Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 23–29 tháng Mười Hai. Khải Huyền 12–22: ‘Kẻ Nào Thắng Sẽ Được Những Sự Ấy Làm Cơ Nghiệp’


“Ngày 23–29 tháng Mười Hai. Khải Huyền 12–22: ‘Kẻ Nào Thắng Sẽ Được Những Sự Ấy Làm Cơ Nghiệp’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)

“Ngày 23–29 tháng Mười Hai. Khải Huyền 12–22,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô chào đón dân chúng vào Ngày Tái Lâm của Ngài

The City Eternal (Thành Phố Vĩnh Cửu), tranh của Keith Larson

Ngày 23–29 tháng Mười Hai

Khải Huyền 12–22

“Kẻ Nào Thắng Sẽ Được Những Sự Ấy Làm Cơ Nghiệp”

Khi anh chị em đọc Khải Huyền 12–22, hãy tìm kiếm những điểm tương đồng giữa những điều Giăng thấy và điều anh chị em thấy trong thế giới ngày nay. Hãy tìm kiếm sự hướng dẫn thuộc linh để giúp anh chị em tìm thấy những bài học cá nhân trong khi anh chị em đắm mình trong ngôn ngữ biểu tượng của Giăng.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Hãy tưởng tượng một người phụ nữ “có thai, kêu la và đau đớn vì sắp sinh con.” Bây giờ hãy tưởng tượng “một con rồng lớn sắc đỏ, có bảy đầu, mười sừng” bay lượn trên đầu người phụ nữ, sẵn sàng để “khi đẻ ra thì nuốt con người đi” (Khải Huyền 12:2–4). Để hiểu các câu này trong khải tượng của Giăng, hãy nhớ rằng các hình ảnh này tượng trưng cho Giáo Hội và vương quốc của Thượng Đế và mối nguy hiểm họ sẽ gặp phải. Đối với Các Thánh Hữu đã trải qua sự ngược đãi khủng khiếp trong thời của Giăng, sự chiến thắng điều tà ác có thể dường như bất khả thi. Chiến thắng này cũng có thể khó để thấy trước trong một thời kỳ như của chúng ta, khi kẻ nghịch thù đang “giao chiến cùng các thánh đồ” và có được “quyền … trị mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng và mọi nước” (Khải Huyền 13:7). Nhưng kết thúc của khải tượng của Giăng cho thấy một cách vinh quang rằng điều tốt lành sẽ thắng điều tà ác. Ba Bi Lôn sẽ sụp đổ. Chúa Giê Su Ky Tô sẽ trị vì với tư cách là Vua của Các Vua. “Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt,” và người trung tín sẽ trị vì cùng Ngài và “được những sự ấy làm cơ nghiệp” (Khải Huyền 21:4, 7).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập riêng cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân

Khải Huyền 12:7–17

Chiến Tranh trên Thiên Thượng tiếp diễn trên thế gian.

Chúng ta không biết nhiều về Chiến Tranh trên Thiên Thượng, nhưng có một sự miêu tả sống động nhưng ngắn gọn về cuộc chiến này trong Khải Huyền 12:7–11. Khi anh chị em đọc các câu này, hãy tự hình dung mình là một phần của cuộc xung đột tiền dương thế đó. Các câu này dạy anh chị em điều gì về cách anh chị em và các con cái trung tín khác của Thượng Đế đánh bại được Sa Tan? Việc này ám chỉ điều gì về cách anh chị em có thể đánh bại được nó trong thời của chúng ta trong khi nó tiếp tục “tranh chiến cùng [những người có] lời chứng của Đức Chúa [Giê Su]”? (câu 17).

Xin xem thêm 1 Nê Phi 14:12–14; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Mi Chen,” “Chiến Tranh trên Thiên Thượng.”

Khải Huyền 14:6–7

Ai là vị thiên sứ đang thuyết giảng phúc âm mà Giăng đã thấy?

Một sự ứng nghiệm của điều tiên tri trong các câu này đã xảy ra khi Mô Rô Ni hiện đến cùng Joseph Smith và dẫn ông đến các biên sử mà ông đã phiên dịch và xuất bản thành Sách Mặc Môn. Sách này chứa đựng “tin lành đời đời” mà chúng ta có nhiệm vụ phải rao truyền cho “mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng, và mọi dân tộc” (Khải Huyền14:6).

Khải Huyền 17–18

Chúa mời gọi tôi hãy chạy trốn khỏi Ba Bi Lôn và tội lỗi của nó.

Khải Huyền 17–18 chứa đựng những hình ảnh đáng lo ngại mô tả tội lỗi, sự quá xem trọng vật chất, và thèm muốn của Ba Bi Lôn—biểu tượng của vật chất thế gian và sự tà ác. Hãy nghĩ về những ví dụ của những tình trạng giống như Ba Bi Lôn tồn tại trong thế giới ngày nay, và suy ngẫm về điều gì anh chị em có thể làm để tuân theo lời khuyên bảo để “ra khỏi” Ba Bi Lôn “kẻo các ngươi dự phần tội lỗi với nó” (Khải Huyền 18:4).

