“Ngày 16–22 tháng Mười Hai. Lễ Giáng Sinh: ‘Tin Lành Sẽ Làm một Sự Vui Mừng Lớn’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)
“Ngày 16–22 tháng Mười Hai. Lễ Giáng Sinh,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019
Ngày 16–22 tháng Mười Hai
Lễ Giáng Sinh
“Tin Lành Sẽ Làm một Sự Vui Mừng Lớn”
Đối với một số người, Lễ Giáng Sinh có thể là một thời gian bận rộn. Hãy cân nhắc việc anh chị em học Kinh Tân Ước có thể giúp mang đến một tinh thần bình an và thiêng liêng vào cuộc sống của anh chị em như thế nào. Suy ngẫm ảnh hưởng của sự giáng sinh và giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của anh chị em, và ghi lại bất cứ ấn tượng thuộc linh nào đến với anh chị em.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Tại sao sự ra đời của một đứa trẻ mang đến hạnh phúc lớn lao như vậy? Có lẽ bởi vì một đứa bé sơ sinh có thể là một biểu tượng về niềm hy vọng. Có một điều gì đó về một cuộc sống mới mẻ đầy triển vọng mà mời gọi chúng ta suy ngẫm về cuộc đời sẽ ra sao đối với đứa bé đó và điều kỳ diệu nào đứa bé đó sẽ đạt được. Chưa từng có điều gì đúng hơn là sự giáng sinh của Vị Nam Tử của Thượng Đế, Chúa Giê Su Ky Tô. Chưa từng có niềm hy vọng nào lớn lao hơn được đặt vào một đứa trẻ, và chưa từng có đứa trẻ nào được sinh ra với triển vọng như vậy.
Khi một thiên sứ mời những người chăn chiên tìm kiếm đứa trẻ sơ sinh trong máng cỏ, vị ấy cũng đưa ra cho họ một sứ điệp về đứa trẻ đó. Đó là một sứ điệp về niềm hy vọng—rằng đứa trẻ này đã đến thế gian để làm tròn một giáo vụ thiêng liêng. Những người chăn chiên đã làm cho mọi người đều biết về sứ điệp của họ để cho “ai nấy nghe chuyện bọn chăn chiên nói, đều lấy làm lạ. Còn Ma Ri thì ghi nhớ mọi lời ấy và suy nghĩ trong lòng” (Lu Ca 2:17–19). Có lẽ là điều tốt để noi theo tấm gương của Ma Ri vào Lễ Giáng Sinh này: để suy ngẫm trong lòng những gì anh chị em học được về Đấng Cứu Rỗi trong năm nay. Làm thế nào Ngài đã làm tròn giáo vụ cứu chuộc của Ngài trong các câu chuyện anh chị em đọc? Và còn quan trọng hơn nữa, giáo vụ của Ngài đã thay đổi cuộc sống của anh chị em như thế nào?
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân
Ma Thi Ơ 1:18–25; 2:1–12; Lu Ca 1:26–38; 2:1–20
Chúa Giê Su Ky Tô đã hạ mình để được sinh ra giữa chúng ta trên thế gian.
Thậm chí nếu anh chị em đã đọc hoặc nghe câu chuyện về sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô nhiều lần trước đây rồi, hãy học câu chuyện đó lần này với ý nghĩ này trong tâm trí: “Lễ Giáng Sinh không chỉ là sự kỷ niệm về cách Chúa Giê Su đến thế gian mà cũng là để biết Ngài là ai—Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta—và để biết lý do tại sao Ngài đến” (Craig C. Christensen, “The Fulness of the Story of Christmas” [Chương Trình Devotional Giáng Sinh của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 4 tháng Mười Hai năm 2016], broadcasts.lds.org).
Anh chị em biết gì về Chúa Giê Su Ky Tô là ai trước khi Ngài giáng sinh? (xin xem, ví dụ, Giăng 17:5; Mô Si A 3:5; GLGƯ 76:13–14, 20–24; Môi Se 4:2). Sự hiểu biết này ảnh hưởng đến cách anh chị em cảm thấy khi đọc về sự giáng sinh của Ngài như thế nào?
Anh chị em biết gì về lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô đến thế gian? (xin xem, ví dụ, Lu Ca 4:16–21; Giăng 3:16–17; 3 Nê Phi 27:13–16; GLGƯ 20:20–28). Sự hiểu biết này ảnh hưởng đến cách anh chị em cảm thấy về Đấng Cứu Rỗi như thế nào? Nó ảnh hưởng đến cách sống của anh chị em như thế nào?
