“Ngày 18–24 tháng Chín. 2 Cô Rinh Tô 8–13: ‘Đức Chúa Trời Yêu Kẻ Thí Của Cách Vui Lòng,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)
“Ngày 18–24 tháng Chín. 2 Cô Rinh Tô 8–13,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023
Ngày 18–24 tháng Chín
2 Cô Rinh Tô 8–13
“Đức Chúa Trời Yêu Kẻ Thí Của cách Vui Lòng”
Việc ghi lại những ấn tượng thuộc linh sẽ giúp anh chị em ghi nhớ điều mình học được trong khi nghiên cứu thánh thư. Anh chị em có thể viết vào nhật ký ghi chép việc học tập, ghi chú vào bên lề trang thánh thư, và ghi chú trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm, hoặc ghi âm những ý nghĩ của anh chị em.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Anh chị em sẽ làm gì nếu anh chị em nghe thấy một giáo đoàn Các Thánh Hữu ở một khu vực khác đang rơi vào cảnh nghèo khó? Đây là tình huống mà Phao Lô mô tả cho các Thánh Hữu Cô Rinh Tô trong 2 Cô Rinh Tô 8–9. Ông hy vọng thuyết phục các Thánh Hữu Cô Rinh Tô hiến tặng một số của cải của họ cho các Thánh Hữu đang hoạn nạn. Nhưng hơn cả một lời yêu cầu để hiến tặng, những lời của Phao Lô cũng chứa đựng các lẽ thật sâu sắc về việc ban phát: “Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn nàn hay là vì ép uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng” (2 Cô Rinh Tô 9:7). Trong thời của chúng ta, vẫn có Các Thánh Hữu trên khắp thế giới đang cần giúp đỡ. Đôi khi điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho họ là nhịn ăn và hiến tặng của lễ nhịn ăn. Trong những trường hợp khác, sự ban phát của chúng ta có thể trực tiếp và riêng tư hơn. Bất kể chúng ta hy sinh bằng cách nào, thì rất đáng để xem xét động lực của chúng ta để ban phát. Những hy sinh của chúng ta có phải là sự bày tỏ tình yêu thương không? Cuối cùng thì chính là tình yêu thương làm cho một người ban phát cảm thấy mừng vui.
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Tôi có thể vui mừng chia sẻ những gì mình có để ban phước cho người nghèo khó và hoạn nạn.
Có rất nhiều người hoạn nạn trên khắp thế giới. Làm thế nào tôi có thể tạo ra một sự khác biệt? Anh Cả Jeffrey R. Holland đưa ra lời khuyên bảo này: “Dù giàu hay nghèo, chúng ta cũng phải ‘làm điều chúng ta có thể làm’ khi những người khác đang hoạn nạn [xin xem Mác 14:6, 8]. … [Thượng Đế] sẽ giúp đỡ và hướng dẫn các anh chị em trong các hành động trắc ẩn của người môn đồ nếu các anh chị em tận tình mong muốn và cầu nguyện cùng tìm cách để tuân giữ một giáo lệnh mà Ngài đã nhiều lần ban cho chúng ta” (“Chẳng Phải Chúng Ta Toàn Là Những Kẻ Hành Khất Cả Hay Sao?,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 41).
Hãy đọc 2 Cô Rinh Tô 8:1–15; 9:6–15, ghi chú các nguyên tắc mà Phao Lô đã dạy về việc chăm sóc cho người nghèo khó và hoạn nạn. Điều gì soi dẫn anh chị em về lời khuyên bảo của Phao Lô? Anh chị em có thể cầu nguyện để được hướng dẫn về điều mình có thể làm để ban phước cho những người hoạn nạn. Hãy chắc chắn ghi xuống bất cứ ấn tượng nào anh chị em nhận được và hành động theo ấn tượng đó.
Xin xem thêm Mô Si A 4:16–27; An Ma 34:27–29; Russell M. Nelson, “Giáo Lệnh LớnThứ Hai,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 96–100; Henry B. Eyring, “Há Chẳng Phải Là Sự Kiêng Ăn Mà Ta Chọn Lựa Hay Sao?,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 22–25.
2 Cô Rinh Tô 11:1–6, 13–15; 13:5–9
“Chính anh em hãy tự xét để xem mình có đức tin chăng.”
