Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 18–24 tháng Mười. Giáo Lý và Giao Ước 121–123: “Hỡi Thượng Đế, Ngài Ở Đâu?”


“Ngày 18–24 tháng Mười. Giáo Lý và Giao Ước 121–123: ‘Hỡi Thượng Đế, Ngài Ở Đâu?’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 18–24 tháng Mười. Giáo Lý và Giao Ước 121–123,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
Ngục Thất Liberty

Liberty Jail Spring (Ngục Thất Liberty vào Mùa Xuân), tranh do Al Rounds họa

Ngày 18–24 tháng Mười

Giáo Lý và Giao Ước 121–123

“Hỡi Thượng Đế, Ngài Ở Đâu?”

Kinh nghiệm học tập thánh thư của anh chị em sẽ dồi dào hơn nếu mục tiêu của anh chị em là để khám phá ra lẽ thật. Hãy bắt đầu với một lời cầu nguyện, lắng nghe theo Thánh Linh, và ghi lại những ấn tượng của anh chị em.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Tầng hầm của nhà tù hạt tại Liberty, Missouri, vốn là ngục tối. Những bức tường dày, sàn đá lạnh và dơ bẩn, thức ăn—nếu có chút ít—thì ôi thiu, và ánh sáng duy nhất đến từ hai cửa sổ hẹp với song sắt ở gần trần nhà. Ngục tối này là nơi Joseph Smith và một số anh em của ông ở trong phần lớn thời gian họ bị cầm tù—bốn tháng lạnh lẽo suốt mùa đông cuối năm 1838–đầu năm 1839—chờ đợi bị xét xử với cáo buộc làm phản chống lại tiểu bang Missouri. Trong thời gian này, Joseph liên tục nhận tin tức về nỗi thống khổ của Các Thánh Hữu. Sự bình an và lạc quan ở Far West kéo dài chỉ trong vài tháng, và giờ đây Các Thánh Hữu một lần nữa mất hết nhà cửa, bị ép buộc đi vào vùng hoang dã tìm kiếm một nơi khác để bắt đầu lại—lần này với Vị Tiên Tri của họ ở trong tù.

Không ngạc nhiên khi Joseph Smith kêu lên: “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu?” Câu trả lời ông nhận được, “sự hiểu biết từ trời” mà đã “đổ [xuống]” trong ngục tù gớm ghê đó, minh chứng rằng tuy không phải lúc nào cũng cảm nhận được, nhưng Thượng Đế chẳng bao giờ ở xa ta. Vị Tiên Tri đã học biết được rằng không có quyền năng nào có thể “cầm giữ được thiên thượng”. “Thượng Đế sẽ ở với [Các Thánh Hữu trung tín của Ngài] mãi mãi và đời đời.” (Giáo Lý và Giao Ước 121:1, 33; 122:9.)

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 121:1–10, 23–33122

Nghịch cảnh có thể “hiệp lại làm lợi ích cho tôi.”

Khi chúng ta hoặc những người chúng ta yêu thương đang ở giữa nỗi khốn khổ, là điều tự nhiên để tự hỏi liệu Thượng Đế có quan tâm đến chúng ta. Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 121:1–6, anh chị em hãy nghĩ về những lúc anh chị em có thắc mắc hoặc những cảm nghĩ tương tự với Joseph Smith. Anh chị em tìm thấy điều gì trong lời đáp của Chúa mà có thể giúp đỡ anh chị em khi có những thắc mắc hoặc cảm nghĩ đó? Ví dụ, trong các câu 7–10, 26–33, hãy lưu ý các phước lành Ngài hứa với những người “biết kiên trì chịu đựng [cảnh hoạn nạn].” Trong khi đọc tiết 122, anh chị em hãy suy xét cách Chúa muốn anh chị em nhìn vào những nghịch cảnh của mình.

Xin xem thêm Henry B. Eyring, “Đâu Là Lều?Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 72–75.

Giáo Lý và Giao Ước 121:34–46

Chúng ta có thể tiếp cận “các quyền năng trên trời.”