Xin xem thêm 2 Cô Rinh Tô 8:9; Hê Bơ Rơ 2:7–18; 1 Nê Phi 11:13–33; An Ma 7:10–13.
1 Cô Rinh Tô 15:21–26; Cô Lô Sê 1:12–22; 1 Phi E Rơ 2:21–25
Chúa Giê Su Ky Tô làm tròn sứ mệnh của Ngài và làm cho chúng ta có thể hưởng được cuộc sống vĩnh cửu.
Mặc dù câu chuyện về sự giáng sinh của Đấng Ky Tô được bao quanh bởi những sự kiện phi thường, sự giáng sinh của Ngài sẽ chỉ là một sự sinh ra đời bình thường khác nếu không phải vì công việc mà Ngài đã hoàn thành sau này trong cuộc đời của Ngài. Như Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nói: “Hài đồng Giê Su ở Bết Lê Hem sẽ chỉ là một đứa trẻ khác mà không có sự cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi ở Ghết Sê Ma Nê và Đồi Sọ, và sự thật đầy đắc thắng của Sự Phục Sinh” (“The Wondrous and True Story of Christmas,” Ensign, Dec. 2000, 5).
Bằng chứng về sứ mệnh thiêng liêng của Đấng Cứu Rỗi và tình yêu thương mạnh mẽ của Ngài dành cho những người khác được tìm thấy khắp trong Kinh Tân Ước. Các đoạn hoặc câu chuyện nào đến với tâm trí anh chị em? Anh chị em có thể giở lại nguồn tài liệu này hoặc trong nhật ký ghi chép việc học tập của mình và xem lại một số những ấn tượng anh chị em ghi lại. Anh chị em cũng có thể đọc 1 Cô Rinh Tô 15:21–26; Cô Lô Sê 1:12–22; 1 Phi E Rơ 2:21–25 và suy ngẫm cách Đấng Cứu Rỗi và công việc của Ngài đã ban phước cho cuộc sống của anh chị em. Anh chị em cảm thấy soi dẫn để thay đổi điều gì trong cuộc sống của mình? Anh chị em sẽ tìm đến quyền năng của Đấng Cứu Rỗi như thế nào?
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Đây là một số đề nghị:
Làm thế nào anh chị em có thể kỷ niệm sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô với gia đình mình? Đây là một số ý kiến, hoặc anh chị em có thể có một số ý kiến của riêng mình:
-
Cùng nhau đọc hoặc đóng diễn các phần của câu chuyện Sự Giáng Sinh.
-
Khám phá một số nguồn tài liệu trên christmas.mormon.org; jesuschrist.lds.org.
-
Xem một Chương Trình Devotional Giáng Sinh của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn (broadcasts.lds.org;).
-
Cùng nhau hát các bài thánh ca Giáng Sinh, hoặc chọn ra những người hàng xóm hoặc bạn bè để đi thăm và hát cho họ (xin xem Hymns, các bài 201–214).
-
Thực hiện một hành động phục vụ.
-
Yêu cầu mọi người trong gia đình tìm kiếm những chi tiết trong câu chuyện về Sự Giáng Sinh mang đến cho họ những ý tưởng cho những đồ trang trí họ có thể dùng để nhắc nhở họ về Chúa Giê Su Ky Tô.
Tại sao chúng ta biết ơn rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã giáng sinh? Ngài đã ban cho chúng ta những ân tứ nào? Bằng cách nào chúng ta có thể cho thấy lòng biết ơn của mình?
“Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ”
Nếu anh chị em muốn giúp gia đình mình tập trung vào Đấng Cứu Rỗi vào mùa Lễ Giáng Sinh, có lẽ anh chị em có thể dành ra thời gian để đọc và học tập cùng với nhau “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ” (Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2017, bên trong bìa trước). Có lẽ anh chị em có thể học thuộc lòng các đoạn từ bản “Đấng Ky Tô Hằng Sống” hoặc tìm kiếm những điều mô tả về cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi trong Kinh Tân Ước mà hỗ trợ các lời phát biểu trong bản đó. Anh chị em cũng có thể mời mỗi người trong gia đình viết xuống chứng ngôn riêng của mình về Chúa Giê Su Ky Tô, và nếu được thúc giục, hãy đọc nó cho gia đình mình.
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.