“Ngày 22–28 tháng Năm. Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1; Ma Thi Ơ 24–25; Mác 12–13; Lu Ca 21: ‘Con Người Ngự Trong Sự Vinh Hiển Mình Mà Đến,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)
“Ngày 22–28 tháng Năm. Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1; Ma Thi Ơ 24–25; Mác 12–13; Lu Ca 21,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023
Ngày 22–28 tháng Năm
Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1; Ma Thi Ơ 24–25; Mác 12–13; Lu Ca 21
“Con Người Ngự Trong Sự Vinh Hiển Mình Mà Đến’”
Trong khi đọc Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1; Ma Thi Ơ 24–25; Mác 12–13; và Lu Ca 21, anh chị em có thể hỏi: “Các chương này có những sứ điệp nào dành cho tôi? cho gia đình tôi? cho sự kêu gọi của tôi?”
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Các môn đồ của Chúa Giê Su chắc hẳn đã vô cùng ngạc nhiên trước lời tiên tri của Ngài: ngôi đền thờ vĩ đại ở Giê Ru Sa Lem, trung tâm tinh thần và văn hóa của người Do Thái, sẽ bị hủy diệt hoàn toàn đến mức “đây sẽ không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn khác mà không bị đổ xuống.” Đương nhiên các môn đồ đã muốn biết thêm. Họ hỏi Ngài: “Khi nào sẽ xảy ra những điều Ngài vừa nói?” “Và có điềm gì về sự hiện đến của Ngài?” (Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:2–4). Câu trả lời của Đấng Cứu Rỗi tiết lộ rằng sự hủy diệt khủng khiếp xảy đến với Giê Ru Sa Lem—lời tiên tri đã được ứng nghiệm vào năm 70 sau Công Nguyên—sẽ tương đối nhỏ so với các dấu hiệu về ngày tái lâm của Ngài trong những ngày sau cùng. Những sự vật dường như còn vững chắc hơn ngôi đền thờ ở Giê Ru Sa Lem hóa ra sẽ là tạm thời—mặt trời, mặt trăng, các vì sao, các quốc gia, và biển cả. Thậm chí “các thế lực của tầng trời sẽ rung động” (Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:33). Nếu chúng ta thức tỉnh về phần thuộc linh, thì sự náo động này có thể dạy chúng ta đặt sự tin cậy của mình vào điều gì đó thực sự vĩnh cửu. Như Chúa đã hứa: “Trời đất sẽ qua, song lời ta nói sẽ không qua đâu. … Và kẻ nào biết tích lũy lời của ta thì sẽ không bị lừa gạt” (Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:35, 37).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Joseph Smith—Ma Thi Ơ là gì?
Joseph Smith—Ma Thi Ơ, nằm ở trong Sách Trân Châu Vô Giá, là Bản Dịch Joseph Smith cho câu cuối cùng của Ma Thi Ơ 23 và toàn bộ Ma Thi Ơ 24. Những sự hiệu chỉnh đầy soi dẫn của Joseph Smith phục hồi các lẽ thật quý báu mà đã mất đi. Các câu 12–21 ám chỉ sự tàn phá Giê Ru Sa Lem thời xa xưa; các câu 21–55 chứa đựng những lời tiên tri về những ngày sau cùng.
Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:21–37; Mác 13:21–37; Lu Ca 21:25–38
Những lời tiên tri về Ngày Tái Lâm của Đấng Ky Tô có thể giúp tôi đối phó với tương lai bằng đức tin.
Việc đọc về các sự kiện dẫn đến Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô có thể mang đến cảm giác bất an. Nhưng khi Chúa Giê Su tiên tri về các sự kiện này, Ngài đã bảo các môn đồ Ngài “đừng bối rối” (Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:23). Làm thế nào anh chị em có thể “đừng bối rối” khi nghe về những trận động đất, chiến tranh, điều dối trá, và nạn đói? Hãy nghĩ về câu hỏi này khi anh chị em đọc các câu này. Hãy đánh dấu bất cứ lời khuyên bảo nào làm yên lòng mà anh chị em tìm được.
Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:26–27, 38–55; Ma Thi Ơ 25:1–13; Lu Ca 21:29–36
Tôi cần phải luôn luôn sẵn sàng cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.
Thượng Đế chưa mặc khải “ngày … [hay] giờ … [Con của Người sẽ đến]” (Ma Thi Ơ 25:13). Nhưng Ngài không muốn ngày đó đến với chúng ta “thình lình” (Lu Ca 21:34), vì thế Ngài đã ban cho chúng ta lời khuyên về cách thức để chuẩn bị.
