Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 16–22 tháng Mười. 1 và 2 Tê Sa Lô Ni Ca: “Gia Thêm Cho Đức Tin Anh Em Điều Chi Còn Kém”


Ngày 16–22 tháng Mười. 1 và 2 Tê Sa Lô Ni Ca: ‘Gia Thêm Cho Đức Tin Anh Em Điều Chi Còn Kém,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 16–22 tháng Mười. 1 và 2 Tê Sa Lô Ni Ca,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023

các chị truyền giáo đang trò chuyện với một người thanh niên

Ngày 16–22 tháng Mười

1 và 2 Tê Sa Lô Ni Ca

“Gia Thêm Cho Đức Tin Anh Em Điều Chi Còn Kém”

Nếu chúng ta không ghi lại những ấn tượng mình nhận được từ Thánh Linh, thì chúng ta có thể quên chúng. Thánh Linh thúc giục anh chị em ghi xuống điều gì khi anh chị em đọc 12 Tê Sa Lô Ni Ca?

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Ở Tê Sa Lô Ni Ca, Phao Lô và Si La bị buộc tội là “đã gây thiên hạ nên loạn lạc” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:6). Sự thuyết giảng của họ làm một số lãnh đạo ở giữa dân Do Thái tức giận, và các lãnh đạo này khuấy động làm dân chúng náo động (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 17:1–10). Kết quả là Phao Lô và Si La được khuyên rằng nên rời khỏi Tê Sa Lô Ni Ca. Phao Lô lo lắng về những người Tê Sa Lô Ni Ca mới cải đạo và sự ngược đãi họ đang phải đương đầu, nhưng ông không thể nào trở lại thăm họ được. Ông viết: “Không thể đợi lâu hơn nữa, nên tôi đã sai Ti Mô Thê đi, để cho biết đức tin anh em ra làm sao.” Để đáp lại, Ti Mô Thê, người phụ tá của Phao Lô, là người đã phục vụ ở Tê Sa Lô Ni Ca, “có thuật cho chúng tôi tin tốt về đức tin cùng lòng yêu thương của anh em” (1 Tê Sa Lô Ni Ca 3:5–6). Thật ra, các Thánh Hữu Tê Sa Lô Ni Ca được biết đến là những tấm gương “cho hết thảy tín đồ” (1 Tê Sa Lô Ni Ca 1:7), và tin đồn về đức tin của họ đã được lan truyền khắp các thành phố ngoại bang. Hãy tưởng tượng niềm vui và sự khuây khỏa của Phao Lô khi nghe rằng công việc của ông giữa họ “chẳng phải là vô ích” (1 Tê Sa Lô Ni Ca 2:1). Nhưng Phao Lô biết rằng sự trung tín trong quá khứ thì không đủ cho sự sống còn phần thuộc linh trong tương lai, và ông đề phòng ảnh hưởng của các thầy giảng giả ở giữa các Thánh Hữu (xin xem 2 Tê Sa Lô Ni Ca 2:2–3). Sứ điệp của ông dành cho họ, và cho chúng ta, là hãy tiếp tục “gia thêm cho đức tin [chúng ta] còn kém” và “hằng tỏ lòng yêu thương đó thêm mãi” (xin xem 1 Tê Sa Lô Ni Ca 3:10; 4:10).

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

1 Tê Sa Lô Ni Ca 1–2

Các môn đồ của Đấng Ky Tô phục vụ người khác với lòng chân thành và tình yêu thương.

Trong 1 Tê Sa Lô Ni Ca, những lời của Phao Lô cho thấy nỗi lo lắng và niềm vui của một người đã hiến dâng trọn bản thân mình để phục vụ con cái của Thượng Đế. Đặc biệt trong hai chương đầu của 1 Tê Sa Lô Ni Ca, anh chị em sẽ tìm thấy những từ và cụm từ mô tả thái độ và hành động của một môn đồ của Chúa. Ví dụ, anh chị em học được điều gì từ 1 Tê Sa Lô Ni Ca 1:5–8; 2:1–13 về việc phục vụ Chúa?

Hãy nghĩ về cơ hội của riêng anh chị em để phục vụ Thượng Đế và con cái của Ngài. Anh chị em tìm thấy điều gì trong các chương này mà soi dẫn anh chị em cải thiện sự phục vụ của mình? Hãy cân nhắc việc tự hỏi bản thân những câu hỏi dựa trên điều anh chị em tìm thấy, chẳng hạn như “Tôi có phải là một tấm gương về những điều tôi biết không?” (xin xem 1 Tê Sa Lô Ni Ca 1:7).

1 Tê Sa Lô Ni Ca 3:7–13; 4:1–12

“Thêm và đầy lòng yêu thương.”

Phao Lô vui mừng về sự trung tín của các Thánh Hữu ở Tê Sa Lô Ni Ca (xin xem 1 Tê Sa Lô Ni Ca 3:7–9). Nhưng ông cũng muốn họ “càng ngày càng chan chứa hơn” trong sự trung tín đó (1 Tê Sa Lô Ni Ca 4:1). Khi anh chị em đọc 1 Tê Sa Lô Ni Ca 3:7–13; 4:1–12, hãy suy ngẫm những cách thức anh chị em có thể “thêm mãi” về phần thuộc linh (1 Tê Sa Lô Ni Ca 4:10). Ví dụ, hãy lưu ý rằng Phao Lô đã sử dụng những từ như “nên thánh” và “thánh sạch.” Anh chị em học được điều gì từ những lời của Phao Lô về ý nghĩa của những từ này? Làm thế nào Đấng Cứu Rỗi có thể giúp anh chị em nên thánh và thánh sạch hơn?

Xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Thánh Thiện, Sự,” “Thánh Hóa,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org.

1 Tê Sa Lô Ni Ca 4:16–18; 5:1–10; 2 Tê Sa Lô Ni Ca 1:4–10

Nếu tôi trung tín và cảnh giác, tôi sẽ sẵn sàng cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.

Trong 1 Tê Sa Lô Ni Ca 5:1–10, Phao Lô sử dụng một vài phép ẩn dụ để giảng dạy về thời gian Chúa Giê Su sẽ trở lại thế gian. Khi anh chị em học các phép ẩn dụ này, hãy cân nhắc việc viết xuống những ấn tượng đến với mình về Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô:

  • “Kẻ trộm trong ban đêm”:

  • “Sự đau đớn xảy đến cho người đàn bà có nghén”:

  • Những phép ẩn dụ khác anh chị em tìm được:

Có những lẽ thật nào nữa anh chị em học được từ 1 Tê Sa Lô Ni Ca 4:16–18; 5:1–10; 2 Tê Sa Lô Ni Ca 1:4–10? Anh chị em được thúc giục để làm điều gì để mong ngóng và chuẩn bị cho ngày tái lâm của Đấng Cứu Rỗi?

Xin xem thêm D. Todd Christofferson, “Chuẩn Bị cho Sự Trở Lại của Chúa,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 81–84.

2 Tê Sa Lô Ni Ca 2

Sự bội giáo, hoặc rời bỏ lẽ thật, đã được tiên tri là sẽ đến trước Ngày Tái Lâm.

Giữa những nghịch cảnh càng ngày càng gia tăng, nhiều Thánh Hữu Tê Sa Lô Ni Ca tin rằng Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi chắc hẳn đang gần kề. Nhưng Phao Lô biết rằng trước khi Chúa Giê Su trở lại thế gian, sẽ có tình trạng bội giáo—sự nổi loạn hoặc “bỏ đạo” khỏi lẽ thật (xin xem 2 Tê Sa Lô Ni Ca 2:1–4). Anh chị em có thể hiểu rõ hơn về Sự Đại Bội Giáo—và càng thêm biết ơn Sự Phục Hồi—bằng cách suy ngẫm những điều sau đây:

  • Các câu thánh thư tiên đoán về Sự Bội Giáo: Ê Sai 24:5; A Mốt 8:11–12; Ma Thi Ơ 24:4–14; 2 Ti Mô Thê 4:3–4

  • Các câu thánh thư cho thấy Sự Bội Giáo đã bắt đầu trong thời Phao Lô: Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28–30; Ga La Ti 1:6–7; 1 Ti Mô Thê 1:5–7

  • Những lời nhận xét về Sự Đại Bội Giáo được đưa ra bởi các nhà cải cách Ky Tô hữu:

    Martin Luther: “Tôi đã không tìm cách làm bất cứ việc gì ngoài việc cải cách Giáo Hội đúng theo như Các Thánh Thư. … Tôi chỉ nói rằng Ky Tô giáo không còn tồn tại giữa những người cần phải bảo tồn nó” (trong E. G. Schweibert, Luther and His Times: The Reformation from a New Perspective [năm 1950], trang 590).

    Roger Williams: “Sự bội giáo … đã làm suy đồi tất cả các giáo hội (Ky Tô Giáo) đến một mức độ không thể nào khôi phục được khỏi sự bội giáo đó cho đến khi Đấng Ky Tô gửi đến các sứ đồ mới để thiết lập các giáo hội mới” (trong Philip Schaff, The Creeds of Christendom [năm 1877], trang 851).

Xin xem thêm 2 Nê Phi 28.

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

1 Tê Sa Lô Ni Ca 3:9–13.Điều gì gây ấn tượng với anh chị em về những cảm nghĩ của Phao Lô dành cho các bạn của ông? Làm thế nào chúng ta có thể “thêm và đầy lòng yêu thương đối với nhau”? (câu 12).

1 Tê Sa Lô Ni Ca 4:13–18.Các cụm từ nào trong các câu này về Sự Phục Sinh mang đến cho anh chị em sự an ủi?

1 Tê Sa Lô Ni Ca 5:14–25.Khi anh chị em xem lại lời khuyên của Phao Lô trong 1 Tê Sa Lô Ni Ca 5:14–25, hãy mời mỗi người trong gia đình tìm một cụm từ mà gia đình có thể tập trung vào. Hãy tìm những cách thức sáng tạo để trưng bày những cụm từ này trong nhà của anh chị em như là một điều nhắc nhở. Ví dụ, mỗi người có thể tìm hoặc vẽ tranh để minh họa hoặc nhấn mạnh cụm từ mà người ấy đã chọn.

2 Tê Sa Lô Ni Ca 3:13.Chúng ta có bao giờ cảm thấy “chán mệt làm sự lành”—bị quá tải, có lẽ bởi những đòi hỏi của vai trò môn đồ không? Điều gì giúp chúng ta khi chúng ta cảm thấy như vậy? (Xin xem Ga La Ti 6:9; Giáo Lý và Giao Ước 64:33.) Làm thế nào chúng ta có thể hỗ trợ lẫn nhau khi điều này xảy ra?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy tìm kiếm sự mặc khải hằng ngày. “Sự mặc khải thường đến ‘từng hàng chữ một’ (2 Nê Phi 28:30), chứ không phải tất cả cùng một lúc. … Đừng nghĩ về [việc học phúc âm] là một việc phải dành thời gian ra để làm mà là một việc các anh chị em luôn luôn làm” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 12).

Đấng Ky Tô trong đám mây

Resurrected Christ (Đấng Ky Tô Phục Sinh), tranh do Robert T. Barrett họa