Trong tình cảnh gần như bất lực tại Ngục Thất Liberty, Joseph được ban cho điều mặc khải về quyền năng—không phải quyền hành chính trị hay quân sự mà đã được áp dụng lên Các Thánh Hữu mà là “các quyền năng trên trời.” Khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 121: 34–46, anh chị em học được điều gì về quyền năng của Thượng Đế? Nó khác với quyền hành thế gian như thế nào? Ví dụ, hãy nhìn vào những từ Chúa sử dụng trong các câu 41–43 để mô tả “uy quyền hay ảnh hưởng.” Những từ này dạy điều gì về cách Thượng Đế duy trì “uy quyền hay ảnh hưởng” của Ngài? Có lẽ những câu thánh thư này có thể soi dẫn cho anh chị em suy ngẫm về cuộc sống của mình và những gì anh chị em có thể làm để là một ảnh hưởng tốt trong mối quan hệ của anh chị em với những người khác.

Giáo Lý và Giao Ước 122

Chúa Giê Su Ky Tô đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi điều.

Joseph Smith đã bị cầm tù một cách bất công trong hơn bốn tháng trong khi bạn bè và gia đình ông bị đuổi khỏi nhà của họ. Công việc mà ông đã cống hiến cả cuộc đời dường như đang bị hủy hoại. Anh chị em học được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô từ những lời của Ngài phán với Joseph trong tiết 122? Anh chị em học được điều gì về Joseph? Anh chị em học được điều gì về bản thân mình?

Xin xem thêm An Ma 7:11–13; 36:3; Giáo Lý và Giao Ước 88:6.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su nằm trên đất ở Ghết Sê Ma Nê

Not My Will, But Thine (Không Phải theo Ý Con mà Ý Ngài Được Nên), tranh do Walter Rane họa.

Giáo Lý và Giao Ước 123

“Chúng ta hãy vui vẻ làm mọi công việc trong tầm khả năng của chúng ta.”

Trong tháng Ba năm 1839, dường như là Các Thánh Hữu không thể làm được gì nhiều để thay đổi tình cảnh khốn khổ của họ. Nhưng trong những lá thư ông viết ra từ Ngục Thất Liberty, Joseph nói với họ điều họ có thể làm: “thu thập sự hiểu biết về tất cả những sự kiện xảy ra” và “đứng yên, với một sự an tâm lớn lao nhất, để nhìn thấy sự cứu rỗi của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 123:1, 17). Khi anh chị em xem xét sự gian dối và “những mưu chước tinh vi của con người” trên thế gian ngày nay, hãy nghĩ về những gì “trong tầm khả năng của [anh chị em]” làm được (các câu 12, 17). Tại sao là điều quan trọng để làm những việc này một cách “vui vẻ”? (câu 17). Anh chị em biết ai là người bị “ngăn cản khỏi lẽ thật” (câu 12), và làm thế nào anh chị em có thể giúp người đó tìm được lẽ thật?

Nhiều báo cáo mà Joseph đã yêu cầu trong lá thư này đã được nộp lên chính phủ và được xuất bản thành bài viết dài 11 phần trên một tờ báo ở Nauvoo, có tên Times and Seasons.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 121:1–10.“Ngục tối” trong Ngục Thất Liberty chỉ rộng 14 x 14.5 thước (4.2 x 4.4 mét). Làm thế nào anh chị em có thể giúp gia đình mình tưởng tượng được cảm giác bị giam cầm trong một không gian nhỏ hẹp như vậy trong bốn tháng lạnh lẽo là như thế nào? Anh chị em có thể tìm những chi tiết khác về các điều kiện tồi tàn tại Ngục Thất Liberty trong “Chương 46: Joseph Smith ở trong Ngục Thất Liberty” (Các Câu Chuyện trong Sách Giáo Lý và Giao Ước, trang 172–174). Anh chị em cũng có thể đọc “Các Tiếng Nói của Thời Kỳ Phục Hồi: Ngục Thất Liberty” ở cuối đại cương này hoặc xem một đoạn video mô tả thời gian Joseph ở tại Ngục Thất Liberty trong video Joseph Smith: Vị Tiên Tri của Thời Kỳ Phục Hồi (ChurchofJesusChrist.org, bắt đầu từ phút 43:00). Thông tin này tác động như thế nào đến cách chúng ta cảm nhận về những nguyên tắc trong Giáo Lý và Giao Ước 121:1–10?

