Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 15–21 tháng Năm. Ma Thi Ơ 21–23; Mác 11; Lu Ca 19–20; Giăng 12: “Nầy, Vua Ngươi Đến”


“Ngày 15–21 tháng Năm. Ma Thi Ơ 21–23; Mác 11; Lu Ca 19–20; Giăng 12: ‘Này, Vua Ngươi Đến,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 15–21 tháng Năm. Ma Thi Ơ 21–23; Mác 11; Lu Ca 19–20; Giăng 12,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023

người đàn ông ở trên cây khi Chúa Giê Su đến gần

Zacchaeus in the Sycamore Tree (Xa Chê ở trên Cây Sung), tranh do James Tissot họa

Ngày 15–21 tháng Năm

Ma Thi Ơ 21–23; Mác 11; Lu Ca 19–20; Giăng 12

“Nầy, Vua Ngươi Đến”

Trước khi đọc những ý kiến trong đại cương này, hãy đọc Ma Thi Ơ 21–23; Mác 11; Lu Ca 19–20; và Giăng 12. Ghi xuống những ấn tượng anh chị em có thể chia sẻ với gia đình mình hoặc trong các lớp học trong Giáo Hội.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Đấng Cứu Rỗi cảm thấy đói bụng sau khi hành trình từ Bê Tha Ni tới Giê Ru Sa Lem, và một cái cây sung ngọt ở đằng xa dường như có thể là một nguồn thức ăn. Nhưng khi Chúa Giê Su tiến đến gần cái cây, Ngài thấy cây đó không cho ra trái (xin xem Ma Thi Ơ 21:17–20; Mác 11:12–14,20). Trong một phương diện, cái cây đó giống như các nhà lãnh đạo tôn giáo đạo đức giả ở Giê Ru Sa Lem: những lời giảng dạy vô nghĩa và những kiểu thể hiện thánh thiện bề ngoài của họ không hề mang lại sự nuôi dưỡng thuộc linh. Những người Pha Ri Si và các thầy thông giáo có vẻ như tuân giữ nhiều lệnh truyền nhưng lại bỏ qua hai lệnh truyền lớn hơn hết: yêu mến Thượng Đế và yêu thương kẻ lân cận như chính mình (xin xem Ma Thi Ơ 22:34–40; 23:23).

Trái lại, nhiều người đã bắt đầu nhận thấy điều tốt lành trong những lời giảng dạy của Chúa Giê Su. Khi Ngài đến Giê Ru Sa Lem, họ chào đón Ngài bằng những tàu lá được cắt ra để lót đường cho Ngài đi, hân hoan rằng cuối cùng, như lời tiên tri cổ xưa nói rằng: “Vua ngươi đến cùng ngươi” (Xa Ra Chi 9:9). Khi anh chị em đọc tuần này, hãy nghĩ về kết quả của những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi và sự hy sinh chuộc tội của Ngài trong cuộc sống của anh chị em và cách làm thế nào anh chị em có thể “kết quả được nhiều” (Giăng 12:24).

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Lu Ca 19:1–10

Chúa không xét đoán bằng vẻ bên ngoài mà bằng những ước muốn trong lòng.

Trong thời của Chúa Giê Su, nhiều người cho rằng những người thu thuế là không lương thiện và ăn cắp của dân chúng. Bởi vì thế, Xa Chê, là người thu thuế trưởng, lại giàu có, nên ông ta thậm chí còn đáng ngờ hơn. Nhưng Chúa Giê Su đã nhìn vào tấm lòng của Xa Chê. Lu Ca 19:1–10 tiết lộ điều gì về tấm lòng của Xa Chê? Anh chị em có thể ghi chú những từ trong các câu này mà mô tả điều Xa Chê đã làm để cho thấy lòng tôn sùng Đấng Cứu Rỗi. Ước muốn của tấm lòng anh chị em là gì? Anh chị em đang làm gì để tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi, như Xa Chê đã làm?

Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 137:9.

Ma Thi Ơ 23; Lu Ca 20:45–47

Chúa Giê Su lên án thói đạo đức giả.

Việc Đấng Cứu Rỗi tiếp xúc với các thầy thông giáo và người Pha Ri Si tạo nên một sự tương phản thú vị với khi Ngài tiếp xúc Xa Chê. Như Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf giải thích: “[Chúa Giê Su] hành động trong cơn giận dữ ngay chính chống lại những kẻ đạo đức giả giống như các thầy thông giáo, người Pha Ri Si, và Sa Đu Sê—những người đã cố gắng làm ra vẻ ngay chính để nhận được lời khen ngợi, ảnh hưởng, và sự giàu có của thế gian, và đồng thời đàn áp những người mà họ cần phải ban phước” (“Có Lòng Chân Thật,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 81).

Trong Ma Thi Ơ 23, Đấng Cứu Rỗi đã sử dụng một vài phép ẩn dụ để mô tả thói đạo đức giả. Cân nhắc việc đánh dấu hoặc liệt kê các phép ẩn dụ này và ghi chú điều chúng giảng dạy về sự đạo đức giả. Sự khác biệt giữa thói đạo đức giả và những yếu kém của con người mà tất cả chúng ta đều đối mặt khi cố gắng sống theo phúc âm là gì? Anh chị em được soi dẫn làm điều gì khác biệt nhờ những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi?

Ma Thi Ơ 21:1-11; Mác 11:1-11; Lu Ca 19:29–44; Giăng 12:1–8, 12–16

Chúa Giê Su Ky Tô chính là Vua của tôi.

