Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 28 tháng Tám–Ngày 3 tháng Chín. 1 Cô Rinh Tô 8–13: “Anh Em Là Thân của Đấng Ky Tô”


“Ngày 28 tháng Tám–Ngày 3 tháng Chín. 1 Cô Rinh Tô 8–13: ‘Anh Em Là Thân của Đấng Ky Tô,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 28 tháng Tám–Ngày 3 tháng Chín. 1 Cô Rinh Tô 8–13,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023

Hình Ảnh
lễ Tiệc Thánh

Ngày 28 tháng Tám–Ngày 3 tháng Chín

1 Cô Rinh Tô 8–13

“Anh Em Là Thân của Đấng Ky Tô”

Khi anh chị em thành tâm đọc 1 Cô Rinh Tô 8–13, Đức Thánh Linh có thể phán cùng anh chị em qua những cách thức tinh tế (xin xem 1 Các Vua 19:11–12). Việc ghi lại những ấn tượng này sẽ giúp anh chị em nhớ lại những cảm giác và ý nghĩ mình đã có trong khi học.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Trong thời của Phao Lô, thành Cô Rinh Tô là một trung tâm buôn bán giàu có với cư dân từ khắp nơi trong Đế Quốc La Mã. Với rất nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau trong thành phố, các tín hữu Giáo Hội ở thành Cô Rinh Tô vật lộn với việc duy trì sự hòa thuận, vì thế Phao Lô đã tìm cách giúp họ tìm thấy sự hòa thuận trong niềm tin của họ nơi Đấng Ky Tô. Sự hòa thuận này còn phải hơn cả việc chung sống hòa bình; Phao Lô không yêu cầu họ chỉ chịu đựng sự khác biệt của nhau. Thay vì thế, ông dạy rằng khi ta gia nhập Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, thì ta “chịu phép báp têm … để hiệp làm một thân,” và mọi bộ phận của cơ thể đều cần thiết (1 Cô Rinh Tô 12:13). Khi một tín hữu lạc lối, giống như bị mất chân tay, thì kết quả là cơ thể trở nên yếu hơn. Khi một tín hữu đau khổ, chúng ta đều nên cảm thấy đau khổ và làm phần vụ của mình để giúp người ấy được khuây khỏa. Trong loại hòa thuận này, những khác biệt không chỉ được thừa nhận mà còn được trân quý, bởi vì nếu không có những ân tứ và khả năng đa dạng của các tín hữu, thì Giáo Hội sẽ bị giới hạn. Vì vậy dù anh chị em cảm thấy luôn luôn thoải mái khi thuộc vào Giáo Hội hay là đang tự hỏi mình có thực sự thuộc vào Giáo Hội không, thì sứ điệp của Phao Lô dành cho anh chị em là sự hòa thuận không có nghĩa là giống như nhau. Anh chị em cần những người đồng Thánh Hữu với mình, và những người đồng Thánh Hữu cần anh chị em.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

1 Cô Rinh Tô 10:1–13

Thượng Đế cung ứng một cách thức để thoát khỏi sự cám dỗ.

Những kinh nghiệm thuộc linh, thậm chí cả những kinh nghiệm phi thường, cũng không làm cho chúng ta được miễn khỏi những cám dỗ mà “quá sức loài người” (1 Cô Rinh Tô 10:13). Đó có lẽ là một lý do tại sao Phao Lô viết về cách dân Y Sơ Ra Ên trong thời Môi Se đã vật lộn với cám dỗ, mặc dù họ đã chứng kiến nhiều phép lạ phi thường (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 13:21; 14:13–31). Trong khi anh chị em đọc 1 Cô Rinh Tô 10:1–13, những lời cảnh báo nào trong những kinh nghiệm của dân Y Sơ Ra Ên dường như áp dụng cho anh chị em? Cha Thiên Thượng đã cung ứng cho anh chị em những cách nào để được “miễn” khỏi cám dỗ? (xin xem thêm An Ma 13:27–30; 3 Nê Phi 18:18–19).

1 Cô Rinh Tô 10:16–17; 11:16–30

Lễ Tiệc Thánh đoàn kết chúng ta với tư cách là các tín hữu của Giáo Hội của Đấng Ky Tô.

Mặc dù Tiệc Thánh gồm có một sự cam kết riêng tư giữa anh chị em và Chúa, giáo lễ này cũng là một kinh nghiệm mà chúng ta chia sẻ với người khác. Chúng ta hầu như luôn luôn dự phần Tiệc Thánh cùng với nhau, với tư cách là nhóm các Thánh Hữu. Hãy đọc điều Phao Lô đã dạy về Tiệc Thánh, và nghĩ về cách giáo lễ thiêng liêng này có thể giúp “nhiều người” trở thành “một” trong Đấng Ky Tô (1 Cô Rinh Tô 10:17). Việc dự phần Tiệc Thánh giúp anh chị em cảm thấy gần gũi hơn với Đấng Ky Tô và những tín đồ khác như thế nào? Những câu này ảnh hưởng như thế nào đến những cảm nghĩ của anh chị em về Tiệc Thánh và cách anh chị em chuẩn bị cho Tiệc Thánh?

1 Cô Rinh Tô 11:11

Trong kế hoạch của Thượng Đế, những người nam và người nữ cần đến nhau.

