Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 3–9 tháng Mười. Ê Sai 58–66: “Đấng Cứu Chuộc Sẽ Đến Si Ôn”


“Ngày 3–9 tháng Mười. Ê Sai 58–66: ‘Đấng Cứu Chuộc Sẽ Đến Si Ôn,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 3–9 tháng Mười. An Ma 58–66,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
Chúa Giê Su đang giảng dạy trong một nhà hội

Jesus in the Synagogue at Nazareth (Chúa Giê Su trong Nhà Hội tại Na Xa Rét), tranh do GregK. Olsen họa

Ngày 3–9 tháng Mười

Ê Sai 58–66

“Đấng Cứu Chuộc Sẽ Đến Si Ôn”

Trong khi học Ê Sai 58–66, hãy suy ngẫm cách mà những lời của Ê Sai mang đến cho anh chị em niềm vui và hy vọng về tương lai.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Ban đầu trong giáo vụ trần thế của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã đến thăm một nhà hội tại Na Xa Rét, ngôi làng nơi Ngài lớn lên. Tại đó, Ngài đứng dậy đọc từ thánh thư, mở sách Ê Sai, và đọc điều mà giờ đây chúng ta biết là Ê Sai 61:1–2. Rồi Ngài phán rằng: “Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà các ngươi mới vừa nghe đó.” Đây là một trong những lời tuyên phán thẳng thắn nhất của Đấng Cứu Rỗi rằng Ngài là Đấng Được Xức Dầu, Đấng sẽ chữa lành người đau khổ, và “rao cho kẻ bị cầm được tha” (xin xem Lu Ca 4:16–21). Đoạn thánh thư này thật sự đã được ứng nghiệm vào ngày đó. Và, giống như nhiều lời tiên tri khác của Ê Sai, nó tiếp tục được ứng nghiệm trong thời đại chúng ta. Đấng Cứu Rỗi tiếp tục chữa lành tất cả những người đau khổ mà đến cùng Ngài. Vẫn còn có nhiều người bị cầm tù cần được rao giảng sự giải thoát. Và có một tương lai huy hoàng để đón nhận—khi mà Chúa sẽ “dựng trời mới đất mới” (Ê Sai 65:17) và “làm cho sự công bình và sự khen ngợi nứt ra trước mặt mọi dân tộc” (Ê Sai 61:11). Việc đọc Ê Sai mở mắt cho chúng ta thấy điều Chúa đã, đang, và sẽ làm vì dân Ngài.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Ê Sai 58:3–12

Nhịn ăn mang lại các phước lành.

Những câu thánh thư này gợi ý rằng đối với nhiều người Y Sơ Ra Ên thời xưa, việc nhịn ăn là một gánh nặng hơn là một phước lành. Đôi khi, nhiều người chúng ta có thể hiểu được cảm nghĩ đó. Nếu anh chị em thích tìm thấy nhiều ý nghĩa và mục đích hơn trong việc nhịn ăn của mình, thì hãy đọc Ê Sai 58:3–12 để tìm câu trả lời của Chúa cho câu hỏi “Tại sao chúng ta nhịn ăn?” Trong kinh nghiệm của anh chị em, nhịn ăn có thể “bẻ những xiềng hung ác” và “mở những trói của ách” như thế nào? (Ê Sai 58:6). Nhịn ăn mang lại cho anh chị em các phước lành được mô tả trong Ê Sai 58:8–12 như thế nào? Ê Sai 58:3–12 ảnh hưởng đến cách anh chị em nghĩ về nhịn ăn ra sao?

Trong sứ điệp của mình “Há Chẳng Phải Là Sự Kiêng Ăn Mà Ta Chọn Lựa Hay Sao?” (Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 22–25), Chủ Tịch Henry B. Eyring đã chia sẻ một vài ví dụ về cách mà nhiều người đã được ban phước nhờ nhịn ăn và các của lễ nhịn ăn. Anh chị em đã chứng kiến các phước lành tương tự nào trong cuộc sống của mình?

Ê Sai 59:9–21; 61:1–3; 63:1–9

Chúa Giê Su Ky Tô Là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của tôi.

Trong Ê Sai 58–66, anh chị em sẽ tìm thấy nhiều đoạn thánh thư nói về sứ mệnh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Sau đây là một số ví dụ, cùng với những câu hỏi để giúp anh chị em suy ngẫm.

  • Isaiah 59:9–21. Anh chị em sẽ tóm tắt tình trạng thuộc linh của những người được mô tả trong các câu 9–15 như thế nào? Điều gì gây ấn tượng với anh chị em về lời mô tả người “cầu thay” trong các câu 16–21 và giao ước Ngài lập với những người hướng về Ngài?

  • Ê Sai 61:1–3. Chúa Giê Su Ky Tô đã ban phước anh chị em theo những cách thức được mô tả trong các câu này như thế nào? “Tin lành” mà Ngài mang đến cho anh chị em là gì? Ngài đã ban cho anh chị em mão hoa thay vì tro bụi như thế nào?

  • Ê Sai 63:7–9. Anh chị em có thể kể ra “những sự nhân từ” nào của Chúa? Những câu này soi dẫn trong tấm lòng anh chị em các cảm nghĩ nào dành cho Đấng Cứu Rỗi?

Anh chị em tìm thấy các đoạn nào khác nói về Đấng Cứu Rỗi trong Ê Sai 58–66?

Xin xem thêm Mô Si A 3:7; Giáo Lý và Giao Ước 133:46–53.

