“Ngày 18–24 tháng Mười Một. Gia Cơ: ‘Hãy Làm Theo Lời, Chớ Lấy Nghe Làm Đủ’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)
“Ngày 18–24 tháng Mười Một. Gia Cơ,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019
Ngày 18–24 tháng Mười Một
Gia Cơ
“Hãy Làm Theo Lời, Chớ Lấy Nghe Làm Đủ”
Khi anh chị em đọc Thư của Gia Cơ, hãy chú ý đến những cụm từ nổi bật đối với anh chị em, và ghi chúng xuống. Anh chị em đang được thúc giục để sống theo các lẽ thật này bằng cách nào?
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Đôi khi chỉ một câu thánh thư thôi có thể thay đổi thế giới. Gia Cơ 1:5 dường như chỉ là một lời khuyên bảo đơn giản—nếu anh chị em cần sự thông sáng, hãy cầu vấn Thượng Đế. Nhưng khi Joseph Smith 14 tuổi đọc câu đó, “[ông] tưởng chừng như có một sức mạnh lớn lao xuyên thẳng vào tận đáy tim [ông]” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:12). Được soi dẫn như vậy, Joseph đã hành động theo lời khuyên bảo của Gia Cơ và tìm kiếm sự thông sáng từ Thượng Đế qua lời cầu nguyện. Và Thượng Đế quả thật đã ban cho rất nhiều, ban cho Joseph một trong những sự viếng thăm từ thiên thượng hùng hồn nhất trong lịch sử nhân loại—đó là Khải Tượng Thứ Nhất. Khải tượng này đã thay đổi hướng của cuộc đời Joseph và dẫn đến Sự Phục Hồi Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trên thế gian. Tất cả chúng ta đều được ban phước ngày nay bởi vì Joseph Smith đã đọc và hành động theo Gia Cơ 1:5.
Anh chị em sẽ tìm được điều gì trong khi học Thư của Gia Cơ? Có lẽ một hoặc hai câu sẽ thay đổi anh chị em hay người mình yêu thương. Anh chị em có thể tìm thấy sự hướng dẫn khi anh chị em tìm kiếm sứ mệnh của mình trong cuộc sống. Anh chị em có thể được khích lệ để nói lời tử tế hoặc trở nên kiên nhẫn hơn. Bất cứ điều gì soi dẫn anh chị em, hãy để cho những lời này “xuyên thẳng vào tận đáy tim [anh chị em].” Hãy nhớ, như Gia Cơ viết, “đem lòng nhu mì nhận lấy lời … cứu được linh hồn của anh [chị] em” (Gia Cơ 1:21).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân
Gia Cơ là ai?
Nói chung người ta tin rằng tác giả của Thư của Gia Cơ là con trai của Ma Ri, mẹ của Chúa Giê Su Ky Tô, và vì thế là em cùng mẹ khác cha với Đấng Cứu Rỗi. Gia Cơ được đề cập đến trong Ma Thi Ơ 13:55; Mác 6:3; Công Vụ Các Sứ Đồ 12:17; 15:13; 21:18; và Ga La Ti 1:19; 2:9. Dường như trong các đoạn thánh thư này, Gia Cơ là một vị lãnh đạo Giáo Hội ở Giê Ru Sa Lem và đã được kêu gọi làm một Sứ Đồ (xin xem Ga La Ti 1:19).
Kiên nhẫn chịu đựng dẫn đến sự hoàn hảo.
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã dạy: “Việc chờ đợi có thể là một điều rất khó. Chúng ta muốn điều chúng ta muốn và chúng ta muốn điều đó ngay bây giờ. Do đó, ý nghĩ về tính kiên nhẫn đó có thể dường như không dễ chịu và đôi khi khó chấp nhận” (Tiếp Tục Kiên Nhẫn,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 56). Sau khi đọc Gia Cơ 1:2–4; 5:7–11, anh chị em cho rằng sứ điệp chủ yếu của Gia Cơ về sự kiên nhẫn là gì? Những sự hiểu biết sâu sắc nào anh chị em có được sau khi đọc phần còn lại của sứ điệp của Chủ Tịch Uchtdorf? Làm thế nào anh chị em có thể cho Chúa thấy rằng mình sẵn lòng kiên nhẫn?
Gia Cơ 1:3–8, 21–25; 2:14–26; 4:17
Đức tin đòi hỏi hành động.
