yên cho con cái Ngài. Và những ai mà không nhận được phúc âm trọn vẹn và hành động như những chiến binh quả cảm cho chính nghĩa của Đấng Ky Tô thì không thể ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Nhưng có một nơi được dành cho tất cả những ai không tiếp nhận, tuy nó là một nơi có ít vinh quang hơn hẳn so với việc ở trong Vương Quốc Thượng Thiên. Con sẽ không cố gắng chia sẻ gì hơn về những sự việc này bởi vì giờ đây chúng đã được xuất bản và sẽ được truyền ra khắp thế gian. Và gia đình mình có lẽ sẽ có một cơ hội tự mình đọc được những điều này, và nếu mọi người làm vậy, thì con hy vọng mọi người sẽ đọc với một tấm lòng thận trọng và đầy thành tâm, bởi vì những điều này rất đáng được lưu tâm đến. Và con mong muốn rằng gia đình mình sẽ nghiên cứu những điều này, bởi vì chúng sẽ dẫn đến niềm vui sướng cho chúng ta trong thế giới này và trong thế giới mai sau.”4

Ghi Chú

  1. Remarks,” Deseret News, ngày 27 tháng Năm, năm 1857, trang 91.

  2. Deseret News, ngày 3 tháng Tám, năm 1881, trang 481; xin xem thêm Teachings of Presidents of the Church: Wilford Woodruff (năm 2004), trang 120–121.

  3. “Remarks,” Deseret Weekly, ngày 5 tháng Chín, năm 1891, trang 322.

  4. Thư Phebe Crosby Peck gửi cho Anna Jones Pratt, ngày 10 tháng Tám năm 1832, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Thành Phố Salt Lake; chính tả và dấu câu đã được hiện đại hóa.

Hình Ảnh
tượng trưng cho ba vương quốc vinh quang

Glory by Degrees (Các Đẳng Cấp Vinh Quang), tranh do Annie Henrie Nader họa

In