Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 8–14 tháng Năm. Ma Thi Ơ 19–20; Mác 10; Lu Ca 18: “Còn Thiếu Chi cho Tôi Nữa?”


“Ngày 8–14 tháng Năm. Ma Thi Ơ 19–20; Mác 10; Lu Ca 18: ‘Còn Thiếu Chi cho Tôi Nữa?,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 8–14 tháng Năm. Ma Thi Ơ 19–20; Mác 10; Lu Ca 18,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023

những người làm công trong vườn nho

Ngày 8–14 tháng Năm

Ma Thi Ơ 19–20; Mác 10; Lu Ca 18

“Còn Thiếu Chi cho Tôi Nữa?”

Hãy đọc và suy ngẫm Ma Thi Ơ 19–20; Mác 10; và Lu Ca 18, chú ý đến những sự thúc giục anh chị em nhận được. Ghi xuống những thúc giục này, và quyết định cách anh chị em sẽ hành động theo những thúc giục đó.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Nếu anh chị em có cơ hội để hỏi Đấng Cứu Rỗi một câu hỏi, thì câu hỏi đó sẽ là gì? Khi một chàng trai trẻ giàu có gặp Đấng Cứu Rỗi lần đầu tiên, thì người ấy hỏi: “Tôi phải làm việc lành chi cho được sự sống đời đời?” (Ma Thi Ơ 19:16). Câu trả lời của Đấng Cứu Rỗi cho thấy lòng biết ơn về những điều tốt lành mà chàng trai trẻ đó đã làm và cả sự động viên đầy yêu thương để làm thêm nữa. Khi chúng ta suy ngẫm khả năng để có cuộc sống vĩnh cửu, chúng ta có thể tự hỏi tương tự rằng liệu mình cần làm thêm gì nữa không. Khi chúng ta hỏi, theo cách riêng của mình: “Còn thiếu chi cho tôi nữa?” (Ma Thi Ơ 19:20), Chúa có thể ban cho chúng ta câu trả lời cũng chỉ cho riêng chúng ta như Ngài đã trả lời như vậy với chàng trai trẻ giàu có kia. Bất cứ điều gì Chúa yêu cầu chúng ta làm, việc hành động theo câu trả lời của Ngài sẽ luôn luôn đòi hỏi rằng chúng ta tin cậy Ngài nhiều hơn sự ngay chính của bản thân mình (xin xem Lu Ca 18:9–14) và rằng chúng ta “nhận lãnh nước Đức Chúa Trời như một đứa trẻ” (Lu Ca 18:17; xin xem thêm 3 Nê Phi 9:22).

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Ma Thi Ơ 19:3–9; Mác 10:2–12

Hôn nhân giữa một người nam và người nữ là do Thượng Đế quy định.

Cuộc trò chuyện giữa Đấng Cứu Rỗi và những người Pha Ri Si là một trong số ít những ví dụ được ghi lại khi Đấng Cứu Rỗi giảng dạy cụ thể về hôn nhân. Sau khi đọc Ma Thi Ơ 19:3–9Mác 10:2–12, hãy liệt kê một vài câu mà anh chị em cảm thấy tóm tắt những quan điểm của Chúa về hôn nhân. Sự hiểu biết của anh chị em về kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Cha ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em suy nghĩ và cảm nhận về hôn nhân?

Ma Thi Ơ 19:3–9; Mác 10:2–12

Chúa Giê Su có dạy rằng ly dị là không bao giờ được chấp nhận hoặc rằng người đã ly dị không nên tái hôn không?

Trong một bài nói chuyện về ly dị, Chủ Tịch Dallin H. Oaks dạy rằng Cha Thiên Thượng định rằng mối quan hệ hôn nhân là vĩnh cửu. Tuy nhiên, Thượng Đế cũng hiểu rằng đôi khi ly dị là cần thiết. Chủ Tịch Oaks giải thích rằng Chúa “cho phép những người ly dị được kết hôn lại mà không phải giữ những vết nhơ xấu xa được định rõ trong luật cao hơn. Trừ phi người bị ly dị đã phạm giới nghiêm trọng, còn không thì người ấy có thể hội đủ điều kiện cho một giấy giới thiệu đi đền thờ theo các tiêu chuẩn xứng đáng mà áp dụng cho những người tín hữu khác” (“Sự Ly Dị,” Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 70).

Ma Thi Ơ 19:16–22; Mác 10:17–22; Lu Ca 18:18–23

Nếu tôi cầu xin Chúa, thì Ngài sẽ dạy tôi điều tôi cần phải làm để hưởng được sự sống đời đời.

Câu chuyện về chàng trai trẻ giàu có có thể là một lý do để lo lắng thậm chí đối với một môn đồ lâu năm và trung tín. Khi đọc Mác 10:17–22, anh chị em tìm thấy bằng chứng gì về sự trung tín và ngay thật của chàng trai trẻ này? Chúa cảm thấy như thế nào đối với chàng trai trẻ này?