Khi Chúa Giê Su đến Giê Ru Sa Lem chỉ vài ngày trước khi Ngài hoàn thành Sự Chuộc Tội, những ai nhận ra Ngài là vị Vua của họ đều cho thấy lòng tôn kính của họ bằng cách xức dầu cho Ngài, đặt quần áo và những tàu lá kè dọc trên con đường Ngài đi vào thành Giê Ru Sa Lem, và cất tiếng ngợi khen Ngài. Hãy cân nhắc cách các nguồn tài liệu sau đây có thể làm cho anh chị em gia tăng sự hiểu biết của mình về các sự kiện này mà đã bắt đầu vào tuần cuối cùng của cuộc đời Đấng Cứu Rỗi.

  • Một ví dụ thời xưa về việc xức dầu một vị vua: 2 Các Vua 9:1–6, 13

  • Một lời tiên tri cổ xưa về sự vào thành đầy đắc thắng: Xa Ra Chi 9:9

  • Ý nghĩa của từ Hô Sa Na: “Hô Sa Na” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (scriptures.ChurchofJesusChrist.org)

  • Những lời tiên tri về cách Đấng Cứu Rỗi sẽ hiện đến lần nữa: Khải Huyền 7:9–12

Làm thế nào anh chị em có thể tôn vinh và tiếp nhận Đấng Cứu Rỗi là Chúa và Vua của anh chị em?

Xin xem thêm Gerrit W. Gong, “Hô Sa Na và Ha Lê Lu Gia—Chúa Giê Su Ky Tô Hằng Sống: Trọng Tâm của Sự Phục Hồi và Lễ Phục Sinh,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 52–55.

Ma Thi Ơ 22:34–40

Hai lệnh truyền lớn nhất là yêu mến Thượng Đế và yêu thương người lân cận như chính mình.

Nếu anh chị em có bao giờ cảm thấy quá sức trong khi cố gắng noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, thì những lời của Đấng Cứu Rỗi cho người thầy dạy luật trong Ma Thi Ơ 22 có thể giúp anh chị em đơn giản hóa và tập trung vào vai trò môn đồ của mình. Đây là một cách để làm điều đó: Lập một bản liệt kê gồm có một vài lệnh truyền của Chúa. Làm thế nào mỗi điều trong bản liệt kê của anh chị em liên quan đến hai lệnh truyền lớn nhất? Làm thế nào việc tập trung vào hai lệnh truyền lớn nhất giúp anh chị em tuân giữ các lệnh truyền khác?

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Ma Thi Ơ 21:12–14.Những lời nói và hành động của Chúa Giê Su trong Ma Thi Ơ 21:12–14 cho thấy Ngài đã cảm thấy như thế nào về đền thờ? Làm thế nào để chúng ta cho thấy cảm nghĩ của mình về đền thờ? Chúng ta có thể “đuổi hết” điều gì (câu 12) trong cuộc sống của mình để làm cho ngôi nhà của chúng ta giống đền thờ hơn?

Ma Thi Ơ 21:28–32.Các bài học nào từ truyện ngụ ngôn về người đàn ông có hai đứa con trai có thể giúp gia đình anh chị em? Ví dụ, anh chị em có thể sử dụng câu chuyện này để thảo luận tầm quan trọng của sự vâng lời và hối cải chân thành. Có lẽ gia đình anh chị em có thể viết một kịch bản cho truyện ngụ ngôn này và thay phiên nhau đóng các vai khác nhau.

Ma Thi Ơ 22:15–22; Lu Ca 20:21–26.Trẻ em có thể thích làm những đồng xu giả có “hình và hiệu” của Chúa Giê Su. Anh chị em có thể viết lên mặt sau của đồng xu một số “vật … của Đức Chúa Trời” (Ma Thi Ơ 22:21) mà chúng ta có thể dâng lên Ngài. Anh chị em cũng có thể nói về ý nghĩa của việc có “hình và hiệu” của Đấng Cứu Rỗi trên chúng ta (Ma Thi Ơ 22:20; xin xem thêm Mô Si A 5:8; An Ma 5:14).

Giăng 12:1–8.Làm thế nào Ma Ri cho thấy tình yêu thương của bà dành cho Đấng Cứu Rỗi? Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy tình yêu thương của mình dành cho Ngài?

người đàn bà dùng tóc để lau chùi chân Chúa Giê Su

Washing Jesus’s Feet (Rửa Chân cho Chúa Giê Su), tranh do Brian Call họa

Giăng 12:42–43.Những hậu quả nào đến từ xã hội đôi khi ngăn cản không cho chúng ta bày tỏ hoặc bênh vực cho niềm tin của mình nơi Đấng Ky Tô? Để có ví dụ về những người không chịu nhượng bộ áp lực từ xã hội, xin xem Đa Ni Ên 1:3–20; 3; 6; Giăng 7:45–53; 9:1–38; và Mô Si A 17:1–4. Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy lòng tôn trọng dành cho người khác khi họ bày tỏ hoặc bênh vực cho niềm tin tôn giáo của mình?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài thánh ca gợi ý: “Ta Cất Tiếng Hát Vinh Danh Giê Su,” Thánh Ca Và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 25.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy của Chúng Ta

Hãy dùng nghệ thuật để giúp mọi người trong gia đình cùng tham gia.Sách Họa Phẩm Phúc Âm và mục Thư Viện trên ChurchofJesusChrist.org có nhiều hình ảnh và video mà có thể giúp [gia đình anh chị em] hình dung ra các khái niệm hoặc sự kiện” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 22).

Sự vào thành đầy đắc thắng của Đấng Ky Tô

Triumphal Entry (Sự Vào Thành Đầy Đắc Thắng), tranh do Walter Rane họa