Làm thế nào anh chị em biết là mình có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô? Làm thế nào những việc làm của anh chị em cho thấy đức tin của anh chị em nơi Thượng Đế? Hãy nghĩ về những câu hỏi này trong khi anh chị em học những lời giảng dạy của Gia Cơ về đức tin. Cũng có thể là một điều thú vị để đọc về Áp Ra ham và Ra Háp, hai tấm gương mà Gia Cơ đề cập đến (xin xem Sáng Thế Ký 22:1–12; Giô Suê 2). Họ đã cho thấy rằng họ có đức tin nơi Thượng Đế như thế nào?
Việc đọc Gia Cơ 1:3–8, 21–25; 2:14–26; 4:17 có thể giúp anh chị em nghĩ ra những cách mà mình có thể làm theo lời đó một cách tốt hơn. Hãy ghi lại bất cứ ấn tượng nào anh chị em nhận được, và hoạch định để hành động theo những ấn tượng đó.
Xin xem thêm An Ma 34:27–29; 3 Nê Phi 27:21.
Những lời tôi nói có quyền năng làm tổn thương hoặc ban phước cho những người khác.
Trong số những hình ảnh chi tiết mà Gia Cơ sử dụng trong khắp bức thư của ông, một số lời lẽ sống động nhất của ông được tìm thấy trong lời khuyên bảo của ông về lời lẽ. Hãy cân nhắc việc lập một bản liệt kê tất cả những cách Gia Cơ mô tả lưỡi hoặc miệng. Mỗi sự so sánh hoặc hình ảnh cho thấy điều gì về những lời nói chúng ta thốt ra? Hãy nghĩ về một điều gì đó anh chị em có thể làm để ban phước cho người nào đó bằng lời nói của anh chị em (xin xem GLGƯ 108:7).
Với tư cách là một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi cần phải yêu mến tất cả mọi người, bất kể hoàn cảnh của họ ra sao.
Gia Cơ cảnh báo Các Thánh Hữu đặc biệt hãy chống lại việc coi trọng người giàu có và khinh bỉ người nghèo khó, nhưng lời cảnh báo của ông có thể áp dụng cho bất cứ thành kiến hoặc định kiến nào mà chúng ta có thể có đối với người khác. Có thể là điều khó khăn để nhận ra những cách mà chúng ta đánh giá người khác một cách tiêu cực, nhưng Chúa đã hứa rằng Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta thấy được mình cần cải thiện về phương diện nào (xin xem Ê The 12:27). Trong khi anh chị em thành tâm học Gia Cơ 2:1–9, hãy thăm dò lòng mình và lắng nghe những thúc giục của Đức Thánh Linh. Anh chị em có cảm thấy bất cứ sự thay đổi nào anh chị em cần thực hiện trong cách đối xử hoặc nghĩ về người khác không?
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em đọc thánh thư với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào dựa trên nhu cầu của gia đình anh chị em. Đây là một số đề nghị:
Cân nhắc việc đọc Gia Cơ 1:5 và mời một người trong gia đình tóm lược câu chuyện về Khải Tượng Thứ Nhất (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:8–13). Mời mọi người trong gia đình chia sẻ chứng ngôn của họ về Tiên Tri Joseph Smith và những kinh nghiệm khi Cha Thiên Thượng đáp ứng lời cầu nguyện của họ.
Sau đó đọc định nghĩa của Gia Cơ về sự tin đạo thanh sạch và thảo luận những cách gia đình anh chị em có thể làm cho việc thờ phượng tôn giáo của mình được thanh sạch hơn.
Gia Cơ 3 gồm có nhiều ý kiến mà có thể soi dẫn những bài học đáng nhớ với đồ vật để giúp gia đình anh chị em nhớ phải nói lời tử tế. Ví dụ, anh chị em có thể thảo luận cách một tàn lửa nhỏ hoặc ngòi cháy có thể gây ra một đám cháy lớn, và mọi người trong gia đình có thể nghĩ đến những lúc khi một lời nói không tử tế gây ra vấn đề (xin xem các câu 5–6). Hoặc anh chị em có thể cho ăn một thứ gì đó chua hoặc đắng trong một thứ gì đó thường được dùng cho thức ăn ngọt—chẳng hạn như nước chanh trong một cái lọ đựng mật ong. Điều này có thể dẫn đến một cuộc thảo luận về việc chắc chắn rằng lời lẽ của chúng ta là ngọt ngào và nâng đỡ (xin xem các câu 9–14).
Tại sao chúng ta cần “đến gần Đức Chúa Trời” khi chúng ta gặp phải cám dỗ?
Có lẽ việc chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân về việc nhận được một phước lành chức tư tế có thể khuyến khích mọi người trong gia đình “hỏi xin một phước lành chức tư tế khi [họ] cần đến quyền năng thuộc linh” (Dallin H. Oaks, “The Importance of Priesthood Blessings,” New Era, July 2012, 4).
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.