Giáo Lý và Giao Ước 121:34–36, 41–45.Có lẽ một lối so sánh có thể giúp gia đình anh chị em hiểu “các quyền năng trên trời.” Ví dụ, anh chị em có thể so sánh quyền năng của Thượng Đế với điện năng; điều gì có thể ngăn không cho một thiết bị điện nhận được điện? Lối so sánh này, cùng với các câu 34–36, 41–45, dạy chúng ta điều gì về cách gia tăng quyền năng thuộc linh của mình? Có lẽ mọi người trong gia đình có thể chia sẻ những câu chuyện từ cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi mà nêu bật lên các thuộc tính này.

Giáo Lý và Giao Ước 122:7–9.Có lẽ các thành viên trong gia đình sẽ thích làm những tấm bảng nhỏ với các cụm từ soi dẫn cho họ từ những câu thánh thư này. Những tấm bảng này có thể được trưng bày trong nhà của anh chị em. Tại sao là điều quan trọng để biết rằng “Con của Người đã hạ mình xuống thấp hơn” tất cả mọi điều?

Giáo Lý và Giao Ước 123:12.Làm thế nào chúng ta có thể giúp mọi người “biết [nơi để] … tìm thấy” lẽ thật?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Hình Ảnh
biểu tượng các tiếng nói của thời kỳ phục hồi

Các Tiếng Nói của Thời Kỳ Phục Hồi

Ngục Thất Liberty

Trong khi bị giam cầm tại Liberty, Missouri, Joseph Smith nhận được các lá thư báo cho ông biết về tình hình nguy nan của Các Thánh Hữu Ngày Sau mà bị đuổi ra khỏi tiểu bang theo lệnh của thống đốc. Một lá thư cảm động đến từ vợ của ông, Emma. Những lời của bà, và các lá thư hồi âm của Joseph, biểu lộ nỗi đau của cả hai người và đức tin của họ suốt khoảng thời gian khó khăn này trong lịch sử Giáo Hội.

Lá thư từ Emma Smith gửi cho Joseph Smith, ngày 7 tháng Ba, năm 1839

“Anh thân yêu

Em cố gắng viết cho anh bởi vì có cơ hội gửi thư đến tay anh qua một người bạn, nhưng em sẽ không cố gắng diễn đạt tất cả những cảm nghĩ của mình đâu, bởi vì chúng vượt quá khả năng của em để biểu lộ một cách trọn vẹn. Đó là bởi vì những gì đang chia cách hai ta: những bức tường của ngục tù, những thanh sắt trên cửa sổ, những ổ khóa trên cửa ngục, cũng như các dòng sông cuộn sóng, những ngọn đồi cao, những thung lũng sâu thẳm và thảo nguyên bạt ngàn. Thêm nữa, những cảm nghĩ của em thật không sao tả xiết vì sự bất công tàn bạo mà đã đẩy anh vào ngục tù và giam cầm anh nơi đó.

“Nếu em không biết rõ rằng chúng ta vô tội, và nếu lòng thương xót thiêng liêng đã không can thiệp vào, thì chắc chắn rằng em sẽ không thể nào chịu đựng được nỗi đau khổ mà em phải trải qua …; nhưng em vẫn sống và vẫn sẵn lòng chịu đựng thêm nếu đây là ý muốn của Thượng Đế nhân từ để em phải trải qua việc này vì anh.

“Hiện tại em và các con đều ổn, ngoại trừ Fredrick đang bệnh nặng.

