Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 23–29 tháng Mười. 1 và 2 Ti Mô Thê; Tít; Phi Lê Môn: “Làm Gương cho Các Tín Đồ”


“Ngày 23–29 tháng Mười. 1 và 2 Ti Mô Thê; Tít; Phi Lê Môn: ‘Làm Gương cho Các Tín Đồ,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 23–29 tháng Mười. 1 và 2 Ti Mô Thê; Tít; Phi Lê Môn,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023

Hình Ảnh
ba phụ nữ bước đi bên ngoài đền thờ

Ngày 23–29 tháng Mười

1 và 2 Ti Mô Thê; Tít; Phi Lê Môn

“Phải Làm Gương cho Các Tín Đồ”

Đôi khi thật là hữu ích để tiếp cận việc học thánh thư của anh chị em với một hoặc nhiều câu hỏi hơn trong tâm trí. Hãy mời Thánh Linh hướng dẫn anh chị em đến những câu trả lời khi anh chị em học, và ghi lại bất cứ sự soi dẫn nào mình nhận được.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Trong các bức thư Phao Lô viết cho Ti Mô Thê, Tít, và Phi Lê Môn, chúng ta có một cái nhìn khái quát vào tấm lòng của một tôi tớ của Chúa. Không giống như các bức thư khác của Phao Lô gửi cho toàn thể giáo đoàn, các bức thư này được viết cho các cá nhân—những người bạn thân và cộng sự của Phao Lô trong công việc của Thượng Đế—và việc đọc các bức thư đó cũng giống như lắng nghe một cuộc trò chuyện riêng tư. Chúng ta thấy Phao Lô khuyến khích Ti Mô Thê và Tít, hai người lãnh đạo của các giáo đoàn, trong sự phục vụ của họ trong Giáo Hội. Chúng ta thấy ông khẩn nài người bạn của mình là Phi Lê Môn hãy hòa giải với một người đồng Thánh Hữu và đối xử với người ấy như một người anh em trong phúc âm. Những lời của Phao Lô không trực tiếp nói với chúng ta, và ông có lẽ chưa bao giờ cho rằng một ngày nào đó lại có rất nhiều người sẽ đọc chúng. Tuy nhiên chúng ta tìm thấy trong các bức thư này lời khuyên bảo và khuyến khích dành cho chúng ta, bất kể giáo vụ riêng của chúng ta trong sự phục vụ Đấng Ky Tô là gì đi nữa.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Ti Mô Thê và Tít là ai?

Ti Mô Thê và Tít đã phục vụ cùng với Phao Lô trong một số cuộc hành trình truyền giáo của ông. Trong những sự phục vụ này, họ đã có được sự tôn trọng và tin cậy của Phao Lô. Về sau Ti Mô Thê được kêu gọi với tư cách là một người lãnh đạo Giáo Hội ở Ê Phê Sô, và Tít được kêu gọi với tư cách là một người lãnh đạo ở Cơ Rết. Trong các bức thư này, Phao Lô đã viết cho Ti Mô Thê và Tít lời chỉ dẫn và khuyến khích về trách nhiệm của họ, mà gồm có việc thuyết giảng phúc âm và kêu gọi những người nam phục vụ với tư cách là giám trợ.

Xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Bức Thư của Phao Lô, Các,” “Ti Mô Thê,” “Tít.”

Hình Ảnh
hai người truyền giáo nói chuyện với một người đàn ông

“Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; … mà làm gương cho các tín đồ” (1 Ti Mô Thê 4:12).

1 Ti Mô Thê 4:10–16

“Làm gương cho các tín đồ”

Ti Mô Thê còn khá trẻ, nhưng Phao Lô đã biết rằng ông có thể là một vị lãnh đạo lỗi lạc của Giáo Hội bất chấp tuổi đời còn non trẻ của ông. Phao Lô đã đưa ra cho Ti Mô Thê lời khuyên bảo nào trong 1 Ti Mô Thê 4:10–16? Làm thế nào lời khuyên bảo này giúp anh chị em dẫn dắt những người khác đến cùng Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài?

Xin xem thêm An Ma 17:11.

2 Ti Mô Thê

“Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ.”

2 Ti Mô Thê được cho là bức thư cuối cùng Phao Lô viết, và dường như ông đã biết rằng thời gian của ông trên trần thế rất ngắn ngủi (xin xem 2 Ti Mô Thê 4:6–8). Ti Mô Thê có thể đã cảm thấy như thế nào khi biết rằng ông sẽ sớm mất đi người cố vấn và lãnh đạo đáng tin cậy của mình? Phao Lô đã nói điều gì để khuyến khích ông? Anh chị em cũng có thể vừa đọc vừa nghĩ đến những thử thách và nỗi sợ hãi của riêng mình. Chúa có những sứ điệp nào về niềm hy vọng và sự khích lệ dành cho anh chị em trong 2 Ti Mô Thê?

Xin xem thêm Kelly R. Johnson, “Quyền Năng để Chịu Đựng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 112–114.

2 Ti Mô Thê 3

Việc sống theo phúc âm mang đến sự an toàn trước những mối hiểm nguy thuộc linh trong những ngày sau cùng.

