Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 12–18 tháng Bảy. Giáo Lý và Giao Ước 77–80: “Ta Sẽ Hướng Dẫn Các Ngươi Đi”


“Ngày 12–18 tháng Bảy. Giáo Lý và Giao Ước 77–80: ‘Ta Sẽ Hướng Dẫn Các Ngươi Đi,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 12–18 tháng Bảy. Giáo Lý và Giao Ước 77–80,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

đàn cừu đang đi theo Chúa Giê Su

Going Home (Về Nhà), tranh do Yongsung Kim họa

Ngày 12–18 tháng Bảy

Giáo Lý và Giao Ước 77–80

“Ta Sẽ Hướng Dẫn Các Ngươi Đi”

Chúa đã phán với Joseph Smith rằng Ngài sẽ “nói vào tai [ông] những lời thông sáng” (Giáo Lý và Giao Ước 78:2). Anh chị em nhận được những lời thông sáng nào trong khi học Giáo Lý và Giao Ước 77–80?

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Chưa đến hai năm sau khi Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được phục hồi, Giáo Hội đã phát triển với hơn 2.000 tín hữu và đang lan rộng nhanh chóng. Vào tháng Ba năm 1832, Joseph Smith đã gặp với các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội “để thảo luận các công việc Giáo Hội”: nhu cầu xuất bản những điều mặc khải, mua đất để quy tụ, và chăm lo cho người nghèo (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 78, phần tiêu đề tiết). Để đáp ứng các nhu cầu này, Chúa đã kêu gọi một số ít các lãnh đạo Giáo Hội thành lập Công Ty Hiệp Nhất, một nhóm tập hợp các nỗ lực của họ “để đẩy mạnh chính nghĩa” của Chúa (câu 4) trong những khu vực này. Nhưng ngay cả trong những vấn đề mang tính hành chính như vậy, Chúa vẫn tập trung vào những sự việc vĩnh cửu. Trước hết, mục đích của một xưởng in hay một nhà kho—giống như mọi vật khác trong vương quốc của Thượng Đế—là để chuẩn bị cho con cái Ngài tiếp nhận “một chỗ trên thượng thiên giới” và “của cải của sự vĩnh cửu” (các câu 7, 18). Và nếu những phước lành đó khó mà hiểu được bây giờ, giữa bao bộn bề của cuộc sống thường nhật, Ngài đã cam đoan với chúng ta: “Hãy vui lên, vì ta sẽ hướng dẫn các ngươi đi” (câu 18).

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 77

Thượng Đế tiết lộ những sự kín nhiệm của Ngài cho những ai biết tìm kiếm chúng.

Mười hai năm sau khi xảy ra Khải Tượng Thứ Nhất, lời mời trong Gia Cơ 1:5 để “cầu vấn Thượng Đế” tiếp tục hướng dẫn Joseph Smith khi ông thiếu sự khôn ngoan. Trong khi ông và Sidney Rigdon thắc mắc về sách Khải Huyền trong lúc họ thực hiện bản dịch đầy soi dẫn cho Kinh Thánh, Joseph đương nhiên đã tìm kiếm sự khôn ngoan từ Thượng Đế. Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 77, anh chị em hãy cân nhắc ghi lại những sự hiểu biết sâu sắc của mình trong các chương liên quan của sách Khải Huyền.

Ngoài ra, hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể noi theo tấm gương của Tiên Tri Joseph khi anh chị em học thánh thư. Anh chị em có thể hỏi Cha Thiên Thượng: “Con cần phải hiểu điều gì?”

Joseph Smith và Sidney Rigdon đang đọc

Translation of the Bible (Sự Phiên Dịch Kinh Thánh), tranh do Liz Lemon Swindle họa

Giáo Lý và Giao Ước 78

Công Ty Hiệp Nhất là gì?

Công Ty Hiệp Nhất được thành lập để quản lý các vấn đề xuất bản và kinh doanh của Giáo Hội tại Ohio và Missouri. Công ty gồm có Joseph Smith, Newel K. Whitney, và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội là những người đã kết hợp các nguồn tài nguyên của họ lại để đáp ứng các nhu cầu thế tục cho một Giáo Hội đang phát triển. Thật không may, Công Ty Hiệp Nhất rơi vào nợ nần và bị giải thể vào năm 1834 khi các món nợ trở nên không thể kiểm soát được.

Giáo Lý và Giao Ước 78:1–7

Tôi có thể giúp “đẩy mạnh chính nghĩa” của Giáo Hội.

Chúa phán với Joseph Smith và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội rằng việc quản lý một nhà kho và một xưởng in sẽ giúp “đẩy mạnh chính nghĩa mà các ngươi đã gắn bó” (Giáo Lý và Giao Ước 78:4). Anh chị em nghĩ “chính nghĩa” của Giáo Hội là gì? Hãy suy ngẫm điều này trong khi anh chị em đọc Giáo Lý và Giao Ước 78:1–7. Có lẽ việc nghĩ về những câu thánh thư này có thể ảnh hưởng đến cách anh chị em làm tròn sự kêu gọi trong Giáo Hội của mình hoặc trong cách phục vụ gia đình mình. Làm thế nào sự phục vụ của anh chị em có thể “đẩy mạnh chính nghĩa” của Chúa? Việc đó đang chuẩn bị anh chị em cho “một chỗ trên thượng thiên giới” như thế nào? (câu 7).