Trong 1 Cô Rinh Tô 11:4–15, Phao Lô đề cập đến các phong tục văn hóa mà chúng ta không tuân theo ngày nay. Tuy nhiên, Phao Lô cũng đã dạy một lẽ thật quan trọng mà áp dụng cho thời vĩnh cửu, được tìm thấy trong câu 11. Anh chị em nghĩ câu này có nghĩa là gì, và tại sao câu này là quan trọng? Anh Cả David A. Bednar đã dạy:” Người nam và người nữ đều nhằm mục đích để học hỏi, củng cố, ban phước, và bổ sung lẫn nhau.” (“Chúng Tôi Tin ở Sự Trinh Khiết,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 42). Lẽ thật này nên ảnh hưởng đến hôn nhân như thế nào? Điều này ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta phục vụ trong Giáo Hội?

Xin xem thêm Jean B. Bingham, “Hiệp Một trong Công Việc của Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 60–63.

1 Cô Rinh Tô 12–13

Các ân tứ thuộc linh được ban cho nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các con cái của Cha Thiên Thượng.

Bản liệt kê các ân tứ thuộc linh trong 1 Cô Rinh Tô 12–13 thì không đầy đủ. Nhưng đó là một nơi lý tưởng để bắt đầu khi anh chị em nhận ra và suy ngẫm về những ân tứ thuộc linh mà Cha Thiên Thượng ban cho anh chị em. Khi anh chị em đọc bản liệt kê các ân tứ của Phao Lô, anh chị em có thể thêm một số những ân tứ mà anh chị em nhận thấy nơi những người khác, nơi bản thân mình, hoặc nơi những người trong thánh thư. Nếu anh chị em có phước lành tộc trưởng, thì nó có thể đề cập đến một số ân tứ thuộc linh của anh chị em. Làm thế nào các ân tứ này giúp anh chị em ban phước cho người khác? Hãy cân nhắc cách anh chị em có thể tìm kiếm “sự ban cho lớn hơn hết” (1 Cô Rinh Tô 12:31).

Xin xem thêm 1 Cô Rinh Tô 14; Mô Rô Ni 10:8–21, 30; Giáo Lý và Giao Ước 46:8–26; Những Tín Điều 1:7.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

1 Cô Rinh Tô 9:24–27.Vì Phao Lô so sánh việc sống theo phúc âm với chạy đua, anh chị em có thể tổ chức một cuộc đua trong gia đình để minh họa ý của ông. Trao cho mỗi người hoàn tất cuộc đua một cái vương miện, và thảo luận cách tất cả những ai kiên trì noi theo Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc đời này sẽ thắng giải thưởng “không hay hư nát” (1 Cô Rinh Tô 9:25; xin xem thêm 2 Ti Mô Thê 4:7–8). Người chạy bộ làm gì để chuẩn bị cho một cuộc đua? Chúng ta có thể làm gì để chuẩn bị trở về với Cha Thiên Thượng?

Hình Ảnh
người chạy trên đường chạy

Phao Lô so sánh việc sống theo phúc âm với chạy đua.

1 Cô Rinh Tô 12:1–11.Sau khi cùng nhau đọc các câu này, hãy cân nhắc đưa cho mỗi người một tờ giấy có ghi ở trên cùng tên của một người khác trong gia đình. Yêu cầu mọi người liệt kê các ân tứ thuộc linh mà họ nhận thấy ở người đó. Sau đó anh chị em có thể chuyền tờ giấy đó theo một vòng cho đến khi mọi người đều đã có cơ hội để ghi về ân tứ của mỗi người trong gia đình.

1 Cô Rinh Tô 12:3.Tại sao Đức Thánh Linh là cần thiết để đạt được một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô? Chúng ta có thể làm gì để mời gọi Đức Thánh Linh để củng cố chứng ngôn của chúng ta nơi Ngài?

1 Cô Rinh Tô 12:12–27.Phép loại suy của Phao Lô về cơ thể có thể là một cách thức đáng nhớ để thảo luận về sự đoàn kết trong gia đình. Chẳng hạn, mọi người trong gia đình có thể thử vẽ hình người chỉ có mắt hoặc tai (xin xem câu 17). Các câu này gợi ý những điều gì về cách chúng ta, là những người trong gia đình, nên đối xử với nhau?

1 Cô Rinh Tô 13:4–8.Định nghĩa của Phao Lô về lòng bác ái có thể là một câu châm ngôn đầy soi dẫn cho gia đình anh chị em. Anh chị em có thể chỉ định mỗi người trong gia đình học một cụm từ trong các câu 4–8 và dạy những người khác trong gia đình ý nghĩa của cụm từ đó bằng cách sử dụng các định nghĩa, ví dụ, và kinh nghiệm cá nhân. Đấng Cứu Rỗi là một tấm gương về các đặc tính này như thế nào? Anh chị em cũng có thể cùng nhau làm những tấm bích chương cho mỗi cụm từ này và trưng bày khắp nhà. Hãy sáng tạo!

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy của Chúng Ta

Hãy trưng bày một câu thánh thư. Trưng bày một câu anh chị em thấy có ý nghĩa ở chỗ mà mọi người trong gia đình sẽ thấy thường xuyên. Mời những người khác trong gia đình thay phiên nhau chọn ra một câu thánh thư để trưng bày.

Hình Ảnh
lễ Tiệc Thánh

“Cái bánh mà chúng ta bẻ, há chẳng phải là thông với thân thể của Đấng Ky Tô sao? Vì chỉ có một cái bánh, cũng chỉ một thân thể” (1 Cô Rinh Tô 10:16–17).

In