Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 19–25 tháng Bảy. Giáo Lý và Giao Ước 81–83: Nếu “Được Ban Cho Nhiều thì sẽ Được Đòi Hỏi Nhiều”


“Ngày 19–25 tháng Bảy. Giáo Lý và Giao Ước 81–83: Nếu ‘Được Ban Cho Nhiều thì sẽ Được Đòi Hỏi Nhiều,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 19–25 tháng Bảy. Giáo Lý và Giao Ước 81–83,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Đấng Ky Tô và người trai trẻ giàu có

Christ and the Rich Young Ruler (Đấng Ky Tô và Người Trai Trẻ Giàu Có), tranh do Heinrich Hoffman họa

Ngày 19–25 tháng Bảy

Giáo Lý và Giao Ước 81–83

Nếu “Được Ban Cho Nhiều Thì Sẽ Được Đòi Hỏi Nhiều”

Trong khi học Giáo Lý và Giao Ước 81–83, anh chị em hãy ghi chú những nguyên tắc mà có thể giúp anh chị em làm điều tốt cho gia đình, bạn bè mình, và những người khác.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Vào tháng Ba năm 1832, Chúa đã kêu gọi Jesse Gause trở thành cố vấn cho Joseph Smith trong Chủ Tịch Đoàn Chức Tư Tế Thượng Phẩm (giờ đây được gọi là Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn). Giáo Lý và Giao Ước 81 là một điều mặc khải dành cho Anh Gause, chỉ dẫn ông ấy trong sự kêu gọi mới này và hứa với ông những phước lành khi phục vụ một cách trung tín. Nhưng Jesse Gause đã không phục vụ một cách trung tín. Vì vậy Frederick G. Williams đã được kêu gọi để thay thế ông ta, và tên của Anh Gause được thay bằng tên của Anh Williams trong điều mặc khải.

Đó dường như chỉ là một chi tiết nhỏ, nhưng nó ngụ ý một lẽ thật quan trọng: Đa phần những điều mặc khải trong sách Giáo Lý và Giao Ước nói đến những người cụ thể, nhưng chúng ta có thể luôn luôn tìm ra cách để áp dụng những điều đó cho bản thân mình (xin xem 1 Nê Phi 19:23). Lời khuyên dạy của Chúa dành cho Frederick G. Williams là “làm vững mạnh những đầu gối suy nhược” có thể hướng tâm trí của chúng ta đến những người mà chúng ta có thể củng cố (Giáo Lý và Giao Ước 81:5). Lời khuyên dạy của Chúa dành cho các thành viên trong Công Ty Hiệp Nhất là “ràng buộc với nhau bằng giao ước này” nhằm đáp ứng các nhu cầu thế tục của Giáo Hội có thể hướng tâm trí chúng ta đến những giao ước riêng của chúng ta. Và lời hứa của Chúa rằng Ngài sẽ “bị ràng buộc khi các ngươi làm theo những điều ta phán” có thể nhắc nhở chúng ta về những lời hứa của Ngài dành cho chúng ta khi chúng ta vâng lời (Giáo Lý và Giao Ước 82:10, 15). Cần phải đúng như vậy, bởi vì Chúa cũng đã tuyên phán: “Những gì ta nói với một người tức là ta nói với tất cả mọi người” (câu 5).

Xin xem “Newel K. Whitney and the United Firm,” “Jesse Gause: Counselor to the Prophet,” Revelations in Context, trang 142–147, 155–157.

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 81

Tôi có thể trung tín làm điều Chúa đòi hỏi nơi tôi.

Anh chị em có đôi khi tự hỏi làm thế nào mình có thể làm tròn những trách nhiệm quan trọng trong cuộc đời không? Với tư cách là một cố vấn cho Tiên Tri Joseph Smith, Frederick G. Williams chắc chắn đã có nhiều trách nhiệm quan trọng. Trong tiết 81, Chúa đã ban cho ông lời khuyên về cách để hoàn thành các trách nhiệm đó. Anh chị em tìm thấy điều gì trong tiết này mà có thể giúp anh chị em hoàn thành các trách nhiệm được Chúa giao cho mình?

Sau đây là một số câu hỏi để giúp anh chị em suy ngẫm câu 5:

  • Một người có thể “yếu” trong những phương diện nào? “Cứu giúp” những người yếu đuối có nghĩa là gì?

  • Điều gì có thể khiến cho đôi tay của một người “rũ rượi” theo lối ẩn dụ? Làm thế nào chúng ta có thể “nâng đỡ” những bàn tay đó?

  • Cụm từ “những đầu gối suy nhược” có thể mang nghĩa gì? Làm thế nào chúng ta có thể “làm vững mạnh” những người có đầu gối suy nhược?

Có lẽ việc nghiền ngẫm câu thánh thư này sẽ gợi cho tâm trí anh chị em một người nào đó mà anh chị em có thể “cứu giúp,” “nâng đỡ,” hoặc “làm vững mạnh.” Anh chị em sẽ làm gì để phục sự cho người đó?

Sidney Rigdon, Joseph Smith, Frederick G. Williams

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn: Sidney Rigdon, Joseph Smith, Frederick G. Williams

Giáo Lý và Giao Ước 82:1–7

Chúa mời tôi hối cải và từ bỏ tội lỗi của tôi.

Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 82:1–7, hãy cân nhắc lập hai bản liệt kê những điều anh chị em học được: những lời cảnh báo về tội lỗi và những lẽ thật về sự tha thứ. Làm thế nào những lẽ thật này có thể giúp anh chị em chống lại các cám dỗ của kẻ nghịch thù?

Giáo Lý và Giao Ước 82:8–10

Những lệnh truyền là để cho tôi được cứu rỗi và được bảo vệ.

Nếu anh chị em—hay một ai đó anh chị em biết—từng băn khoăn về lý do tại sao Chúa ban ra quá nhiều lệnh truyền, thì Giáo Lý và Giao Ước 82:8–10 có thể giúp ích. Những hiểu biết sâu sắc nào trong các câu thánh thư này có thể giúp anh chị em giải thích cho ai đó lý do tại sao anh chị em chọn tuân theo các lệnh truyền của Chúa? Anh chị em cũng có thể xem xét cách mà các lệnh truyền của Ngài đã thay đổi cuộc sống anh chị em như thế nào. Anh chị em học được điều gì về Chúa trong khi đọc câu 10?

Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 130:20–21; Carole M. Stephens, “Nếu Ngươi Yêu Mến Ta thì Hãy Tuân Giữ Các Giáo Lệnh của Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 118–120.

Giáo Lý và Giao Ước 83

“Quả phụ cùng cô nhi phải được chu cấp.”

Vào tháng Tư năm 1832, theo như Chúa đã chỉ thị, Joseph Smith hành trình gần 1288 ki-lô-mét đến thăm Các Thánh Hữu mà đã quy tụ tại Missouri (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 78:9). Trong một cộng đồng mà ông đã đến thăm có các quả phụ đang một mình nuôi nấng con cái họ. Trong số đó có Phebe Peck và Anna Rogers, là những người mà Vị Tiên Tri quen biết rõ. Tại Missouri vào những năm 1830, luật pháp tiểu bang hạn chế quyền của các quả phụ đối với tài sản của những người chồng quá cố của họ. Anh chị em học được điều gì từ tiết 83 về điều mà Chúa cảm thấy đối với những ngươi quả phụ và cô nhi? Anh chị em có biết bất kỳ ai trong hoàn cảnh này mà có thể được giúp đỡ nhờ tình yêu thương và sự chăm sóc của anh chị em không?

Xin xem thêm Ê Sai 1:17; Gia Cơ 1:27.

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 81:3.Anh chị em có thể đưa những mảnh giấy hình trái tim cho mọi người trong gia đình và mời họ vẽ hoặc viết một điều gì đó mà họ muốn cầu xin. Hãy nói về ý nghĩa của việc “luôn luôn cầu nguyện, bằng lời và trong lòng.”

Giáo Lý và Giao Ước 81:5.Để học hỏi về các nguyên tắc trong câu thánh thư này, có lẽ các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ các ví dụ khi họ cảm thấy “yếu” hoặc “suy nhược” và một người nào đó đã cứu giúp hoặc làm họ vững mạnh. Hãy thảo luận cách mà gia đình anh chị em có thể thường xuyên phục vụ nhau bằng những việc đơn giản.

Giáo Lý và Giao Ước 82:8–10.Có lẽ một trò chơi nhỏ sẽ giúp gia đình anh chị em cảm thấy biết ơn những giáo lệnh của Thượng Đế. Một người trong gia đình có thể đưa các chỉ dẫn để giúp một người khác bị bịt mắt làm bánh mì kẹp hoặc vượt qua các chướng ngại vật. Hãy nghĩ ra một điều gì đó vui vẻ và sáng tạo! Rồi thảo luận cách mà những giáo lệnh của Thượng Đế giống với những lời chỉ dẫn trong trò chơi này.

Giáo Lý và Giao Ước 82:18–19.Từng người trong gia đình có thể làm điều gì để “cải tiến tài năng của mình” và “nhận được những tài năng khác”? Một chương trình biểu diễn tài năng trong gia đình có thể sẽ rất vui nếu được tổ chức. Hãy nghĩ về các cách thức để gồm vào những tài năng mà không dễ thể hiện ra (như là các ân tứ thuộc linh; xin xem Giáo Lý và Giao Ước 46:11–26). Làm thế nào chúng ta có thể sử dụng các tài năng của mình và chia sẻ những thứ chúng ta có để ban phước cho gia đình và những người lân cận? Sử dụng các tài năng của chúng ta “với con mắt duy nhất hướng về vinh quang của Thượng Đế” có nghĩa là gì?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Ta Đã Làm Điều Gì Tốt?Hymns, số 223; xin xem thêm “Những Ý Kiến để Cải Thiện Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình của Anh Chị Em.”

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy đặt ra những câu hỏi đưa đến hành động. Cân nhắc các câu hỏi thúc giục mọi người trong gia đình anh chị em suy nghĩ về cách họ có thể sống theo phúc âm một cách trọn vẹn hơn. “Những câu hỏi này thường thường không phải là những câu hỏi để thảo luận mà là để cá nhân suy nghĩ” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 31).

Chúa Giê Su chữa lành một người đàn ông

Hình ảnh minh họa Chúa Giê Su chữa lành một người đàn ông do Dan Burr thực hiện