Hình Ảnh
người phụ nữ thắp đèn dầu làm bằng đất sét từ ngọn đèn trong tay người đàn ông

“Đức Giê Hô Va sẽ làm sự sáng đời đời cho ngươi” (Ê Sai 60:19). A Gift of Light (Món Quà của Sự Sáng), tranh do Eva Timothy họa

Ê Sai 60; 62

“Đức Giê Hô Va sẽ làm sự sáng đời đời cho ngươi.”

Ê Sai 60 62 nói về ánh sáng và bóng tối, con mắt và sự thấy, để giảng dạy về cách mà phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ ban phước thế gian trong những ngày sau cùng. Hãy tìm những khái niệm này, đặc biệt trong Ê Sai 60:1–5, 19–20; 62:1–2. Trong khi anh chị em đọc những chương này, hãy suy ngẫm cách Thượng Đế đang quy tụ con cái Ngài ra khỏi bóng tối để đến với ánh sáng của Ngài. Vai trò của anh chị em trong công việc này là gì?

Xin xem thêm 1 Nê Phi 22:3–12; 3 Nê Phi 18:24; Giáo Lý và Giao Ước 14:9; Bonnie H. Cordon, “Để Họ Thấy Được,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 78–80.

Ê Sai 64:1–5; 65:17–25; 66

Đấng Ky Tô sẽ cai trị thế gian trong Thời Kỳ Ngàn Năm.

Ê Sai đã nói về một ngày khi “những sự khốn nạn trước đã quên hết” (Ê Sai 65:16). Trong khi lời tiên đoán này có một vài cách ứng nghiệm, thì với ý nghĩa trọn vẹn nhất của nó, ngày ấy vẫn chưa đến—là khi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ trở lại thế gian và thiết lập một kỷ nguyên hòa bình và ngay chính được gọi là Thời Kỳ Ngàn Năm. Ê Sai đã mô tả ngày tương lai ấy trong Ê Sai 64:1–5; 65:17–25; 66. Hãy lưu ý cách ông thường hay sử dụng những từ như “vui” và “vui vẻ.” Hãy suy ngẫm lý do tại sao sự trở lại của Đấng Cứu Rỗi sẽ là một ngày vui vẻ đối với anh chị em. Anh chị em có thể làm gì để chuẩn bị cho sự tái lâm của Ngài?

Xin xem thêm Những Tín Điều 1:10; Russell M. Nelson, “Tương Lai của Giáo Hội: Chuẩn Bị Thế Gian cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi,” Liahona, tháng Tư năm 2020, trang 13–17.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Ê Sai 58:3–11.Mọi người trong gia đình có thể hiểu hơn sứ điệp của Ê Sai về nhịn ăn nếu họ đóng diễn các hình thức nhịn ăn được mô tả trong Ê Sai 58:3–5 và trong Ê Sai 58:6–8. Làm thế nào chúng ta có thể làm cho những lần nhịn ăn của mình giống với “sự kiêng ăn mà [Thượng Đế] chọn lựa” hơn? Chúng ta đã thấy những phước lành nào từ việc nhịn ăn?

Ê Sai 58:13–14.Sự khác biệt giữa “theo ý riêng mình” và tìm “[sự] vui thích” trong Chúa vào ngày Sa Bát là gì? Làm thế nào chúng ta có thể làm cho ngày Sa Bát trở thành ngày “vui thích”?

Ê Sai 60:1–5.Trong khi anh chị em đọc Ê Sai 60:1–3, mọi người trong gia đình có thể bật một ngọn đèn khi câu thánh thư nói về ánh sáng và tắt nó đi khi câu thánh thư nói về bóng tối. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô giống một nguồn sáng đối với chúng ta như thế nào? Ê Sai đã trông thấy trước điều gì sẽ xảy ra khi dân của Thượng Đế chia sẻ ánh sáng của phúc âm? (xin xem Ê Sai 60:3–5).

Ê Sai 61:1–3.Đấng Cứu Rỗi đã làm ứng nghiệm những lời tiên tri của Ê Sai trong các câu này như thế nào? Anh chị em có thể mời mọi người trong gia đình tìm kiếm các bức hình về Đấng Cứu Rỗi mà họ cảm thấy minh họa những khía cạnh này về sứ mệnh của Ngài (các bức hình có thể được tìm thấy trong các tạp chí Giáo Hội hoặc Sách Họa Phẩm Phúc Âm). Anh chị em cũng có thể hát một bài về cách Đấng Cứu Rỗi ban phước chúng ta, như là “Tình Yêu của Chúa Ở Gần” (Bạn Hữu, tháng Bảy năm 2021).

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Giờ Đây Chúng Ta Hãy Cùng Vui Mừng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 32.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy chuẩn bị môi trường xung quanh anh chị em. Những gì ở xung quanh chúng ta có thể ảnh hưởng đến khả năng học hỏi của chúng ta. Hãy tìm một nơi học thánh thư mà anh chị em có thể cảm thấy ảnh hưởng của Thánh Linh. (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 15.)

Hình Ảnh
Chúa Giê Su trên trời

“Hãy dấy lên, và sáng lòe ra! Vì sự sáng ngươi đã đến, và vinh quang Đức Giê Hô Va [đã] mọc lên trên ngươi” (Ê Sai 60:1). Light and Life (Sự Sáng và Sự Sống), tranh do Mark Mabry họa

In