Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 17–23 tháng Mười. Giê Rê Mi 30–33; 36; Ca Thương 1; 3: “Ta Sẽ Đổi Sự Sầu Thảm Chúng Nó Ra Vui Mừng”


“Ngày 17–23 tháng Mười. Giê Rê Mi 30–33; 36; Ca Thương 1; 3: ‘Ta Sẽ Đổi Sự Sầu Thảm Chúng Nó Ra Vui Mừng,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 17–23 tháng Mười. Giê Rê Mi 30–33; 36; Ca Thương 1; 3,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
tranh khắc gỗ về tiên tri Giê Rê Mi

The Cry of Jeremiah the Prophet (Tiếng Kêu của Tiên Tri Giê Rê Mi), từ một tranh khắc gỗ được thực hiện bởi các nghệ sĩ thuộc phong trào Nazarene

Ngày 17–23 tháng Mười

Giê Rê Mi 30–33; 36; Ca Thương 1; 3

“Ta Sẽ Đổi Sự Sầu Thảm Chúng Nó Ra Vui Mừng”

Trong khi ghi lại những ấn tượng của anh chị em, hãy nghĩ về cách những nguyên tắc trong Giê Rê Mi và Ca Thương liên quan đến những điều khác mà anh chị em đã học trong Kinh Cựu Ước.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Khi lần đầu tiên kêu gọi Giê Rê Mi trở thành vị tiên tri, Chúa đã phán bảo ông rằng sứ mệnh của ông sẽ “hoặc nhổ, hoặc phá” (Giê Rê Mi 1:10)—và ở Giê Ru Sa Lem, có nhiều sự tà ác cần nhổ bỏ và phá đi. Nhưng đây chỉ là một phần sứ mệnh của Giê Rê Mi—ông cũng được kêu gọi để “dựng, hoặc trồng” (Giê Rê Mi 1:10). Cái gì có thể được dựng hoặc trồng lên trong tàn tích hoang tàn còn lại bởi sự phản nghịch của Y Sơ Ra Ên? Tương tự, khi tội lỗi hoặc nghịch cảnh để lại đống đổ nát trong cuộc sống chúng ta, làm thế nào chúng ta có thể tái thiết và gieo trồng lại? Câu trả lời chính là “Nhánh của sự công bình” (Giê Rê Mi 33:15), tức là Đấng Mê Si đã được hứa. Đấng Mê Si mang đến “một giao ước mới” (Giê Rê Mi 31:31)—giao ước mà đòi hỏi nhiều hơn sự cam kết hời hợt hoặc vẻ sùng kính bề ngoài. Luật pháp của Ngài phải được đặt “trong bụng [chúng ta],” được “chép vào lòng [chúng ta].” Đó là ý nghĩa thật sự của việc Chúa “làm Đức Chúa Trời [chúng ta]” và việc chúng ta “làm dân [Ngài]” (Giê Rê Mi 31:33). Đây là một tiến trình cả đời, và chúng ta vẫn sẽ phạm lỗi lầm và khiến chúng ta than khóc hết lần này đến lần khác. Nhưng khi làm như vậy, chúng ta có lời hứa này từ Chúa: “Ta sẽ đổi sự sầu thảm chúng nó ra vui mừng” (Giê Rê Mi 31:13).

Để có được thông tin khái quát về sách Ca Thương, xin xem “Ca Thương, Sách” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (scriptures.ChurchofJesusChrist.org).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giê Rê Mi 30–31; 33

Chúa sẽ mang Y Sơ Ra Ên ra khỏi cảnh tù đày và quy tụ họ.

Trong Giê Rê Mi 30–31; 33 Chúa nhận biết “tiếng than thở, khóc lóc đắng cay” (Giê Rê Mi 31:15) mà dân Y Sơ Ra Ên sẽ trải qua khi họ rơi vào cảnh tù đày. Tuy nhiên, Ngài cũng ban những lời an ủi và hy vọng. Anh chị em nghĩ những cụm từ nào trong các chương này sẽ mang lại cho dân Y Sơ Ra Ên sự an ủi và hy vọng? Anh chị em tìm thấy những lời hứa nào từ Chúa dành cho dân Ngài? Những lời hứa này có thể áp dụng cho anh chị em như thế nào ngày nay?

Giê Rê Mi 31:31–34; 32:37–42

“Chúng nó sẽ làm dân ta, và ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó.”

Mặc dù dân Y Sơ Ra Ên đã vi phạm giao ước của họ với Chúa, Giê Rê Mi tiên đoán rằng Chúa sẽ lập lại một “giao ước mới” và “đời đời” với dân Ngài (Giê Rê Mi 31:31; 32:40). Giao ước mới và đời đời này là “phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô [xin xem Giáo Lý và Giao Ước 66:2]. Nó được coi là mới mỗi khi nó được tiết lộ lại sau một giai đoạn bội giáo. Nó vĩnh viễn theo nghĩa rằng đó là giao ước của Thượng Đế và nó được thụ hưởng trong mỗi gian kỳ phúc âm nào mà dân chúng sẵn lòng chịu tiếp nhận nó” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Giao Ước Mới và Vĩnh Viễn,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org; kiểu chữ nghiêng được thêm vào).

Trong khi anh chị em đọc Giê Rê Mi 31:31–34; 32:37–42, hãy suy ngẫm việc thuộc vào dân giao ước của Thượng Đế có ý nghĩa gì đối với mình. Những câu này ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em nhìn nhận mối quan hệ giao ước của mình với Thượng Đế? Việc có luật pháp Ngài chép trong lòng anh chị em có ý nghĩa gì? (xin xem Giê Rê Mi 31:33).