Trong khi anh chị em đọc các câu này, hãy nhận ra các truyện ngụ ngôn và những sự so sánh khác mà Đấng Cứu Rỗi đã sử dụng để giảng dạy chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài. Anh chị em học được gì từ những điều đó? Anh chị em được soi dẫn để làm điều gì?
Anh chị em cũng có thể suy ngẫm về cách mà Đấng Cứu Rỗi muốn anh chị em giúp chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Ngài. Anh chị em cảm thấy việc sẵn sàng tiếp nhận Đấng Cứu Rỗi khi Ngài đến có nghĩa là gì? Sứ điệp của Anh Cả D. Todd Christofferson “Chuẩn Bị cho Sự Trở Lại của Chúa” (Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 81–84) có thể giúp anh chị em suy ngẫm điều này.
Xin xem thêm Russell M. Nelson, “Đón Nhận Tương Lai bằng Đức Tin,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 73–76.
Cha Thiên Thượng kỳ vọng tôi sử dụng các ân tứ của Ngài một cách sáng suốt.
Trong câu chuyện ngụ ngôn của Đấng Cứu Rỗi, một “ta lâng” ám chỉ tiền. Nhưng câu chuyện ngụ ngôn về các ta lâng có thể gợi nhắc chúng ta suy ngẫm cách chúng ta đang sử dụng bất cứ phước lành nào của mình, chứ không chỉ tiền bạc. Sau khi đọc truyện ngụ ngôn này, anh chị em có thể lập một bản liệt kê một số phước lành và trách nhiệm mà Cha Thiên Thượng đã giao phó cho anh chị em. Ngài kỳ vọng anh chị em làm gì với các phước lành này? Làm thế nào anh chị em có thể sử dụng các ân tứ này một cách khôn ngoan hơn?
Khi tôi phục vụ người khác, thì tôi đang phục vụ Thượng Đế.
Nếu anh chị em tự hỏi Chúa sẽ phán xét cuộc đời của mình như thế nào, thì hãy đọc câu chuyện ngụ ngôn về chiên và dê. Anh chị em nghĩ tại sao việc chăm sóc cho những người hoạn nạn sẽ giúp chuẩn bị cho anh chị em để “thừa hưởng vương quốc” của Thượng Đế?
Câu chuyện ngụ ngôn này tương tự như hai câu chuyện khác trong Ma Thi Ơ 25 như thế nào? Ba sứ điệp này có điểm chung nào?
Xin xem thêm Mô Si A 2:17; 5:13.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Joseph Smith—Ma Thi Ơ.Để giúp gia đình anh chị em khám phá chương này, hãy mời họ tìm kiếm những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi về cách chúng ta có thể chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài (xin xem, ví dụ, các câu 22–23, 29–30, 37, 46–48). Anh chị em có thể làm gì để tuân theo lời khuyên này?
-
Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:22, 37.Tích lũy lời của Thượng Đế có nghĩa là gì? Làm thế nào chúng ta có thể làm điều này với tư cách là cá nhân và gia đình? Làm như vậy sẽ giúp chúng ta tránh bị lừa gạt như thế nào?
-
Ma Thi Ơ 25:1–13.Anh chị em có thể sử dụng bức tranh mười người nữ đồng trinh có trong đại cương này để thảo luận Ma Thi Ơ 25:1–13. Chúng ta sẽ thấy những chi tiết nào trong bức tranh mà được mô tả trong các câu này?
Anh chị em có thể cắt giấy thành hình những giọt dầu và giấu chúng này quanh nhà mình. Anh chị em có thể gắn giọt dầu vào những đồ vật như thánh thư hoặc một bức hình đền thờ. Khi mọi người trong gia đình tìm thấy những giọt dầu, anh chị em có thể thảo luận cách thức mà những điều này giúp chúng ta chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm.
-
Mác 12:38–44; Lu Ca 21:1–4.Các câu này giảng dạy điều gì về cách Đấng Cứu Rỗi nhìn nhận các của lễ của chúng ta? Hãy cho gia đình anh chị em thấy cách thức đóng tiền thập phân và các của lễ nhịn ăn cho Chúa. Bằng cách nào những của lễ này giúp xây đắp vương quốc của Thượng Đế? Một số cách thức nào khác chúng ta có thể dâng lên Chúa “tất cả những gì chúng ta có”? (Mác 12:44).
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài thánh ca gợi ý: “Giờ Đây Chúng Ta Hãy Cùng Vui Mừng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 32.