Chúng ta đang sống trong “những ngày sau” mà Phao Lô đã nói đến, và “những thời kỳ khó khăn” đã đến (2 Ti Mô Thê 3:1). Trong khi anh chị em đọc 2 Ti Mô Thê 3, hãy viết xuống những hiểm họa trong những ngày sau mà đã được đề cập đến (xin xem thêm 1 Ti Mô Thê 4:1–3):

Anh chị em có thể nghĩ đến những ví dụ về những nguy hiểm này trong thế giới xung quanh mình—hoặc trong cuộc sống của chính mình không? Làm thế nào những khó khăn này, như những kẻ được mô tả trong câu 6, “lẻn vào [nhà chúng ta], quyến dụ lòng [anh chị em]”? Anh chị em tìm thấy lời khuyên nào trong 2 Ti Mô Thê 3, và ở những nơi khác trong các bức thư này, mà có thể giữ anh chị em và gia đình mình được an toàn khỏi những mối hiểm nguy thuộc linh này? (Xin xem, ví dụ, 1 Ti Mô Thê 1:3–11; 2 Ti Mô Thê 2:15–16; Tít 2:1–8).

Phi Lê Môn là ai?

Phi Lê Môn là một Ky Tô hữu đã được cải đạo theo phúc âm bởi Phao Lô. Phi Lê Môn có một người nô lệ tên là Ô Nê Sim, là người dường như đã trốn đến Rô Ma. Ở đó, Ô Nê Sim gặp Phao Lô và cải đạo theo phúc âm. Phao Lô gửi Ô Nê Sim về với Phi Lê Môn với một lá thư khuyến khích Phi Lê Môn tiếp nhận Ô Nê Sim “không coi như tôi mọi nữa, nhưng coi hơn tôi mọi, coi như anh em yêu dấu” (Phi Lê Môn 1:16).

Phi Lê Môn

Các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô đối xử với nhau như anh chị em.

Khi anh chị em đọc bức thư của Phao Lô gửi cho Phi Lê Môn, hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể áp dụng lời khuyên dạy của ông vào mối quan hệ của mình với những người khác. Dưới đây là một số câu hỏi anh chị em có thể cân nhắc:

  • Các câu 1–7: Những từ như “cùng làm việc” và “bạn cùng đánh trận” gợi cho anh chị em điều gì về các mối quan hệ giữa Các Thánh Hữu? Có khi nào anh chị em đã cảm thấy “được yên ủi” bởi một người anh em hoặc chị em trong Đấng Ky Tô không?

  • Các câu 8–16: “truyền dạy” và “nài xin” có nghĩa là gì? Tại sao Phao Lô đã chọn để nài xin Phi Lê Môn thay vì truyền dạy ông? Phao Lô đã hy vọng điều gì sẽ được thực hiện khi gửi Ô Nê Sim trở về với Phi Lê Môn?

  • Câu 16: Ý nghĩa của việc trở thành “anh [chị] em yêu dấu … trong Chúa” là gì? Anh chị em có biết một người nào đó mà mình cần phải nhận được theo cách này không?

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

1 Ti Mô Thê 2:9–10.“[Trang hoàng bản thân với] … việc lành” có nghĩa là gì? Một số việc lành nào gia đình chúng ta có thể làm tuần này? Anh chị em có thể cùng nhau hát một bài hát về việc làm điều thiện, chẳng hạn như “Ta Đã Làm Điều Gì Tốt?” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 34).

1 Ti Mô Thê 4:12.Để giúp mọi người trong gia đình anh chị em mong muốn “làm gương cho các tín đồ,” hãy cân nhắc việc mời họ vẽ hình minh họa về những người mà đã là tấm gương tốt đối với họ. Những người này đã soi dẫn chúng ta noi theo Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào? Sứ điệp của Chủ Tịch Thomas S. Monson “Hãy Làm Gương và Làm Một Ánh Sáng” (Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 86– 88) có thể cung cấp một số ý kiến về cách làm gương cho người khác.

1 Ti Mô Thê 6:7–12.Anh chị em nghĩ tại sao “sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác”? Việc tập trung cuộc sống của mình vào tiền bạc hoặc tài sản sẽ dẫn đến những mối hiểm nguy nào? Làm thế nào chúng ta có thể hài lòng với các phước lành mình có?

2 Ti Mô Thê 3:14–17.Theo những câu này, những phước lành nào đến với những người biết và học thánh thư? Có lẽ mọi người trong gia đình có thể chia sẻ những đoạn thánh thư họ tìm thấy mà đặc biệt “có ích.”

Phi Lê Môn 1:17–21.Phao Lô sẵn lòng làm điều gì cho Ô Nê Sim? Điều này giống với việc Đấng Cứu Rỗi sẵn lòng làm cho chúng ta như thế nào? (xin xem thêm 1 Ti Mô Thê 2:5–6; Giáo Lý và Giao Ước 45:3–5). Làm thế nào chúng ta có thể noi theo những tấm gương của Phao Lô và Đấng Cứu Rỗi?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài thánh ca gợi ý: “Tấm Lòng Yêu Mến của Đấng Chăn Lành,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 221.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Giảng dạy giáo lý rõ ràng và giản dị. Phúc âm thật đẹp trong sự giản dị (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 133:57). Thay vì cố gắng tiêu khiển, gia đình anh chị em với những bài học đòi hỏi phải chuẩn bị nhiều, hãy cố gắng giảng dạy giáo lý thanh khiết và giản dị (xin xem 1 Ti Mô Thê 1:3–7).

Hình Ảnh
hai đứa em đang học thánh thư

“Từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Giê Su Ky Tô.” (2 Ti Mô Thê 3:15).

In