Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 21–27 tháng Tám. 1 Cô Rinh Tô 1–7: “Phải Hiệp Ý Một Lòng Cùng Nhau”


“Ngày 21–27 tháng Tám. 1 Cô Rinh Tô 1–7: ‘Phải Hiệp Ý Một Lòng Cùng Nhau,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 21–27 tháng Tám. 1 Cô Rinh Tô 1–7,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023

Hình Ảnh
Cô Rinh Tô thời xưa

Corinth, Southern Greece, the Forum and Civic Center (Thành Cô Rinh Tô, Nam Hy Lạp, Nơi Hội Họp và Tòa Thị Chính Thành Phố), tranh do Balage Balogh/www.ArchaeologyIllustrated.com

Ngày 21–27 tháng Tám

1 Cô Rinh Tô 1–7

“Phải Hiệp Ý Một Lòng Cùng Nhau”

Ghi lại những ấn tượng của anh chị em trong khi đọc 1 Cô Rinh Tô 1–7. Những ấn tượng này có thể gồm có những sự thúc giục để học nhiều hơn về một ý tưởng, để chia sẻ với người khác điều anh chị em học được, hoặc thực hiện một số thay đổi trong cuộc sống.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Trong những tháng Phao Lô ở thành Cô Rinh Tô, “có nhiều người Cô Rinh Tô từng nghe [ông] giảng, cũng tin, chịu phép báp têm” (Công Vụ Các Sứ Đồ 18:8). Vì vậy, chỉ một vài năm sau đó, hẳn là Phao Lô đã rất đau lòng khi nghe rằng đã có “sự chia rẽ” và “tranh chấp” giữa các Thánh Hữu Cô Rinh Tô và khi vắng ông, họ đã bắt đầu nghe theo đến “sự khôn ngoan của thế gian” (1 Cô Rinh Tô 1:10–11, 20). Để phản ứng, Phao Lô đã viết bức thư mà ngày nay chúng ta gọi là 1 Cô Rinh Tô. Bức thư này chứa đựng rất nhiều giáo lý sâu sắc, nhưng đồng thời, Phao Lô dường như thất vọng vì các Thánh Hữu chưa sẵn sàng để đón nhận tất cả giáo lý mà ông muốn đưa ra cho họ. Ông than thở: “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi chẳng có thể nói với anh em như với người thiêng liêng, nhưng như với người xác thịt” (1 Cô Rinh Tô 3:1–3). Trong khi chúng ta chuẩn bị đọc những lời của Phao Lô, có thể hữu ích để xem xét sự sẵn sàng của cá nhân mình để tiếp nhận lẽ thật—kể cả sự sẵn lòng của chúng ta để lưu ý đến Thánh Linh và cố gắng được hòa thuận trong gia đình mình, với các Thánh Hữu của mình, và với Thượng Đế.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

1 Cô Rinh Tô 1:10–17; 3:1–11

Các tín hữu của giáo hội của Đấng Ky Tô cố gắng để được đoàn kết.

Chúng ta không biết tất cả chi tiết về sự bất hòa giữa các Thánh Hữu Cô Rinh Tô, nhưng chúng ta biết về sự bất hòa trong những mối quan hệ của chính mình. Hãy nghĩ về một mối quan hệ trong cuộc sống của anh chị em mà có thể được lợi ích bằng cách hòa thuận hơn; rồi sau đó tìm kiếm điều Phao Lô đã dạy trong 1 Cô Rinh Tô 1:10–17; 3:1–11 về tình trạng bất hòa giữa các Thánh Hữu Cô Rinh Tô. Anh chị em có thể có được sự hiểu biết sâu sắc nào về cách để trở nên hòa thuận hơn với người khác?

Xin xem thêm Mô Si A 18:21; 4 Nê Phi 1:15–17; Giáo Lý và Giao Ước 38:23–27; 105:1–5.

1 Cô Rinh Tô 1:17–312

Để hoàn thành công việc của Thượng Đế, tôi cần sự thông sáng của Thượng Đế.

Mặc dù đó là điều tốt—thậm chí được khuyến khích—để tìm kiếm sự khôn ngoan ở bất cứ đâu chúng ta có thể tìm được (xin xem 2 Nê Phi 9:29; Giáo Lý và Giao Ước 88:118), nhưng Phao Lô đã đưa ra một số lời cảnh báo mạnh mẽ về sự khôn ngoan đầy thiếu sót của con người mà ông gọi là “sự khôn ngoan của thế gian này.” Khi anh chị em đọc 1 Cô Rinh Tô 1:17–25, hãy suy ngẫm về cụm từ này có thể có ý nghĩa gì. Anh chị em nghĩ Phao Lô có ý gì khi nói “sự khôn ngoan Đức Chúa Trời”? Tại sao chúng ta cần sự khôn ngoan của Thượng Đế để hoàn thành công việc của Thượng Đế?

Trong nỗ lực của anh chị em để làm tròn những trách nhiệm của mình trong việc hoàn thành công việc của Thượng Đế, anh chị em có bao giờ cảm thấy “yếu đuối … run rẩy lắm” mà Phao Lô đã cảm thấy khi ông giảng dạy các Thánh Hữu Cô Rinh Tô chưa? (1 Cô Rinh Tô 2:3). Anh chị em tìm thấy điều gì trong 1 Cô Rinh Tô 2:1–5 mà mang đến cho anh chị em lòng can đảm? Hãy cân nhắc cách anh chị em có thể cho thấy rằng anh chị em tin cậy vào “quyền năng của Thượng Đế” nhiều hơn “sự khôn ngoan loài người.”

Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 1:17–28.

1 Cô Rinh Tô 2:9–16

Tôi cần Đức Thánh Linh để hiểu những sự việc của Thượng Đế.

Nếu anh chị em muốn học hỏi thêm về một điều gì đó chẳng hạn như cơ khí ô tô hay là kiến trúc trung cổ, thì anh chị em sẽ làm điều đó bằng cách nào? Theo như 1 Cô Rinh Tô 2:9–16, việc học hỏi “những sự việc của Đức Chúa Cha” khác với việc học hỏi “những sự việc của loài người” như thế nào? Tại sao chúng ta phải có Đức Thánh Linh để hiểu những sự việc của Thượng Đế? Sau khi đọc các câu này, anh chị em cảm thấy mình nên làm điều gì để hiểu được những sự việc thuộc linh một cách trọn vẹn hơn? Làm thế nào những lời của Phao Lô có thể giúp một người nào đó đang gặp khó khăn với chứng ngôn của mình?

1 Cô Rinh Tô 6:13–20

Cơ thể của tôi là thiêng liêng.

Hầu hết dân trong thành Cô Rinh Tô đều cảm thấy rằng sự vô luân về mặt tình dục là được chấp nhận và rằng cơ thể của họ được sáng tạo ra chủ yếu là để có được khoái lạc. Nói cách khác, thành Cô Rinh Tô không khác gì với thế gian ngày nay. Phao Lô giảng dạy điều gì trong 1 Cô Rinh Tô 6:13–20 mà có thể giúp giải thích cho những người khác lý do tại sao anh chị em muốn sống một cuộc sống trinh khiết?

Giống như Phao Lô, Chị Wendy W. Nelson đã khuyến khích Các Thánh Hữu hãy trở nên trong trắng; xin xem sứ điệp của bà “Tình Yêu và Hôn Nhân” (Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu, ngày 8 tháng Một năm 2017, broadcasts.ChurchofJesusChrist.org). Theo Chị Nelson, những phước lành nào đến từ việc sống theo các tiêu chuẩn của Chúa về tình yêu thương và sự thân mật thể xác?

1 Cô Rinh Tô 7:29–33

Phao Lô có dạy rằng không kết hôn thì tốt hơn là kết hôn không?

Một vài câu trong 1 Cô Rinh Tô 7 dường như gợi ý rằng mặc dù hôn nhân là đáng hoan nghênh, nhưng việc tiếp tục độc thân và hoàn toàn kiêng cữ các mối quan hệ tình dục thì tốt hơn. Tuy nhiên, Bản dịch Joseph Smith, 1 Cô Rinh Tô 7:29–33 giúp chúng ta hiểu rằng Phao Lô đang nói đến những người được kêu gọi làm những người truyền giáo toàn thời gian, và nhận xét rằng họ có thể phục vụ Thượng Đế hữu hiệu hơn nếu họ tiếp tục độc thân trong khi phục vụ truyền giáo. Chúa đã dạy qua các tôi tớ của Ngài, kể cả Phao Lô, rằng hôn nhân là một phần của kế hoạch của Ngài và cần thiết cho sự tôn cao (xin xem 1 Cô Rinh Tô 11:11; Giáo Lý và Giao Ước 131:1–4).

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

1 Cô Rinh Tô 1:10–17; 3:1–11.Trong khi mọi người trong gia đình anh chị em đọc các câu này, hãy mời họ tìm kiếm một sự hiểu biết sâu sắc mà có thể giúp họ trở nên hòa thuận hơn.

1 Cô Rinh Tô 3:1–2.Anh chị em có thể đọc những câu này trong khi uống sữa và ăn thịt. Anh chị em có thể so sánh cách đứa bé phát triển thành người lớn với cách chúng ta phát triển phần thuộc linh.

1 Cô Rinh Tô 3:4–9.Phao Lô so sánh các nỗ lực truyền giáo của ông với việc gieo hạt giống. Sự so sánh của ông dạy chúng ta điều gì về việc chia sẻ phúc âm?

1 Cô Rinh Tô 6:19–20.Việc so sánh cơ thể chúng ta với đền thờ, như Phao Lô đã làm, có thể là một cách thức hữu hiệu để dạy về sự thánh thiện của cơ thể chúng ta. Có lẽ anh chị em có thể cho thấy ảnh các ngôi đền thờ, chẳng hạn như các đền thờ có kèm theo đại cương này. Tại sao đền thờ là thánh thiện? Cơ thể của chúng ta giống như đền thờ như thế nào? Chúng ta có thể làm gì để đối xử với cơ thể mình như đền thờ?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy kiên nhẫn với bản thân mình. Phao Lô dạy rằng cần uống sữa trước khi ăn thịt khi chúng ta học hỏi phúc âm (xin xem 1 Cô Rinh Tô 3:1–2). Nếu anh chị em thấy rằng một số giáo lý rất khó để hiểu bây giờ, thì hãy kiên nhẫn. Hãy tin cậy rằng câu trả lời sẽ đến khi anh chị em có đức tin và siêng năng học tập.

Hình Ảnh
bốn ngôi đền thờ

Phao Lô so sánh cơ thể chúng ta với sự thánh thiện của đền thờ. Từ phía trên bên trái theo chiều kim đồng hồ: Đền Thờ Tijuana Mexico, Đền Thờ Taipei Taiwan, Đền Thờ Tegucigalpa Honduras, Đền Thờ Houston Texas.

In