Ngày 11–17 tháng Chín. 2 Cô Rinh Tô 1–7: ‘Hãy Hòa Thuận Lại với Đức Chúa Trời,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)
“Ngày 11–17 tháng Chín. 2 Cô Rinh Tô 1–7,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023
Ngày 11–17 tháng Chín
2 Cô Rinh Tô 1–7
“Hãy Hòa Thuận Lại với Đức Chúa Trời”
Trong khi anh chị em học các bức thư của Phao Lô gửi tới người Cô Rinh Tô, hãy viết xuống một số nguyên tắc phúc âm anh chị em khám phá ra và suy ngẫm cách anh chị em có thể áp dụng chúng trong cuộc sống mình.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Đôi khi, là một người lãnh đạo Giáo Hội có nghĩa là phải nói một số điều khó nói. Điều này đúng trong thời của Phao Lô cũng như trong thời nay. Rõ ràng là trong một bức thư trước đây mà Phao Lô đã gửi cho các Thánh Hữu Cô Rinh Tô có chứa lời khiển trách và làm chạm lòng tự ái. Trong bức thư mà trở thành 2 Cô Rinh Tô, ông cố gắng giải thích điều gì đã thúc đẩy những lời lẽ khắt khe của ông: “Ấy là đương trong cơn khốn nạn lớn, tấm lòng quặn thắt, nước mắt dầm dề, mà tôi đã viết thơ cho anh em, nào phải để cho anh em âu sầu, nhưng để làm cho anh em biết tình yêu dấu riêng của tôi đối với anh em vậy” (2 Cô Rinh Tô 2:4). Khi anh chị em được một vị lãnh đạo sửa chỉnh, chắc chắn là hữu ích để biết rằng điều đó được soi dẫn bởi tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô. Và thậm chí trong những trường hợp không phải như thế, nếu chúng ta sẵn sàng nhìn người khác với cùng tình yêu thương mà Phao Lô đã cảm thấy, thì sẽ dễ dàng hơn để phản ứng một cách đúng đắn với bất kỳ sự xúc phạm nào. Như Anh Cả Jeffrey R. Holland đã khuyên: “Hãy tử tế đối với sự yếu đuối của con người—sự yếu đuối của riêng các anh chị em cũng như sự yếu đuối của những người phục vụ trong một Giáo Hội được những người trần thế tình nguyện lãnh đạo. Ngoại trừ trường hợp của Con Trai Độc Sinh hoàn hảo của Ngài, Thượng Đế đã phải làm việc với những người không hoàn hảo” (“Thưa Chúa, Tôi Tin,” Liahona, tháng Năm năm 2013,trang 94).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
2 Cô Rinh Tô 1:3–7; 4:6–10, 17–18; 7:4–7
Những thử thách của tôi có thể là một phước lành.
Với tất cả những gì Phao Lô đã gặp phải trong cuộc đời của ông, thì không có gì đáng ngạc nhiên khi ông viết nhiều về các mục đích và phước lành của sự đau khổ. Khi anh chị em đọc 2 Cô Rinh Tô 1:3–7; 4:6–10, 17–18; 7:4–7, hãy nghĩ về những cách mà thử thách của anh chị em có thể là một phước lành. Ví dụ, anh chị em có thể suy ngẫm cách Thượng Đế “yên ủi [anh chị em] trong mọi sự khốn nạn [của anh chị em]” và làm thế nào anh chị em có thể, khi đến lúc, “yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp” (2 Cô Rinh Tô 1:4). Hoặc anh chị em có thể tập trung vào cách mà ánh sáng của Chúa Giê Su Ky Tô “đã chói lòa” trong lòng mình, ngay cả khi anh chị em “bị ép” và “bị túng thế” (2 Cô Rinh Tô 4:6, 8).
Xin xem thêm Mô Si A 24:13–17; Henry B. Eyring, “Được Thử Thách, Chứng Tỏ và Trui Rèn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 96–99.
Sự tha thứ là một phước lành mà tôi có thể vừa trao đi lẫn nhận được.
Chúng ta không biết nhiều về người đàn ông mà Phao Lô đã đề cập đến trong 2 Cô Rinh Tô 2:5–11—chỉ biết rằng người ấy đã phạm tội (xin xem các câu 5–6) và rằng Phao Lô muốn các Thánh Hữu tha thứ cho ông (xin xem các câu 7–8). Tại sao đôi khi chúng ta không thể “bày tỏ lòng yêu thương [của mình] đối với” một người thân yêu làm tổn thương chúng ta? (câu 8). Làm thế nào việc không tha thứ có thể làm hại người khác và bản thân chúng ta? (xin xem các câu 7, 10–11). Làm thế nào việc không tha thứ giúp “Sa Tan thắng chúng ta”? (câu 11).
Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 64:9–11.
Qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi có thể được hòa giải với Thượng Đế.
Cũng như mọi người khác, Phao Lô biết trở thành “người dựng nên mới” thì như thế nào (2 Cô Rinh Tô 5:17). Từ một kẻ ngược đãi các Ky Tô hữu ông đã trở thành một người dũng cảm bênh vực cho Đấng Ky Tô. Khi anh chị em đọc 2 Cô Rinh Tô 5:14–21, hãy nghĩ về những câu hỏi như sau: Hòa giải có nghĩa là gì? Hòa giải với Thượng Đế có nghĩa là gì? Suy ngẫm về điều gì có thể làm cho anh chị em rời xa Thượng Đế. Anh chị em phải làm gì để được trở nên hòa thuận trọn vẹn hơn với Ngài? Làm thế nào Đấng Cứu Rỗi làm cho điều đó khả thi?
Anh chị em cũng có thể suy ngẫm ý nghĩa của việc trở thành “chức khâm sai của Đấng Ky Tô” trong “chức vụ giảng hòa” (các câu 18, 20). Anh chị em đạt được những hiểu biết sâu sắc nào từ sứ điệp “Chức Vụ Giảng Hòa”? của Anh Cả Jeffrey R. Holland (Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 77–79).
Xin xem thêm 2 Nê Phi 10:23–25.
Nỗi buồn rầu theo ý Chúa dẫn đến sự hối cải.
Chúng ta thường không nghĩ tới nỗi buồn rầu là một điều tốt, nhưng Phao Lô nói về “nỗi buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời” (2 Cô Rinh Tô 7:10) là một phần quan trọng của sự hối cải. Hãy xem xét điều anh chị em học được về nỗi buồn rầu theo ý Chúa từ những điều sau đây: 2 Cô Rinh Tô 7:8–11; An Ma 36:16–21; Mặc Môn 2:11–15; và sứ điệp của Chị Michelle D. Craig “Chưa Hài Lòng về Nếp Sống Thuộc Linh của Mình” (Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 52–55). Các anh chị em đã khi nào cảm thấy nỗi buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời chưa, và điều đó có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của anh chị em?
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
2 Cô Rinh Tô 3:1–3.Có ai trong gia đình anh chị em từng yêu cầu một người nào đó viết một bức thư giới thiệu cho họ chưa, chẳng hạn như cho một công việc làm hoặc đơn xin nhập học? Hãy mời họ nói về kinh nghiệm này. Phao Lô dạy rằng cuộc sống của các Thánh Hữu giống như bức thư giới thiệu cho phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, “chẳng phải viết bằng mực, nhưng bằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống.” Khi anh chị em đọc 2 Cô Rinh Tô 3:1–3 cùng với nhau, hãy thảo luận về cách tấm gương của chúng ta giống như bức thư “mọi người đều [có thể] biết và đều đọc,” cho thấy lẽ thật và giá trị của phúc âm. Có lẽ mỗi người trong gia đình có thể viết một bức thư hoặc “thơ gởi gắm” giải thích cách một người khác trong gia đình đã là một tấm gương môn đồ sáng ngời của Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào. Họ có thể đọc thư của họ cho gia đình nghe và đưa lá thư đó cho người mà họ đã viết. Tại sao là điều quan trọng để hiểu rằng cuộc sống của chúng ta là một “bức thơ của Đấng [Ky Tô]”?
-
2 Cô Rinh Tô 5:6–7.“Bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy” có nghĩa là gì? Chúng ta đang làm gì để cho thấy rằng chúng ta tin nơi Đấng Cứu Rỗi mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy Ngài?
-
2 Cô Rinh Tô 5:17.Gia đình anh chị em có thể nghĩ tới—hoặc tìm ra—những ví dụ trong thiên nhiên về những sinh vật mà trải qua sự chuyển đổi phi thường và trở thành những sinh vật mới không? (xin xem bức hình ở cuối đại cương này). Làm thế nào phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có thể thay đổi chúng ta?
-
2 Cô Rinh Tô 6:1–10.Theo như 2 Cô Rinh Tô 6:1–10, việc trở thành “kẻ hầu việc Đức Chúa Trời” có nghĩa là gì? (câu 4). Một kẻ hầu việc của Thượng Đế có những đức tính nào?
-
2 Cô Rinh Tô 6:14–18.Làm thế nào chúng ta có thể tuân theo lời khuyên của Phao Lô, “hãy ra khỏi giữa [những người bất chính], hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó” trong khi vẫn yêu thương những người xung quanh?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.