“Ngày 2–8 tháng Mười. Ê Phê Sô: ‘Để Các Thánh Đồ Được Trọn Vẹn,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)
“Ngày 2–8 tháng Mười. Ê Phê Sô,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023
Ngày 2–8 tháng Mười
Ê Phê Sô
“Để Các Thánh Đồ Được Trọn Vẹn”
Anh chị em có thấy bất cứ điều gì liên quan giữa các sứ điệp trong đại hội trung ương và Thư của Phao Lô gửi cho người Ê Phê Sô không?
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Khi phúc âm bắt đầu được phổ biến ở thành Ê Phê Sô, nó làm cho “có sự loạn lớn” (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:23) giữa dân Ê Phê Sô. Thợ thủ công địa phương là những người tạo ra vật thờ cúng cho một nữ thần ngoại đạo đã xem Ky Tô giáo là một mối đe dọa đối với công ăn việc làm của họ, và chẳng mấy chốc họ “bèn nổi giận lắm, … cả thành thảy đều rối loạn” (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 19:27–29). Hãy tưởng tượng việc là một người mới cải đạo vào phúc âm trong một hoàn cảnh như thế. Nhiều người Ê Phê Sô đã chấp nhận và sống theo phúc âm giữa “sự dấy loạn” này (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:40), và Phao Lô đảm bảo với họ rằng “Đấng Ky Tô … là sự hòa hiệp của chúng ta” (Ê Phê Sô 2:13–14). Những lời này, cùng với lời mời gọi của ông “phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc” (Ê Phê Sô 4:31), dường như thích hợp và đầy an ủi cho thời của chúng ta cũng như vào lúc đó. Đối với người Ê Phê Sô, cũng như đối với mỗi chúng ta, sức mạnh để đương đầu với nghịch cảnh đến từ “trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài” (xin xem Ê Phê Sô 6:10–13).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Thượng Đế đã chọn, hoặc tiền sắc phong tôi để làm tròn các trách nhiệm cụ thể trên thế gian.
Phao Lô nói về Các Thánh Hữu đã được Thượng Đế “định trước” và “chọn … trước khi sáng thế” để làm dân của Ngài. Tuy nhiên, như Chủ Tịch Henry B. Eyring đã lưu ý, điều này không có nghĩa “rằng Thượng Đế chắc hẳn đã quyết định trước những người nào trong số các con cái của Ngài mà Ngài sẽ cứu rỗi và làm cho phúc âm có sẵn cho họ, trong khi những người chưa bao giờ nghe tới phúc âm thì đơn giản là không được ‘chọn.’ … Kế hoạch của Thượng Đế thì đầy yêu thương và công bằng hơn kết luận đó rất nhiều. Cha Thiên Thượng của chúng ta đang tha thiết quy tụ và ban phước cho tất cả gia đình của Ngài” (“Quy Tụ Gia Đình của Thượng Đế Lại,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 20–21). Tất cả các con cái của Thượng Đế đều có thể chấp nhận phúc âm và các giáo lễ của phúc âm nhờ công việc được thực hiện cho người chết trong các đền thờ thánh.
Mặc dù không ai được định trước là sẽ được cứu rỗi hay không được cứu rỗi, điều mặc khải hiện đại dạy rằng một số con cái của Thượng Đế đã được chọn, hoặc “tiền sắc phong” trong tiền dương thế để làm tròn những trách nhiệm nhất định trong việc hoàn thành các mục đích của Thượng Đế trên thế gian. Khi anh chị em đọc Ê Phê Sô 1, hãy suy ngẫm về việc lẽ thật này áp dụng cho anh chị em như thế nào.
Thượng Đế sẽ “hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Ky Tô.”
Anh chị em nghĩ tại sao thời kỳ của chúng ta được gọi là “gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn”? “Hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Ky Tô” có thể có nghĩa là gì? Trong khi anh chị em suy ngẫm các cụm từ này, hãy đọc các đoạn thánh thư sau đây: Ê Phê Sô 4:13; 2 Nê Phi 30:7–8; Giáo Lý và Giao Ước 110:11–16; 112:30–32; 128:18–21. Anh chị em có thể cảm thấy được soi dẫn để viết xuống những lời giải thích riêng của mình về các cụm từ này.
Xin xem thêm bài của Anh Cả David A. Bednar, “Hội Hiệp Muôn Vật Lại trong Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 21–24.
Ê Phê Sô 2:19–22; 3:1–7; 4:11–16
Giáo Hội được thành lập dựa trên các vị sứ đồ và các vị tiên tri, và Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà.