Giáo Lý và Giao Ước 78:17–22

Chúa sẽ hướng dẫn tôi đi.

Anh chị em có khi nào cảm thấy như trẻ nhỏ, có lẽ bởi vì một điều gì đó anh chị em “chưa hiểu nổi” hoặc “không thể chịu đựng nổi”? (Giáo Lý và Giao Ước 78:17–18). Hãy tìm kiếm lời khuyên dạy trong các câu thánh thư này mà có thể giúp anh chị em “vui lên” (câu 18) trong những lúc như vậy. Anh chị em nghĩ tại sao Chúa đôi khi gọi những người theo Ngài là “trẻ thơ”? (câu 17). Anh chị em cũng có thể suy ngẫm cách Chúa có thể đang “hướng dẫn anh chị em đi” (câu 18).

Giáo Lý và Giao Ước 79–80

Sự kêu gọi phục vụ Thượng Đế quan trọng hơn nơi mà tôi phục vụ.

Về Giáo Lý và Giao Ước 80, Anh Cả David A. Bednar đã dạy: “Có lẽ một trong những bài học mà Đấng Cứu Rỗi đang giảng dạy chúng ta trong lời mặc khải này là một sự chỉ định để phục vụ ở một nơi cụ thể là thiết yếu và quan trọng nhưng chỉ là thứ yếu đối với sự kêu gọi để làm công việc của Ngài” (“Được Kêu Gọi để Làm Công Việc của Ngài,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 68). Hãy nghĩ về những sự kêu gọi hiện tại hoặc trước đây trong Giáo Hội của anh chị em. Những kinh nghiệm nào đã giúp anh chị em biết rằng những lời của Anh Cả Bednar là đúng thật? Anh chị em có thể tìm thấy trong Giáo Lý và Giao Ước 79–80 những bài học bổ sung nào mà có thể giúp một người nào đó vừa nhận được một sự kêu gọi mới?

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 77:2.Sau khi đọc câu thánh thư này, mọi người trong gia đình có thể vẽ tranh về loài yêu thích nhất của họ trong số các “thú vật, … các loại bò sát, … [hoặc] chim muông trên trời” do Thượng Đế tạo ra. Chúng ta có thể học được điều gì về những sự sáng tạo của Thượng Đế từ câu thánh thư này? (xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 59:16–20). Anh chị em cũng có thể hát một bài về những tạo vật của Thượng Đế, như là “Chúa Ban Cho Tôi Một Đền Tạm” (Children’s Songbook, số 153), và trưng ra bức tranh đi kèm với đại cương này.

Giáo Lý và Giao Ước 77:14.Câu thánh thư này giải thích rằng Giăng đã nuốt trọn một cuốn sách tượng trưng cho giáo vụ của ông để quy tụ Y Sơ Ra Ên. Hình ảnh biểu tượng của việc nuốt trọn gợi ý điều gì về cách chúng ta nên tiếp cận vai trò của mình trong việc quy tụ Y Sơ Ra Ên hoặc làm những điều khác Chúa muốn chúng ta làm? Sau đây là một vài đoạn thánh thư khác mà hình ảnh nuốt trọn được sử dụng để giảng dạy một lẽ thật thuộc linh: Giăng 6:48–51; 2 Nê Phi 32:3; Mô Rô Ni 4. Có lẽ anh chị em có thể làm một món ăn mà gia đình yêu thích và cùng nhau thưởng thức trong suốt cuộc thảo luận này.

Giáo Lý và Giao Ước 78:17–19.Các thành viên trong gia đình có thể vẽ tranh về những phước lành từ Thượng Đế mà họ thấy biết ơn. Anh chị em đang làm gì để bày tỏ lòng biết ơn của mình về những phước lành này? Anh chị em cũng có thể thảo luận cách mà gia đình mình đang làm theo lời khuyên này để tiếp nhận “mọi điều với lòng biết ơn” (câu 19). Chúa hứa điều gì với những người làm như vậy?

Giáo Lý và Giao Ước 79:1.Hãy chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về “quyền năng” mà anh chị em đã nhận được khi được sắc phong hoặc phong nhiệm vào những sự kêu gọi trong Giáo Hội. Chúa đã ban phước anh chị em với những ân tứ và sự soi dẫn cụ thể nào trong khi anh chị em phục vụ?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Đếm Các Phước Lành,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 8.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy vẽ hình. Cùng với mọi người trong gia đình, anh chị em có thể đọc một vài câu thánh thư rồi sau đó cho mọi người thời gian để vẽ một điều gì đó liên quan đến điều anh chị em đọc. Trưng những bức tranh đó quanh nhà để nhắc gia đình anh chị em về những nguyên tắc đã học được.

khu vườn với muôn thú

God’s Garden (Vườn của Thượng Đế), tranh do Sam Lawlor họa