Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 28 tháng Mười–Ngày 3 tháng Mười Một. 1 và 2 Ti Mô Thê; Tít; Phi Lê Môn: ‘Phải Làm Gương cho Các Tín Đồ’


“Ngày 28 tháng Mười–Ngày 3 tháng Mười Một. 1 và 2 Ti Mô Thê; Tít; Phi Lê Môn: ‘Phải Làm Gương cho Các Tín Đồ’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)

“Ngày 28 tháng Mười–Ngày 3 tháng Mười Một. 1 và 2 Ti Mô Thê; Tít; Phi Lê Môn,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019

Hình Ảnh
ba phụ nữ đứng bên ngoài đền thờ

Ngày 28 tháng Mười–Ngày 3 tháng Mười Một

1 và 2 Ti Mô Thê; Tít; Phi Lê Môn

“Phải Làm Gương cho Các Tín Đồ”

Đôi khi thật là hữu ích để tiếp cận với việc học thánh thư của anh chị em với một hoặc nhiều câu hỏi hơn trong tâm trí. Hãy mời Thánh Linh hướng dẫn anh chị em đến những câu trả lời khi anh chị em học, và ghi lại bất cứ ấn tượng nào mình nhận được.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Trong các bức thư Phao Lô viết cho Ti Mô Thê, Tít, và Phi Lê Môn, chúng ta có một cái nhìn khái quát vào tấm lòng của một tôi tớ của Chúa. Không giống như các bức thư khác của Phao Lô gửi cho toàn thể giáo đoàn, các bức thư này được viết cho các cá nhân—những người bạn thân và cộng sự của Phao Lô trong công việc của Thượng Đế—và đọc các bức thư đó cũng giống như tham gia vào một cuộc trò chuyện. Chúng ta thấy Phao Lô khuyến khích Ti Mô Thê và Tít, hai người lãnh đạo của các giáo đoàn, trong việc phục vụ của họ trong Giáo Hội. Chúng ta thấy ông ấy khẩn nài người bạn của mình là Phi Lê Môn hãy tha thứ cho một người đồng Thánh Hữu và đối xử với người ấy như một người anh em trong phúc âm. Những lời của Phao Lô không được nhắm thẳng vào chúng ta, và ông ta có lẽ không bao giờ kỳ vọng rằng một ngày nào đó lại có rất nhiều người sẽ đọc chúng. Tuy nhiên chúng ta tìm thấy trong các bức thư này lời khuyên bảo và khuyến khích dành cho chúng ta, bất kể giáo vụ riêng của chúng ta trong sự phục vụ Đấng Ky Tô là gì đi nữa.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập riêng cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân

1 và 2 Ti Mô Thê; Tít

Ti Mô Thê và Tít là ai?

Ti Mô Thê và Tít đã phục vụ cùng với Phao Lô trong một số những cuộc hành trình truyền giáo của ông. Trong những sự phục vụ này, họ đã chiếm được sự tôn trọng và tin cậy của Phao Lô. Về sau Ti Mô Thê được kêu gọi với tư cách là một vị lãnh đạo Giáo Hội ở Ê Phê Sô, và Tít được kêu gọi với tư cách là một vị lãnh đạo ở Cơ Rết. Trong các bức thư này, Phao Lô đã đưa ra cho các vị lãnh đạo lời chỉ dẫn và khuyến khích về trách nhiệm của họ, mà gồm có việc thuyết giảng phúc âm và kêu gọi những người nam phục vụ với tư cách là giám trợ.

Xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Bức Thư của Phao Lô, Các,” “Ti Mô Thê,” “Tít.”

Hình Ảnh
vị giám trợ đang nói chuyện với một thiếu niên trong văn phòng của ông

Giám trợ được kêu gọi để cung ứng sự hướng dẫn thuộc linh cho các tín hữu trong tiểu giáo khu.

1 Ti Mô Thê 4:10–16

Nếu tôi “làm gương cho các tín đồ,” thì tôi có thể dẫn dắt những người khác đến cùng Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài.

Ti Mô Thê còn khá trẻ, nhưng Phao Lô đã biết rằng ông có thể là một vị lãnh đạo lỗi lạc của Giáo Hội bất chấp tuổi đời còn non trẻ của ông. Phao Lô đã đưa ra cho Ti Mô Thê lời khuyên bảo nào trong 1 Ti Mô Thê 4:10–16? Làm thế nào lời khuyên bảo này giúp anh chị em dẫn dắt những người khác đến cùng Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài?

Xin xem thêm An Ma 17:11.

2 Ti Mô Thê

“Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ.”

2 Ti Mô Thê được cho là bức thư cuối cùng Phao Lô viết, và dường như ông đã biết rằng thời gian của ông trên trần thế rất ngắn ngủi (xin xem 2 Ti Mô Thê 4:6–8). Khi anh chị em đọc thư này, hãy nghĩ về Ti Mô Thê có thể đã cảm thấy như thế nào khi biết rằng ông sẽ sớm mất đi người cố vấn và lãnh đạo của mình. Phao Lô đã nói điều gì để khuyến khích ông? Những lời của Phao Lô dạy anh chị em điều gì về việc đương đầu với những thử thách và nỗi sợ hãi của riêng mình?

2 Ti Mô Thê 3

Việc sống theo phúc âm mang đến một sự an toàn khỏi những mối hiểm nguy thuộc linh của những ngày sau.