Ngày nay, cũng như trong thời của Phao Lô, có những người tìm cách dẫn dắt chúng ta ra xa khỏi “lòng thật thà tinh sạch đối với Đấng Ky Tô” (2 Cô Rinh Tô 11:3). Vì lý do đó, thật thiết yếu để làm điều mà Phao Lô đã đề nghị: “Hãy tự xét để xem mình có đức tin chăng” (2 Cô Rinh Tô 13:5). Anh chị em có thể bắt đầu tiến trình này bằng cách nghĩ về ý nghĩa của việc “có đức tin.” Làm thế nào anh chị em biết được mình có đức tin không? Hãy tìm kiếm những cơ hội mà anh chị em có để đánh giá bản thân mình.
Là một phần trong sự đánh giá của mình, anh chị em cũng có thể suy ngẫm cụm từ “lòng thật thà tinh sạch đối với Đấng Ky Tô” (2 Cô Rinh Tô 11:3). Anh chị em đã tìm thấy sự giản dị trong Đấng Ky Tô và phúc âm của Ngài như thế nào? Tâm trí anh chị em có thể “dời đổi lòng thật thà tinh sạch” đó như thế nào? Anh chị em tìm thấy lời khuyên hữu ích nào trong 2 Cô Rinh Tô 11:1–6, 13–15?
Cũng hãy cân nhắc lời khuyên bảo này từ Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf: “Nếu các anh chị em có bao giờ nghĩ rằng phúc âm không mang lại lợi ích nhiều cho mình, thì tôi mời các anh chị em hãy lùi lại, nhìn vào cuộc sống của mình, và đơn giản hóa phương thức của mình đối với vai trò môn đồ. Hãy tập trung vào các giáo lý cơ bản, nguyên tắc, và cách áp dụng của phúc âm. Tôi hứa rằng Thượng Đế sẽ hướng dẫn và ban phước cho các anh chị em trên con đường dẫn tới một cuộc đời đầy ý nghĩa, và nhất định phúc âm sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho các anh chị em” (“Phúc Âm Rất Có Lợi Ích!,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 22).
Ân điển của Đấng Cứu Rỗi là đủ để giúp tôi tìm thấy sức mạnh trong sự yếu kém của tôi.
Chúng ta không biết “cái giằm xóc vào thịt” của Phao Lô là gì, nhưng tất cả chúng ta đều có những cái dằm của riêng mình mà chúng ta mong muốn Thượng Đế sẽ bỏ ra khỏi cuộc sống của mình. Hãy nghĩ về cái giằm của anh chị em khi anh chị em đọc 2 Cô Rinh Tô 12:5–10, và suy ngẫm điều anh chị em học được về Chúa Giê Su Ky Tô trong những câu này. Phao Lô đã giảng dạy điều gì trong các câu này về những thử thách và yếu kém? “Ân điển của Thượng Đế là đủ” cho anh chị em có nghĩa gì đối với anh chị em?
Xin xem thêm Mô Si A 23:21–24; 24:10–15; Ê The 12:27; Mô Rô Ni 10:32–33.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
2 Cô Rinh Tô 8–9.Chúng ta tìm thấy điều gì trong các chương này mà soi dẫn chúng ta để tìm đến những người nghèo khó và những người hoạn nạn? Đây có thể là lúc thích hợp để hoạch định một hành động phục vụ với cả gia đình mình cho một người nào đó đang hoạn nạn.
-
2 Cô Rinh Tô 9:6–7.Gia đình anh chị em có biết người nào đó mà có thể được mô tả là “kẻ thí của cách vui lòng” không? Làm thế nào chúng ta có thể làm cho sự phục vụ của mình dành cho người khác được vui vẻ hơn? Các thành viên nhỏ tuổi trong gia đình có thể làm những huy hiệu có ghi “Tôi là một người thí của cách vui lòng.” Anh chị em có thể trao huy hiệu này cho mọi người trong gia đình bất cứ khi nào anh chị em thấy họ vui vẻ phục vụ lẫn nhau.
-
2 Cô Rinh Tô 10:3–7.Làm thế nào anh chị em có thể giảng dạy gia đình mình về “chiến tranh” của mình chống lại sự tà ác? Gia đình anh chị em có thích dựng tường thành hay đồn lũy bằng ghế và chăn mền không? Điều này có thể dẫn đến một cuộc thảo luận về cách thức để đánh đổ những sự việc mà dẫn dắt chúng ta xa rời Thượng Đế và cách để “bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Ky Tô.” “Những khí giới” thuộc linh nào chúng ta sử dụng để kiểm soát ý nghĩ của mình? (xin xem Ê Phê Sô 6:11–18).
-
2 Cô Rinh Tô 11:3.Gia đình anh chị em có thể làm gì để tập trung hơn vào “lòng thật thà tinh sạch đối với Đấng [Ky Tô]”?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.