Khải Huyền 20:12–15

Tất cả các con cái của Thượng Đế đều sẽ được phán xét từ sách sự sống.

Giả sử một tác giả đề nghị viết một cuốn sách về cuộc đời anh chị em. Những chi tiết hoặc kinh nghiệm nào anh chị em muốn bao gồm trong sách đó? Nếu anh chị em biết rằng những hành động trong tương lai của mình cũng sẽ được ghi lại, thì anh chị em sẽ tiếp cận cuộc sống một cách khác biệt như thế nào? Hãy nghĩ về điều này khi anh chị em đọc về Ngày Phán Xét trong Khải Huyền 20:12–15. Anh chị em hy vọng điều gì sẽ được viết về mình trong sách sự sống?

Xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Sách Sự Sống”

Khải Huyền 21; 22:1–5

Nếu tôi trung tín, thì tôi sẽ nhận được vinh quang thượng thiên.

Trái ngược với những lời miêu tả về Ba Bi Lôn, Khải Huyền 21–22 mô tả vinh quang thượng thiên mà chờ đợi những tín đồ trung tín của Đấng Ky Tô. Những hình ảnh, cụm từ, hoặc lời hứa nào trong các chương này soi dẫn anh chị em tiếp tục trung tín thậm chí trong lúc khó khăn?

Khải Huyền 22:18–19

Các câu này có phải có nghĩa là không thể có bất cứ thánh thư nào khác ngoài Kinh Thánh không?

Một số người đã trích dẫn Khải Huyền 22:18–19 để làm lý do để khước từ Sách Mặc Môn và thánh thư ngày sau khác. Tuy nhiên, Anh Cả Jeffrey R. Holland đã dạy:

“Hiện nay có rất nhiều sự nhất trí ở giữa hầu hết tất cả những nhà nghiên cứu Kinh Thánh rằng câu này chỉ áp dụng cho Sách Khải Huyền, chứ không phải cho toàn thể Kinh Thánh. Các học giả trong thời kỳ chúng ta đều nhìn nhận một số ‘sách’ trong Kinh Tân Ước thì gần như chắc chắn là được viết ra sau khi sách Khải Huyền của Giăng trên Đảo Bát Mô được tiếp nhận. …

“Nhưng có một câu trả lời giản dị hơn. … Toàn thể Kinh Thánh, như chúng ta biết—một bộ sưu tập các bản văn gộp lại thành một quyển duy nhất—chưa ra đời khi câu đó được viết ra” (“Lời của Ta … Không Bao Giờ Chấm Dứt,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 91).

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Đây là một số đề nghị:

Khải Huyền 12; 19; 21

Một số người trong gia đình có thể thích thú và có lợi ích từ việc vẽ những tấm hình về các khải tượng được mô tả trong sách Khải Huyền. Ví dụ, việc vẽ những tấm hình dựa trên Khải Huyền 12 có thể dẫn đến những cuộc thảo luận về Chiến Tranh trên Thiên Thượng (xin xem các câu 7–11). Những tấm hình dựa trên Khải Huyền 21 có thể soi dẫn những cuộc thảo luận về vương quốc thượng thiên. Anh chị em cũng có thể cho xem tấm hình kèm theo đại cương này và yêu cầu mọi người trong gia đình tìm các câu trong Khải Huyền 19 mà tấm hình này minh họa.

Khải Huyền 12:11

Cụm từ “lời làm chứng của mình” có nghĩa là gì? Làm thế nào chứng ngôn của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta và những người khác đánh bại Sa Tan?

Khải Huyền 13:11–14

Mọi người trong gia đình anh chị em có những suy nghĩ gì về con thú lừa dối? Làm thế nào chúng ta phát hiện và tránh xa điều gian trá chúng ta thấy trên thế gian ngày nay?

Khải Huyền 20:2–3

Làm thế nào 1 Nê Phi 22:26; Giáo Lý và Giao Ước 43:30–31 giúp chúng ta hiểu Sa Tan bị “trói buộc” có thể có ý nghĩa gì?

Khải Huyền 22:1–4

Ý nghĩa tượng trưng của việc có được danh của Đấng Cứu Rỗi “ở trên trán [chúng ta]” có thể là gì? (Khải Huyền 22:4; xin xem thêm Khải Huyền 13:16–17).

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Theo dõi những lời mời để hành động. “Khi theo dõi một lời mời để hành động, các anh chị em cho [mọi người trong gia đình mình] thấy rằng các anh chị em quan tâm đến họ và phúc âm đang ban phước cho cuộc sống của họ như thế nào. Các anh chị em cũng cung cấp cho họ cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm của họ, là những kinh nghiệm củng cố sự cam kết của họ và cho phép họ hỗ trợ nhau trong việc sống theo phúc âm” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 35).

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô đang cưỡi ngựa từ trên trời xuống vào Ngày Tái Lâm của Ngài

Đấng Ky Tô mặc áo choàng đỏ đang ngồi trên con ngựa trắng.

In