Chúng ta đang sống trong “những ngày sau” mà Phao Lô đã nói đến, và “những thời kỳ khó khăn” đã đến (2 Ti Mô Thê 3:1). Trong khi anh chị em đọc 2 Ti Mô Thê 3, hãy viết xuống những khó khăn của những ngày sau đã được đề cập đến (xin xem thêm 1 Ti Mô Thê 4:1–3):

Anh chị em có thể nghĩ đến những ví dụ về những khó khăn này trong thế giới xung quanh mình—hoặc trong cuộc sống riêng của mình không? Làm thế nào những khó khăn này, như người ta đã mô tả trong câu 6, “lẻn vào [nhà chúng ta], quyến dụ lòng [anh chị em]”? Anh chị em tìm thấy lời khuyên nào trong 2 Ti Mô Thê 3, và ở những nơi khác trong các bức thư này, mà có thể giữ anh chị em và gia đình mình được an toàn khỏi những mối hiểm nguy thuộc linh? (xin xem, ví dụ, 1 Ti Mô Thê 1:3–11; 2 Ti Mô Thê 2:15–16; Tít 2:1–8).

Phi Lê Môn

Phi Lê Môn là ai?

Phi Lê Môn là một Ky Tô hữu đã được cải đạo theo phúc âm bởi Phao Lô. Ông có một người nô lệ tên là Ô Nê Sim, là người đã trốn thoát khỏi cảnh nô lệ, và gặp Phao Lô, rồi sau đó cũng đã cải đạo theo phúc âm. Trong thư gửi cho Phi Lê Môn, Phao Lô đã khuyến khích bạn của ông hãy tha thứ cho Ô Nê Sim và tiếp nhận ông “không coi như tôi mọi nữa, nhưng coi hơn tôi mọi, coi như anh em yêu dấu” (câu 16).

Phi Lê Môn

Các tín đồ của Đấng Ky Tô tha thứ lẫn nhau.

Anh chị em đã bao giờ ở trong một hoàn cảnh mà một người nào đó thỉnh cầu sự tha thứ của anh chị em không? Hãy nghĩ về hoàn cảnh đó trong khi anh chị em đọc thư gửi cho Phi Lê Môn. Phao Lô đã dạy Phi Lê Môn điều gì về lý do tại sao ông nên tha thứ cho Ô Nê Sim? Thư này có bất cứ sứ điệp nào trực tiếp nhắm vào anh chị em không?

Xin xem thêm 1 Nê Phi 7:16–21; Mô Si A 26:30–31 .

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Đây là một số đề nghị:

1 Ti Mô Thê 2:9–10

Mặc dù những khía cạnh của lời khuyên của Phao Lô dành cho phụ nữ để ăn mặc trang nhã không áp dụng cho thời của chúng ta, nhưng chúng ta cũng có thể học được từ lời khuyên của ông để “[chúng ta] ăn mặc … dùng việc lành.” Gia đình anh chị em có thể thích cùng nhau tổ chức một buổi trình diễn thời trang, với mọi người trong gia đình mặc quần áo hoặc đồ trang sức thể hiện các loại việc lành khác nhau. Một số việc lành nào gia đình anh chị em có thể làm tuần này?

1 Ti Mô Thê 4:12

Để giúp mọi người trong gia đình anh chị em mong muốn “làm gương cho các tín đồ,” hãy cân nhắc việc mời họ vẽ hình minh họa cách người khác đã là tấm gương tốt đối với họ. Những người này đã soi dẫn chúng ta noi theo Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào? Sứ điệp của Chủ Tịch Thomas S. Monson “Hãy Làm Gương và Làm Một Ánh Sáng” (Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 86–88) có thể cho một số ý kiến.

1 Ti Mô Thê 6:7–12

Anh chị em nghĩ tại sao “sự tham tiền bạc” được cho là “cội rễ mọi điều ác”? Việc tập trung cuộc sống của mình vào tiền bạc sẽ dẫn đến những mối hiểm nguy nào? Làm thế nào chúng ta có thể hài lòng với các phước lành mình có?

2 Ti Mô Thê 3:14–17

Theo những câu này, những phước lành nào đến với những người biết và học thánh thư? Có lẽ mọi người trong gia đình có thể chia sẻ những đoạn thánh thư họ tìm thấy mà đặc biệt “có ích.”

Phi Lê Môn 1:17–21

Phao Lô sẵn lòng làm điều gì cho Ô Nê Sim? Điều này giống với việc Đấng Cứu Rỗi sẵn lòng làm cho chúng ta như thế nào? (xin xem thêm 1 Ti Mô Thê 2:5–6; GLGƯ 45:3–5). Làm thế nào chúng ta có thể noi theo những tấm gương của Phao Lô và Đấng Cứu Rỗi?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Giảng dạy giáo lý rõ ràng và giản dị. Phúc âm thật tốt đẹp trong sự giản dị (xin xem GLGƯ 133:57). Thay vì cố gắng tiêu khiển gia đình anh chị em với những bài học đòi hỏi phải chuẩn bị nhiều, hãy cố gắng giảng dạy giáo lý thanh khiết và giản dị (xin xem 1 Ti Mô Thê 1:3–7).

Hình Ảnh
hai anh em đang học thánh thư

Việc học lời của Thượng Đế giúp chúng ta được an toàn khỏi những mối hiểm nguy thuộc linh của những ngày sau.

In