Alexander bé bỏng đang nằm trong vòng tay em là một trong những em bé đáng yêu nhất trên đời. Bé con khỏe đến nỗi với một cái ghế để bám vào, nó có thể chạy vòng quanh phòng. …

“Không một ai ngoại trừ Thượng Đế biết được những suy nghĩ và cảm nghĩ trong tấm lòng em khi phải rời khỏi ngôi nhà của gia đình chúng ta, và bỏ lại gần như tất cả mọi thứ mà chúng ta sở hữu, ngoại trừ các con, bắt đầu hành trình ra khỏi Tiểu Bang Missouri, và để anh bị giam cầm trong nhà tù cô quạnh đó. Nhưng cái suy nghĩ phải rời bỏ anh và nhà của chúng ta thật quá khó cho bất cứ ai để chịu đựng nổi. …

“… Em hy vọng những ngày tốt đẹp hơn sẽ đến với chúng ta. … Em yêu anh rất nhiều.

“Emma Smith”1

Lá thư từ Joseph Smith gửi cho Emma Smith, ngày 4 tháng Tư, năm 1839

“Vợ dấu yêu.

“Tối thứ Năm anh ngồi xuống vào lúc mặt trời đang lặn, khi ngóng nhìn qua chấn song của nhà tù cô quạnh này, để viết cho em, về tình trạng của anh. Anh tin rằng bây giờ đã là khoảng năm tháng và sáu ngày2 kể từ khi anh bị giam cầm cả ngày lẫn đêm bởi một người cai ngục đầy giận dữ, và bên trong những bức tường, song sắt, và cánh cửa sắt kẽo kẹt của một nhà tù cô quạnh, tối tăm và dơ bẩn. Với những [cảm xúc] mà chỉ có Thượng Đế mới biết, anh viết bức thư này. Những suy nghĩ mà anh đang có trong tình cảnh này thật không thể nào viết hay nói ra được, hoặc các thiên sứ cũng không thể diễn tả được cho những ai không phải trải qua điều chúng ta đang phải trải qua. … Chúng ta dựa vào sức mạnh của Đức Giê Hô Va, và không ai khác nữa, cho sự giải thoát của mình, và nếu Ngài không làm điều đó, thì nó sẽ không xảy ra, em có thể chắc chắn là có nhiều người muốn giết chúng ta ở tiểu bang này; không phải vì chúng ta đã phạm bất kỳ tội lỗi nào cả. … Emma yêu dấu của anh, anh luôn nghĩ đến em và các con. … Anh muốn được gặp Frederick bé nhỏ, Joseph, Julia, Alexander, Joana và con thiếu tá già [con chó của gia đình]. … Anh sẽ vui vẻ đi bộ từ đây đến chỗ em bằng đôi chân trần, đầu để trần, và cả tấm lưng trần, chỉ để được gặp em và nghĩ đó sẽ là điều tuyệt vời, và sẽ không hề coi đó là khó khăn. … Anh ngoan cường chịu đựng mọi điều ngược đãi mình, và những người ở cùng anh cũng vậy; không một ai trong bọn anh chùn bước cả. Anh muốn em đừng để cho [các con] lãng quên anh. Hãy nói với chúng là cha chúng yêu thương chúng với một tình yêu hoàn hảo, và đang làm mọi điều có thể để thoát khỏi đám người hung hãn để về với chúng. … Hãy nói với chúng là cha chúng nói rằng chúng phải là những đứa trẻ ngoan, và biết nghe lời mẹ. …

“Chồng của em,

“Joseph Smith Jr.”3

Ghi Chú

  1. Letter from Emma Smith, 7 March 1839,” Letterbook 2, trang 37, josephsmithpapers.org; chính tả, dấu câu, và ngữ pháp đã được hiện đại hóa.

  2. Joseph và những người đồng hành với ông bị bắt vào ngày 31 tháng Mười, năm 1838, và bị canh giữ nghiêm ngặt cả ngày lẫn đêm. Sau một phiên tòa sơ thẩm tại Richmond, Missouri, họ bị bắt đến Ngục Thất Liberty vào ngày 1 tháng Mười Hai.

  3. Letter to Emma Smith, 4 April 1839,” trang 1–3 josephsmithpapers.org; chính tả, dấu câu, và ngữ pháp đã được hiện đại hóa.

Hình Ảnh
Joseph Smith trong Ngục Thất Liberty

Trong khi Joseph Smith chịu đau khổ ở Ngục Thất Liberty, Chúa đã an ủi ông và mặc khải những lẽ thật vĩ đại.

In