Xin xem thêm Giê Rê Mi 24:7; Hê Bơ Rơ 8:6–12.

Hình Ảnh
em bé gái đang học thánh thư

Thánh thư có thể soi dẫn cho chúng ta hối cải và đến cùng Chúa.

Giê Rê Mi 36

Thánh thư có quyền năng giúp tôi tránh xa cái ác.

Chúa đã truyền lệnh cho Giê Rê Mi ghi chép lại những lời tiên tri của ông trong “một cuốn sách,” hay một cuộn sách, với lời giải thích rằng nếu dân chúng chịu nghe nhũng lời tiên tri này, “có lẽ ai nấy đều trở lại khỏi đường xấu mình, hầu cho ta có thể tha sự gian ác [chúng nó]” (Giê Rê Mi 36:2–3). Trong khi anh chị em đọc Giê Rê Mi 36, hãy cân nhắc ghi lại điều mà những người sau đây cảm nhận về những lời tiên tri này:

Chúa:

Giê Rê Mi:

Ba Rúc:

Giê Hu Đi, và Vua Giê Hô Gia Kim:

Ên Na Than, Đê La Gia, và Ghê Ma Ria:

Hãy suy ngẫm về điều anh chị em cảm thấy về thánh thư và vai trò của thánh thư trong cuộc sống của anh chị em. Thánh thư đã giúp anh chị em tránh xa cái ác như thế nào?

Xin xem thêm Julie B. Beck, “Tâm Hồn Tôi Rất Vui Thích Các Thánh Thư,” Liahona, tháng Năm năm 2004, trang 107–109.

Ca Thương 1; 3

Chúa có thể cất đi nỗi buồn khổ mà chúng ta trải qua bởi tội lỗi.

Sách Ca Thương là một tập hợp các bài thơ được viết ra sau sự sụp đổ của Giê Ru Sa Lem và đền thờ ở đó. Anh chị em nghĩ tại sao việc những bài thơ than vãn này được bảo tồn và đưa vào Kinh Cựu Ước lại quan trọng? Hãy suy ngẫm những hình ảnh ẩn dụ trong Ca Thương 13 giúp anh chị em hiểu điều gì về nỗi đau khổ lớn lao mà Y Sơ Ra Ên đã cảm thấy. Anh chị em tìm thấy những sứ điệp nào về hy vọng nơi Đấng Ky Tô? (xin đặc biệt xem Ca Thương 3:20–33; xin xem thêm Ma Thi Ơ 5:4; Gia Cơ 4:8–10; An Ma 36:17–20).

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giê Rê Mi 31:3.Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã cho thấy “sự yêu thương đời đời” của hai Ngài dành cho chúng ta như thế nào? Việc cho thấy các bức hình về những gì Đấng Ky Tô đã tạo ra cho chúng ta hoặc đã làm trong giáo vụ trần thế của Ngài có thể giúp gia đình anh chị em cảm nhận “sự nhân từ” của Ngài.

Giê Rê Mi 31:31–34; 32:38–41.Hãy cân nhắc lập một bản liệt kê những điều Chúa hứa trong các câu này khi chúng ta lập giao ước với Ngài. Những câu này dạy chúng ta điều gì về tầm quan trọng của các giao ước chúng ta?

Mọi người trong gia đình cũng có thể viết (hoặc vẽ) lên các mảnh giấy hình trái tim một điều gì đó cho thấy điều họ cảm nhận về Đấng Cứu Rỗi. Việc có luật pháp Ngài chép trong lòng chúng ta có ý nghĩa gì? (xin xem Giê Rê Mi 31:33). Làm thế nào chúng ta cho Chúa thấy rằng chúng ta muốn là dân của Ngài?

Giê Rê Mi 36.Anh chị em có thể sử dụng Giê Rê Mi 36 như thế nào để giúp gia đình anh chị em học về tầm quan trọng của thánh thư? (để có ví dụ, xin xem các câu 1–6, 10, 23–24, 27–28,32). Anh chị em có thể mời một người trong gia đình đọc một câu thánh thư từ chương này trong khi một người khác chép câu đó xuống, giống như điều Ba Rúc đã làm giúp Giê Rê Mi. Tại sao chúng ta biết ơn cho nỗ lực của những người như Ba Rúc, khi lưu giữ lời của các vị tiên tri? Chúng ta có thể làm gì để cho Chúa thấy rằng chúng ta trân quý lời của Ngài trong thánh thư?

Ca Thương 3:1–17, 21–25, 31–32.Cùng với cả gia đình, anh chị em có thể trò chuyện về cách những cảm nghĩ được bày tỏ trong Ca Thương 3:1–17 có thể giống với những cảm nghĩ chúng ta có khi mắc lỗi. Những sứ điệp trong các câu 21–25, 31–32 có thể tác động đến cuộc sống của chúng ta như thế nào?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Tình Yêu của Chúa ở Gần,” Bạn Hữu, tháng Bảy/Tám năm 2021.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy tìm kiếm sự mặc khải. Khi suy ngẫm trong ngày, anh chị em có thể nhận được thêm những ý kiến và ấn tượng về thánh thư đang học. Đừng nghĩ về việc học hỏi phúc âm giống như một điều gì đó anh chị em phải dành thời gian để làm, mà là một điều gì đó anh chị em luôn luôn làm. (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 12.)

Hình Ảnh
Người đàn ông trong hang đá với vẻ mặt buồn bã trong khi thành phố bốc cháy bên ngoài.

Jeremiah Lamenting the Destruction of Jerusalem (Giê Rê Mi Than Khóc cho Sự Sụp Đổ của Giê Ru Sa Lem), tranh do Rembrandt van Rijn họa

In