Theo như Ê Phê Sô 2:19–22; 3:1–7; 4:11–16, tại sao chúng ta có các vị tiên tri và sứ đồ? Hãy nghĩ về các sứ điệp từ các vị tiên tri và sứ đồ mà anh chị em đã nghe trong đại hội trung ương. Những lời giảng dạy của họ làm tròn các mục đích mà Phao Lô đã mô tả như thế nào? Ví dụ, làm thế nào những lời giảng dạy của họ đã giúp anh chị em không bị “dời đổi theo chiều gió của đạo lạc”?
Chúa Giê Su Ky Tô giống viên đá góc nhà của Giáo Hội như thế nào? Ngài giống viên đá góc nhà đối với cuộc sống của anh chị em như thế nào?
Xin xem thêm Công Vụ Các Sứ Đồ 4:10–12.
Việc noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi có thể củng cố các mối quan hệ gia đình của tôi.
Trong khi đọc Ê Phê Sô 5:21–6:4, hãy nghĩ về cách mà lời khuyên dạy trong các câu này có thể củng cố các mối quan hệ trong gia đình anh chị em.
Là điều quan trọng để chú ý rằng những lời của Phao Lô trong Ê Phê Sô 5:22–24 đã được viết ra trong bối cảnh là những tập quán xã hội của thời đại ông. Các vị tiên tri và sứ đồ ngày nay dạy rằng người nam không hơn gì người nữ và vợ chồng là “những người bạn đời bình đẳng” (xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org). Ngay cả như vậy, anh chị em vẫn có thể tìm thấy lời khuyên bảo thích hợp trong Ê Phê Sô 5:25–33. Ví dụ, làm thế nào Đấng Ky Tô cho thấy tình yêu thương của Ngài dành cho các Thánh Hữu? Điều này ám chỉ điều gì về cách hai người phối ngẫu, với tư cách là những người bạn đời bình đẳng, nên đối xử với nhau? Những sứ điệp nào anh chị em tìm thấy cho mình trong các đoạn này?
Áo giáp của Thượng Đế sẽ giúp bảo vệ tôi khỏi quỷ dữ.
Khi anh chị em đọc Ê Phê Sô 6:10–18, hãy cân nhắc lý do Phao Lô đã đặt tên cho mỗi khí giới như ông đã làm. “Mọi khí giới của Đức Chúa Trời” bảo vệ anh chị em khỏi điều gì? Anh chị em có thể làm gì để mang lên mình mỗi khí giới một cách trọn vẹn hơn mỗi ngày?
Xin xem thêm 2 Nê Phi 1:23; Giáo Lý và Giao Ước 27:15–18.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Ê Phê Sô 1:10.Để giảng dạy về câu này, Anh Cả David A. Bednar sử dụng ví dụ về một sợi dây thừng (xin xem “Hội Hiệp Muôn Vật Lại trong Đấng Ky Tô”). Cân nhắc việc cho mọi người trong gia đình thấy một sợi dây thừng và để cho họ cầm và xem xét sợi dây đó trong khi anh chị em chia sẻ những phần trong sứ điệp của Anh Cả Bednar. Thượng Đế đang quy tụ tất cả mọi vật lại với nhau trong Đấng Ky Tô bằng cách nào? Chúng ta được ban phước như thế nào nhờ vào sự quy tụ này?
-
Ê Phê Sô 2:4–10; 3:14–21.Mời mọi người trong gia đình chia sẻ những kinh nghiệm trong đó họ cảm thấy tình yêu thương và lòng thương xót của Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô như được mô tả trong các câu này.
-
Ê Phê Sô 2:12–19.Gia đình anh chị em có thể thích dựng tường thành bằng gối hoặc các đồ vật khác mình có trong nhà, rồi sau đó phá sập chúng. Trong khi Phao Lô đề cập đến “bức tường” giữa dân Ngoại và dân Do Thái, thì có những bức tường nào ngăn cách con người ngày nay? Chúa Giê Su Ky Tô đã “phá đổ” các bức tường này bằng cách nào? Ngài “làm [chúng ta] hòa thuận với Đức Chúa Trời” bằng cách nào? (câu 16).
-
Ê Phê Sô 6:10–18.Gia đình anh chị em có thể tự làm “khí giới của Đức Chúa Trời” khi sử dụng những đồ dùng trong nhà. Mỗi khí giới có thể bảo vệ chúng ta về phần thuộc linh như thế nào? Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ nhau “mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời” (Ê Phê Sô 6:11) mỗi ngày?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài thánh ca gợi ý: “Đấng Cứu Chuộc Y Sơ Ra Ên,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 5.