Câu chuyện này có thể thúc giục anh chị em để hỏi: “Còn thiếu chi cho tôi nữa?”” (Ma Thi Ơ 19:20). Chúa giúp chúng ta như thế nào để bù đắp những gì còn thiếu? (xin xem Ê The 12:27). Chúng ta có thể làm gì để tự chuẩn bị cho mình chấp nhận sự sửa chỉnh và giúp đỡ của Ngài khi chúng ta tìm cách cải thiện?

Xin xem thêm Larry R. Lawrence, “Còn Thiếu Chi cho Tôi Nữa?,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 33–35; S. Mark Palmer, “Đức Chúa Giê Su Ngó Người Mà Yêu,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 114–116.

Ma Thi Ơ 20:1–16

Mọi người đều có thể nhận được phước lành của cuộc sống vĩnh cửu, bất kể họ chấp nhận phúc âm vào lúc nào.

Anh chị em có thể thấy mình giống với kinh nghiệm của bất cứ người làm công nào trong vườn nho không? Anh chị em tìm thấy được bài học nào cho mình trong đoạn này? Sứ điệp của Anh Cả Jeffrey R. Holland “Những Người Làm Công trong Vườn Nho,” (Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 31–33) có thể giúp anh chị em thấy được các cách để áp dụng truyện ngụ ngôn này. Thánh Linh còn ban cho anh chị em những thúc giục nào nữa?

người khiêm nhường và người Pha Ri Si

The Repentant Publican and the Self-Righteous Pharisee in the Temple (Người Thâu Thuế Muốn Hối Cải và người Pha Ri Si Tự Cho Mình là Ngay Chính trong Đền Thờ), tranh do Frank Adams họa

Lu Ca 18:9–14

Tôi nên tin cậy vào lòng thương xót của Thượng Đế, không phải sự ngay chính của mình.

Anh chị em sẽ tóm tắt những sự khác biệt giữa hai lời cầu nguyện trong câu chuyện ngụ ngôn này như thế nào? Hãy suy ngẫm điều anh chị em cảm thấy mình nên làm để trở nên giống người thâu thuế hơn trong câu chuyện này và ít giống như người Pha Ri Si hơn.

Xin xem thêm Phi Líp 4:11–13; An Ma 31:12–23; 32:12–16.

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Mác 10:13–16; Lu Ca 18:15–17.Để giúp mọi người trong gia đình suy ngẫm câu chuyện trong các câu này, anh chị em có thể cùng nhau hát một bài hát liên quan, chẳng hạn như “Ta Có Nhớ Nguyện Cầu?” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 48). Sẽ như thế nào khi được ở giữa các trẻ em được Chúa Giê Su ban phước? Việc “nhận lấy nước Đức Chúa Trời như một đứa trẻ” có thể có nghĩa là gì? (Mác 10:15).

Mác 10:23–27.Sự khác biệt giữa việc sự giàu sang và tin tưởng ở sự giàu sang là gì? (Xin xem Mác 10:23–24). Khi đọc câu 27, anh chị em có thể muốn nêu ra Bản Dịch Kinh Thánh của Joseph Smith: “Với kẻ nào tin tưởng ở sự giàu sang, thì không thể làm được; nhưng không phải không thể được với kẻ tin cậy nơi Thượng Đế và để tất cả vì mục đích của ta, vì với những kẻ này tất cả những điều này đều có thể làm được” (Bản Dịch Joseph Smith, Mark 10:26). Với tư cách là một gia đình, làm thế nào chúng ta cho thấy rằng chúng ta tin cậy Thượng Đế hơn là vật chất?

Ma Thi Ơ 20:1–16.Để minh họa các nguyên tắc trong Ma Thi Ơ 20:1–16, anh chị em có thể lập ra một cuộc thi đơn giản, ví dụ như một cuộc chạy đua ngắn. Sau khi mọi người đã kết thúc cuộc thi, hãy trao giải cho mọi người như nhau, bắt đầu với người cuối cùng hoàn thành cuộc đua và kết thúc với người đầu tiên hoàn thành cuộc đua. Câu chuyện này dạy chúng ta điều gì về ai sẽ nhận được các phước lành của cuộc sống vĩnh cửu trong kế hoạch của Đức Chúa Cha?

Ma Thi Ơ 20:25–28; Mác 10:42–45.Ý nghĩa của câu “còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi” là gì? (Ma Thi Ơ 20:27). Chúa Giê Su Ky Tô đã minh họa nguyên tắc này như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể noi gương Ngài trong gia đình mình, trong tiểu giáo khu và chi nhánh, và ở nơi sinh sống của mình?

Lu Ca 18:1–14.Chúng ta học được điều gì về sự cầu nguyện từ hai truyện ngụ ngôn trong các câu này?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy tìm một thời gian phù hợp với anh chị em. Thường thì việc học trở nên dễ nhất là khi anh chị em có thể học thánh thư mà không bị ngắt quãng. Hãy tìm một thời gian phù hợp với anh chị em, và làm hết sức để học hỏi một cách kiên định vào thời gian đó mỗi ngày.

Đấng Ky Tô và người thanh niên giàu có

Christ and the Rich Young Ruler (Đấng Ky Tô và Người Trai Trẻ Giàu Có), tranh do Heinrich Hofmann họa